Giải pháp nào để người Việt mê đọc sách hơn nữa?


Việt Nam là đất nước có bốn ngàn năm văn hiến, có biết bao nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Vũ Trọng Phụng… Với truyền thống như vậy, chúng ta có thể ngẩng cao đầu tự hào với các dân tộc khác trên thế giới rằng, không những chúng ta ham đọc sách, yêu thơ ca mà còn đóng góp những kiệt tác văn chương cho kho tri thức nhân loại.   

Thế nhưng gần đây, dần dần chúng ta nhận thấy rằng truyền thống ham học sách đó dường như đang ngày bị mai một và hãy hình dung một ngày nào đó tình yêu sách của người Việt hoàn toàn biến mất. Điều đó nếu xảy ra thì sẽ thật là khủng khiếp và có thể so sánh với việc một dân tộc mà trong đó đầu óc của người dân hoàn toàn khép kín trước kho tri thức của toàn nhân loại. Một dân tộc như vậy sẽ tự mình cô lập với các nước xung quanh, bạn bè quốc tế và không thể phát triển được do không biết kế thừa và phát huy tinh hoa thế giới để phục vụ cho mình. May thay việc này chưa xảy ra nhưng thực trạng về vấn đề này hiện nay cũng rất đáng báo động. 

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn vào thực trạng đọc sách của giới trẻ. Một bộ phận lớp trẻ hiện nay do không được cha mẹ xây dựng thói quen đọc sách và tự học qua sách từ nhỏ nên đã coi việc đọc sách chỉ là để học thuộc lòng và trả bài cho thầy cô giáo, sau đó rồi có thể quên ngay không hề đắn đo, suy nghĩ. Hậu quả là hiện nay trong xã hội ta đang bị lạm phát văn nói (viết như nói) và văn mẫu (viết không sáng tạo độc lập mà sao chép nguyên si hay nhái lại của người khác làm của mình), cũng như tình trạng viết sai lỗi chính tả tràn lan khắp nơi… Cá nhân tôi thật may mắn khi có một người Mẹ tuyệt vời, ngay từ khi tôi còn nhỏ, mặc dù lúc đó đất nước vẫn còn rất khó khăn và còn trong tình trạng bao cấp (1980 – 1985), Mẹ đã đọc sách cho Tôi nghe hàng đêm, mặc dù suối cả ngày Mẹ đã phải khản cả giọng với các anh chị học trò ở trường Mẹ dạy, giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu rõ từng cuốn, khuyến khích tôi tiết kiệm tiền lì xì Tết để mua sách về đọc khi học xong bài vở ở trường và đặc biệt khi hè đến. Mỗi khi Mẹ tôi thấy có sách hay lại mua về cho tôi và luôn ghi trên trang đầu là “Tặng Con trai yêu quý của Mẹ” để mỗi khi đọc đến, tôi phải quý trọng, nâng niu từng trang vì đó là tất cả tình cảm của Mẹ đối với tôi. Hiện nay mặc dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn bố trí thời gian đưa con gái 6 tuổi của tôi đi nhà sách để chọn sách hay, bổ ích để bố hoặc mẹ đọc cho con nghe, đồng thời làm gương để con noi theo bằng cách chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu thêm ở nhà thường xuyên vì rằng đối với trẻ con thì phải kiên nhẫn dạy dỗ bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ là lời nói suông… Có thể nói, giới trẻ lười đọc sách có một phần do sự lơ là của người lớn trong việc khuyến khích, định hướng.  

Qua quá trình trải nghiệm của bản thân Tôi, một người do nhu cầu công việc nên thường xuyên phải tiếp cận và sử dụng các nguồn tài liệu sách báo khác nhau bằng tiếng Anh và tiếng Việt - tôi có thêm vài suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến việc đọc sách hiện nay như sau:  

      Đại bộ phận người dân, số tiền mua một cuốn sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị nhiều khi gần bằng 1/3 lương tối thiểu (khoảng từ trên 100.000 đồng/cuốn đến 200.000 đồng/cuốn), số tiền này nếu so sánh với sách ở các nước phát triển có chế độ bảo vệ bản quyền tác giả nghiêm ngặt là khoảng 1/10 lương tối thiểu, tức là khoảng vào 50 đô la Mỹ/cuốn). Với giá tiền như vậy thì việc mua sách là hầu như không thể đối với đại bộ phận người dân còn đang phải chống chọi với cơn bão giá thực phẩm, lạm phát gia tăng, đời sống đắt đỏ trước mắt, đành phải quên đi các khoản tiền chưa cần thiết ngay lập tức như chi phí cho việc mua sách và đọc sách. Để thay thế, hiện nay một bộ phận lớn Sinh viên, Giảng viên, những người yêu đọc sách tìm đến nguồn tài liệu phong phú ở trên mạng internet. Tuy nhiên những thông tin này được coi là nguồn không chính thống và rất khó có thể đánh giá được chất lượng. Kho tư liệu phong phú trên Internet chủ yếu là bằng Tiếng Anh mà không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được.

      Hiện nay tình trạng “luộc sách”, “in lậu sách” đang diễn ra khá phổ biến và được báo chí đề cập gần như thường xuyên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá sách và chất lượng sách.

      Bên cạnh đó, do sức ép cơ chế thị trường và mong muốn nhanh chóng đưa các tác phẩm nổi tiếng ra phục vụ độc giả mà nhiều người đã “dịch sách nước ngoài như bị ma đuổi” dẫn tới dịch thoáng, dịch sót, dịch không hết ý, chuyển ngữ không chính xác, không truyền đạt được triệt để tư tưởng của tác giả thông qua tác phẩm gốc, làm giảm đi nhiều giá trị của cuốn sách khi đến tay độc giả Việt và lâu dần sẽ bị mất đi một lượng lớn khách hàng trung thành và đầy tiềm năng. 

Giải pháp cho những vấn đề trên nói chung không khó để nêu ra nhưng khó ở phần thực hiện, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm, kiên nhẫn của toàn xã hội của 6 nhà: nhà quản lý (nhà nước), nhà doanh nghiệp (nhà xuất bản), “nhà” viết (tác giả), nhà trường (từ Mẫu giáo đến Đại học), nhà tiêu thụ (gia đình), nhà hảo tâm (tổ chức từ thiện, tổ chức hoạt động xã hội). Nhà nước đóng vai trò quản lý xã hội, thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà xuất bản và bảo vệ bản quyền tác giả. Nhà doanh nghiệp phải thực sự coi đọc giả là khách hàng của mình, kiên quyết không đưa ra thị trường những “sản phẩm” kém chất lượng. Tác giả phải có sự say mê và bản lĩnh nghề nghiệp để đưa đến mọi người những tác phẩm để đời. Nhà trường phải khuyến khích sự sáng tạo, chủ động tìm đến kiến thức mới từ những tác phẩm chọn lọc, có giá trị từ kho tri thức của toàn nhân loại hơn là học thuộc lòng sách giáo khoa và trả lại cho thầy cô. Gia đình phải xây dựng truyền thống và văn hóa đọc cho con cháu bằng cách chăm sóc hơn nữa đến đời sống tinh thần của con trẻ qua những hành động cụ thể như đọc sách cho con nghe trước khi ngủ, khuyến khích con tiết kiệm tiền để mua sách, bỏ thời gian để nghe con kể lại những câu chuyện hay, tâm đắc qua đó rèn luyện khả năng diễn đạt bằng lời nói cho con, động viên con viết nhật ký để phát triển khả năng viết và cuối cùng, đóng vai trò quyết định là làm gương trước mắt con bằng cách thường xuyên đọc sách. Các Tổ chức từ thiện, Tổ chức hoạt động xã hội có thể thu hút sự đóng góp từ nhiều nguồn bằng nhiều cách để xây dựng các Thư viện (Ngôi nhà Tinh thần) cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay. 

Với việc thực thi hệ thống các giải pháp tổng hợp và đồng bộ như vậy, hy vọng Sách với vai trò là Người thầy vĩ đại trong sự nghiệp Học, Học nữa, Học mãi sẽ đưa chúng ta đi đến bến bờ của hạnh phúc, thành công trong cuộc đời với thời gian tối thiểu và chi phí tối ưu trong cuộc sống tất bật hiện tại và nhất là sẽ giúp Việt Nam nâng cao tri thức, ứng dụng các hiểu biết từ sách vở vào thực tiễn, góp phần xây xựng đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh hơn./.

Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Công ty CP Quốc tế Minh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét