Sách và vấn đề sống còn của giáo dục

TS. La Thị Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Bài viết này là một sự chia sẻ quan điểm, và những trải nghiệm của tôi về vấn đề đọc sách và vai trò của nó với giáo dục. Với những kinh nghiệm cá nhân là một người mẹ, người dạy học và làm nghề nghiên cứu giáo dục, nhân dịp Hội thảo “Sách và chấn hưng giáo dục”, tôi muốn đóng góp cho các độc giả một góc nhìn của tôi về vai trò giáo dục to lớn của việc đọc sách, về vai trò xã hội hóa giáo dục trong sự bồi dưỡng niềm vui đọc sách của các lứa tuổi học trò, thanh thiếu niên và người trưởng thành tại Mỹ, về quan điểm cá nhân về cách khơi gợi niềm vui đọc sách cho trẻ em, và ý kiến của tôi về việc phát động việc đọc sách là một hoạt động tích cực của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong bối cảnh ở Việt Nam.


Sách giúp làm cha mẹ tốt hơn. Chính nhờ có sách, tôi đã được khám phá thế giới và bản thân, từ đó nhận thức được vai trò giáo dục to lớn của việc đọc sách, khi tôi cảm thấy bế tắc trong vấn đề giáo dục con, hay có những vấn đề phức tạp cần giải quyết, tôi lại tìm đến sách, những trang sách đã giúp tôi trưởng thành. Những trang sách thấm đẫm nhân văn từ tuổi thơ tôi “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài); “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi); “Đồng bạc trắng hoa xòe” (Ma Văn Kháng),… và đến bây giờ sau những năm tháng, đến lượt con tôi đã học hỏi để hiểu biết thêm về những miền đất ở Việt Nam, về cái đẹp của ngôn ngữ văn thơ, về tình yêu thiên nhiên và lòng nhân hậu, về lịch sử, về thế giới, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và rất nhiều điều con tôi học được và lớn lên từ những trang sách. Tôi nhớ có lần khi con về từ thư viện, con đã bần thần bảo tôi “người Mỹ độc ác quá mẹ ơi”, thì ra con đọc một cuốn sách ở thư viện nói về Chiến tranh ở Việt Nam, về cuộc thảm sát Mỹ Lai, về chất độc màu da cam[[1]]. Ngày hôm đó con đã học  thêm một điều về cuộc sống, rằng chúng ta đã trải qua đau thương như thế nào, và chiến tranh đã trở thành một phần của lịch sử, và giờ đây con và những người bạn Mỹ có thể nô đùa cùng nhau và học dưới một mái trường.

Có những mẩu chuyện từ thời mẫu giáo nuôi dưỡng tâm hồn nhân văn từ tuổi thơ của con trẻ và đi suốt năm tháng sau này, giúp khơi gợi rèn luyện cho con trẻ những xúc cảm tích cực và sự thú vị của văn học. Ví dụ từ kinh nghiệm bản thân, con gái và tôi vẫn luôn nhớ câu chuyện về tình bạn và lòng thương yêu chăm sóc của những người bạn từ một câu chuyện giản dị “Tình bạn của Ếch xanh và Cóc”[[2]]. Câu chuyện kể rằng một hôm Cóc đến thăm người bạn thân Ếch xanh của mình thì thấy bạn đang nằm trên trên giường đắp chăn chưa dậy. Cóc hỏi “Ếch ơi, bạn bị ốm đấy à?” “Không mình chỉ hơi mệt chút thôi” “Sao da bạn xanh thế” “Mình là Ếch xanh mà, da mình lúc nào cũng xanh” “Không đâu, mình thấy hôm nay nó còn xanh hơn bình thường cơ, bạn bị ốm rồi”. Với những cách dùng từ giản dị nhưng sâu sắc về cảm nhận, tác giả đã dẫn dắt độc giả câu chuyện về tình bạn trong sách một cách thú vị.

Đối với những người trẻ tuổi, việc đọc sách kể cả là đọc để thư giãn và giải trí, là một cách rèn luyện và phát triển nhân cách. Theo các nghiên cứu khoa học về đọc sách, người đọc sách không chỉ có kết quả học tập tốt hơn bạn đồng tuổi, mà còn có phong cách dễ hòa nhập với xã hội với những cộng đồng khác nhau không chỉ trong khu vực mình sinh sống mà còn cả ở những nơi xa lạ.

Giống như người trưởng thành, đặc biệt đối với thanh thiến niên, việc đọc sách, bao gồm các thể loại giải trí, học thuật đều giúp các em trưởng thành hơn, có những giá trị tốt đẹp và sống theo những giá trị nhân văn học từ trong sách, có mối quan tâm và hiểu biết hơn về văn hóa, có sự nhạy cảm và yêu thích cái đẹp, lòng nhân ái, và hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh mình. Tất cả những điều đó đều có ý nghĩa tích cực giúp cho các em khi bước vào tuổi trưởng thành[[3]]. Việc trẻ em say mê đọc sách, và đọc sách một cách tự giác có sự liên hệ chặt chẽ với các yếu tố về thói quen đọc sách của gia đình, và sự ảnh hưởng tích cực giữa các thành viên trong gia đinh trong việc đọc sách. Điều quan trọng nhất không chỉ là việc bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ em mà còn là vấn đề định hướng chủ đề đọc cho trẻ em. Đọc cái gì và đọc như thế nào đóng vai trò quyết định trong việc đọc có ảnh hưởng tích cực đển sự phát triển về tâm sinh lý và trí tuệ của thanh thiếu niên và trẻ em[[4]].

Tại Mỹ, cộng đồng xã hội và trường học đóng vai trò chủ chốt trong sự bồi dưỡng niềm vui đọc sách của các lứa tuổi học trò, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Trong trường học phổ thông ở Mỹ, kể cả công lập và tư thục, việc bồi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh các cấp bậc từ mẫu giáo đến lớp 12 đều đặc biệt được chú trọng. Mặc dù có sự khác biệt về các hình thức bồi dưỡng và giáo dục tinh thần đọc sách của học sinh, các trường có một điểm chung là họ có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, cụ thể là các thư viện của dân cư như thư viện quận, thư viện hạt, thư viện thành phố. Các thành viên của các thư viện cộng đồng tham gia tư vấn và tổ chức các hệ thống thư viện tại các trường học, ủng hộ sách báo tài liệu cho thư viện trường, vận động người dân và các nhà hảo tâm đóng góp nhân lực kinh phí để tăng cường số lượng các tài liệu tham khảo của thư viện trường. Từ nhà trường cho đến cộng đồng dân cư dù ở thành phố, vùng ngoại ô hay nông thôn, miền núi hay biển đảo, mỗi trường học, mỗi cộng đồng hạt, quận, thành phố đều có thư viện, nơi tất cả các thành viên học sinh, gia đình và dân cư cộng đồng đều có thể thoải mái tới đọc sách, mà không cần phải có thẻ thư viện. Thậm chí những người vô gia cư cũng có thể vào đọc sách và truy cập mạng internet. Tất cả đều phục vụ miễn phí. Những ai có thẻ thư viện thì được mượn về nhà, không hạn chế số lượng sách, và mượn được tới 3 tuần, kể cả đối với độc giả thiếu nhi, nhi đồng và người trưởng thành. Ở các trường đại học từ cao đẳng cộng đồng đến các trường đại học có tiếng tăm ở các tiểu bang, đều có hệ thống thư viện đồ sộ và kết nối với nhau trên khắp cả nước. Sinh viên được mượn sách từ 4 đến 5 tháng mới phải trả. Đối với giảng viên và sinh viên cao học, có thể mượn từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu có sách cần mượn mà trường không có thì có thể liên hệ với thư viện trường để mượn ở nơi khác, tất cả đều giao dịch qua mạng Internet. Trung bình mỗi sinh viên đại học được giao bài về đọc khoảng từ 30 đến 200 trang mỗi tuần. Sinh viên cao học thì số lượng bài đọc lớn hơn gấp nhiều lần.

Ở phổ thông, nhà trường có những biện pháp hữu hiệu để phát huy và bồi dưỡng thói quen đọc sách của học sinh và phụ huynh. Ví dụ như ở tiểu bang Hawaii, từ lớp mẫu giáo cho đến cuối cấp tiểu học, mỗi học sinh đều có một bản Reading Log[[5]], tạm dịch là Nhật ký đọc, dành để ghi lại tiêu đề của mỗi một phần đọc mà các em thực hiện mỗi ngày. Hàng ngày, phụ huynh phải ký nhận vào phần đọc của con em mình. Nhật ký đọc này được coi là một tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh. Do đó các phụ huynh có con học mẫu giáo hay lớp 1 thường dành thời gian giúp con đọc ở nhà, và ký nhận vào Nhật ký đọc cho con mình. Ví dụ, bạn A hôm nay đọc bài Tình bạn của Ếch xanh và Cóc[[6]], thì bạn sẽ tự ghi tiêu đề của bài, vào trong ngày đó, và ghi số trang, nếu là truyện dài. Sau đó bên cạnh là chữ ký của bố hoặc mẹ, hoặc người bảo trợ. Quy định bắt buộc là mỗi ngày mỗi học sinh tiểu học phải dành 15 phút để đọc, nội dung có thể là sách báo hoặc truyện ngắn, truyện dài, mẩu chuyện, hoặc thơ, tùy thuộc vào mối quan tâm và hứng thú của học sinh và gia đình.

Vai trò của phụ huynh trong việc bồi dưỡng thói quen đọc của các học sinh trong giai đoạn tiểu học là vô cùng quan trọng. Yêu cầu về Nhật ký đọc của nhà trường đã khuyến khích các bậc cha mẹ vào công việc chung của nhà trường là giáo dục ý thức và thói quen đọc sách cho trẻ em, hưởng ứng việc phát động việc đọc sách là một hoạt động tích cực của gia đình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ em được cha mẹ đọc cho nghe thường xuyên trong thời kỳ học tiểu học, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo và lớp 1, 2 có sự thích nghi tốt với việc học tập và có thành tích học tập cùng với sự phát triển trí thông minh cao hơn so với các bạn cùng lứa khác. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, đọc sách cho con  là một biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất của phụ huynh trong những hoạt động giúp con học bài ở nhà. Những trẻ em được đọc sách và được cha mẹ quan tâm bồi dưỡng các hoạt động học tập tại nhà có điểm thi và kiểm tra cao hơn và tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông ở các cấp cũng cao hơn các bạn cùng lứa tuổi. Những học sinh được cha mẹ đọc và bồi dưỡng thói quen đọc sách và quan tâm đến việc học tập của con thường có tỉ lệ đi học đều, và có phong cách tự tin, khả năng thích nghi tốt với môi trường học tập, đồng thời các em cũng tránh xa những thói quen xấu và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, tăng cường hoạt động đọc sách ở gia đình là một biện pháp tích cực vào việc giúp con em mình có kết quả học tập tốt và là những học sinh tự tin, có lối sống lạc quan và tích cực. Đó là sự áp dụng tích cực và hiệu quả của phương pháp “xây dựng vùng phát triển” trên trí não trẻ em, theo lý thuyết giáo dục nỗi tiếng của nhà nghiên cứu Vygotsky, người tiên phong trong việc nhận định tầm quan trọng vai trò của cha mẹ trong vấn đề định hướng phát triển trí tuệ của các con[[7]].

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, việc đọc sách đã có những thay đổi nghiêm trọng. Không tính đến những nước đang phát triển, khi mà việc có sách đọc là một vấn đề xa xỉ, thì ngay ở nước phát triển như Mỹ, người ta cũng ít đọc hơn trước. Trong một báo cáo về đọc sách tại Mỹ năm 2004, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự giảm sút nghiêm trọng vấn đề đọc sách, có ít nhất nửa số người dân dành thời gian cho việc đọc sách trong suốt hai thập kỷ qua. Nhà nghiên cứu cho rằng sự giảm sút về vấn đề đọc sách đã kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa xã hội và kinh tế của đất nước như tình trạng thất nghiệp, tình trạng bạo lực gia tăng. Nghiên cứu đã chỉ ra một phần lý do người ta ít đọc sách bởi vì trong xã hội hiện đại, con người có quá nhiều các hình thức giải trí hấp dẫn, kịp thời và không đòi hỏi người tham gia phải động não. Các gia đình dành rất ít thời gian cho việc đọc, thay vào đó họ ngồi xem các chương trình giải trí trên TV[[8]] hay là trên Internet. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng thanh thiếu niên ít đọc sách hơn cả so với người già và người trưởng thành. Ở Việt Nam, sách vẫn còn là một thứ quà xa xỉ cho con trẻ vì giá cả đắt đỏ, thêm vào đó, thói quen đọc sách của học sinh, trẻ em và thậm chí là cả sinh viên đại học của chúng ta thật sự là không có.

Lý do lớn nhất là chúng ta chưa có một chương trình hành động thống nhất từ phổ thông đến đại học nhằm bồi dưỡng và phát huy thói quen đọc sách cho nhân dân. Một điều quan trọng là, chưa có một sự đầu tư thỏa đáng cho trường học, ở tất cả các cấp, về một môi trường có tiếp cận với sách, có sách để đọc. Hiện nay số trường phổ thông có thư viện sách dành cho giáo viên và học sinh vẫn còn ít ỏi. Đặc biệt là các thư viện còn rất nghèo nàn về đầu sách, về số lượng sách và phương cách tiếp cận với độc giả vẫn còn như những năm 80s, 90s. Ví dụ như ở thư viện quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, số lượng sách tiếng Việt và ngoại văn có lẽ còn ít, thậm chí không được phong phú bằng thư viện của một trường tiểu học bên Mỹ. Trong công việc của mình và là một phụ huynh có con học phổ thông cơ sở, tôi đã có dịp tới tham quan thư viện sách của một số trường phổ thông cấp 1, 2, 3 và một số trường Đại học trong nước. Điểm chung nhận thấy là mặc dù các trường đã có nhân viên thư viện chuyên nghiệp, môi trường thư viện vẫn rất ngột ngạt và không thu hút học sinh. Phần lớn thư viện đều nhỏ hẹp, số lượng sách ít ỏi, ở cấp phổ thông, nguồn sách vẫn chủ yếu là truyện tranh có nguồn gốc nước ngoài. Vấn đề tiếp cận thư viện và những yếu tố làm người đọc khó có môi trường đọc sách và mượn sách là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giáo dục còn yếu kém, nặng nề, và mang tính hình thức. Điều này cũng đã được các nhà nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra trong những nghiên cứu về vai trò của việc đọc sách, nỗi lo lắng khi tiếp cận với thư viện trong vấn đề mượn sách, và môi trường đọc sách[[9]].

Để có thể làm tốt công tác giáo dục học sinh và sinh viên ở Việt Nam, góp phần hạn chế những tệ nạn xã hội, sự tha hóa về đạo đức nhân văn của con người, và đặc biệt là để nâng cao chất lượng giáo dục, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, cụ thể bằng các hoạt động xã hội hóa vai trò bồi dưỡng và khơi gợi niềm vui đọc sách trong trường học và cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự đóng góp tích cực của các thành phần tổ chức trong xã hội trong đó có ba nhân tố chính: Nhà trường phổ thông, Trường đại học, Thư viện và các tổ chức xã hội đóng vai trò chủ chốt. Có những tín hiệu vui trong thực tế là tại Việt Nam chúng ta đã có một số các tổ chức xã hội và các cá nhân thúc đẩy việc đọc sách, như tổ chức phi chính phủ Room to read (tạm dịch Phòng đọc), một tổ chức đang tích cực xây dựng các phòng đọc sách cho trẻ em nghèo thiệt thòi ở các khu vùng sâu, vùng xa, vùng khó ở Việt Nam được tiếp cận với sách và đọc sách; như Dự án Sách Hay, các cá nhân đầu tư và xây dựng tủ sách dòng họ, các thư quán Sách café đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Ở bậc đại học, tôi đã thấy có trung tâm học liệu Đại học Đà Lạt, nơi đã được xây dựng và phát triển với sự đóng góp tích cực mà âm thầm và lặng lẽ của một người bạn tôi, một chuyên gia về thư viện được đào tạo bài bản ở Mỹ. Lần đầu tiên đến với thư viện Đại học Đà Lạt, tôi đã rất ấn tượng với số lượng sách phong phú, môi trường đọc ở thư viện khang trang, yên tĩnh. Đã tới lúc chúng ta phải thực sự quan tâm đến chất lượng thư viện, đến việc đào tạo những nhân viên thư viện chuyên nghiệp, những người thực sự giúp chúng ta bắc cầu đến với tri thức, những người mang trọng trách quan trọng là thu hút cộng đồng đến với việc đọc sách. Để việc bồi dưỡng và khơi gợi niềm vui đọc sách không chỉ dừng lại ở vấn đề hình thức của những ngày hội, mà để đọc sách thực sự trở thành thói quen của gia đình, của cá nhân và của cộng đồng, nhà trường, cộng đồng và xã hội phải cùng chung tay hành động./.

TP. Hồ Chí Minh, 03/2012

L.T.T.T.



[1] Isserman Maurice, The Vietnam War (New York: Facts on File, 1992).
[2] Lobel Arnold, Frog and Toad Are Friends (I Can Read Book 2), 2nd ed. (HarperCollins, n.d.).
[3] Vivian Howard, “The Importance of Pleasure Reading in the Lives of Young Teens: Self-Identification, Self-Construction and Self-Awareness,” Journal of Librarianship and Information Science 43, no. 1 (March 1, 2011): 46–55.
[4] Paul W. Richardson and Jacquelynne S. Eccles, “Rewards of Reading: Toward the Development of Possible Selves and Identities,” International Journal of Educational Research 46, no. 6 (January 1, 2007): 341–356.
[5] Michelle Henry, The Effects of Parent-Child Read Aloud and Comprehension Activities on the Second Grade Student’s Comprehension Performance Using the QAR Evaluation Method (Online Submission, December 1, 2008).
[6] Arnold, Frog and Toad Are Friends (I Can Read Book 2).
[7] Henry, The Effects of Parent-Child Read Aloud and Comprehension Activities on the Second Grade Student’s Comprehension Performance Using the QAR Evaluation Method.
[8] “To Read or Not to Read: A Question of National Consequence--Executive Summary,” Arts Education Policy Review 110, no. 1 (2008): 9–19.
[9] Qun G. Jiao and Anthony J. Onwuegbuzie, The Relationship Between Library Anxiety and Reading Ability., November 6, 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét