Văn hóa đọc dưới góc nhìn của một doanh nhân

Cao Tiến Vị 
Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn

Tản mạn về sách

Còn nhớ, trước 30.4.1975, tức hơn 30 năm trước tại Sài Gòn, nhà sách Khai trí, tác giả Hoàng quốc Việt… có những bộ sách, tựa sách do người Việt viết hoặc dịch từ sách nước ngoài với những tư tưởng, chủ đề rất nhân bản, chẳng hạn như bộ sách Học làm người


Sau hơn 30 năm, đến nay những sách này vẫn còn lưu hành và tái bản với số lượng lớn. Trải qua những năm chiến tranh, với cơ chế bao cấp kéo dài, với những khó khăn trong in ấn, khiến việc cho ra đời những bộ sách, nhất là sách có chọn lọc đã bị chậm lại thậm chí có những giai đoạn sách mới gần như… biến mất. Một phần của nguyên nhân này còn là do có những tư tưởng, quan điểm trái ngược nhau về nhân sinh quan qua các thời kỳ với muôn vàn biến động của thời cuộc. Tiếp theo đó là thời kỳ sách lậu, không bản quyền, “đạo” sách… và nay đến thời kỳ mở ra một trào lưu tốt đẹp, đó là các nhà xuất bản chính quy nỗ lực cho ra đời những cuốn sách trên mọi phương diện kinh tế, xã hội, văn học… mà ở đó đem lại cho cộng đồng những giá trị khó có thể đong đếm hết.

Để ra đời một cuốn sách, chúng ta có thể hình dung ra bao nỗi vất vả, từ tìm kiếm tư liệu để tổng hợp, đến vốn sống, sự trải nghiệm cuộc đời và cả những điều ấp ủ của tác giả. Nhiều người đã bỏ ra cả đời mình chỉ để viết một cuốn sách cho hậu thế. Sách hay là những đúc rút kinh nghiệm quý báu, rất đáng để nghiền ngẫm, nâng cao tri thức cho mỗi cá nhân. Bản thân chúng ta có những lúc gặp những vấn đề khó khăn nan giải, phải mất nhiều công sức để suy nghĩ, trăn trở, và không ít khi rốt cuộc chúng ta phát hiện ra rằng vấn đề này đã được đề cập và trình bày từ rất lâu trong kho tàng sách, chỉ vì chúng ta chưa biết khám phá, tra cứu, sử dụng nó mà thôi. Báo chí đã từng nói rất nhiều đến sự xuống cấp của văn hóa đọc, với lo ngại mai đây con người sẽ quay lưng lại với kho tri thức đồ sộ của nhân loại. Nhưng theo tôi, sách không bao giờ “chết” và niềm say mê với sách của người Viêt cũng vậy.

Một lần gần đây khi tình cờ sà xuống một quầy sách ở lề đường, tôi đã tiếp cận được một độc giả rất đặc biệt. Ngoài 50, đã ổn định cuộc sống, con cái trưởng thành và hiện ông đang âm thầm sưu tầm xây dựng một tủ sách trong gia đình với số lượng đầu sách lên đến hàng ngàn cuốn, đều là những tác phẩm mà ông rất tâm đắc. Vị khách này tâm sự, có những cuốn sách bạn bè cho mượn đọc xong thấy hay quá phải tìm mua cho được để “thỉnh” lên kệ sách. Tôi bỗng hình dung hiện trên khắp Việt của chúng ta hẳn có rất nhiều người đang âm thầm với thú vui tao nhã đặc biệt này - thú vui sưu tầm và lưu trữ tri thức nhân loại. Và tôi cũng biết, rất nhiều người tâm huyết với sách, mơ ước Việt Nam có những thư viện tầm cỡ thế giới, nơi có thể chứa đựng được phần lớn trí tuệ nhân loại, phục vụ hàng triệu lượt người đọc có nhu cầu hưởng thụ, khai thác lượng trí tuệ khổng lồ đó để làm giàu cho cá nhân và cho đất nước.

Chúng ta vẫn còn mừng vì tinh thần yêu sách, trọng tri thức của người Việt chưa phải là đã mất. Nó chỉ bị mai một đi, nếu chúng ta khơi đúng mạch, thì ắt sẽ lại có một phong trào đọc sách rầm rộ.

Một vài để xuất phát triển văn hóa đọc

Để xây dựng một nền văn hóa nhân bản, một xã hội văn minh, thiết nghĩ sách sẽ là một phương tiện tốt nhất, có sự lan tỏa sâu rộng, tiết kiệm nhất, cực kỳ hữu ích trong lãnh vực đào tạo. Phát triển văn hóa đọc ở Việt là một việc rất đáng hoan nghênh và cần có sự phối kết hợp của mọi ngành, mọi giới trong xã hội. Tôi cho rằng trong tiềm thức mỗi người đều thừa nhận những điều hay và cần thiết của sách, chỉ có điều trong nhịp sống hối hả và đầy rẫy những loại hình giải trí “mì ăn liền” như hiện nay thì để tạo được thói quen đọc sách cần có thời gian và nỗ lực.

Để phát triển văn hóa đọc, các tổ chức xã hội, văn hóa… có lẽ nên lập ra những thống kê hàng năm về sách (chẳng hạn như những cuốn sách bán chạy nhất dành cho từng đối tượng độc giả, cuốn sách hay nhất theo từng lĩnh vực, nhu cầu và thị hiếu của độc giả, số lượng sách phát hành hàng năm… Những thống kê này sẽ giúp chúng ta định hướng tốt hơn trong việc làm sách, đồng thời là một đòn bẩy “kích cầu” cho văn hóa đọc. 

Chúng ta cũng đừng quên mảng sách cho thiếu nhi: trẻ em cần những cuốn sách vui tươi, dí dỏm, hữu ích cho sự phát triển toàn diện. Và chúng ta nên chọn lọc hàng năm những cuốn sách hay nhất trong các cuốn sách cho thiếu nhi mà các bậc phụ huynh cần mua cho con trẻ.

Riêng tôi, một người trong giới doanh nhân, tôi hiểu rằng để phát triển văn hóa đọc ở giới này là một vấn đề nan giải vì đây là đối tượng không nhiều thời gian, luôn luôn bận rộn. Song chính doanh nhân lại rất cần cập nhật thông tin tri thức qua sách báo, họ không biết sẽ lựa chọn cuốn sách nào cần thiết cho công việc riêng. Vì thế, tôi đề xuất những đơn vị, tổ chức có uy tín đứng ra giới thiệu những đầu sách hay thì cũng tạo sự chú ý và hưởng ứng từ đối tượng này. Các doanh nhân sẽ dành thời gian để đọc những cuốn sách đã được bảo chứng đó và dần dần tạo được thói quen đọc sách ở họ, vì họ sẽ dần khám phá ra những bổ ích từ sách. Những kiến thức này sẽ được áp dụng vào trong việc quản lý doanh nghiệp và tạo ra những hiệu quả tốt cho xã hội.

Tôi rất ấn tượng khi biết được có trang web SachHay.com của tập thể những trí thức tâm huyết dày công thực hiện, mở ra một lối đi mới lạ đặc sắc và tiện dụng để mọi người có điều kiện trao đổi, chia sẻ các thông tin, cảm nghĩ liên quan đến các tác phẩm hay, đáng đọc.

Ngoài ra gần đây tôi thấy xuất hiện những đầu sách hay được trình bày rất đẹp và được định hướng như một món quà tặng về tinh thần. Có lẽ đây sẽ là những khởi động tốt,  nhằm xây dựng một nếp sống văn hóa. Khi mà cuộc sống vật chất đã tạm ổn thì quà tặng về tinh thần sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Và sách, theo tôi, là một món quà đẹp.

Đó là vài tản mạn của tôi về sách và xây dựng văn hóa đọc. Trước lợi ích của sách với đời sống, chúng ta cần trọng những cá nhân, những đơn vị có tâm huyết với việc xây dựng quảng bá những chiến lược đem sách hay đến người đọc. Mong sao trong tương lai, Việt sẽ có nhiều đầu sách thật giá trị. Tôi rất tin tưởng với sự quảng bá, tuyên truyền cho sách và văn hóa đọc, sẽ làm sống dậy một tinh thần ham học, ham đọc ở mọi lớp người trong xã hội./.