Vai trò của sách và đổi mới giáo dục

TS. Nguyễn Thị Nương
Đại học Sư phạm Hà Nội

Giáo dục là hoạt động xã hội nhằm thực hiện chức năng chuyển giao tri thức và thông tin hình thành nên những con người có kiến thức và kỹ năng sống và làm việc. Do đó giáo dục đã luôn được xem là nhân tố hàng đầu của sự phát triển của mỗi quốc gia. Đã từ lâu, phương châm “biến đào tạo thành quá trình tự đào tạo” đã trở thành một định hướng trong ngành giáo dục. Thực hiện đổi mới giáo dục, vấn đề tự học giữ một vai trò quan trọng. Để thực hiện được việc tự học, người học và người dạy không thể thiếu sự hỗ trợ của sách, nguồn học liệu, tài liệu tham khảo mang ý nghĩa quyết định.

Các hoạt động giảng dạy, học tập, tự đào tạo ngoài quan hệ sư phạm giữa thầy và trò, luôn cần đến các kho tài liệu và các hoạt động khai thác và phổ biến tri thức của các thư viện và trung tâm thông tin. Hiện nay, các trường đại học đã và đang từng bước chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Để phục vụ cho đào tạo tín chỉ tại các trường đại học, vấn đề xây dựng được một nguồn học liệu phong phú là điều kiện cần đầu tiên. Kế đó là việc tạo cho người học có kỹ năng, phương pháp và thói quen khai thác sử dụng các nguồn học liệu đó. Sự hướng dẫn của giáo viên và người cán bộ thư viện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các kỹ năng, phương pháp và thói quen này. Nhiều trường đại học trên thế giới đã chú trọng đến việc trang bị kiến thức thông tin (information literacy) cho người học. Sự trang bị này gắn liền với việc học trên lớp và việc tự học trong các thư viện. Các thư viện chủ động trang bị kiến thức thông tin cho người đọc dưới nhiều hình thức khác nhau: Tập huấn cho sinh viên mới nhập học, đào tạo các kỹ năng cá biệt trong việc tra cứu tài liệu, sử dụng thông tin, tìm tin trên Internet…

Thực tế đã chứng minh: Sách báo và tài liệu có một vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội loài người. Nhận thức rõ điều đó, nhà văn Gorki đã từng viết: Sách là kỳ công phức tạp và vĩ đại nhất trong tất cả các kỳ công tuyệt diệu mang loài người sáng tạo ra trên con đường tiến tới hạnh phúc và tương lai tươi sáng”.

Sách phản ánh thực tiễn và tư duy của con người, sách trao truyền kinh nghiệm của thế hệ này sang thế hệ khác. N.K.Krúpxkaia đã đưa ra một nhận định rất đúng đắn:Sách giúp cho ta làm việc tốt hơn, hiểu được cuộc sống xung quanh nhiều hơn, giúp cho ta tổ chức, sắp xếp tổ chức tốt hơn. Sách cung cấp cho ta mọi sự hiểu biết, mà hiểu biết là một sức mạnh lớn lao”.

Sách là phương tiện học tập nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một nguyên lý: “Học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân”. Theo nguyên lý này sách báo là một công cụ không thể thiếu được giúp cho việc học tập, nghiên cứu có hiệu quả.

Vấn đề quan trọng đặt ra là phải giáo dục nhận thức cho người học, làm sao việc đọc trở thành nhu cầu và thói quen của mọi học sinh, sinh viên.

Công nghệ đã thay đổi, sách có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng dù dưới dạng thức nào, sách vẫn giữ nguyên giá trị. Đúng như A.I.Ghécxen đã tổng kết các vai trò và giá trị của sách báo: “Sách - đó là di huấn tinh thần của thế hệ này đối với thế hệ khác, đó là lời khuyên của những người sắp từ giã cõi đời đối với người trẻ mới bước vào cuôc sống, đó là mệnh lệnh của người đứng gác sắp đến giờ nghỉ truyền lại cho người đến thay gác. Toàn bộ cuộc sống của loài người đều được phản ánh trong sách: những bộ lạc, những con người, những quốc gia mất đi, nhưng sách vẫn tồn tại. Sách lớn lên cùng với loài người, sách kết tinh tất cả những học thuyết làm rung động khối óc, kết tinh khát vọng làm rung động trái tim, sách ghi lại cuộc sống sôi nổi của loài người, được mệnh danh là lịch sử toàn thế giới. Nhưng trong sách không chỉ có quá khứ; sách còn là phương tiện giúp ta làm chủ hiện tại, nắm lấy tất cả mọi chân lý và sức mạnh được tìm ra qua nhiều đau khổ, đôi khi còn nhuốm đầy mồ hôi hoà với máu. Sách còn là cương lĩnh của tương lai.

Trong đời sống hiện đại, “Tự do, phồn vinh và phát triển xã hội và cá nhân là những giá trị cơ bản của con người. Nhưng những giá trị đó chỉ đạt được với điều kiện là các công dân được thông tin tốt mới có khả năng sử dụng các quyền dân chủ của mình và đóng vai trò tích cực trong xã hội. Việc tham gia có tính chất xây dựng và phát triển nền dân chủ phụ thuộc vào trình độ học vấn đầy đủ, sự tiếp cận tự do và không hạn chế tới tri thức, tư tưởng, văn hóa và thông tin.”  (Tuyên ngôn năm 1994 của UNESCO về thư viện công cộng). Với quan niệm này, điều quan trọng nhất, là mỗi cá nhân luôn biết khai thác và sử dụng thông tin trong đời sống. Và sách sẽ luôn giữ vai trò là người bạn đồng hành giúp con người vươn đến sự hoàn thiện. Đổi mới giáo dục, cùng với việc thay đổi phương thức dạy và học, điều quan trọng là phải thay đổi cách hành xử, tiếp cận và sử dụng sách. Không có sách, không thể nói tới đổi mới giáo dục./.

Hà Nội, 03/2012

N.T.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét