Kim Thanh
Thư viện Tiền Giang
Sách tác động đến việc hình thành nhân cách của từng cá nhân,
đặc biệt là thế hệ trẻ như thế nào và sách báo thể hiện sự phát triển văn hóa
của một dân tộc ra sao, có lẽ đã được khẳng định.
Bài viết này chỉ chia sẻ vấn đề nên làm gì và làm như thế nào
để hình thành thói quen đọc sách đem lại lợi ích cao nhất cho công tác giáo dục
và phát triển nền văn hóa đọc của Việt Nam. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần
thiết của việc phối hợp hoạt động giữa các
hệ thống thư viện trong sự nghiệp giáo dục và xây dựng thói quen đọc sách cho
học sinh qua 2 khía cạnh: xác định
đối tượng chính yếu cần được quan tâm và xây dựng, hình thành kỹ năng
đọc sách.
Hình thành thói quen đọc sách cho từng cá
nhân cũng như để xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đạt hiệu quả, điều trước tiên và
quan trọng nhất là cần phải xác định đúng
đối tượng nền tảng để từ đó nhân rộng đến các thành phần khác. Vì như vậy
mới có những giải pháp phù hợp.
Có quan điểm cho rằng cần xây dựng thói quen đọc sách cho đội
ngũ trí thức trước tiên, rồi từ đội ngũ này sẽ tác động đến các thành phần khác
trong xã hội. Quan điểm này hoàn toàn đúng.
Nhưng thiết nghĩ, trong giai đoạn đầu của tiến trình xây dựng văn hóa đọc
của nước ta hiện nay, nên bắt đầu từ đối
tượng tiềm năng và chiếm số lượng lớn trong xã hội, để có thể tạo nên một xã hội có thói quen đọc sách theo cả
chiều rộng lẫn chiều sâu. Và đó chính là đối tượng thiếu nhi và thanh thiếu
niên.
Thiếu nhi, thanh thiếu niên bao giờ cũng chiếm tỉ trọng lớn
trong xã hội và đều tập trung trong các hệ thống giáo dục chính thống. Đây là
những điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động đọc sách.
Chính vì xác định thành phần chính yếu
để hình thành nền văn hóa đọc là các em thiếu nhi và thanh thiếu
niên, hiện nay đã có những thiết chế cần thiết như hệ thống thư viện trường
các bậc học phổ thông, mạng lưới thư viện thiếu nhi (trong hệ thống thư viện
công cộng từ cấp tỉnh xuống cấp xã).
Tuy nhiên, các hệ thống thư viện này từ trước đến nay vẫn
hoạt động riêng lẻ, độc lập, chưa có sự liên
kết phối hợp, dù cùng có mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc sách
cho thiếu nhi và thanh thiếu niên.
Các thư viện trường học thường xuyên được thanh tra, kiểm tra
hoạt động để hàng năm được công nhận danh
hiệu thư viện đạt chuẩn. Còn mạng lưới thư viện thiếu nhi vẫn báo cáo
hoạt động đều đặn và hiệu quả.
Với hoạt động của các hệ thống thư viện thuận lợi như trên,
nhưng tại sao trên thực tế, vẫn còn nhận định cho rằng học sinh hiện nay thờ ơ
với sách báo và gần như không hề quan tâm đến các loại sách khác ngoài sách
giáo khoa, sách phục vụ cho việc học tập.
Việc hình thành thói quen đọc sách cho
học sinh các cấp, không chỉ đơn giản là xây dựng nên các thư viện đầy ắp các kệ chứa sách, mà điều
quan trọng là phải hướng dẫn các em học sinh
biết tận dụng giá trị của từng quyển sách, dù là thể loại sách in hay ebook,
cho mục đích nâng cao tri thức của từng cá nhân và hình thành nhận thức
đúng đắn về xã hội. Hay nói cách khác, các
nhà quản lý văn hóa, các nhà chuyên môn thư viện, các nhà văn hóa,... phải tổ chức được các hình
thức hoạt động phù hợp để các em tiếp cận với sách báo, giúp các em tìm đến những sách có nội dung phù hợp với suy
nghĩ và tâm lý của các em, từ đó có những định hướng phát triển hài hoà
và hợp lý cho tương lai của từng em.
Đây là điều rất quan trọng trong tiến
trình xây dựng thói quen đọc sách cho nhóm đối tượng này và cho nền văn hóa đọc của quốc
gia.
Điều băn khoăn thứ 2 mà chúng tôi muốn
chia sẻ là kỹ năng đọc sách của các em học sinh hiện nay.
Có thể nói học sinh của chúng ta, hầu như chưa biết cách đọc
một quyển sách và chưa được hướng dẫn để biết chọn lựa các loại sách phù hợp.
Nếu khảo sát các loại sách và nội dung các quyển sách các em thích đọc, thì chỉ
cũng chỉ xoay quanh thể loại sách truyện tranh, sách có nội dung đơn giản, tình
tiết gây cấn, kỳ bí như truyện ma, truyện hình sự,… còn loại sách có nội dung
hữu ích như tủ sách Hạt giống tâm hồn, tủ sách Học làm người, sách phổ biến kiến thức phổ thông, sách truyện cho lứa
tuổi thanh thiếu niên như của các tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông
Thức,… rất phù hợp với các em nhưng lại thiếu bóng dáng trên các kệ sách của
các thư viện trường học.
Qua một số buổi tổ chức hoạt động đọc
sách cho các em học sinh cấp 1 và cấp 2. Chúng tôi nhận
thấy, cách đọc sách của các em còn thể hiện sự thụ động, thậm chí thể hiện sự
lười đọc và đối phó. Sau khi đọc xong
một quyển sách, với các câu hỏi gợi ý được soạn sẵn kèm theo quyển sách,
nhưng hầu hết các em vẫn chưa biết tóm lược được nội dung, chưa nêu được chủ đề
quyển sách. Các em chỉ biết cách kể lại các tình tiết như thuật lại toàn bộ câu
chuyện.
Đây là một khiếm khuyết về kỹ năng đọc của các em học sinh
hiện nay. Mà nếu các em chưa biết tóm lược
nội dung, hay chưa nêu được chủ đề chính của một quyển sách, cũng có nghĩa hoạt động đọc sách chưa hiệu quả và
rất khó để hình thành thói quen đọc sách cho các em.
Vậy phải làm gì để giảm thiểu khiếm khuyết vừa nêu.
Điều cần thiết là phải có sự liên kết giữa các hệ thống thư
viện để nâng cao hoạt động đọc sách cho thiếu nhi, thanh thiếu niên.
Thư viện trường học với kinh phí hạn
hẹp, vốn tài liệu ít ỏi, nội dung sách báo không đa dạng, chủ
yếu chỉ là sách báo phục vụ việc học tập và giảng dạy, thiếu hẳn các loại sách
giải trí, sách giáo dục nhân cách phù
hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, tổ chức hoạt động thụ động.
Để bù đắp những khoảng trống đó, thì hệ thống thư viện công
cộng cần phải hỗ trợ cho thư viện trường học
về nghiệp vụ, chuyên môn, hỗ trợ lượng sách báo phong phú, đa dạng, đầy
đủ.
Các giáo viên thư viện cần được xã hội đánh giá đúng tầm quan
trọng của người thường được xưng tụng là “Người giữ chìa khóa trái tim của
trường học”, giúp họ có niềm tin, lòng nhiệt
tình hơn trong việc tổ chức các hình thức hoạt động đọc sách phong phú, đa
dạng, phù hợp cho học sinh.
Hiện nay, mỗi trường chỉ có một cán bộ thư viện hay giáo viên
thư viện phục vụ cho hàng ngàn học sinh và
giáo viên. Do vậy, để tổ chức hoạt động đọc sách mang lại hiệu quả thiết
thực cho học sinh rất cần sự hỗ trợ của hệ thống thư viện công cộng.
Một số trường tiểu học đã và đang thực
hiện tiết học thư viện và bước đầu có thể khẳng định đây là biện pháp, là những bước đi
đúng đắn đã mang lại kết quả khả quan. Nhưng liệu các tiết học thư viện đang được thử nghiệm có được duy trì và phát triển
sâu rộng, bền vững trên toàn hệ thống thư viện trường phổ thông hay
không?
Với trách nhiệm nặng nề của chương trình học chính khóa, với
nhiều chỉ tiêu thi đua trong năm học, liệu các giáo viên đứng lớp và giáo viên
thư viện có ý thức trách nhiệm, có mặn mà, nhiệt tình tự nguyện duy trì các
tiết học thư viện hay đây chỉ là hoạt động nhất
thời, vì những lý do bắt buộc như do thư viện trường nằm trong 1 dự án tài trợ
nào đó hay do áp lực của các chỉ tiêu thi đua.
Hơn nữa, tiết học thư viện dù có mục tiêu đúng đắn, thích
hợp, hiệu quả nhưng lại không tương thích
với lợi ích của giáo viên hay cán bộ thư viện, thì các tiết học thư viện liệu
có thể phát triển bền vững vì mục tiêu xây dựng nền văn hóa đọc hay
không?
Tại sao các thư viện thiếu nhi thuộc hệ thống thư viện công
cộng lại không thể phối hợp, hỗ trợ cho thư
viện trường học để phát huy hơn nữa tính tích cực các tiết học thư viện này.
Để trả lời câu hỏi này, cần có một chủ trương chính thống từ
cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thư viện thông qua việc ban hành các văn
bản pháp qui khả thi và có giá trị thực hiện trong cả hai hệ thống thư viện
công cộng lẫn thư viện trường học, để với mức đầu tư kinh phí ít nhất từ nguồn
ngân sách nhà nước, số lượng sách có hạn, cùng chỉ với một lượng nhân lực thư viện nhất định, cả 2 hệ thống thư viện vẫn có thể
hình thành thói quen đọc sách cho đối
tượng thiếu nhi, thanh thiếu niên, từ đó làm nền tảng thực hiện chủ
trương xây dựng nền văn hóa rộng khắp trong công đồng./.
Tiền Giang, 03/2012
K.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét