GS. Huỳnh Như Phương
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM
Chưa bao giờ ở nước ta những ý kiến đóng góp cho ngành giáo
dục lại phong phú và sâu sắc như những năm gần đây. Điều đó cho thấy giáo dục
đang đứng trước nhiều vấn đề nghiêm trọng, nan giải, làm lo âu các đại biểu dân
cử, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo, các bậc phụ huynh và cả sinh viên, học
sinh. Nó cũng nói lên rằng nền giáo dục nước nhà không thể tiếp tục duy trì
tình trạng hiện nay mà sớm muộn gì cũng phải thay đổi, nếu không muốn để cho
khuyết điểm của ngành ngày càng nặng nề thêm.
Kiểm định và kiểm thảo
Trước yêu cầu phát triển, giáo dục Việt Nam đang bước đầu thực hiện kiểm
định chất lượng. Nhưng kiểm định, nếu không làm đúng phương pháp, có thể gây ra
phản tác dụng. Có kiểm định thông qua số
lượng (tỉ lệ giảng viên/ sinh viên; số giảng viên có trình độ sau đại
học/ tổng số giảng viên; số giáo trình, bài báo khoa học công bố hàng năm…) để
chứng minh chất lượng. Có kiểm định mượn số liệu để che đậy sự trống rỗng,
nghèo nàn về học thuật: tiến sĩ thì nhiều nhưng thực chất không làm khoa học,
sách báo cũng không thiếu nhưng viết gì trong đó thì chẳng ai kiểm định…
Kiểm định dù sao cũng là thiên về kiểm
tra cái bên ngoài, dùng những minh chứng bên ngoài để đánh giá thực chất. Cũng như “kiểm định” một
con người để biết trọng lượng, chiều cao,
huyết áp, thị lực…, điều đó rất cần. Nhưng có khi người đó “man man”, “chập mạch” mà ta không biết; nếu vô
cảm, thâm hiểm, giảo hoạt lại càng
khó biết. Kiểm định phải đi liền với kiểm thảo: chạm đến tinh thần, linh hồn
của nền giáo dục, soi vào nó bằng thứ ánh sáng của sự phân tích. Kiểm thảo cũng
gắn liền với tự kiểm thảo, nghĩa là tự đặt mình ở thế của người trong cuộc.
Trong đời sống xã hội, sách báo là tấm
gương phản chiếu của giáo dục. Có thể nói sách báo là một thứ đối chứng của giáo dục. Chất lượng sách
báo - không riêng sách dùng trong nhà
trường, tỉ lệ sách báo - kể cả sách và báo điện tử - được tiêu thụ không
chỉ nói lên mức hưởng thụ văn hóa của người dân mà còn nói lên căn bản của nền giáo dục. Bạn đọc thanh niên chỉ mê “sách
nhũn” (chữ của Sơn Nam),
mê tiểu thuyết “mì ăn liền” và các
nhà xuất bản đổ xô phục vụ bộ phận công chúng này, thì chắc chắn là nền
giáo dục có vấn đề.
Sách báo vừa là một công cụ kiểm chứng
giáo dục, vừa tác động đến sự kiểm thảo giáo dục. Qua sách báo, những bậc thức giả ghi nhận bước
tiến của nền giáo dục, cảnh báo sự suy thoái
và dự báo tương lai của nó. Sách báo có thể phản ánh thành tựu của giáo dục, đồng thời phê phán những hạn chế của
nó. Sách báo đúng nghĩa bao giờ cũng là sự tự ý thức của văn hóa dân
tộc, trong đó có giáo dục.
Mối quan hệ giữa sách báo và nền giáo dục thể hiện tập trung
nơi những tác phẩm bàn về triết lý và đường hướng giáo dục, về sứ mệnh của nhà
trường, về nội dung và phương pháp dạy học, về chiến lược xây dựng đội ngũ nhà
giáo và mẫu người được đào tạo… Đó cũng là
những công trình kiểm thảo một nền giáo dục, một giai đoạn giáo dục, một
chủ trương hay chính sách giáo dục. Cảm hứng của sự kiểm thảo này không chỉ là
tinh thần phê phán mà còn là ý thức kiến tạo cho một tương lai giáo dục tốt đẹp
hơn cho đất nước và con người.
Kiểm thảo và dự phóng
Ở miền Nam trước 1975, thời chiến tranh, mọi sự nhìn đâu cũng
thấy bế tắc, khủng hoảng, vậy mà vẫn có những nhà giáo, những sinh viên, học
sinh hy vọng vào một cuộc cải tổ giáo dục. Giáo sư Lý Chánh Trung nói rất thẳng
thắn trên mặt báo: “Có hai trở lực lớn nhất mà bất cứ một cuộc cải tổ nào cũng
vấp phải tại miền Nam
này: sự chống đối của các thành phần được ưu đãi và sự kềm kẹp của ngoại bang” (Huỳnh Phan, Phỏng vấn về vấn đề cải tổ giáo dục, Tạp chí Đất nước số 16,
tháng 12-1969, tr. 65). Trong hoàn cảnh đó, năm 1969, Tổng hội Sinh viên Sài
Gòn đã tổ chức một cuộc phỏng vấn khá sâu rộng về thực trạng giáo dục và vấn đề cải tổ giáo dục. Huỳnh Phan, người tổ chức
cuộc phỏng vấn này, và đồng sự đã gửi một loạt câu hỏi đến các nhà giáo,
phụ huynh, thanh thiếu niên ở trong và ngoài nhà trường. Từ hơn 5.000 phiếu ý
kiến trả lời, những người thực hiện đã có những
đúc kết về nền giáo dục đương thời, được công bố trên tuần báo Khởi hành, tạp chí Đất nước, tạp chí Đối diện:
1) Nền giáo dục hiện tại từ chương thiếu thực tế.
2) Nền giáo dục hiện tại bất công, chỉ ưu đãi con nhà giàu,
bỏ rơi con nhà nghèo.
3) Nền giáo dục hiện tại có những cơ cấu phản giáo dục.
4) Nền giáo dục hiện tại thiếu giáo chức đủ khả năng và tác
phong đạo đức.
5) Nền giáo dục hiện tại nặng nề, trì trệ trong chế độ bằng
cấp thiếu thực chất (Huỳnh Phan, Tuổi trẻ và giáo dục, Tạp chí Đối diện, số 6, tháng 12-1969, tr. 109).
Những người được phỏng vấn bày tỏ ước ao về một nền giáo dục
trong tương lai:
1) Một nền giáo dục dân chủ, bình đẳng,
trong đó nghèo giàu đều có cơ hội đồng đều, một nền giáo dục chỉ có một hệ thống trường thuần nhất…
2) Một nền giáo dục thực dụng, trong đó
có sự song hành của văn hóa và kỹ thuật.
3) Một nền giáo dục có tổ chức nhân sự chặt chẽ, trong đó
giáo chức là những gương sáng về tác phong
đạo đức, về tinh thần dân tộc, về khả năng chuyên môn…
4) Một nền giáo dục hoạt động, dự bị tuổi trẻ vào đời hơn là
thụ động ngăn cách học đường với xã hội.
5) Một nền giáo dục không bằng cấp, chú trọng đến khả năng
hơn.
(Huỳnh Phan, Tuổi trẻ
và giáo dục, Bđd, tr. 110).
Đặc biệt, cuộc phỏng vấn đã công bố ý kiến về vấn đề cải tổ
giáo dục của những bậc thức giả, những nhà
giáo có uy tín: Thích Minh Châu, Giản Chi, Lý Chánh Trung, Kim Định, Nguyễn Hiến Lê, Trần Văn Tấn, Dương
Thiệu Tống, Trần Kim Thạch…
Nối tiếp cuộc phỏng vấn đó, một năm sau, Huỳnh Phan cho xuất
bản cuốn sách Câu chuyện thầy trò (NXB
Trí Đăng, Sài Gòn, 1970), với lời tựa của Nguyễn Hiến Lê. Là một thầy
giáo trung học rất trẻ, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tác giả đã can đảm bàn
luận và kiến nghị về việc đào tạo nhà giáo ở trung học, về hình ảnh của người
thầy và những điều tối kỵ trong quan hệ thầy trò. Xa hơn, tác giả đã nghĩ đến
sứ mệnh của nền giáo dục hậu chiến.
Đối với chúng tôi, thời trung học, Câu chuyện thầy trò, với lời lẽ thẳng thắn, nồng nhiệt, đôi khi gay
gắt, chính là cuốn sách bàn về giáo dục gây ấn tượng nhất lúc đó. Nhờ nó mà sau này, vào đại học, tôi không
cảm thấy xa lạ với những cuốn sách bàn về giáo dục như Hiến chương giáo dục của Kim Định, Góp phần phê phán giáo dục và đại học của
Nguyễn Văn Trung… Năm 1972, tôi đã viết về cuộc phỏng vấn và cuốn sách của Huỳnh Phan trong một bài báo có nhan đề Bài học nào dành cho chúng ta trên tờ giai phẩm Xuân Nhâm tý của Trường trung học
Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi). Bây giờ đây, sau 40 năm, hoàn cảnh xã hội
và lòng người đã khác, nhưng đọc lại những ý
kiến lúc đó của các thế hệ đi trước, có cảm giác như nhiều vấn đề giáo
dục vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí có những vấn
đề lúc đó xới lên, nay vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng: phẩm cách nhà giáo,
chuyển ngữ ở đại học, quan hệ trường công trường tư, trường ta trường Tây…
Thật sự là bên cạnh những bất mãn đã pha
lẫn những hy vọng và cả ảo tưởng phi thực tế (“nền giáo dục chỉ có một hệ thống trường thuần
nhất”, “nền giáo dục không bằng cấp”?). Nhưng những đòi hỏi về một nền giáo dục
dân tộc, nhân bản và khai phóng lúc đó là chính đáng. Mọi người đều hiểu rằng,
trong hoàn cảnh chiến tranh, những dự phóng
về giáo dục như vậy không thể nào khả thi. Nhưng nuôi hy vọng là quyền
của con người. Kiểm thảo nền giáo dục lạc hậu, người ta trông chờ một nền giáo
dục tiến bộ, khi hoà bình trở lại.
Kiểm thảo và chấn hưng
Nhưng nền giáo dục trên một đất nước Việt
Nam hòa bình, độc lập, thống nhất đã đáp ứng bao nhiêu kỳ vọng của những
người trẻ tuổi, của các gia đình có con em bị thất học trong chiến
tranh, đặc biệt ở những vùng nông thôn thiệt thòi của miền Trung, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu
Long?
Càng ngày người ta càng thấy rõ rằng nếu
không giải quyết được chất lượng giáo dục thì không thể có một thành tựu nào thật sự bền vững. Thậm
chí, không quá lời khi nói rằng nếu đất nước giải quyết được vấn nạn giáo dục
thì cũng sẽ đủ năng lực giải quyết những vấn đề nhức nhối khác của xã hội.
Ngược lại, nếu giáo dục còn bê bết thì đừng hy vọng gì những lãnh vực khác của
kinh tế, xã hội, văn hóa sẽ được cải thiện.
Nhận thức như vậy, giáo dục cần có những
tiếng nói góp ý xây dựng của nhiều người, nhiều giới. Giáo dục cần phải tự kiểm thảo thường xuyên mới
có cơ hội vượt lên chính mình. Điều đáng
mừng là mấy năm gần đây nhiều cuốn sách bàn về giáo dục đã ra mắt: sách của các GS. Hoàng Tụy, Phạm Phụ,
Nguyễn Văn Tuấn…, những người từ nhiều góc độ khác nhau, nhìn nhận và lý
giải thực trạng giáo dục hiện nay. Trong khi chỉ ra thực trạng của nền giáo
dục, không ít người đã đề xuất những giải
pháp cụ thể để cải tiến chương trình và biên soạn sách giáo khoa, cải tiến tuyển sinh đại học và tuyển dụng giáo
chức, sửa đổi những quy định lỗi thời, áp
dụng phương pháp quản lý mới, nâng cao chất lượng đào tạo… Có tiếng nói từ tốn, điềm tĩnh, có tiếng nói mạnh mẽ, gay
gắt, nhưng tất cả đều vì mục đích chấn hưng
giáo dục nhằm bảo vệ và phát triển đất nước. Thật là thiệt thòi cho xã hội
nếu những tiếng nói như vậy không được lắng nghe hoặc lắng nghe cho có lệ rồi
để rơi vào quên lãng. Ngay cả những đề nghị thiếu thực tế hay không hợp lý vẫn
cần thiết để những người hoạch định chủ trương, chính sách về giáo dục cân nhắc
cho chín chắn hơn.
Từ bức xúc trước những vấn nạn cụ thể
như chương trình, sách giáo khoa, tổ chức thi cử…, dư luận xã hội
dần dần chạm đến gốc rễ chi phối những hiện tượng nóng bỏng trên bề mặt.
Đó chính là vấn đề thuộc về triết lý giáo dục, về tư tưởng chấn hưng giáo dục, về quan niệm con người như là
trung tâm và mục tiêu của sự nghiệp đào tạo.
Một triết lý giáo dục toàn diện có tính chất dân tộc, nhân
bản và khai phóng sẽ có tác dụng chỉ đạo và soi sáng những phương diện của việc
dạy và học đang gây bối rối trong nhà trường
hiện nay. Điều đáng tiếc là cho đến nay, mặc dù có hàng ngàn chuyên gia trên lĩnh vực giáo dục làm việc ở các
viện nghiên cứu và trường đại học, nước
ta vẫn chưa thực sự có những nhà lý luận chuyên sâu và có uy tín về giáo dục.
Nhìn vào đường hướng giáo dục và những văn bản pháp quy đang
được thi hành, qua việc hành sử và thái độ cụ thể của những người có trách
nhiệm cũng như của các nhóm chuyên gia, chúng ta bước đầu nhận thức đôi nét
hình dạng của những quan niệm đang cọ xát với nhau. Có thể tạm khái quát thành
ba xu hướng chính hiện nay:
Một,
là
những ý kiến kiên trì quan điểm xem giáo dục là một lĩnh vực phúc lợi chung và
tấm gương của công bằng xã hội, cần phải được đối xử thực sự như một quốc sách.
Xu hướng này không ủng hộ việc tăng học phí
ở tất cả các bậc học và luôn đòi hỏi các khoản chi tiêu trong giáo dục
phải được công khai, minh bạch. Quan điểm này đụng chạm đến một nhóm lợi ích
nhất định, nên không có gì khó hiểu khi nó bị một số người phản bác quy về tư
duy cũ, “bảo thủ”, thậm chí là “mị dân”. Cũng không tránh khỏi đau lòng khi
chứng kiến hiện tượng, khi nói lý thuyết thì rất lý tưởng, nhưng khi thực hành,
đứng vào guồng máy quản lý, thì hành xử chắng khác nào những kẻ thực dụng tìm
cách thủ lợi từ thị trường giáo dục.
Hai, là xu hướng xem giáo dục như một thứ
hàng hóa, dịch vụ và đòi hỏi phải có những
cải cách tổng thể về tài chính và quản trị, trong đó tăng học phí là một biện pháp không thể tránh né. Quan điểm này
được luận chứng về mặt số liệu khá chi tiết
nhằm thuyết phục dư luận ủng hộ giải pháp tăng học phí để nâng cao chi phí
đào tạo, trong điều kiện chi phí này ở nước
ta còn quá thấp, đến mức “cùng quẫn”, so với không chỉ các nước Âu Mỹ mà ngay cả nhiều nước trong khu vực. Tuy
nhiên, do ngại bị đánh giá là “chệch hướng”, những ý kiến này cố gắng
hạn chế sử dụng các cụm từ “thị trường giáo dục”, “hàng hóa giáo dục”. Cũng cần
lưu ý rằng, những bậc thức giả sáng suốt nhất thuộc xu hướng này chỉ chủ yếu đề
nghị tăng học phí ở bậc đại học và cũng tán thành đòi hỏi minh bạch trong sử
dụng các nguồn lực tài chính cho giáo dục.
Ba,
là
xu hướng đang tác động thực sự đến sự vận hành bộ máy giáo dục. Xu hướng này
tìm chỗ dựa về lý thuyết nơi xu hướng thứ hai, tuy không công khai quan niệm
“giáo dục là hàng hóa, dịch vụ”, nhưng lại đang chuẩn bị gấp rút cho việc tăng
học phí ở bậc đại học và cổ phần hóa một số trường đại học dân lập, thậm chí cả
công lập, và có lẽ cũng không tránh khỏi
việc huy động cao hơn nguồn lực gia đình cho chi phí đào tạo ở các bậc
học thấp hơn, nhằm giảm áp lực về tài chính cho nhà trường. Khi mà một ngành gần gũi là y tế cũng đang lăm le tăng viện
phí, thì việc tăng học phí chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc tăng này có
đi đôi với sự bảo đảm chất lượng giáo dục tương xứng hay không, đó là một câu
hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, hiện nay, không ít cơ sở giáo dục tư thục,
dân lập, thậm chí cả công lập, đang hoạt
động chẳng khác nào như một công ty trách nhiệm hữu hạn, cá biệt như một
công ty gia đình.
Nguyễn Hiến Lê có nói rằng từ trước đến
khi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn thực hiện cuộc phỏng vấn về giáo dục
năm 1969, ở nước ta chưa có cuộc phỏng vấn nào lớn lao như vậy. Tôi không biết từ ngày hòa bình đến nay có công trình
khảo sát nào về tình hình giáo dục ở quy mô toàn quốc hay chưa? Chỉ
riêng hàng vạn ý kiến nằm rải rác trên sách báo đề xuất những kiến nghị về giáo
dục đã bao giờ được phân tích, đánh giá và tổng kết?
Vì tương lai của
nền giáo dục, những ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học trên sách báo và các diễn đàn giáo
dục cần được nghiên cứu cẩn trọng và đưa vào áp
dụng nếu thấy hợp lý. Đây có thể là một đề tài nghiên cứu của những nhà khoa học ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Hà Nội) và
Viện Nghiên cứu giáo dục (TP. HCM). Chúng tôi xin lặp lại một đề nghị đã
nêu cách đây bảy năm (Báo chí và giáo dục, Báo Phụ nữ, số 44, ngày
14-6-2005) là Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đặt hàng cho hai cơ quan này tập hợp, phân loại và hệ thống hóa tất cả
những ý kiến nhận xét và hiến kế về giáo dục đã công bố trên sách báo.
Qua việc khảo sát đó, cần đi đến kết luận
những giải pháp nào có thể thực hiện ngay, những giải pháp nào phải chờ
có thời gian và những giải pháp nào không thể thực hiện được, tại sao. Trong những giải pháp phải thực hiện, cũng cần xác
định rõ cái nào thuộc thẩm quyền
của Bộ, cái nào thuộc phạm vi của Sở, cái nào có thể giao cho từng trường quyết
định theo chức năng của mình.
Dân tộc ta trường tồn chính là nhờ giáo
dục. Dù khó khăn đến mấy, tình hình giáo dục hiện nay vẫn chưa phải là
“vô phương cứu chữa”. Giáo giới chúng ta đâu hèn kém đến mức bó tay trước sự lạc hậu của giáo dục. Khi
kiểm thảo giáo dục làm nẩy sinh ra những giải pháp, thì vấn đề còn lại
là cuộc sống có tạo điều kiện cho những con người được áp dụng và biết áp dụng
các giải pháp đó hay không mà thôi./.
H.N.P.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét