Mỗi trang sách mở ra một đức tin


Lê Thiếu Nhơn 
Nhà thơ

Ngày 15-3-2010, Hội sách TP. HCM chính thức khai mạc tại Công viên Lê Văn Tám. Qua sáu lần tổ chức, với số lượng đơn vị tham gia nhiều hơn, với số lượng hoạt động diễn ra phong phú hơn, chất lượng những ngày tôn vinh văn hóa đọc đang dự báo dần dần được nâng lên. Tuy nhiên, thông qua những giao dịch mua bán và những bước chân lướt qua ngắm nghía bao nhiêu bìa sách rực rỡ, một niềm băn khoăn vẫn thường trực chúng ta là, làm sao việc đọc sách trở thành một nhu cầu thực sự của người Việt?


Từ xưa, người Việt với quan niệm “duy hữu độc thư cao” đã xem việc đọc sách như một hành vi sang trọng chỉ dành riêng cho giới tao nhân mặc khách. Rồi theo tiến trình phát triển, việc đọc sách đồng hành với thái độ “học để đổi đời”, đọc sách để thi cử đỗ đạt, đọc sách để thăng quan tiến chức. Và khi kinh tế thị trường ùa đến, thời đại có nhiều cách để làm giàu nên việc đọc sách bỗng trở thành… một thứ xa xỉ, ít thấy được giá trị trước mắt về cơm áo gạo tiền. Nguy hiểm hơn, đâu đó bắt đầu có những ánh mắt không mấy thiện cảm đối với việc đọc sách. Những người sốt ruột với danh lợi, bỗng thấy trang sách chỉ chứa đựng những lý thuyết thô cứng, giáo điều và sáo rỗng. Ở đây, không thể vội vàng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Không phải lỗi những tác giả, không phải lỗi những nhà xuất bản, và càng không phải lỗi những độc giả. Trách nhiệm chia đều cho tất cả chúng ta. Một xã hội tiến bộ đúng nghĩa, khi và chỉ khi mỗi người dân nhận ra giá trị lặng lẽ của việc đọc sách!


Hiện tại, tiếng Việt có khoảng 90 triệu người sử dụng, hoàn toàn không có gì phải mặc cảm trên bảng xếp hạng ngôn ngữ của thế giới. Thế nhưng, số lượng phổ biến nhất cho mỗi ấn phẩm được in tại nước ta nằm ở mức trên dưới 1 ngàn bản, chứng tỏ nhu cầu đọc sách rất thấp. Nguyên nhân chính không phải vì không có thời gian, hoặc không có điều kiện, mà là không có thói quen. Chúng ta chưa có một thống kê qui mô nào về suy tư của những người lạnh lùng với sách, song để người Việt thân thiện với sách phải loại bỏ được ý nghĩ tiêu cực đang tồn tại rằng: mỗi cuốn sách không phải chứa đựng những điều răn dạy, hay những chuyện viển vông. Chúng ta đang có hai động cơ để đọc sách: để nghiên cứu và để giải trí. Như vậy, người Việt đang thiếu vắng động cơ quan trọng nhất để đọc sách là đức tin. Sẽ thật gần gũi, nếu mỗi trang sách mở ra một sự thông cảm! Sẽ thật bổ ích, nếu mỗi trang sách mở ra một sự nâng đỡ!

Đức tin trong mỗi cuốn sách có phải là khái niệm mơ hồ không? Xin thưa, không. Bất kể thể loại sách văn học, thể loại sách kỹ thuật, thể loại sách tài chính hay thể loại sách chính trị, thì đức tin quan trọng vẫn là sự nhận thức về con người. Đức tin của việc đọc sách sẽ được hình dung rõ nét khi chúng ta thấy rằng, trước trang sách không có sự phân biệt sang – hèn hoặc giàu – nghèo, và sự thua thiệt được an ủi, sự lầm lạc được tha thứ, sự đau đớn được xoa dịu. Đức tin ấy hình thành từ sâu thẳm trái tim chúng ta khi tìm đến sách như tìm đến một người cha nghiêm khắc mà độ lượng, như tìm đến một người mẹ hiền hậu và bao dung, như tìm đến một người bạn ân cần và tận tụy!

Nhiều người đang đề nghị một Ngày Đọc Sách cho người Việt. Đó là một đề nghị đáng hoan nghênh. Và chúng ta chỉ có một Ngày Đọc Sách, khi mỗi người Việt ý thức được, việc đọc sách không phải một hành vi toan tính hoặc một hành vi lãng phí, mà mỗi lần mở sách ra là một lần san sẻ những phút giây chân thành nhất của chính mình với cuộc sống nhiều bề bộn hôm nay!

Sài Gòn, 3-2010