Sách nếu được đầu tư tốt sẽ là tiền đề cho công cuộc chấn hưng giáo dục

 
Lê Nguyên Đại
Giám đốc CTS Thời Đại
UVTV Hội Xuất bản VN

Tại sao đặt vấn đề chấn hưng giáo dục?

Có thể coi là bình thường không, khi học trò không còn cảm xúc với môn văn và không thích học môn lịch sử, để đến nỗi đi thi tuyển vào đại học môn thì đa số dưới điểm trung bình và môn còn lại thì thậm chí có kỳ thi hầu hết bị điểm không? Tại sao không thấy rằng điều đó tiềm ẩn những nguy cơ nhãn tiền gây hậu quả nghiêm trọng là làm thui chột tâm hồn, nhân cách và làm phai nhạt tinh thần dân tộc của cả một hay nhiều thế hệ?

Có thể coi là bình thường không, khi hàng ngày mở vài tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… nhiều độc giả đều thấy nói đến việc tuyển sinh đại học, gần như liên tục 6 tháng trời trong mỗi năm, và tại sao năm học nào cũng phải sửa mới hoặc cắt giảm chỗ này một ít chỗ kia một ít khối lượng kiến thức cần kiểm tra? Tại sao một nền giáo dục lại coi trọng chuyện thi cử đến như thế, và lại đặt người học lẫn người dạy vào tình trạng bị động, lệ thuộc như thế?

Có thể coi là bình thường không, khi trong đợt tuyển sinh vào một trường Y, em học sinh ở thành phố đạt 23,5/24 điểm mà rớt, trong khi thí sinh khác ở một khu vực ưu tiên chỉ 14 điểm thì còn thừa một điểm so với chuẩn trúng tuyển? Tại sao không tham khảo ngay cả cái học mà ta vẫn gọi là phong kiến lỗi thời để mở những trường “quốc tử giám” nuôi cho con em những người có công hoặc thuộc diện cần nâng đỡ có điều kiện học hành cho tới nơi tới chốn, rồi đi thi bình đẳng như mọi thành phần khác, để khỏi biến kết quả việc học thành một thứ quà cáp đem ra ban thưởng, chia chác đến nỗi làm mất cả ý nghĩa của sự học vốn là giá trị cao quý nhất?

Có thể coi là bình thường không, khi trường đại học mọc lên như nấm, địa phương nào cũng nâng cấp trường cao đẳng lên thành trường đại học mà không kịp đào tạo giảng viên, đến nỗi có tỉnh không tìm ra được một người có đủ tiêu chuẩn bằng cấp để làm hiệu trưởng! Thế mà lại có sẵn chỉ tiêu số bằng tiến sĩ chỉ mong có người để cấp cho hết trong một thời gian đã định trước! Mở trường như thế để làm gì ngoài việc chạy theo chủ nghĩa thành tích mà sẵn sàng bỏ qua thực học?

Chính cái quan điểm và định hướng giáo dục được thể hiện lệch lạc (chưa chú trọng rèn luyện toàn diện, học đâu phải chỉ là để đi thi và để lấy bằng) và những mục tiêu giáo dục mơ hồ, thiếu dân chủ (lệ thuộc nhà quản lý), không công bằng (tạo khu vực ưu tiên), phương pháp giáo dục từ chương, cộng với nội dung chương trình liên tục thay đổi vá víu, và nhất là việc đãi ngộ thầy cô giáo chưa thỏa đáng v.v… đã cho thấy điều không cần bàn cãi: giáo dục hiện nay đã và đang tiếp tục suy thoái. Khuyết điểm phần nhiều do việc vận dụng sai một số nguyên tắc trong Luật giáo dục, nhưng hệ thống lý thuyết cũng không thể vô can trước thực trạng này khi mà một số quan niệm còn hẹp hòi, hoặc lạc hậu không theo kịp sự phát triển khách quan. Không chỉ riêng các bậc thức giả báo động, quần chúng nhân dân trông chờ cải tiến, mà ngay cả các giới chức trách nhiệm cũng thừa nhận như vậy rồi, nhưng họ đang lúng túng, điều này có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chắc chắn còn lâu lắm mới có thể hy vọng thấy một giải pháp triệt để và toàn bộ cho vấn đề.

Công cuộc chấn hưng giáo dục vì thế không thể khoán trắng cho những nhà quản lý chuyên môn mà phải được quan niệm là câu chuyện thiết thân với vận mệnh dân tộc, dầu cho trước mắt chỉ có thể là sự đóng góp tự nguyện và có tính cục bộ của những người còn tâm huyết với cộng đồng xã hội và nhất là với thế hệ trẻ. Như ở đây, vài ý kiến nhỏ của tôi chỉ là tiếng nói của một người hiện đang làm xuất bản sách xuất thân từ một nhà giáo mà thôi.

Sách có thể đóng góp cho chấn hưng giáo dục như thế nào?

Chúng ta thử nhớ tới giai đoạn hai trăm năm đóng cửa của Nhật Bản thời Tokugawa, bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVII đến nửa sau thế kỷ XIX, trong đó việc dịch thuật hàng ngàn các tác phẩm của nền văn minh Tây phương mà phong trào Lan học thực hiện để nâng cao dân trí, đã chuẩn bị được nền tảng vững vàng cho công cuộc Duy tân của Minh Trị Thiên hoàng như thế nào.

Dù có nhiều quan niệm về bản chất của giáo dục, hầu như chủ trương nào cũng không thể loại bỏ hai yếu tố nội dung chung nhất là Khám phá và Yêu thương. Nhưng cũng chỉ khi biết khám phá thế giới - hiểu về nó, càng nhiều càng có ích cho bản thân, cho xã hội - thì mới biết thể hiện đúng chỗ và đúng mức tình cảm con người. Có thể nói, hai thế kỷ đóng cửa của Nhật Bản vừa là thời gian vô cùng quý giá mà họ biết dùng sách để góp phần chấn hưng giáo dục thông qua việc chuyển tải những tiến bộ vượt bật của khoa học kỹ thuật Tây phương, và cũng vừa là thời gian người Nhật Bản củng cố lòng tin dân tộc và nung nấu quyết tâm làm sao đuổi theo cho kịp các nước văn minh đã đi trước đất nước của họ.

Vậy ở nước ta hiện nay có thể rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm nói trên? Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng rất cần xây dựng một nền tảng vững vàng cho công cuộc chấn hưng giáo dục bằng cách chọn lọc để đem đến cho người dân một khối lượng sách tinh hoa của thế giới thuộc mọi lĩnh vực như Nhật Bản từng làm trước kia hoặc Trung Quốc đã làm trong nửa thế kỷ vừa qua.

1. Trước hết, cần một cuộc vận động rộng lớn và bền bĩ về phát triển văn hóa đọc đối với công chúng, vì chuyện người Việt Nam ta ngày càng ít đọc sách là chuyện rõ ràng hầu như không ai phản bác. Ở trận địa này trong những năm gần đây, dự án Sách Hay đã có những nỗ lực tiên phong rất đáng trân trọng. Tuy nhiên đó cũng chỉ mới là việc “thắp lên một ngọn nến…”

Cuộc vận động của một dự án văn hóa - giáo dục phi lợi nhuận có quy mô nhất định như thế này thực sự ra cũng chỉ mới làm được ở mức “chẩn bệnh” và nếu có thể thì thêm công đoạn “kê toa” có tính đề nghị thôi, chứ cũng không thể có tham vọng đơn độc xoay chuyển tình hình. Qua hội thảo về thực trạng văn hóa đọc hiện nay, ta dễ nhận thấy các nguyên nhân chủ yếu khiến cho lượng người đọc sách sút giảm, lần lượt như sau:

a.   Số tựa sách quá nhiều, nhưng sách có giá trị đáng đọc còn quá ít vì tác giả, dịch giả không sống được bằng tiền nhuận bút.
b.   Giá bìa sách không phù hợp so với thu nhập của người dân, vì số lượng tiêu thụ quá khiêm tốn nên giá thành sản xuất rất cao.
c.   Hệ thống phát hành, quảng bá của tư nhân và nhất là của nhà nước qua con đường thư viện còn bất cập. (Chúng ta suy nghĩ gì khi kinh phí xây dựng một cây số đường cao tốc hiện nay là 250 tỷ đồng, trong lúc ngân sách dành cho thư viện, nơi cung cấp món ăn tinh thần cho một thành phố cả triệu dân do trung ương quản lý, chỉ có 20 triệu đồng một năm?)

Trong điều kiện kinh tế đang khó khăn, nếu cứ chờ đợi để cho thị trường gạn lọc theo quy luật mạnh được yếu thua, “khôn sống mống chết” thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có một công chúng được chuẩn bị để sẵn sàng thông qua việc đọc sách mà góp phần chấn hưng giáo dục? Tôi cho rằng đây là chuyện chính sách, và dứt khoát thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý.

2. Để cung ứng cho bộ phận công chúng đã có nhu cầu đọc nói trên - ở đây cũng đồng thời nhằm phục vụ mục đích xây dựng nền tảng cho chấn hưng giáo dục - chúng ta cần tập trung đầu tư những loại sách gì?

a.   Đương nhiên không phải là sách giáo khoa, vì loại này thực ra chỉ là công cụ của việc học tập, và cũng chưa có thể biên soạn mới khi chưa xác định triết lý giáo dục phù hợp trong giai đoạn mới, một điều sẽ tất nhiên kéo theo những thay đổi có tính hệ thống bao gồm cả mục tiêu, phương pháp, nội dung, chương trình giáo dục đổi mới, v.v…
b.   Trước tiên, để có được sự đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng xã hội, cần chú trọng phổ biến mọi tác phẩm giới thiệu các tư tưởng, triết lý giáo dục Đông Tây, từ truyền thống đến hiện đại, phong phú, đa dạng, thậm chí càng khác biệt với những quan điểm đang lưu hành càng có tác dụng tích cực, không nên bỏ sót quan điểm của một ai, từ Khổng Tử, Lão Tử, đến J. J. Rousseau, John Dewey…
c.   Cùng theo hướng ấy, cần có những công trình đối chiếu các hệ thống giáo dục khác nhau, nhất là của những nước phát triển, để cho thấy ở đó thói quen đọc sách - đồng nghĩa với tinh thần khám phá, tư duy độc lập - được hướng dẫn và thực hành có phương pháp từ lúc mới tới tuổi vào trường, và kéo dài suốt cuộc sống mà không được coi là đã hoàn tất ngay khi tốt nghiệp rời khỏi nhà trường. Đây có thể coi là một trong những điều khiếm khuyết lớn nhất của nền giáo dục hiện hành.
d.   Nhưng cuối cùng sứ mạng quan trọng nhất của sách để chuẩn bị và hỗ trợ cho công cuộc chấn hưng giáo dục sẽ diễn ra, chính là tác dụng của nó trong việc mở mang dân trí. Một khi dân trí được nâng cao, giáo dục như được nuôi dưỡng trong một môi trường lành mạnh, lúc ấy sự kết hợp giữa nhà trường và xã hội sẽ tạo được điều kiện dễ dàng cho cuộc chấn hưng. Để thực hiện lộ trình đó, phải có một kế hoạch thật nghiêm túc, chọn lựa một cách có hệ thống những tác phẩm tinh hoa, tiêu biểu cho mọi lĩnh vực của nhân loại, để dịch thuật và lần lượt phổ biến. Trong tình hình hiện nay, với một dự án đòi hỏi phải huy động nhiều về nhân lực và tài lực như thế, đương nhiên chỉ có nhà nước mới đủ sức đầu tư. Nhưng nghĩ cho cùng, để thiết kế cho đời sống tinh thần dân tộc một bộ khung “thượng tầng” phát triển mà chỉ tốn kém ngang giá với mươi cây số đường cao tốc của hạ tầng, thì việc chi tiêu ấy đâu có gì là quá đáng?   

*

Tóm lại, trước thực trạng giáo dục đang suy thoái, sách nếu được chú trọng đầu tư đúng mức như đã trình bày có thể trở thành tiền đề tốt cho công cuộc chấn hưng giáo dục. Việc vận động cho văn hóa đọc và kế hoạch dịch thuật phổ biến sách tinh hoa của nhân loại nếu được sự tiếp tay của nhà nước còn là cơ hội lớn để nâng cao dân trí./.


L.N.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét