Một ngày Sách Việt Nam

Lê Nguyên Đại
GĐ Công ty Sách Thời Đại, UV Thường vụ Hội Xuất bản VN

1. Đặt vấn đề

Người xưa đã cho rằng: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” - đem so sánh thì mọi thứ đều là thấp kém, chỉ có mỗi việc đọc sách mới là cao. Nhận định đó không có ý nghĩa gì liên quan đến chuyện phân biệt giai cấp, chỉ đơn thuần là ca ngợi những ích lợi và tác dụng to lớn của việc đọc sách mà thôi.


Chính vì ý thức rõ ràng về giá trị của việc đọc sách, mà sau này các nhà cách mạng Trung Quốc đã phát động phong trào “độc thư cứu quốc”. Đọc sách là một biện pháp tốt góp phần vào sự nghiệp cứu nước, vì đọc sách có nghĩa là học, đọc sách thì mới có tri thức cần thiết, mới giúp dân trí được nâng cao, từ đó chọn lựa được đường lối đúng trong việc hành động cứu nước.

Lại cũng nhờ đọc sách mà ta có thể làm ăn hiệu quả: “Thư trung kim ngọc vô vàn” (Gia huấn ca). Nhờ đọc sách mà gặp cả giai nhân nữa: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc!” (Gia huấn ca). Nói chung sách là một kho tàng, trong đó chứa đầy đủ mọi thứ ta cần đến.

Cho nên một dân tộc văn hiến mấy ngàn năm như Việt Nam ta mãi đến ngày hôm nay vẫn chưa có một ngày dành riêng cho sách và việc đọc sách thì quả là một sự thiếu sót lớn đến nỗi có thể khiến lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nặng nề!

Thành ra sự cần thiết phải có một ngày cho sách là quan điểm hoàn toàn không có gì khó khăn để tìm được sự đồng thuận trong những người có quan tâm. Vấn đề còn lại chỉ là việc chọn danh xưng và thời điểm.

2. Danh xưng

Có lẽ nên chọn tên gọi “Ngày Sách Việt Nam” thay cho các ý tưởng “Tết đọc sách cho người Việt” hoặc “Ngày đọc sách.”

Thứ nhất, ý tưởng “Tết đọc sách” hãy còn rất xa lạ trong tập quán của người Việt. Người ta chỉ quen nghe Tết dương lịch; Tết nguyên đán; Tết nguyên tiêu; Tết đoan ngọ; Tết trung thu… toàn là theo trật tự ngày tháng, ngay cả “Tết trông trăng” - một tên gọi khác của Tết trung thu cũng họa hoằn lắm mới được dùng.

Thứ hai, nếu sử dụng tên gọi “Ngày đọc sách” thì lại thu hẹp và hạ thấp ý nghĩa của đối tượng cần tôn vinh. Hơn nữa cụm từ “Ngày đọc sách” lại có thể gây ra một ngộ nhận hình thức rằng chỉ có ngày (nào) đó thì mới đọc sách còn các ngày khác thì không đọc!

Chọn danh xưng “Ngày Sách Việt Nam” - thay khái niệm “đọc sách” bằng một từ “sách” mà thôi thì nội hàm lại rộng thêm rất nhiều. Tên gọi này sẽ bao gồm các hoạt động đa dạng: không chỉ là đọc sách, mà còn là việc làm sách, biên soạn, xuất bản, in, phát hành, việc quảng bá sách, hoặc sưu tầm sách v.v…

Nhờ thế nội dung của ngày kỷ niệm sẽ phong phú, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ cho nền văn hóa đọc phát triển. Thậm chí còn có thể đẩy xa vấn đề hơn nữa để coi “Ngày Sách” là ngày tôn vinh một thứ giá trị cao cả của đời sống tinh thần dân tộc, để vận động hình thành và từng bước khẳng định một tập quán văn hóa thiêng liêng của con người Việt Nam thời đại mới. Có thể ký thác vào đó một niềm lạc quan lãng mạn rằng biết đâu thái độ đúng mực đối với tập quán văn hóa đậm màu sắc tinh thần, trí tuệ và truyền thống này của một dân tộc vốn chuộng văn chương chữ nghĩa (Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ - Ca dao) sẽ góp phần tích cực, hữu hiệu trong việc chống lại hoặc ngăn chặn được các thứ văn hóa lai căng, nông cạn, thậm chí bợm bãi, hạ cấp đang ngày càng lan rộng trong xã hội ngày nay, đe dọa vùi lấp hết các giá trị chân chính.

3. Chọn ngày nào cho thích hợp?

Đến đây việc cần thiết còn lại là cùng nhau thảo luận xem thử ngày nào trong năm là thích hợp cho sự tôn vinh chính đáng, thậm chí thiêng liêng đó, sao cho công chúng được thuận lợi trong việc thể hiện sự trân trọng, tôn kính của họ?

Tôi đang liên tưởng đến những lễ hội mùa xuân, biết đâu sau này dân tộc văn hiến này lại không tiến hành một Ngày Sách Việt Nam trong đời sống tinh thần giống như đã bày tỏ sự chiêm bái ngưỡng mộ đối với các danh nhân lịch sử trong các lễ hội Phủ Giầy, Đống Đa… hay đối với các huyền thoại tín ngưỡng dân gian khác?

Chọn một ngày đẹp như Tết nguyên tiêu thì hôm đó đã có Ngày Thơ rồi. Hay là, ngày 16 tháng Giêng cũng gợi vẻ đẹp tinh thần, thanh thoát nhẹ nhàng như con nhà thư hương vậy!

Thử xem xét: vào thời điểm sớm sủa đầu xuân, tiến hành lễ hội sách cũng trân trọng như người ta khai bút vậy. Nếu chọn ngày 16 tháng Giêng thì Ngày Thơ đi trước mở đường cho Ngày Sách theo sau tuy ngẫu nhiên mà cũng hợp tình hợp lý!

Chọn ngày 23 tháng 4 trùng với “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới” chăng? Điều đó cũng có thể là một giải pháp tốt, vì tìm một ngày nào đó theo chiều dài lịch sử nước nhà có liên quan đến sách mà có đủ quy mô, tầm vóc xứng đáng là điều không thể - như ngày cuốn sách đầu tiên được biên soạn hay công bố, ngày quốc sử quán đầu tiên được thành lập, hay ngay như ngày sinh, ngày mất của một nhà bác học như Lê Quý Đôn đều không hề có ghi trong sử sách. Hơn nữa, ngày 23/4 dương lịch thường nhằm vào khoảng cuối tháng 3 âm lịch, cũng là nằm trong mùa lễ hội.

Thêm một liên tưởng khác, ngày của sách cũng nhắc đến ngày của Thầy. Ngày 20 tháng 11 đã là Ngày Nhà giáo Việt Nam, vậy ngày 21 tháng 11 chọn làm Ngày Sách Việt Nam được chăng? Việc chọn thời điểm gắn theo một sự kiện quan trọng có liên hệ xa gần như thế nào đấy, sẽ tạo nên thuận lợi rất nhiều trong thời gian đầu khi sự tôn vinh sách chưa thành tập quán của công chúng.

Trên đây là một số gợi ý để thảo luận về việc chọn thời điểm tối ưu cho Ngày Sách Việt Nam còn để ngõ. Chúng tôi quan niệm rằng đây là sự kiện lớn trong đời sống tinh thần dân tộc, cần có sự đồng thuận sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng của các bậc thức giả khắp nơi, có mặt cũng như không có mặt trong buổi hội thảo thú vị này.

TP. Hồ Chí Minh, 18/03/2010