Sách - từ con số đến những hình dung tương lai


Là một người làm công tác nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc và giảng dạy văn chương trong trường đại học, qua những trải nghiệm cá nhân, tôi thực sự lấy làm lo ngại trước thực trạng đọc sách ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ…

Việc thanh niên bị các phương tiện thông tin đại chúng và giải trí khác lôi cuốn, việc đa phần sinh viên - kể cả sinh viên thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn - quay lưng lại với sách, việc họ đến thư viện chỉ để tham khảo tư liệu do giảng viên bắt buộc và ngay cả việc một số giảng viên đại học không có thói quen đọc sách là chuyện không quá xa lạ với tôi. Tuy vậy, từ những trải nghiệm có tính cá nhân đó đến một kết luận cho câu hỏi "Người Việt có mê đọc sách hay không?" lại là cả một con đường dài.


Tôi sẽ không tiếp tục đi sâu vào việc trả lời câu hỏi "Người Việt có mê đọc sách hay không?" bởi thiếu những căn cứ khoa học thuyết phục. Tôi cũng cho rằng những nhận định kiểu như từ việc "cứ nhìn cảnh người phương Tây đi tàu xe cũng đọc sách trong khi đó người Việt thì không" để nhận định "người Việt không mê đọc sách bằng người phương Tây" là những đánh giá khách quan. Sự khác biệt về khí hậu, nếp sống và văn hóa khiến thói quen đọc sách của các dân tộc khác nhau cũng khác nhau. Khó có thể lấy những kinh nghiệm đó để đưa ra những kết luận. Ít nhất, cho đến bây giờ, tôi không thể đưa ra một câu trả lời khẳng định hoặc phủ định cho câu hỏi này. Đơn giản là vì không thể làm được điều này nếu chưa có những điều tra xã hội học chính xác và sau đó, đối chiếu những số liệu có được với những số liệu có được với số liệu của những nước có cùng trình độ phát triển kinh tế như Việt Nam (tôi nhấn mạnh). Tôi cũng không thuộc những người quá say mê với những danh ngôn kiểu như "Đọc sách không chỉ nâng cao trí thức mà còn nâng cao nhân cách". Những châm ngôn ấy có thể áp dụng cho bất cứ nghệ thuật hay sinh hoạt tinh thần nào của con người. Không lẽ xem tranh/nghe nhạc/... thì không nâng cao trí thức và nhân cách? Dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng đọc sách là một điều cần thiết bởi một chân lí rất đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu: đọc sách có vai trò quan trọng trọng việc phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng và tư duy trừu tượng. Bởi lẽ, chất liệu của sách là ngôn từ - hệ thống tín hiệu bậc hai, khác với một số nghệ thuật và hình thức sinh hoạt tinh thần khác. Xem một bức tranh hay đọc một cuốn sách, chúng ta đều phải suy tư để tìm ra ý nghĩa nhưng nếu như một họa sĩ cho chúng ta một hình ảnh trực quan về nhân vật thì khi đọc cuốn sách, trước khi suy nghĩ về ý nghĩa, ta phải xây dựng hình ảnh nhân vật của riêng mình từ các con chữ. Xuất phát từ xác tính đó, với yêu cầu của Ban tổ chức, tôi mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị để phát triển hơn nữa văn hóa đọc ở Việt Nam.

Nhưng trước hết, hãy bắt đầu từ những con số.

1. Cho đến nay, theo những gì tôi biết được thì nguồn duy nhất cung thông tin về sách ở Việt Nam là các số liệu thống kê do Tổng cục thống kê cung cấp (nguồn: http://www.gso.gov.vn). Tại website của cơ quan này, trong mục "Số liệu thống kê/Giáo dục, y tế, văn hóa và đời sống", có thể tìm thấy các số liệu về "Xuất bản sách, văn hóa phẩm, báo và tạp chí"; "Chỉ số phát triển về xuất bản", "Thư viện"'; "Số thư viện do địa phương quản lí phân theo địa phương".

Những số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy:

- Trong năm 2006, tổng khối lượng sách xuất bản (kể cả sách giáo khoa và sách ngoại văn) là 229,9 triệu bản, trong khi đó, dân số Việt Nam là 84.155.800 người. Tỉ lệ trung bình của hai con số này (số sách xuất bản/ dân số) là 2,73. Con số này tạm coi là lượng mua sách mới trung bình tính theo đầu người trong năm 2006 ở Việt Nam (nghĩa là một năm, trung bình một người dân mua 2,73 cuốn sách mới).

- Số lượng sách xuất bản trong năm liên tục tăng, cả về số lượng đầu sách lẫn số lượng bản in. Nếu trong năm 1995, số đầu sách xuất bản là 8186 và số bản sách xuất bản là 169,8 triệu bản thì năm 2006, hai con số tương ứng là 20.149 và 229,9 triệu bản.

- Về hệ thống thư viện, tổng số thư viện trong do tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương quản lí liên tục tăng, từ con số 575 năm 1995 lên 679 năm 2006. Xét về từng loại hình thư viện, số thư viện trung ương giảm từ 4 năm 1995 đến năm 2006 chỉ còn 1, số thư viện dành cho thiếu nhi cũng giảm từ 20 năm 1998 đến năm 2006 chỉ còn 15. Trái lại, số thư viện thuộc cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã liên tục tăng. Tính trung bình mỗi quận huyện, thị xã đều có một thư viện (tỉ lệ là 0,9). Về số lượng sách do thư viện lưu trữ, chiều hướng chung là có tăng, từ 14.519.000 bản năm 1995 đến 20.027.000 bản năm 2006, tuy vậy, lại có năm số lượng sách trong các thư viện sút giảm, cụ thể là từ năm 1998 đến năm 2002, số lượng sách giảm từ 17.201.000 xuống còn 15.060.000 do số lượng thư viện giảm từ 645 xuống còn 642.

Ngoài nguồn dữ liệu nói trên, cho đến nay, còn có một nguồn dữ liệu khác liên quan đến sách và hoạt động xuất bản là Báo cáo tổng kết năm của Cục xuất bản nhưng vì những lí do có tính hành chính, chúng tôi chưa thể tiếp cận được với nguồn số liệu này ngoài báo cáo tổng kết của năm 2007. Cần phải lưu ý là những thông tin do Báo cáo tổng kết của Cục xuất bản cung cấp dẫu chi tiết hơn nguồn thông tin của Tổng cục thống kê nhưng thực ra, nó vẫn chưa đủ độ chi tiết để có thể tiết lộ những thông tin về chiều sâu liên quan đến hoạt động đọc sách của người Việt Nam. Điều này cũng là tất yếu bởi lẽ đây là cơ sở dữ liệu của một ngành tổng kết hoạt động của mình trong một năm, trong khi đó, các loại hình hoạt động liên quan đến sách lại có sự tham gia của rất nhiều ngành khác nhau. Có thể thấy, nguồn thông tin của Tổng cục thống kê còn quá sơ sài. Nó không cung cấp bất cứ một thông tin gì thuyết minh về phương pháp tiến hành thống kê và điều này gây khó khăn rất lớn cho người làm việc "đọc" số liệu. Đó là chưa kể đến việc cách phân loại của nó cũng "có vấn đề". Một ví dụ: Tổng cục thống kê phân loại sách thành bốn loại chính gồm "sách giáo khoa", "sách khoa học xã hội", "sách kĩ thuật", "sách thiếu nhi" và "sách văn học" trong khi đó, Báo cáo của Cục xuất bản phân loại thành thành sáu loại lớn gồm "sách chính trị, pháp luật"; "sách văn hóa – xã hội, nghệ thuật, tôn giáo" (trong đó có cả các tiểu loại gồm sách văn hóa cổ truyền, dân gian, tâm linh; lịch sử văn hóa, địa chí, danh nhân; văn hóa gia đình); "sách văn học" (gồm cả văn học Việt Nam và văn học dịch); sách khoa học kĩ thuật, kinh tế; sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo và từ điển và sách thiếu niên nhi đồng. Cách phân loại của Báo cáo tổng kết năm của Cục xuất bản rõ ràng cụ thể và chính xác hơn. Thứ hai, so với nguồn thông tin của Cục xuất bản, nguồn thông tin của Tổng cục thống kê đương nhiên là phong phú hơn vì nó bao quát nhiều mặt của đời sống tuy vậy, nó vẫn không đủ độ "sâu" về thông tin. Con số thống kê về "Xuất bản sách, văn hóa phẩm, báo và tạp chí" có thể cho chúng ta biết về tình hình xuất bản sách mới và nếu đối chiếu với số dân có thể cho chúng ta biết về mức tiêu thụ sách mới của người Việt Nam tuy nhiên nó lại không đủ để nói về mức độ tiêu thụ sách của người Việt Nam vì muốn có chỉ số này, cần phải có được cả các chỉ số liên quan đến việc mượn sách báo ở các loại hình thư viện, phòng tư liệu, trao đổi có tính cá nhân và mua bán sách cũ. Bên cạnh đó, nó cũng không cho thấy được sự khác biệt về sức tiêu thụ sách mới ở các nhóm cư dân khác nhau. Các chỉ số về chi tiêu của người dân cũng không hề cho biết về gì tỉ lệ chi tiêu dành cho sách trong tổng lượng chi tiêu của người dân thuộc những nhóm xã hội khác nhau. Tương tự như vậy, con số thống kê về thư viện cũng có nhiều vấn đề. Qua các con số thống kê, chúng ta chỉ có thể biết được về sự tăng trưởng của số lượng thư viện và số lượng sách trong thư viện. Không có bất cứ thông tin gì về các loại sách được lưu trữ trong các thư viện cũng như tỉ lệ (tính theo %) của từng loại sách. Cũng không có bất cứ thông tin gì về số lượng người sở hữu thẻ thư viện, số lượt người đến thư viện... Chúng tôi đã mở rộng phạm vi khảo sát đến nguồn cơ sở dữ liệu của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch (nguồn: http://www.cinet.vn/), trong tiểu mục Văn hóa/Thư viện, tuy vậy, website của cơ quan này cũng không cung cấp được thêm nhiều thông tin. Chỉ có số liệu của năm 2001 được công bố, trong đó, các thống kê về hệ thống thư viện vẫn hết sức sơ sài theo kiểu tính "đổ đồng" với các chỉ số chung về tổng số sách có trong thư viện, tổng số tài liệu luân chuyển, tổng số lượt bạn đọc, tổng số thẻ bạn đọc cấp. Cách tính "đổ đồng" khó có thể cho biết thêm thông tin gì về mức độ sử dụng sách trong các thư viện cũng như thói quen đọc sách trong thư viện của bạn đọc Việt Nam. Như vậy, để có thể nói về việc đọc sách cũng như phát triển thói quen đọc sách ở người Việt, trước hết, cần có một tổng điều tra quy mô và chi tiết về các hoạt động xuất bản, hệ thống thư viện, chi tiêu dành cho việc mua sách,... ở các nhóm xã hội khác nhau khắc phục được những nhược điểm của các nguồn dữ liệu mà tôi đã trình bày ở trên. Không có một điều tra xã hội học tỉ mỉ như trên thì tất cả những nhận định về "Người Việt có mê đọc sách?" sẽ chỉ dựa trên kinh nghiệm cảm tính hoặc quá sơ sài và khi "chuẩn bệnh" đã không chính xác thì tất yếu sẽ vô vọng trong việc "chữa bệnh". Đó chính là kiến nghị đầu tiên của tôi.

Tất nhiên, qua những con số nói trên, dẫu còn sơ sài, vẫn có thể rút ra một số kết luận. Trước hết, theo thuật ngữ của ngành kinh tế, thị trường sách luôn có sự tăng trưởng. Tuy vậy, vấn đề ở đây là có một sự không đồng đều giữa mức độ tăng trưởng tính theo số đầu sách và lượng bản in. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, từ 1995 đến 2006 số đầu sách đã tăng 2,46 lần trong khi đó, lượng bản in lại chỉ tăng 1,3 lần. Có hai giả thiết giải thích cho tình trạng này: 1. Có một số lượng lớn sách bán ra nhưng không được công chúng chấp nhận (dẫn đến việc lượng phát hành thấp) và 2. Có một thị trường ngầm mà người ta chỉ có thể nắm được "phần nổi" là số đầu sách còn phần chìm (lượng ấn bản) thì chỉ có những người kinh doanh sách mới nắm được. Cả hai trường hợp đều gây tác hại đến sự phát triển lành mạnh của thị trường sách. Đi sâu hơn nữa, dựa theo thống kê của Cục xuất bản, trong các loại sách được xuất bản trong năm 2007 thì loại có số mức độ tăng trưởng mạnh nhất là sách văn hóa – xã hội, nghệ thuật, tôn giáo (36% số cuốn và 50,4% về bản); sách chính trị pháp luật (22% và 9,2%) và sách giáo khoa, giáo trình, từ điển (11,1% và 27%). Đối chiếu với số liệu của Tổng cục thống kê, có thể khẳng định đây không phải là hiện tượng cá biệt của một năm. Tuy nhiên, trong mảng sách văn hóa – xã hội.... thì loại sách văn hóa phổ thông lại chiếm tới 55% và loại sách văn hóa dân gian, tâm linh... chiếm tới 27%. Vậy trong sự tăng trưởng của mảng sách này, bao nhiêu phần trăm là nhờ các loại sách tử vi, tướng số, phong thủy, truyện vụ án "chế biến" lại từ các báo...? Đó là một vấn đề cần phải được làm rõ. Những thông tin này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hiểu bản chất của thị trường sách ở Việt Nam.

Thứ hai, những con số liên quan đến hệ thống thư viện, về toàn cục là đáng lạc quan. Ở Việt Nam đã có được một hệ thống thư viện địa phương rộng khắp từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện... Chưa cần nói đến chất lượng thì số lượng thư viện thuộc hệ thống này cũng đã hết sức đáng lạc quan vì nó là cái xương sống để phát triển văn hóa đọc, khi có điều kiện, chỉ cần có những biện pháp "bơm máu" là hệ thống có thể hoạt động tốt. Tuy vậy, hệ thống thư viện của các trường đại học lại hoàn toàn không được thể hiện trong các con số thống kê. Vậy mà đây lại thực sự là một vấn đề bởi trong hệ thống đại học, đang tồn tại một tình trạng phát triển không đồng đều trong hệ thống thư viện đại học, trong khi một số trường địa phương như Đại học Cần thơ có một hệ thống thư viện rất hiện đại và phong phú thì một số trường "đầu ngành", "trọng điểm" như Đại hoc khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, hệ thống thư viện lại rất đáng phàn nàn. Bên cạnh đó, lại có những con số đáng để suy nghĩ. Số lượng thư viện có tính quốc gia cũng như thư viện dành cho thiếu nhi giảm. Phải chăng là nhà nước chưa có một chính sách ở tầm quốc gia về phát triển hệ thống thư viện với những thư viện "trọng điểm"? Tình trạng hệ thống thư viện dành cho thiếu nhi cũng rất đáng phải suy ngẫm. Trong khi tình trạng thư viện tại trường học hiện nay là đáng phàn nàn, trong khi tình trạng phân hóa giàu – nghèo trong xã hội tăng cao dẫn đến khả năng hưởng thụ văn hóa của trẻ em cũng bị phân hóa, lẽ ra phải phát triển môi trường đọc sách dành riêng cho trẻ em và bình đẳng cho mọi trẻ em thì số lượng thư viện dành cho thiếu nhi lại giảm. Không những thế, việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ em cũng là một việc có ý nghĩa quyết định đến việc tạo thói quen đọc sách suốt đời. Đó là những vấn đề cần phải lưu tâm.

2. Trên đây là những nhận xét của tôi về sự phát triển của ngành xuất bản sách và hệ thống thư viện ở Việt Nam từ đó gián tiếp nhận định về tình hình văn hóa đọc ở Việt Nam qua các dữ liệu thống kê chính thức, quan phương mà chúng tôi có thể tiếp cận. Từ những nhận định nói trên cũng như từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, chúng tôi có một số đề xuất để đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Trước hết, theo chúng tôi biết, từ nỗ lực của các đơn vị xuất bản, các doanh nghiệp, mạnh thường quân và các cơ quan, tổ chức, các Hội chợ sách có tính thường kì đã được tổ chức và ngày càng đi vào chiều sâu. Giải thưởng sách hàng năm trong Hội chợ này ngày càng có uy tín và được sự tin cậy của công chúng. Một website liên quan đến sách cũng đã manh nha hình thành với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức. Ở chỗ này, chỗ khác, những sáng kiến liên quan đến việc phát triển tri thức thông qua sách cũng đã được triển khai mà điển hình là Nhà xuất bản tri thức, Tủ sách tinh hoa tri thức nhân loại và Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh. Vậy, tại sao không nghĩ đến việc hình thành một hình thức tổ chức phi chính phủ về sách ở Việt Nam? Theo hình dung của tôi, tổ chức này sẽ tập hợp những người làm công tác xuất bản thuộc tất cả mọi "thành phần kinh tế" khác nhau (các nhà xuất bản trung ương và địa phương, các công ty văn hóa truyền thông có tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách), các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hạt nhân cơ bản của tổ chức này, theo hình dung của tôi, phải bao gồm một Quỹ phát triển văn hóa đọc và một hội đồng chuyên môn. Chức năng của Quỹ này là tập hợp các nguồn lực tài trợ của tất cả mọi thành phần xã hội, trong và ngoài nước để góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc như tổ chức tặng sách cho các thư viện, các trường đại học, các vùng khó khăn, tổ chức các hoạt động quảng bá cho việc đọc sách... Hạt nhân thứ hai của tổ chức này là một hội đồng chuyên môn. Ngoài những chức năng mà chúng tôi sẽ nói ở sau, một trong những chức năng quan trọng của hội đồng này là duy trì, củng cố phát triển giải thưởng sách quốc gia. Theo đánh giá của chúng tôi, cho đến nay, Giải thưởng này về cơ bản là tốt nhưng phạm vi của nó vẫn còn hẹp. Nó mới chỉ hướng đến mục đích tôn vinh. Đành rằng điều này là rất cần thiết, tuy nhiên, trong tình trạng lộn xộn của thị trường sách hiện nay, với sự lan tràn của những loại sách kém chất lượng đôi khi xuất phát từ chính các nhà xuất bản "có tên tuổi" thì việc có những "giải thưởng ngược" với một danh sách… sách dở cũng là điều rất cần thiết để cảnh báo cho bạn đọc và những người làm sách. Cũng nên có một bảng đánh giá phân loại các nhà xuất bản theo doanh thu và chất lượng sách xuất bản. Điều này cũng có giá trị rất quan trọng. Xin được lấy một ví dụ, hiện nay loại sách tuyển tập, toàn tập tác giả, sách tham khảo dành cho học sinh, sinh viên rất phổ biến và được nhiều nhà xuất bản tham gia sản xuất. Tuy nhiên, chất lượng của loại sách này lại không đồng đều. Nếu có một bảng xếp hạng thì ít nhất bạn đọc có thêm một căn cứ hỗ trợ cho sự lựa chọn của mình, đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng có cơ sở để quyết định những loại sách nào sẽ được đưa vào hệ thống tài liệu tham khảo của mình. Một giải thưởng và một hệ thống phân loại như vậy, tôi tin, sẽ có giá trị cho nhiều mặt. Một tổ chức như tôi nói, chắc chắn không từ chối (và thậm chí phải kêu gọi bằng mọi giá) sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước nhưng nhất quyết không thể chỉ trông chờ vào sự hộ trợ của nhà nước.

Thứ hai, cần phải có một giải pháp phát triển hệ thống thư viện công cộng. Phát triển ở đây không chỉ có nghĩa là phát triển số lượng thư viện mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng thư viện. Tôi xin phác qua một số ý tưởng:

- Trong thời gian qua, như tôi được biết, đã có những hoạt động liên kết giữa các bảo tàng và trường học để đưa học sinh đến bảo tàng, tại sao lại không có những hoạt động tương tự để đưa học sinh, sinh viên đến với thư viện?

- Nếu có một tổ chức phi chính phủ như tôi đề cập ở trên thì Quỹ chính là cơ quan tập hợp các nguồn lực tài trợ sách cho các thư viện dưới hình thức mua tặng sách, hội đồng chuyên môn sẽ là nơi quyết định một danh mục sách cần có trong các thư viện. Có người đã nêu ý kiến về một danh mục vài trăm đầu sách cần dịch sang tiếng Việt. Ý kiến đó là rất xác đáng. Vậy tại sao không triển khai một danh mục vài ngàn đầu sách mà một người nên đọc trong đời và cần có trong các thư viện. Khi đã có một danh mục như vậy thì Quỹ sẽ đảm nhận việc mua sách theo danh mục và tặng cho các thư viện. 

- Cần đặc biệt chú ý tới việc phát triển hệ thống thư viện cho các vùng khó khăn, hướng đến những nhóm xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, bị thua thiệt.

Thứ ba, tôi nhận thấy có một hiện tượng không bình thường trong thị trường sách hiện nay, đó là sự lan tràn của loại sách "gáy to, bìa cứng". Không phải là một người tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh sách nên tôi không hiểu hình thức này có làm tăng doanh thu hay không, tuy nhiên, từ góc độ người tiêu dùng, tôi thấy đây là một sự bất tiện lớn lao. Đành rằng có một số loại sách cần phải in với hình thức bìa cứng, khổ to chẳng hạn như sách nghệ thuật hoặc những loại sách có giá trị kinh điển, tuy nhiên, một cuốn tiểu thuyết giải trí như Mật mã Da Vinci hay sách giáo khoa lịch sử văn học cũng được bìa cứng hóa thì quả thật là bất bình thường. Tôi không thể hiểu được khi mà trong khi ở các nước phương Tây, điển hình như ở Pháp người ta phát triển rất mạnh loại "sách bỏ túi" kể cả sách nghiên cứu và từ điển (kể cả từ điển chuyên ngành chứ không phải chỉ từ điển phổ thông) thì ở Việt Nam, một nước vẫn còn nghèo, hình như lại có khuynh hướng "gáy to, bìa cứng" hóa mọi loại sách. Tại sao, ít nhất, các nhà xuất bản không nghĩ tới việc phát triển loại "sách bỏ túi" cho người nghèo, ít nhất là song song bên cạnh các ấn phẩm bìa cứng. Tại sao không nghĩ đến việc "dân chủ hóa" sách bằng việc tìm kiếm một hình thức sách rẻ, bền và vẫn đảm bảo các yêu cầu thẩm mĩ?

Thứ tư, việc phát triển văn hóa đọc không thể tiến hành được nếu các cơ quan giáo dục đứng ngoài cuộc. Tại sao vậy?

- Theo quan sát của riêng tôi, trong phân bố chương trình của học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở không hề có phần dành cho việc đọc sách, dù chỉ là một hoạt động ngoại khóa. Làm sao những người trưởng thành có thói quen đọc sách khi mà từ nhỏ không được rèn luyện thói quen đọc sách.

- Muốn đọc sách thì phải có sách để đọc. Vậy mà như quan sát của tôi, thư viện tại các trường học hiện nay lại hết sức nghèo nàn. Nên chăng có một chương trình quốc gia để phát triển thư viện trường học?

- Thói quen đọc sách liên quan rất nhiều đến môn Văn ở nhà trường. Vậy mà môn văn lại đang có vấn đề. Tôi chưa có điều kiện tiến hành khảo sát sâu nhưng có thể chắc chắn rằng từ 1975 đến nay, chương trình văn học ngày càng có khuynh hướng kinh viện hóa và "xơ cứng hóa". Xin lấy một ví dụ: ở thời Pháp thuộc, khi giảng một tác giả như V. Hugo, hệ thống giáo dục chỉ định ra một cái khung vấn đề rồi sau đó để cho giáo viên tùy chọn các đoạn trích giảng. Khi đi thi, người ta có thể chọn một đoạn bất kì trong di sản văn chương của V. Hugo để hỏi. Chính vì vậy, bắt buộc học sinh phải đọc một khối lượng lớn tác phẩm của nhà văn này. Đó phải chăng cũng chính là một lí do khiến cho thanh thiếu niên ham đọc sách. Trái lại, trong hệ thống giáo dục Văn chương ở Việt Nam sau năm 1975, chương trình văn học chỉ tập trung vào giảng dạy một số lượng cố định tác giả - tác phẩm và chương trình thi cũng đóng khung trong con số này. Vậy thì việc gì phải đọc thêm sách? Chương trình Văn cải cách mà hiện nay đang là đợt triển khai thực hiện đầu tiên đã có những thay đổi cơ bản với hai định hướng mà theo tôi là có ý nghĩa tích cực đối với thói quen đọc sách của học sinh: phát triển kĩ năng đọc – hiểu (nghĩa là trang bị cho học sinh kĩ năng đọc để tự tìm kiến thức trong sách) và bắt buộc người học cũng như người dạy cũng như người đọc phải đọc tài liệu tham khảo. Tuy vậy, muốn thực hiện được điều này, phải làm được hai việc: 1. Nâng cấp hệ thống thư viện trường học đủ đáp ứng như cầu đọc, ít nhất là theo chuẩn mực của sách giáo khoa. 2. Liệu  Bộ giáo dục có thể cách mạng hoàn toàn cách thi môn văn theo hướng "cứng" về khung chương trình và chuẩn kiến thức nhưng "mềm" về diện văn bản được lựa chọn. Ai cũng biết rằng lối thi chỉ tập trung vào một số văn bản đã gây ra những lối học hết sức quái đản theo kiểu "yêu căm liệt lạc, Dậu Pha Phèo". Vấn đề là liệu các cơ quan quản lí giáo dục có thể mạnh dạn thay đổi thực trạng này. Tóm lại, vấn đề cuối cùng là liệu Bộ giáo dục có thể làm được hai yêu cầu nói trên để cuộc cải cách giáo dục của mình đừng trở thành một cải cách nửa vời hay không?

Trên đây chỉ là một số kiến nghị của tôi để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Trong những kiến nghị đó, chắc chắn có những điều khá "vĩ mô" và có thể bị đánh giá là "mơ mộng", "không tưởng" (như những gì liên quan đến tổ chức phi chính phủ) nhưng cũng có những điều hoàn toàn có thể thực hiện được (như các giải pháp về sách bìa mềm, về giảng dạy văn học...). Và ngay cả những kiến nghị được coi là "mơ mộng" thì biết đâu, nói như John Lenon trong ca khúc "Tưởng tượng" bất hủ của anh: Bạn vẫn bảo tôi là người mơ mộng/ nhưng tôi đâu phải là người duy nhất/ và tôi vẫn mơ, một ngày kia...

Phạm Xuân Thạch - Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội