GS. Phong Lê
Ngót
một thế kỷ rưỡi, kể từ những áng văn Quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh
Ký ở Nam Bộ; cho đến bây giờ, có thể nói diện mạo và phẩm chất sách đã
đạt được một trình độ cao, chưa lúc nào sánh bằng. Hơn một thế kỷ sách
Quốc ngữ, nếu tính từ khi có phong trào cổ động học Quốc ngữ của các
nhà Nho trong phong trào Duy tân và những ấn phẩm đầu tiên có sự sống
rộng rãi trong lòng bạn đọc, nhịp với tốc độ hiện đại hóa trong đời
sống văn hóa - tinh thần của dân tộc, thì cũng phải đến bây giờ chúng
ta mới thật sự hết nạn đói sách, dưới những dạng khác nhau.
Sách chưa thể đến với công chúng thất học, với tỷ lệ 95% người mù chữ trước 1945. Từ sau 1945, khi sách đã có thể đến với quần chúng công - nông - binh, nhờ vào công cuộc truyền bá chữ Quốc ngữ, thì những khó khăn do chiến tranh, và do đời sống kinh tế quá thấp, khiến cho số người được tiếp xúc với sách vẫn cứ là con số ít ỏi. Nhu cầu của hai cuộc chiến chống đế quốc, cùng với công cuộc xây dựng đất nước trong thời chiến, khiến cho sách chưa thể mở rộng các biên độ cần thiết của nó cho sự đọc, sự học của toàn dân. Phải chuyển sang thời bình, trước nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước, trong xu thế hội nhập với khu vực và nhân loại, bắt đầu từ nửa sau thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới sách mới có được gương mặt như hiện nay. Một gương mặt, nó là sự phản chiếu nhu cầu tinh thần của dân tộc đã thật sự chuyển sang một giai đoạn mới, trên tất cả các lĩnh vực của khoa học - khoa học kỹ thuật, nhân văn, xã hội; của văn hóa, văn học, nghệ thuật…
Sách chưa thể đến với công chúng thất học, với tỷ lệ 95% người mù chữ trước 1945. Từ sau 1945, khi sách đã có thể đến với quần chúng công - nông - binh, nhờ vào công cuộc truyền bá chữ Quốc ngữ, thì những khó khăn do chiến tranh, và do đời sống kinh tế quá thấp, khiến cho số người được tiếp xúc với sách vẫn cứ là con số ít ỏi. Nhu cầu của hai cuộc chiến chống đế quốc, cùng với công cuộc xây dựng đất nước trong thời chiến, khiến cho sách chưa thể mở rộng các biên độ cần thiết của nó cho sự đọc, sự học của toàn dân. Phải chuyển sang thời bình, trước nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước, trong xu thế hội nhập với khu vực và nhân loại, bắt đầu từ nửa sau thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, thế giới sách mới có được gương mặt như hiện nay. Một gương mặt, nó là sự phản chiếu nhu cầu tinh thần của dân tộc đã thật sự chuyển sang một giai đoạn mới, trên tất cả các lĩnh vực của khoa học - khoa học kỹ thuật, nhân văn, xã hội; của văn hóa, văn học, nghệ thuật…
Trên
nhu cầu vừa rộng, vừa sâu của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
như hiện nay, sách đã là biểu hiện sống động cho sự dồi dào và nhiều vẻ
của sinh hoạt tinh thần dân tộc, với các lý do chính theo tôi - đó là:
Lực
lượng viết và đọc thật sự đông đảo, chưa lúc nào trong lịch sử so sánh
được. Trên lĩnh vực văn học và khoa học nhân văn, khoa học xã hội mà
tôi biết thì hiện có đến hàng nghìn người viết, với hàng năm, nhiều
trăm tựa sách được in ra.
Sách
có mặt trên mọi chủng loại, từ là sách công cụ cho học tập, nghiên cứu;
sách giải trí; sách cho mọi ngành nghề, mọi giới, mọi lứa tuổi; sách
cho mọi địa bàn, từ hai trung tâm lớn là Hà Nội, Sài Gòn đến khắp các
tỉnh, thành trong cả nước…
Do sự mở rộng không hạn chế các mối giao lưu nhờ vào phương tiện thông tin nên nguồn sách quý
của thế giới đã đến được trực tiếp với đội ngũ người dịch ngày càng
đông - gồm những phát kiến lớn trong khoa học; những kinh nghiệm thành
công trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội; những best-seller có
hạng trong văn chương - nghệ thuật…
Khách
quan, đó là một dấu hiệu lạc quan, nói lên sự phát triển. Nhưng trong
nền kinh tế thị trường, mọi phát triển cần được tính toán trên mối quan
hệ cung - cầu; ở đây là mối quan hệ giữa người viết - người sản xuất,
tổ chức, quản lý - và người đọc. Đương nhiên mối quan hệ cơ bản là
người viết (người dịch) và người đọc. Nhưng để “hóa giải” các khoảng
trống tù mù, rất khó xác định giữa người viết và người đọc, thì vai trò
quyết định lại là người tổ chức, quản lý, điều hành - nó là một hệ
thống thiết chế xã hội gồm từ các Nhà xuất bản đến các cơ quan công
quyền, gồm các Cục, Vụ, Viện, Sở, Bộ, Ban, Ngành, cùng hoạt động của
các Hội nghề nghiệp và sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo, từ thấp lên cao…
Nhìn
vào sự phát triển của thế giới sách hôm nay - soi vào quan hệ cung cầu,
tôi thấy có những hiện tượng bất ổn, hoặc không bình thường như sau:
-
Số lượng ấn hành trung bình cho mỗi tựa sách phần lớn chỉ từ một đến
hai nghìn bản trên tỷ lệ 85 triệu dân quả là ít ỏi, nhưng sao vẫn khó
bán?
- Sự quảng bá cho sách trên các phương tiện thông tin là quá yếu, không thấm gì so với lượng sách in ra. Chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách của Đài Truyền hình Việt Nam, trang Thế giới sách của báo Tuổi trẻ mỗi tuần một lần, và mục Điểm sách lác đác trên vài loại báo quả như là muối bỏ biển, và chắc chắn khó tránh bỏ sót rất nhiều sách hay, sách cần, sách quý.
-
Người đọc, số đông vẫn còn thờ ơ với sách. Người ta dường như chưa được
biết nhiều đến hiệu quả của một cách tự học bằng đọc các sách kiến thức
nền, sách khoa học, kinh tế, sách công cụ... Sách có lẽ chưa được sử
dụng tối đa với đúng nghĩa “nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn và bồi đắp
tri thức”. So với người đọc ở nước ngoài, thì có lẽ, người đọc ở ta
chuộng đọc báo hơn là đọc sách. Mà sách thì mới thực sự là thước đo dân
trí.
Một
số hiện tượng nêu trên có lẽ là chưa đủ nói những hạn chế hoặc bất cập
trong thế giới sách hiện nay. Và nếu là đúng, hoặc có phần đúng, thì
chúng ta đang đứng trước một lãng phí lớn: nếu sách in ra mà
không được đọc, hoặc đọc được rất ít; nếu sách vì lý do gì đó mà không
đến được với người đọc đích thực; nếu người đọc thuộc số đông muốn đọc
mà không có điều kiện mua, hoặc không đủ tiền mua…
Tình hình trên rõ ràng là không thuận, thậm chí là khó chấp nhận đối với việc chúng ta đang quyết tâm xây dựng một xã hội học tập, một nền kinh tế tri thức như cuộc sống đòi hỏi. Một nền kinh tế tri thức,
như trong những nước công nghiệp phát triển, có nền công nghệ cao, có
một nền khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp;
những nước mà tri thức trở thành tác nhân chủ yếu của sản xuất, và do
vậy, việc đầu tư cho tri thức trở thành yếu tố then chốt của tăng
trưởng kinh tế.
Gắn với sự hình thành nền kinh tế tri thức, đó là một xã hội học tập,
đòi hỏi con người phải học tập không ngừng và học suốt đời, để trước
hết theo kịp được sự phát triển của khoa học và công nghệ; và sau đó,
hoặc cuối cùng là biết cách chuyển hóa tri thức thành kỹ năng, thành
công nghệ, thành giá trị (gồm cả các giá trị tinh thần). Và, nói đến
học là nói đến sách, là chưa có gì khác hơn ngoài sách, cho mọi lứa
tuổi, kể từ em bé cấp tiểu học đến các bậc trí thức, văn nhân, học giả…
Là học và tự học; nhất là tự học, để không ngừng tiếp nhận và bồi đắp
cho tri thức, mà tri thức - đó chính là cái vốn người (human
capital), cái vốn này ở thời đại công nghệ và thông tin đang ngày càng
chiếm ưu thế, để đóng vai trò quyết định trong 3 thứ vốn: vốn người
(human capital), vốn tổ chức (organizational capital), vốn xã hội
(social capital), tạo nên sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Báo
cáo của Ngân hàng phát triển thế giới năm 1999 cho thấy: “Đối với những
nước trong nền kinh tế toàn cầu, cán cân giữa tri thức và các nguồn tài
nguyên hiện nay đã nghiêng mạnh về phía tri thức đến nỗi tri thức đã
trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định mức sống - quan trọng hơn
đất đai, hơn công cụ sản xuất, hơn lao động. Ngày nay các nền kinh tế
tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức”. Mà nói đến
tri thức thì chủ yếu lại phải trở về với sách, bởi dẫu đã có rất nhiều
phương tiện mới do cuộc cách mạng thông tin đem lại, nhưng sách vẫn
chưa hết, thậm chí còn giữ nguyên vai trò quyết định của nó trong việc
trang bị tri thức. Do vậy một cố gắng giải quyết những so le hoặc bất
cập giữa cung và cầu trong thế giới sách, với vài nét trình bày sơ lược
như trên rất mong được chú ý từ nhiều phía; và trong mọi cố gắng của cả
hệ thống, có lẽ rất cần một sự quan tâm, một nhấn mạnh, một điều hành
từ cấp cao, và có thể là cấp cao nhất. Nếu việc bảo vệ cái đầu
trong giao thông đã được thực hiện bởi việc nhất loạt đội mũ bảo hiểm,
thì việc trau dồi, nâng cao hàm lượng chất xám cho cái đầu rất cần một
sự quan tâm đến sách - qua một động tác có ý nghĩa khởi động hoặc
thúc đẩy, từ các cấp cao, hoặc cao nhất - như là việc chọn một ngày cho
sách, theo sáng kiến của SachHay.com gọi là Ngày đọc sách (tựa như Ngày hội thơ
vào dịp Nguyên tiêu hàng năm); việc cải tiến và phát triển thư viện
theo một mô hình thế nào cho tiện lợi nhất đối với mọi loại người đọc;
việc tổ chức các hội sách định kỳ cho từng khu vực hoặc cả nước; việc
tổ chức các tủ sách cho các nhà văn hóa, các trường học, các dòng họ
(nhờ vào sự bảo trợ của cá nhân hoặc đoàn thể) để cho sách có thể được
tiêu thụ với số lượng lớn hơn, và đến được bất cứ nơi nào cần đến. Một
chuyển động từ trên, và khi đã thành phong trào (tựa như việc người đi
xe máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm), tôi tin sẽ là cú hích
quan trọng cho sách trở thành mối quan tâm của toàn dân. Hiện tượng nhà
nhà có sách, người người đọc sách, nơi đâu cũng cần sách, kiến thức về
sách không chỉ được hỏi đến trong các games show mà còn là câu hỏi bắt
buộc khi thi tốt nghiệp các bậc học gồm cả chính khóa và ngoại khóa;
khi thi tuyển công chức; khi thẩm định một trình độ hoặc một chức vị...
đó mới chính là biểu trưng hoàn hảo cho một xã hội văn minh, trong ý nghĩa đích thực của nó.
Hà Nội, ngày 10/03/2010