Dịch sách và tinh thần cầu học: Khởi động quá trình hiện đại hóa Nhật Bản


GS. Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản

Năm 1853 hạm đội của Đô đốc Perry (Mỹ) đến bến cảng Uraga đòi chính quyền Mạc Phủ Tokugawa mở của giao thương. Đến năm 1858, Nhật phải ký các hiệp ước bất bình đẳng với Mỹ và một số nước Tây phương khác. Mười năm tiếp theo đó là giai đoạn cực kỳ rối ren. Nhật đứng truớc nguy cơ có khả năng trở thành thuộc địa của Âu Mỹ trong tình hình nội chiến bùng phát vì các phiên trấn ở phía Nam tập họp lực lượng để đánh đổ chế độ tướng quân Tokugawa, giành lại thực quyền cho thiên hoàng. Trước nguy cơ ngoại xâm, lãnh đạo Nhật ở cả hai phe đã khôn khéo không để cho cuộc nội chiến kéo dài và tránh được cuộc đổ máu ở quy mô lớn. Chính quyền Minh Trị thiên hoàng ra đời năm 1868, trọng dụng người tài của chế độ cũ và ra sức tiến hành cận đại hóa để theo kịp các nước phương Tây. Một trong những nỗ lực để khởi động công cuộc cận đại hóa là dịch và phổ biến các sách kinh điển phương Tây, các sách giúp xây dựng chế độ pháp quyền, chế độ kinh tế tiên tiến và xây dựng lối sống văn minh. Qua những trang dưới đây ta sẽ thấy một phần nỗ lực phi thường và sự phấn đấu gian khổ của người Nhật trong nỗ lực tiếp nhận văn minh phương Tây qua dịch thuật.

Những tiếng nói kiểm thảo giáo dục


GS. Huỳnh Như Phương
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM

Chưa bao giờ ở nước ta những ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục lại phong phú và sâu sắc như những năm gần đây. Điều đó cho thấy giáo dục đang đứng trước nhiều vấn đề nghiêm trọng, nan giải, làm lo âu các đại biểu dân cử, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo, các bậc phụ huynh và cả sinh viên, học sinh. Nó cũng nói lên rằng nền giáo dục nước nhà không thể tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay mà sớm muộn gì cũng phải thay đổi, nếu không muốn để cho khuyết điểm của ngành ngày càng nặng nề thêm.

Điều kiện ban đầu xây dựng văn hóa đọc


Phạm Toàn

Khái niệm

 

Lâu nay, vấn đề văn hóa đọc xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, nhưng hình như ý kiến mang tính tổng kết và cảnh báo của Nguyễn Thị Minh Thái[[1]], Cần làm gì để cứu lấy văn hóa đọc? đã định hình nỗi lo lắng thực sự của xã hội.

 

Xã hội bắt đầu quan tâm tới khái niệm văn hóa đọc, trước hết là ngẫm nghĩ về những hiện tượng đọc không mang tính chất văn hóa đọc, sau đó là suy nghĩ về những thế phẩm vào chỗ thiếu vắng văn hóa đọc.

Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật


TS. Nguyễn Xuân Xanh

Các cộng đồng dân tộc trong cơn lâm nguy không nhất thiết tìm kiếm sự an toàn cho mình bằng sự đổi mới; thông thường họ tái khẳng định truyền thống và càng bám chặt nó một cách cương quyết hơn.
Thomas C. Smith

Trình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc đó.
Fukuzawa Yukichi

Một vài suy nghĩ về sách và sự nghiệp chấn hưng đất nước


TS. Vũ Minh Khương
Đại học Quốc gia Singapore

Tri thức là một quyền lực có sức mạnh đặc biệt.

Sức mạnh đặc biệt của Quyền lực Tri thức có từ tính khai sáng của nó. Nó ban cho con người lòng dũng cảm và sự sáng suốt trong nhận thức lại sự vật. Bởi vậy, nó làm thức dậy, dung dưỡng, và khai phát tiềm năng to lớn vốn có trong mỗi con người.

Sức mạnh đặc biệt của Quyền lực Tri thức có từ sự cao quí của nó. Với Quyền lực Tri thức, người ta không ngừng lớn lên - cao quí hơn, chứ không bị tha hóa như thường thấy trong thuộc tính của quyền lực vật chất hay chính trị.

Sách giáo dục - “Tướng tiên phong” trong công cuộc chấn hưng giáo dục

Giản Tư Trung
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những nhà giáo chất lượng quốc tế? Làm thế nào để chúng ta có đội ngũ những nhà lãnh đạo giáo dục có tầm vóc? Làm thế nào để chúng ta có thể phát triển được những phương pháp giáo dục ưu việt? Và làm thế nào để học sinh của chúng ta có thể tiếp cận được với những gì tốt nhất để khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn?... Những câu hỏi lớn lao này phải được giải quyết bằng một cuộc canh tân giáo dục sâu rộng, và trong công cuộc này không thể bỏ qua vai trò của “tướng tiên phong” mang tên “sách giáo dục”.

Sách giáo khoa phổ thông nước ngoài và một số kinh nghiệm cho Việt Nam


GS. Nguyễn Minh Thuyết

1. Cứ liệu

Bài viết này dựa trên kết quả phân tích một số bộ SGK nước ngoài bao gồm 5 bộ SGK Tiếng Pháp ở tiểu học và một số SGK Ngôn ngữ và Văn học ở trung học của CH Pháp; bộ SGK Tiếng Anh từ tiểu học đến hết trung học của bang Tamilnadu, CH Ấn Độ; một số SGK Tiếng Anh ở tiểu học và trung học của Vương quốc Anh và Bắc Ailen; một số SGK Tiếng Nga ở tiểu học và trung học của CHLB Nga; bộ SGK Ngôn ngữ ở tiểu học của Tổ chức Escuela Nueva (Ngôi trường Mới), Colombia và bài viết SGK Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam của Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng[[1]].

Đổi mới sách giáo khoa để chấn hưng giáo dục


TS. Hồ Thiệu Hùng

Sự ra đời của sách đã đánh dấu một bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người bởi nó mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người trên lĩnh vực truyền bá tri thức, kỷ nguyên một người truyền bá tư tưởng cho nhiều người, hàng trăm ngàn, hàng triệu, hàng tỷ người mà không cần giáp mặt nhau. Từ đó đến nay, biết bao con người cùng rất nhiều dân tộc đã đổi đời dưới ảnh hưởng các tư tưởng vượt không gian, vượt thời gian của những cuốn sách hay mà họ may mắn được đọc. Vì lẽ đó, nói về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam thì không thể không nói đến đổi mới sách dành cho học sinh, sinh viên - thế hệ sẽ làm chủ đất nước này.

Văn hóa đọc sách và chấn hưng giáo dục ngày nay

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống

Tóm tắt

Sinh viên chắc chắn phải đọc sách nhiều hơn học sinh trung học. Sinh viên chỉ từ bỏ cách học thuộc giáo trình để đọc hiểu nhiều sách tham khảo khi giảng viên có phương pháp giảng dạy sáng tạo nhằm khuyến khích việc khám phá hơn là thụ động chấp nhận việc nhồi nhét kiến thức.

Tầm quan trọng ngày càng gia tăng của kiến thức, cùng với sự kiện hầu hết các nước đang phát triển bị tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khả năng tạo ra kiến thức, tiếp thu, biến cải và sử dụng chúng, sẽ còn làm cho khoảng cách thu nhập giữa các nước phát triển giàu có và các nước đang phát triển nghèo nàn ngày càng gia tăng nếu khoảng cách trí thức tương ứng và sự chênh lệch khả năng tiếp cận kiến thức không được giải quyết thành công bằng biện pháp chấn hưng giáo dục mà đặc biệt là ở bậc đại học.

Sách và các nhà quản lý giáo dục

TS. Nguyễn Thị Từ Huy
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Ở đây chúng tôi không bàn tới ý nghĩa và tầm quan trọng không thể phủ nhận của sách đối với sự chấn hưng giáo dục, mà suy nghĩ về việc làm thế nào để sách thực sự có tác dụng trong công cuộc chấn hưng giáo dục của chúng ta hiện nay.

Câu trả lời là: Phải đọc sách. Và phải ứng dụng những điều đọc được trong sách. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở vế thứ nhất.

Đọc sách: từ người đọc vô thức đến người đọc hữu thức

Dịch giả Phạm Anh Tuấn

Ngày nay, họa hoằn lắm mới có người nuôi một suy nghĩ tiêu cực nào đó, khoan hãy nói tới phủ nhận, về vai trò của sách đối với mỗi con người và đồng thời đối với toàn xã hội. Song, sự thừa nhận một vai trò như vậy đối với sách mới chỉ nói lên được một mặt của vấn đề. Mặt kia là, tại sao sách lại cần thiết như vậy, thậm chí là có tính tất yếu đến vậy đối với sự sống của con người đúng nghĩa là con người.

Để tiếp cận vấn đề theo cách phân tích như vậy, chúng ta hãy thử nhìn lại quá trình phát triển của con người như là một loài biết suy nghĩ, đứng tách ra khỏi muôn loài động vật khác.

Sách nào cho công cuộc chấn hưng giáo dục?

TS. Quách Thu Nguyệt

Việt Nam sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI năm 1986 cùng với thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, mọi người đều nhận ra rằng để tạo sự thành công cho mỗi quốc gia, để có thể phát triển bền vững  trong cuộc đua tranh toàn cầu cần phải xây dựng một nền giáo dục năng động, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới, một nền giáo dục hiện đại. Giáo dục vì vậy mà trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng từ cá nhân, tổ chức, từ những người hoạt động trong ngành, các nhà văn hóa, học giả, chuyên gia, đến các bậc phụ huynh…

Đã có nhiều lời kêu gọi, những tiếng nói từ cộng đồng, những hành động chung tay của những tổ chức xã hội nghề nghiệp, những cá nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Làm gì cho công cuộc chấn hưng giáo dục? SÁCH, một lần nữa trở thành một đề tài được luận bàn.

Vài lời tản mạn về sách với công cuộc chấn hưng văn hóa

Nguyễn Khắc Thuần
Đại học Bình Dương

1.   Khá đông nhà nghiên cứu lừng danh thuộc nhiều quốc gia và thể chế chính trị khác nhau đã đồng nhất cho rằng lịch sử nhân loại suy cho cùng cũng chỉ có hai thời đại lớn, một là thời đại chưa có chữ viết và hai là thời đại có chữ viết. Thời đại chưa có chữ, Anh ngữ viết là Prehistory, Pháp ngữ viết là Préhistoire, Hoa ngữ viết là , còn ta thì phiên âm từ Hoa ngữ này là Tiền sử. Nguyên nghĩa, chữ sử có nghĩa là chữ viết. Viết trên xương thú, viết trên da thú, viết trên vỏ cây, viết trên lá cây, viết trên đất nung, viết trên đá, viết trên thẻ tre, viết trên lụa, viết trên giấy và giờ đây còn có cả viết trên mạng nữa… Viết ở đâu cũng đều rất quan trọng vì nhờ có chữ viết mà hậu thế mới có thể hình dung được cuộc sống đa sắc màu của các thế hệ tiền bối.

Để sách có thể tham góp vào sự phát triển Văn hóa, Giáo dục của đất nước


TS. Phạm Văn Rính

Dẫn nhập

Sách là nội hàm tri thức được tích hợp từ những kiến thức của nhân loại với sự sáng tạo thêm vào của cá nhân các tác giả làm cho sách luôi tươi mới, sống động, phù hợp với sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Vì vậy có thể nói rằng sách là nền tảng của tri thức và nó luôn gắn với sự nghiệp văn hóa, giáo dục trong lịch sử phát triển của các quốc gia dân tộc. Tùy thuộc vào chiều hướng của sự phát triển mà sách luôn đổi mới cả về hình thức và nội dung để mang đến cho bạn đọc không chỉ kiến thức mà cả nguồn cảm hứng đọc sách. Từ những nhận thức đó chúng tôi cho rằng để sách trở thành nền tảng phát triển văn hóa giáo dục thì cần xem xét đến điều kiện cần và đủ để nó thực sự giữ được vai trò tối quan trọng trong đời sống của chúng ta. Thứ nhất, điều kiện cần là có nhiều sách hay từ các tác giả, dịch vụ cung cấp sách của các nhà sách thuận tiện và dịch vụ phục vụ bạn đọc ở các thư viện dễ dàng và tiện nghi.

Vai trò của sách và đổi mới giáo dục

TS. Nguyễn Thị Nương
Đại học Sư phạm Hà Nội

Giáo dục là hoạt động xã hội nhằm thực hiện chức năng chuyển giao tri thức và thông tin hình thành nên những con người có kiến thức và kỹ năng sống và làm việc. Do đó giáo dục đã luôn được xem là nhân tố hàng đầu của sự phát triển của mỗi quốc gia. Đã từ lâu, phương châm “biến đào tạo thành quá trình tự đào tạo” đã trở thành một định hướng trong ngành giáo dục. Thực hiện đổi mới giáo dục, vấn đề tự học giữ một vai trò quan trọng. Để thực hiện được việc tự học, người học và người dạy không thể thiếu sự hỗ trợ của sách, nguồn học liệu, tài liệu tham khảo mang ý nghĩa quyết định.

Sự cần thiết của hoạt động phối hợp giữa thư viện trường học và thư viện công cộng trong công tác giáo dục và hình thành thói quen đọc sách

Kim Thanh
Thư viện Tiền Giang

Sách tác động đến việc hình thành nhân cách của từng cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ như thế nào và sách báo thể hiện sự phát triển văn hóa của một dân tộc ra sao, có lẽ đã được khẳng định.

Bài viết này chỉ chia sẻ vấn đề nên làm gì và làm như thế nào để hình thành thói quen đọc sách đem lại lợi ích cao nhất cho công tác giáo dục và phát triển nền văn hóa đọc của Việt Nam. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc phối hợp hoạt động giữa các hệ thống thư viện trong sự nghiệp giáo dục và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh qua 2 khía cạnh: xác định đối tượng chính yếu cần được quan tâm và xây dựng, hình thành kỹ năng đọc sách.

Vài suy nghĩ về văn hóa số, sách và giáo dục

TS. Nguyễn Khánh Trung
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng số. Cuộc cách mạng này đang và sẽ làm thay đổi một cách căn cơ đời sống của xã hội, của từng con người, của các mối quan hệ giữa các cá nhân một cách nhanh chóng. Nó được Hervé Le Crosnier - Đại học Caen (Pháp) ví như một ngọn sóng cao, mà tất cả chúng ta ở trên đó, ngọn sóng này vừa mới nổi lên và sẽ đưa tất cả chúng ta đi rất xa. Cách mạng số tác động và làm thay đổi mọi lĩnh vực từ kinh tế, luật pháp, chính trị, truyền thông… và đương nhiên là có cả giáo dục và công tác in ấn xuất bản. Lối sống, lối ứng xử, phương cách làm việc mới được thiết lập, tạo ra những nét văn hóa mới gọi là “Văn hóa số”[[1]] (culture numerique hay cyberculture).

Củng cố vững mạnh mạng lưới thư viện huyện thị làm cơ sở triển khai chấn hưng văn hóa đọc trong cộng đồng

Phạm Thế Khang
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

I. Sự cần thiết củng cố vững mạnh mạng lưới thư viện cấp huyện

1. Những yêu cầu cơ bản để chấn hưng văn hóa đọc    

            - Có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc với tầm Chiến lược quốc gia.

- Có nhiều sách. Sách mới. Sách đẹp. Sách hay, nội dung tốt, thiết thực. Sách đáp ứng nhu cầu đọc cho các đối tượng. Sách miễn phí hoặc giá rẻ, phù hợp với khả năng người mua.

- Có nơi phục vụ việc đọc thuận tiện: nhà thư viện với phòng đọc rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh sáng. Nơi đọc sách công cộng ở vị trí thuận tiện cho việc đi lại của bạn đọc trong khu vực. Thủ tục đăng ký bạn đọc dễ dàng, mở cửa vào thời gian thích hợp. Bạn đọc được tiếp cận trực tiếp với sách báo muốn đọc.

Sách và vấn đề sống còn của giáo dục

TS. La Thị Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Bài viết này là một sự chia sẻ quan điểm, và những trải nghiệm của tôi về vấn đề đọc sách và vai trò của nó với giáo dục. Với những kinh nghiệm cá nhân là một người mẹ, người dạy học và làm nghề nghiên cứu giáo dục, nhân dịp Hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục”, tôi muốn đóng góp cho các độc giả một góc nhìn của tôi về vai trò giáo dục to lớn của việc đọc sách, về vai trò xã hội hóa giáo dục trong sự bồi dưỡng niềm vui đọc sách của các lứa tuổi học trò, thanh thiếu niên và người trưởng thành tại Mỹ, về quan điểm cá nhân về cách khơi gợi niềm vui đọc sách cho trẻ em, và ý kiến của tôi về việc phát động việc đọc sách là một hoạt động tích cực của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong bối cảnh ở Việt Nam.

Góp phần cải thiện nền giáo dục nước nhà thông qua đọc sách về giáo dục so sánh

PGS.TS. Phạm Lan Hương

Trong tình hình còn nhiều bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều phụ huynh cũng như những nhà giáo dục (sau đây gọi tắt là GD) tâm huyết đang mong muốn tìm những tấm gương để góp phần học tập, cải thiện nền GD nước nhà. Nhìn ra năm châu, bốn biển, ông bà ta thường có câu “Biết mình, biết người trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Có lẽ đọc và nghiên cứu các sách về giáo dục so sánh (sau đây gọi tắt là GDSS) có thể giúp chúng ta phần nào đó thỏa mãn yêu cầu. Vậy GDSS là gì? Tại sao lại phải nghiên cứu GDSS? Trong nội dung hạn hẹp của bài viết ngắn này chúng tôi xin giới thiệu sơ qua vài nét về GDSS.

Sách, thư viện với phát triển văn hóa, giáo dục

Nguyễn Yến Vân
Đại học Văn hóa Hà Nội

Trong mọi thời đại, sách luôn là người bạn đồng hành của con người, giúp con người mở rộng hiểu biết và tự hoàn thiện mình. Chính vì thế, ngay từ thời cổ đại, khi công nghệ chưa phát triển, con người đã tạo ra sách từ đất, một vật liệu thô sơ. Từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, ở vùng Lưỡng Hà, sách đã xuất hiện với hình thức là những tấm đất sét nung. Người ta đã tìm thấy 20.000 cuốn sách bằng đất sét nung hình vuông và hình tam giác của thư viện vua Atxuabanipan (668-633 trước Công Nguyên). Ở thung lũng sông Nil, sách đã được tạo nên từ những cây sậy gọi là Papirut. Hiện nay người ta còn lưu giữ được một cuốn Papirut viết cách đây hơn 4.000 năm. Trong đó ghi các chữ tượng hình của Ai Cập cổ. Ở vùng Địa Trung Hải, Châu Âu, sách còn được viết trên da thú, người Hy Lạp đã dùng da thay thế Papirut. Họ lấy da bò, da cừu bào nhẵn để viết chữ lên đó.

Vài nét về hệ thống thư viện trường học Việt Nam

ThS. Lê Thị Chinh
Nhà Xuất bản Giáo dục

I. Vai trò của thư viện trường học

Là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục, thư viện trường học là một bộ phận không thể thiếu được trong việc hình thành môi trường văn hóa học đường. Nó sẽ là khơi nguồn và thỏa mãn những nhu cầu về thông tin, tri thức của thầy cô giáo và học sinh. Hơn thế nữa thư viện trường học còn là trung tâm thông tin văn hóa của cộng đồng.

Thư viện trường học là một bộ phận cơ sở trọng yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, khoa học của nhà trường. Thư viện trường học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, xây dựng thói quen tự học cho học sinh. Mặt khác, thư viện trường học còn tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, xây dựng nếp sống văn hóa cho các thành viên trong nhà trường.

Sách nếu được đầu tư tốt sẽ là tiền đề cho công cuộc chấn hưng giáo dục

 
Lê Nguyên Đại
Giám đốc CTS Thời Đại
UVTV Hội Xuất bản VN

Tại sao đặt vấn đề chấn hưng giáo dục?

Có thể coi là bình thường không, khi học trò không còn cảm xúc với môn văn và không thích học môn lịch sử, để đến nỗi đi thi tuyển vào đại học môn thì đa số dưới điểm trung bình và môn còn lại thì thậm chí có kỳ thi hầu hết bị điểm không? Tại sao không thấy rằng điều đó tiềm ẩn những nguy cơ nhãn tiền gây hậu quả nghiêm trọng là làm thui chột tâm hồn, nhân cách và làm phai nhạt tinh thần dân tộc của cả một hay nhiều thế hệ?