Một vài suy nghĩ về sách và sự nghiệp chấn hưng đất nước


TS. Vũ Minh Khương
Đại học Quốc gia Singapore

Tri thức là một quyền lực có sức mạnh đặc biệt.

Sức mạnh đặc biệt của Quyền lực Tri thức có từ tính khai sáng của nó. Nó ban cho con người lòng dũng cảm và sự sáng suốt trong nhận thức lại sự vật. Bởi vậy, nó làm thức dậy, dung dưỡng, và khai phát tiềm năng to lớn vốn có trong mỗi con người.

Sức mạnh đặc biệt của Quyền lực Tri thức có từ sự cao quí của nó. Với Quyền lực Tri thức, người ta không ngừng lớn lên - cao quí hơn, chứ không bị tha hóa như thường thấy trong thuộc tính của quyền lực vật chất hay chính trị.

Sức mạnh đặc biệt của Quyền lực Tri thức có từ khả năng chia sẻ vô tận và tính cộng hưởng của nó. Quyền lực Tri thức càng được chia sẻ và truyền bá thì sức mạnh của nó càng gia tăng, không chỉ về khối lượng mà cả về cường độ tương tác. Nhờ đó, lợi ích và ảnh hưởng của quyền lực này càng to lớn và sâu rộng khi nó thuộc về càng nhiều người.

Sách là một công cụ nền tảng, truyền thống, và hữu hiệu trong truyền bá tri thức. Bởi vậy, sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đem lại cho mỗi cá nhân, và do đó cho cả cộng đồng và toàn thể xã hội, những sức mạnh đặc biệt nói trên của quyền lực tri thức; đó là tính khai sáng, sự cao quí, và khả năng chia sẻ và cộng hưởng vô tận.

Một vấn đề đặt ra là làm gì và làm như thế nào để phát huy được mạnh mẽ hơn vai trò của sách trong sự nghiệp chấn hưng nước ta. Bài tham luận ngắn này, với nhiều hạn chế vì sự chuẩn bị gấp gáp, chỉ xin đưa ra một vài suy nghĩ bước đầu nhằm bàn về cách tiếp cận hệ thống có tính chiến lược trong nỗ lực này của chúng ta.

Trong nỗ lực dùng sách cho công cuộc chấn hưng đất nước, chúng ta có thể chú trọng ba nội dung chủ đạo có quan hệ tương tác mật thiết với nhau sau:

(1) Lựa chọn các lĩnh vực tri thức then chốt có vai trò nền tảng với sức lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng lâu dài tới tiến trình cải biến xã hội;
(2) Lấy yếu tố cầu (demand) làm động lực hướng dẫn và thúc đẩy yếu tố cung (supply); và
(3) Chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực, và tính sống động của phương cách thực hiện.

1. Lựa chọn các lĩnh vực tri thức then chốt có vai trò nền tảng với sức lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng lâu dài

Trong nội dung này, chúng ta nên chọn các nguồn tri thức có ảnh hưởng lớn trong ba lĩnh vực ưu tiên sau: Khai sáng, Văn hóa dân tộc, và Năng lực hành động.

Trong các nguồn tri thức thuộc lĩnh vực “Khai sáng”, bên cạnh việc truyền bá các tác phẩm triết học lớn, cần đặc biệt coi trọng các tác phẩm cũ và mới có sức khơi dậy mạnh mẽ khát khao học hỏi và lòng dũng cảm nhận thức lại.

Trong lĩnh vực “Văn hóa dân tộc”, phải tìm ra những tác phẩm giúp người Việt Nam lớn lên. Những lý giải để tìm ra yếu tố nào trong cấu trúc DNA của người Việt mà làm dân tộc Việt Nam ta (theo ý cụ Tản Đà):

“Dân [gần trăm triệu] ai người ln[[1]]
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”

Các tác phẩm giúp mổ xẻ để hiểu thấu cội nguồn làm người Việt ta nên nông nỗi này là một nỗ lực cấp bách và cực kỳ quan trọng. Sự thiếu vắng tố chất người lớn một cách phổ biến trong người Việt chúng ta có lẽ thể hiện rất rõ ở nhiều khía cạnh: không dày dạn (dễ nghe lời dụ dỗ hay dễ bị ảo tưởng về những lý điều thần bí hay lý thuyết ấu trĩ), sợ hãi người có thế lực, thích được ban thưởng khi có chút thành tích, hành động không lường tới hậu quả, thiếu khả năng chiêm ngẫm và lớn lên từ thất bại, nghĩ không sâu, hiểu không thấu đáo, chưa ý thức được quyền hạn và trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tìm đến những nguồn tri thức để người Việt ta lớn lên. Nguồn tri thức này khơi dậy và nuôi dương phẩm chất chân chính và tính trung thực (đặc biệt sự trung thực với chính bản thân mình), tư duy chiến lược, tố chất lãnh đạo, lòng nhân bản (biết trân trọng người dưới mình, lắng nghe người kém mình, thương người thiệt thòi hơn mình), ý thức và năng lực hợp tác (nỗ lực hiểu người khác và làm người khác hiểu mình; tư duy cùng thắng và ý thức tạo sức cộng hưởng từ hợp tác).

Về “Năng lực hành động”, chúng ta cần lưu tâm tới các nguồn tri thức giúp nâng cao năng lực nhận thức (đặc biệt là tầm nhìn và tư duy thực tiễn), tính sáng suốt trong ra quyết định (khả năng xác định rõ ràng mục đích và năng lực phân tích thấu đáo vấn đề), tính và kỹ năng quản lý. Bên cạnh đó, tri thức về các xu thế toàn cầu và kinh nghiệm thành công hay thất bại của thế giới cũng cần được giới thiệu rộng rãi.

2. Lấy cầu làm động lực thúc đẩy cung

Một nỗ lực lớn thường có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng hơn nếu nó được dẫn dắt và thúc đẩy bởi yếu tố cầu. Cải biến Việt Nam trở thành một xã hội học tập, ở đó quyền lực tri thức được thượng tôn, người người thấy thôi thúc học hỏi, và tri thức trở thành một động lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển.

Vì vậy, các nỗ lực ưu tiên hàng đầu nên dành cho việc kích hoạt quá trình cải biến nước ta thành một xã hội học tập. Việc dịch những tác phẩm kinh điển hay lập tủ sách làng xã sẽ đem lại tác động lớn hơn nhiều nếu chúng ta đã kích hoạt được xã hội theo hướng này.

Trong nội dung này, có hai khu vực có ảnh hưởng lớn là giáo dục gia đình và kiến tạo năng lực học hỏi của xã hội từ chính bộ máy công quyền. Trong giáo dục gia đình, làm sao để mỗi bậc cha mẹ thấu hiểu rằng, để con mình thành công trong tương lai:

+ nhân cách quan trọng không kém sức khỏe;
+ lòng ham hiểu biết quan trọng không kém bằng cấp
+ ý thức học hỏi và vươn lên chân chính quan trọng không kém sắc đẹp hay chiều cao.

Trong kiến tạo năng lực học hỏi của xã hội từ chính bộ máy công quyền, quá trình tuyển dụng và đề bạt công chức đóng vai trò rất quan trọng. Những người được chọn vào làm cho bộ máy công quyền cần được tuyển chọn kỹ không chỉ về vốn kiến thức mà cả lòng khát khao học hỏi. Họ phải là một đại diện xứng đáng của xã hội về tầm cao dân trí và ý chí tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại.

3. Chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực, và tính sống động của phương cách thực hiện

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực, và tính sống động của phương cách thực hiện đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự thành công của nỗ lực truyền bá tri thức qua sách. Vấn đề này đỏi hỏi không chỉ tính sáng tạo và lòng đam mê, mà cả năng lực sử dụng công nghệ và sự gắn bó với cuộc sống xã hội.  

Trong nội dung này, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến vai trò có sức đột phá của lớp trẻ và công nghệ thông tin. Phương thức tiến hành không nên chỉ bó hẹp trong việc xuất bản sách và giải thưởng cho sách.

Đặc biệt, cần làm sao để mọi người thấy hứng thú và thôi thúc tìm đến sách. Chẳng hạn, nếu chúng ta có thể tổ chức thường kỳ các cuộc thi luận giải (trên cơ sở đúc kết tri thức từ nhiều cuốn sách giá trị) về các vấn đề mà cả xã hội trăn trở như “Triết lý giáo dục nào cho Việt nam là gì? “Thế nào là khai sáng?”, “Tại sao người Việt Nam kém trong hợp tác?”, “Lời nguyền tài nguyên và bài học cho Việt Nam”,…

Chúng ta cũng nên ý thức việc giới thiệu các khái niệm tri thức căn bản cho người mới tìm hiểu (loại sách cho “dummies”). Đồng thời cũng nên chú trọng chất lượng các bài giới thiệu sách. Nên chăng, mỗi người trí thức có uy tín hàng năm nên chịu trách nhiệm giới thiệu ít nhất một cuốn sách mà mình thấy đặc biệt giá trị và mong muốn chia sẻ.

Thay lời kết

Thực lực phát triển và Sức mạnh lâu bền của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiến tạo và truyền bá tri thức của nó. Trong quá trình này, sách - công cụ truyền bá và kiến tạo tri thức chủ đạo - cần được phát huy tối đa vai trò của nó.

James Madison, một trong những người sáng lập ra nước Mỹ và là tác giả của Hiến Pháp Mỹ có lời chiêm nghiệm rằng:

“Gia tăng và truyền bá tri thức là người bảo vệ duy nhất của tự do đích thực.”[[2]]

Hàm ý của câu này có thể được hiểu là, khi một đất nước có nguy cơ rơi vào vòng lệ thuộc, khi một xã hội chưa thực sự  có  tự do, khi mỗi người dân còn chất chứa trong tiềm thức của mình bao nỗi sợ hãi vô hình trước bộ máy công quyền thì có nghĩa là đất nước này, xã hội này, những người dân này chưa có được người bảo vệ đích thực của họ - tri thức. Trong tình thế này, phát huy vai trò của sách để xây đắp và gia cường nền tảng tri thức xã hội là một nỗ lực khẩn thiết và quan trọng. Bởi đó cũng là nỗ lực xây đắp và gia cường nền tảng độc lập của đất nước và nền móng tự do của người dân./.

Singapore, 03/2012

V.M.K.



[1] Nguyên văn: “Dân hai lăm triệu ai người lớn…”
[2] Nguyên văn: “The advancement and diffusion of knowledge is the only guardian of true liberty.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét