Nguyễn Yến Vân
Đại học Văn
hóa Hà Nội
Trong mọi thời đại, sách luôn là người bạn đồng hành của con người,
giúp con người mở rộng hiểu biết và tự hoàn thiện mình. Chính vì
thế, ngay từ thời cổ đại, khi công nghệ
chưa phát triển, con người đã tạo ra sách từ đất, một vật liệu thô sơ.
Từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, ở vùng Lưỡng Hà, sách đã xuất hiện
với hình thức là những tấm đất sét nung. Người ta đã tìm thấy 20.000 cuốn sách
bằng đất sét nung hình vuông và hình tam giác của thư viện vua Atxuabanipan
(668-633 trước Công Nguyên). Ở thung lũng sông Nil, sách đã được tạo nên từ
những cây sậy gọi là Papirut. Hiện nay người ta còn lưu giữ được một cuốn Papirut viết cách đây hơn 4.000 năm. Trong đó ghi
các chữ tượng hình của Ai Cập cổ. Ở vùng Địa Trung Hải, Châu Âu, sách
còn được viết trên da thú, người Hy Lạp đã dùng da thay thế Papirut. Họ lấy da
bò, da cừu bào nhẵn để viết chữ lên đó.
Cuốn sách chế từ da có tên là
“Parchemin” xuất phát từ tên thành phố đầu tiên đã nghĩ ra cách làm giấy bằng
da. Hiện nay, tại thư viện Hoàng Gia Anh còn bảo quản tập sách Iliát Ôđixê viết
trên da rắn. Ở Trung Quốc sách đã từng được viết trên mai rùa, thẻ tre, vải
lụa... Ở Việt Nam,
Campuchia, Lào, sách được viết trên lá cọ non... Cũng có nơi sách được ghi trên
đá, trên những tấm đồng hoặc gỗ... Khi công
nghệ in ra đời, con người đã có nhiều sách hơn để đọc. Và với sự ứng
dụng công nghệ thông tin, sách đã xuất hiện với những dạng vật mang tin mới, con người có thể tiếp cận thông tin
dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Để thu thập bảo quản và đưa sách phục vụ
cho con người, thư viện đã được thiết lập. Với tư cách là một cơ quan văn hóa, giáo dục, thư viện giữ
một vai trò quan trọng đối với xã hội thể
hiện trên nhiều bình diện: thư viện là kho tàng tri thức của nhân loại,
góp phần thúc đẩy phát triển khoa học-phát triển sản xuất, góp phần nâng cao
chất lượng đào tạo và nâng cao dân trí…
Người ta thường ví thư viện, nơi thu
thập, lưu giữ sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Nói như Biêlinxki, nhà phê bình văn học Nga: “Kho
tàng vĩ đại nhất là thư viện tốt”. Với việc thu thập, xử lý, bảo quản và tổ
chức sử dụng chung vốn tài liệu một cách khoa học, hiệu quả và tiết kiệm, thư
viện - kho tri thức khổng lồ của nhân loại,
đã giúp người đọc và người dùng tin tìm hiểu về cuộc sống, tiếp thu vốn kinh nghiệm và kiến thức của loài
người đã tích lũy. Ngay từ thời cổ đại thư
viện đã từng được ví là “Nhà của những lời dạy bảo, khuyên nhủ” hay “Hiệu
thuốc giành cho tâm hồn”…
Trên thực tế, thư viện đã góp phần đắc lực thúc đẩy khoa
học-sản xuất phát triển. Các phát minh, sáng
kiến luôn có sự kế thừa, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đất nước này
sang đất nước khác. Với vốn tài liệu và nguồn lực thông tin phong phú, thư viện đã giúp cho các thế hệ sau học
tập được rất nhiều kinh nghiệm và tri
thức của các thế hệ trước. Nhờ có thư viện, đặc biệt là các thư viện khoa học
với nguồn tài liệu khoa học kỹ thuật phong
phú, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngày
càng giảm được thời gian tìm kiếm tài liệu (thường chiếm từ 50 - 60% thời gian
nghiên cứu), đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, từ đó đã thúc đẩy
sự phát triển khoa học kỹ thuật.
Ngoài ra, thư viện còn có vai trò không
nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo từ tiểu học đến đại học và sau đại học, góp
phần thay đổi phương thức giảng dạy và học tập.
Thư viện đã được nhìn nhận là cơ quan giáo dục ngoài nhà
trường. Việc đọc sách trong môi trường tôn nghiêm, sư phạm, có đầy đủ tài liệu
học tập và các thiết bị (phòng đọc, bàn, ghế, ánh sáng...) tiện nghi sẽ giúp
bạn đọc tập trung hơn, học tập có kết quả hơn.
Chính vì lẽ đó, mà ở Việt Nam ngay từ thời phong kiến các nhà
nước phong kiến đã quan tâm đến việc thu thập
sách và thành lập thư viện. Bí Thư các trong Quốc Tử Giám, trường đại
học đầu tiên của Việt Nam
đã được xây dựng từ thế kỷ XI. Và nhiều nhà khoa bảng lỗi lạc của Việt Nam đã
làm công tác phụ trách thư viện. Năm 1462
Lương Như Hộc được cử làm Bí Thư các. Năm 1762 Lê Quí Đôn cũng được bổ
nhiệm phụ trách thư viện này.
Là nơi tổ chức việc phục vụ nhu cầu đọc
sách báo, với thiên chức của mình, thư viện đã góp phần quan trọng trong việc phát triển văn hóa, giáo
dục.
Chức năng văn hóa của thư viện được thực hiện thông qua việc
lưu trữ, bảo quản và phổ biến các giá trị văn hóa. Sách báo và tài liệu được
coi là một dạng di sản văn hóa thành văn. Khi tiến hành việc thu thập, bảo quản
các tài liệu cũng có nghĩa là thư viện đã
tiến hành việc bảo quản di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại. Tất cả các thư viện với các loại hình khác nhau
đều quan tâm thực hiện chức năng này. Điều này càng được thể hiện rõ
trong một số thư viện có quyền nhận lưu chiểu văn hóa phẩm (điển hình như Thư
viện Quốc gia). Trên một phương diện nào đó, thư viện đã được coi là “bộ nhớ” của các quốc gia và
của cả loài người. Thực tế ở Việt Nam và các nước trên thế giới đã
cho thấy từ lâu thư viện đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh
thần. Thư viện đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền các di sản văn hóa,
phổ biến kiến thức, thu hút nhiều đối tượng người đọc khác nhau đến sử dụng.
Thư viện là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Chức năng giáo dục của thư viện được thực hiện thông qua hoạt
động phục vụ nhu cầu đọc sách báo của người đọc và người dùng tin. Thông qua
hoạt động này, thư viện đã giúp cho người
đọc và người dùng tin không ngừng nâng cao hiểu biết, và góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ
dân trí của xã hội. Ngay từ thời kỳ phong
kiến, ở Việt Nam
và Trung Quốc, thư viện đã được coi là một cơ quan giáo dục quan trọng. Không chỉ là nơi đọc sách, trong một
số thư viện còn tổ chức các lớp học. Người cán bộ giữ thư viện không chỉ
đơn thuần là người quản lý tài liệu và phục
vụ nhu cầu đọc sách mà còn là những người thầy dạy cho các môn đồ đến
học.
Ở châu Âu, tại nhiều nước, thư viện đã
được xem là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường. Thư viện đã góp một phần
không nhỏ vào việc xóa mù chữ và nâng cao trình độ dân trí, giúp cho mọi người có thể tiến hành việc
học suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, hình thành nền kinh tế tri
thức.
Điều 1 Pháp lệnh thư viện
đã quy định rõ nhiệm vụ và chức năng của các thư viện Việt Nam: “Thư viện có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của dân
tộc, thu thập tàng trữ, tổ chức việc khai
thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu học tập,
nghiên cứu, công tác và giải trí của
mọi tầng lớp nhân dân, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển
khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa phục vụ công cuộc công nghiệp hóa hiện
đại hóa đất nước”.
Trên thực tế với việc không ngừng xây dựng và phát triển
vốn tài liệu, xử lý tài liệu, tổ chức bộ máy tra cứu, tổ chức phục vụ người đọc,
người dùng tin, bảo quản vốn tài liệu, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội
ngũ cán bộ thư viện, tổ chức tuyên truyền
giới thiệu sách, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác
thư viện... các thư viện đã góp một phần không nhỏ phục vụ cho việc xây dựng
nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển khoa học và công nghệ,
kinh tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần
đảm bảo cho an ninh và quốc phòng.
Trong bài viết này, tôi muốn viện dẫn một
nhận định của Rosemary Beenham và Coli Harrison
trong cuốn “Cơ sở thư viện học” (Basic of Librarianship): “Mục đích của thư viện là góp phần nâng cao chất
lượng của cuộc sống và quan niệm về một xã hội dân chủ. Nó tham góp vào toàn bộ niềm hạnh phúc cũng như
môi trường sống và nhận thức của con người”. Cánh cổng của thư viện mở ra, con người có thể đến với sách,
và sách tham góp vào cuộc sống của con người, hình
thành nên một lối sống, một tâm hồn, một nhân cách và một con người có tri thức
là như vậy. Vì thế, để sách có thể tham góp và đến với nhiều người, xin các nhà
hoạch định chính sách hãy quan tâm và đầu tư
nhiều hơn cho thư viện và các cán bộ thư viện cần năng động hơn trong
việc thu hút và tổ chức các dịch vụ thân thiện cho người sử dụng.
Để kết thúc tham luận của mình, tôi xin nhắc lại một ý kiến
rất xác đáng của Lênin: “Niềm tự
hào và vinh quang của thư viện công cộng không phải ở chỗ trong thư viện có bao
nhiêu sách quý hiếm của thế kỷ thứ XV hoặc sách viết tay của thế kỷ thứ X mà ở
chỗ sách đã được luân chuyển như thế nào trong nhân dân, bao nhiêu người đọc mới được thu hút vào thư viện,
mọi yêu cầu đã được thỏa mãn như thế
nào, bao nhiêu cuốn sách được cho mượn về nhà, bao nhiêu em được thu hút
vào việc đọc sách và sử dụng thư viện”.
(Lênin toàn tập - Xuất bản lần thứ 4.-T. 19).
Sách có đến được với người đọc thì việc phát triển văn hóa,
giáo dục và những vấn đề chúng ta đặt ra ngày hôm nay mới trở thành hiện
thực./.
Hà Nội, 03/2012
N.Y.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét