Tướng tiên phong trong hội nhập tri thức


Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Chủ tịch sáng lập Tổ chức Giáo dục PACE, là nhân vật quen thuộc của truyền thông Việt Nam trong suốt những năm gần đây với nhiều câu chuyện thú vị về giáo dục, về sự học, về doanh trí, về hội nhập... Cuộc trò chuyện với tạp chí Thế Giới Mới kỳ này tập trung vào một chủ đề quan trọng: SÁCH, mà ông không ngần ngại gọi là “tướng tiên phong trong công cuộc hội nhập tri thức” của người Việt.

Nhanh nhất, dễ nhất, rẻ nhất

Hội nhập, sánh vai, đua tranh… là những từ ông thường đề cập khi xuất hiện trên báo chí. Theo ông Việt Nam chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Khi nói đến hội nhập thế giới, nói đến tinh thần đua tranh, thì điều quan trọng đầu tiên nhất phải nói đến là hội nhập về tri thức, đua tranh về tri thức. Mà một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất để hội nhập về tri thức là sách. Bởi vì sách là công cụ tốt nhất để kéo Việt Nam gần hơn với thế giới. Thử hỏi có bao nhiêu người dân Việt Nam có đủ tiền để ra với thế giới, bao nhiêu người dân có tiền để du học, bao nhiêu bộ óc vĩ đại của thế giới có thể đến Việt Nam, mà nếu có thì bao nhiêu người Việt có cơ hội được gặp họ… Nhưng thông qua sách, đại đa số người dân, kể cả người nghèo, đều có thể có đủ điều kiện để tiếp cận được với những đỉnh cao tri thức, tiếp cận được với những bộ óc vĩ đại của thế giới trong tất cả mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Sách, do vậy, nên là, phải là “tướng tiên phong” trong công cuộc hội nhập về tri thức của người Việt ta.


Ông có thể chia sẻ một câu chuyện nào đó trên thế giới về hội nhập bằng sách mà ông tâm đắc?

Nước Nhật là ví dụ rất thú vị về đọc sách. Trước khi Minh Trị thực hiện cuộc canh tân hơn 100 năm trước đây, nước Nhật cũng như nhiều nước khác thôi: nghèo, lạc hậu và hầu như cũng ít ai đọc sách. Khi Minh Trị tiến hành cuộc canh tân đất nước, họ đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới và nói rằng, “rời khỏi châu Á”, “nước Nhật không thuộc về châu Á” (dù nước Nhật nằm ở châu Á). Nghĩa là Nhật Bản đã xác định phương Tây làm “mức xà” để đua tranh và vượt qua mà không thèm quan tâm tới các nước châu Á khác, vì lúc đó có nhất châu Á thì cũng chẳng là gì của thế giới. Một trong những người khởi xướng chủ trương này là Fukuzawa Yukichi, nhà khai sáng và là nhà giáo dục vĩ đại của nước Nhật (người được in hình lên tờ 10.000 Yên, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất Nhật Bản hiện nay).

Để làm được điều đó, Nhật Bản đưa ra khẩu hiệu “Hòa thần dương khí”, tức là “tinh thần Nhật Bản và tinh hoa phương Tây”, phải chấn hưng tinh thần dân tộc của nước Nhật và “lột sạch” tinh hoa của phương Tây mang về “xài”. Thực hiện chủ trương này, họ đã tổ chức dịch thuật hầu hết những cuốn sách tinh hoa của thế giới ra tiếng Nhật và phủ đều lên toàn bộ quốc dân của mình. Khi toàn nước Nhật được khơi gợi cảm hứng, tinh thần đua tranh với phương Tây thì lập tức bất cứ người Nhật nào cũng mong muốn có năng lực để tham gia vào cuộc đua tranh đó, mà muốn có năng lực đua tranh thì phải học, mà học thì phải học gì: tinh hoa của phương Tây. Tức là học tinh hoa của phương Tây để có năng lực cạnh tranh sòng phẳng với phương Tây. Nhật là quốc gia có rất ít người đoạt giải Nobel, nhưng về mặt khoa học công nghệ thì hàng đầu thế giới. Họ có khả năng sử dụng, ứng dụng rất hiệu quả tri thức của các chủ nhân giải Nobel và những bộ óc vĩ đại khác trong lịch sử thế giới. Mỗi cuốn sách tinh hoa khi chưa dịch xong thì người ta đã chờ đợi để giành lấy nó, mua nó và đọc bằng được với tất cả sự khát khao ghê gớm. Có những cuốn sách như “Bàn về tự do” số phát hành lên tới vài triệu bản trong khi dân Nhật hồi đó chỉ khoảng 40 triệu người.

Theo ông người Việt Nam có thể học hỏi được gì từ câu chuyện thú vị này?

Tại sao đa số người Nhật lại có khát vọng đọc ghê gớm như vậy? Điều này phải đi từ động cơ đọc. Động cơ đó xuất phát từ khát vọng dân tộc. Từ khát vọng chung của cả dân tộc mới tạo ra khát vọng đua tranh của mỗi người dân. Từ khát vọng đua tranh sẽ dẫn tới khát vọng học, rồi từ khát vọng học mới tạo ra khát vọng đọc.

Tôi nghĩ, tinh thần quan trọng nhất của người Việt trong thời đại ngày nay, như đã nói ở trên, không thể là cái gì khác mà phải là tinh thần đua tranh, khát vọng sánh vai. Khi đã xác định được rõ ràng tâm thế đó của cả dân tộc, tự khắc mỗi người dân sẽ nảy sinh khát vọng và từ đó mới dẫn đến những hành động tương xứng với khát vọng của mình.

Nói sách đắt là xúc phạm tri thức

Vai trò của sách quan trọng như vậy nhưng hình như ở nước ta sự đọc vẫn còn chưa được coi trọng, một bằng chứng là ít khi thấy người Việt cầm trên tay cuốn sách, tờ báo, một hình ảnh rất dễ gặp ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đến Việt Nam?

Không cần đến các nghiên cứu, chỉ bằng quan sát, ai cũng nhìn thấy được là so với nhiều nước khác, người Việt mình đọc sách ít hơn (kể cả sách in và sách trên mạng), văn hóa đọc của mình chưa phát triển bằng nhiều nước khác. Nói về văn hóa đọc thì có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có thể người Việt Nam không có thói quen đọc sách trong một thời gian dài do chúng ta thiếu sách và do chưa có nhiều sách hay. Thứ hai, đọc có nhiều mục đích, đọc để học và đọc để giải trí, nhưng đa số còn chưa nghĩ là cần phải nâng cao năng lực bằng tri thức (sách), mà chủ yếu là bằng kinh nghiệm.

Giờ thì tình hình đã khác, nhiều sách hay, phong phú, đa dạng, đủ mọi lĩnh vực. Có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam sách lại nhiều như bây giờ. Từ chỗ ít có cái để đọc, người Việt lại rơi vào tình trạng không biết phải chọn, phải đọc sách nào trong một biển sách mênh mông.

Một sự thật buồn lòng là có những tựa sách tuyệt vời xuất bản hàng triệu, hàng vạn bản ở các nước khác, khi vào Việt Nam, với bao nhiêu thời gian, công sức dịch, phát hành, nhưng chỉ bán được vài nghìn bản.

Ta hay nói là ít đọc là vì ngày nay nghe nhìn lấn lướt, nhưng ở các nước khác, phương tiện nghe nhìn và Internet còn phát triển hơn ta nhiều, song vai trò của sách vẫn không thể thay thế được, nhất là sách in.

Cùng sáng lập ra “SachHay.com” và “Thư Viện Online”, những ý tưởng hết sức thú vị và mang đầy ý nghĩa phụng sự xã hội, phải chăng ông đang quyết tâm kéo người Việt trở lại với sách?

Đây thực ra là những dự án về giáo dục với tâm huyết của nhiều người, mà mục tiêu cuối cùng của giáo dục là thay đổi con người và phát triển con người. Để làm được điều đó thì phải tạo nhiều cơ hội để mọi người dễ tiếp cận với tri thức, mà một trong những công cụ tốt nhất là sách và thông qua Internet. Khởi thủy của SachHay.com là blog sách của cá nhân, mình thấy cuốn sách nào hay thì đưa lên để người quen có thể biết và tìm đọc. Nhưng một mình mình đọc và giới thiệu thì không được bao nhiêu. Tại sao mình không kêu gọi mọi người cùng làm. Bản tính của con người là chia sẻ, nhất là chia sẻ tri thức, khi người ta đọc được cái gì hay thì đều có nhu cầu chia sẻ.

Vậy là tôi mời một số chuyên gia và học giả cùng làm như mình và sau đó lan tỏa ra ngoài xã hội. Từ một thư phòng của cá nhân trên mạng, hiện nay đã có 1,7 vạn thư phòng như vậy. SachHay.com đã trở thành một không gian thú vị của những người mê sách, là tạp chí online về sách có thể nói là lớn nhất bây giờ, với hàng chục nghìn thành viên. Thành viên sáng lập SachHay.com có tới gần trăm người, đa số là các học giả, trong đó có 5 thành viên thường trực gồm: nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc, GS. Chu Hảo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, TS. Quách Thu Nguyệt, và tôi.

Tên gọi của “tạp chí online” này là “sách hay”. Lấy gì để khẳng định sách ở đây là “hay”, nhất là trong bối cảnh ai cũng có thể tung sách lên mạng được và không phải ai cũng có thiện chí?

SachHay.com được chia thành 3 tầng. Tầng thứ nhất là tầng đại chúng, nghĩa là ai cũng có thể giới thiệu sách. Tầng thứ hai là sách do các cá nhân là chuyên gia có uy tín giới thiệu. Tầng thứ ba là các tủ sách chuyên đề do các hội đồng chuyên gia thẩm định và giới thiệu. Hội đồng chuyên gia là những chuyên gia hàng đầu mà nói tên thì ai cũng biết. Ví dụ chúng tôi thành lập một nhóm gồm 9 đến 10 chuyên gia tên tuổi để giới thiệu “tủ sách doanh trí”; mời 5 đến 6 nhạc sĩ tên tuổi để giới thiệu tủ sách âm nhạc... Chúng tôi đang có kế hoạch “Trăm tủ”, tức là trong mấy năm tới, thành lập 100 tủ sách về 100 lĩnh vực khác nhau, đến nay đã làm được 6 - 7 tủ rồi. Tóm lại, SachHay.com sẽ là một “màng lọc” về sách với những tiêu chí và nguyên tắc rõ ràng.

Đúng là một ý tưởng hay và một kết quả tuyệt vời, tuy nhiên, không phải ai ở Việt Nam cũng có thể kết nối và sử dụng Internet, mà những người đó thường là nghèo, thiệt thòi nhưng lại rất cần sách?

Đúng vậy. Hiện mới chỉ có 25% dân số Việt Nam truy cập internet. Do vậy để đưa sách đến với những người thiệt thòi, chúng tôi có dự án OneBook (Một cuốn sách). Tại sao lại là 1, chứ không phải là 2 hay là 10? Nó có thú vị ở chỗ chúng tôi muốn nhặt nhạnh những gì nhỏ nhất, cụ thể là kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy gửi tặng ít nhất 1 cuốn sách (sách hay) cho đồng bào “vùng khó”. Hiện chúng tôi chia ra 7 “vùng khó” về tri thức gồm: bà con vùng sâu vùng xa, chiến sĩ biên giới hải đảo, trẻ em đường phố, phạm nhân nhà tù, công nhân lao động nghèo, sinh viên nghèo và người dân vùng thiên tai.

Đến nay đã tặng được hơn 20 vạn cuốn sách cho nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt chúng tôi đã thành lập được 6 thư viện cho 6 nhà tù ở khắp cả 3 miền của đất nước, với hàng ngàn cuốn sách cho mỗi thư viện. Không dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, giúp các trại giam thành lập các câu lạc bộ đọc sách trong tù, rồi cùng Ban quản lý trại giam vận động người nhà phạm nhân khi vào thăm nuôi thì tặng 1 cuốn sách...

Làm sao để biến nhà tù không chỉ là nơi giam giữ và trừng phạt con người, mà còn là nơi giáo dục và cải tạo con người. Nói cách khác, nhà tù không chỉ là trại giam, mà còn là một trường học, một trường học đặc biệt, là một trong những nơi cần sách nhất trong xã hội.
Nhiều người cho rằng giá sách hiện vẫn còn đắt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Điều này rõ ràng là cần phải được nhận thức lại. Nói sách đắt là xúc phạm tri thức. Nói giá sách hơi cao thì còn có thể, nhưng đắt với cao là hai chuyện khác nhau. Cao là so với mức sống của đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo. Chứ còn sách là rẻ. Trong tất cả mọi hàng hóa dịch vụ hiện nay thì sách là một trong những hàng hóa dịch vụ rẻ nhất. Rẻ là vì những gì mình bỏ ra và những gì mình thu về nó chênh lệch nhau quá. Một cuốn sách có thể làm thay đổi cả cuộc đời của một con người, một cuốn sách có thể làm thay đổi cả một doanh nghiệp, thậm chí cả xã hội… mà giá của nó nhiều khi chỉ bằng… tô phở.

Nói cách khác, nếu bớt đi chỉ một tô phở người ta có thể mời được một người thầy vĩ đại của thế giới (sách) về tận giường ngủ, để dạy cho mình ngay cả lúc nửa đêm, gà gáy. Cho nên có thể nói giá sách cao nhưng mà rẻ, chứ không được phép nói là sách đắt. 

Tết đọc sách của người Việt

Có một số lần ông đã đề cập đến một ngày đọc sách của người Việt. Ông vui lòng cho biết rõ hơn về ý tưởng này?

Thế giới đã có “Ngày sách thế giới 23/4”, trong ngày này người ta tổ chức nhiều hoạt động hay lắm. Chúng ta đã có nhiều ngày trong năm, nhưng có một ngày cực kỳ có giá trị, có ý nghĩa đối với người Việt mình, nhất là trong thời đại hội nhập hiện nay, thì chưa thấy có. Đó là ngày “Tết đọc sách”, ngày toàn dân đọc sách.

Thực ra, đó là “ngày dân trí” thì đúng hơn, là ngày để mỗi người dân tự nhắc nhở mình về dân trí của chính mình, của gia đình mình, của cơ quan mình và của cả dân tộc mình (so với các dân tộc khác). Mỗi năm, hướng đến ngày đó, trên các phượng tiện truyền thông đại chúng sẽ có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách giá trị về tất cả mọi ngành nghề lĩnh vực sẽ được nhắc đến, mổ xẻ, bàn bạc… Cũng trong ngày đó người ta có thể tặng sách cho nhau, như Tết trung thu người ta tặng bánh trung thu, như Tết cổ truyền thì tặng quà có chai rượu...

Theo ông, nếu có một “ngày đọc sách” hoặc “tết đọc sách” thì thời gian nào là phù hợp?

Có thể lấy ngày 23/4 để kết hợp với thế giới luôn. Hoặc nếu không được thì có thể lấy nguyên Tết cổ truyền làm “Tết đọc sách” để giảm bớt ăn nhậu lu bù và thay bớt những món quà ngày Tết (chủ yếu là rượu) bằng những cuốn sách hay. Nếu được như vậy, những ngày tết sẽ vừa là tết gia đình, vừa là tết đọc sách. Khi đó mỗi người sẽ được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, trong không khí vui tươi của lễ hội, và cả không khí trí tuệ và tâm hồn của sách nữa. Sẽ rất tuyệt vời nếu nhà nhà, người người đều có nghĩ đến sách, chia sẻ về sách, chọn sách, tặng sách, hay đọc sách trong những ngày mở đầu của một năm mới!

Nhiều người nói rằng, tặng thì tặng thế thôi, có đọc đâu. Không sao! Trước hết cứ có sách và cầm sách cái đã, không đọc được nhiều thì đọc được ít, thậm chí mình không đọc thì con em, người thân của mình đọc, hay cho bạn bè mượn đọc.

Trong mỗi nhà nên có vài cái tủ (dù rất nhỏ): cái tủ thuốc cho sức khỏe và cái tủ sách tượng trưng cho sự giàu có của tri thức.
Một câu hỏi riêng tư, ông thường làm gì trong mấy ngày tết?

Mấy ngày tết quý giá thường là tôi sẽ dành thời gian cho gia đình. Tôi rất thích đọc báo Xuân vì có nhiều bài đáng đọc. Và khi đi đâu đó thì tôi sẽ tranh thủ “nhâm nhi” một vài cuốn sách.

Nếu có chia sẻ với độc giả về sự đọc trong bối cảnh ai cũng bận rộn và kêu rằng không có thời gian để đọc, ông sẽ nói…

Không bao giờ thiếu thời gian cho những việc quan trọng. Nếu mình xem sự đọc và sự học là quan trọng (và đúng là nó quan trọng thật), thì chắc chắn mình sẽ không thiếu thời gian dành cho nó.

Tôi nghĩ, nếu với mong muốn hội nhập và nếu có tinh thần đua tranh và khát vọng sánh vai, thì người Việt nào cũng muốn đọc, nhất là đọc sách, đọc bất cứ những thứ mình thích, và đặc biệt là đọc những gì mình cần, đọc bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu mình có thể.

Xin trân trọng cảm ơn ông Giản Tư Trung!

Bùi Tiến Dũng thực hiện

...............................................................
Bài phỏng vấn trên đây do Tạp chí Thế Giới Mới (Cơ quan của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo) thực hiện.