TS. Hồ Thiệu Hùng
Sự ra đời của sách đã đánh dấu một bước
tiến vĩ đại trong lịch sử loài người bởi nó mở đầu cho một kỷ nguyên
mới trong lịch sử loài người trên lĩnh vực truyền bá tri thức, kỷ nguyên một người truyền bá tư tưởng cho
nhiều người, hàng trăm ngàn, hàng triệu, hàng tỷ người mà không cần giáp
mặt nhau. Từ đó đến nay, biết bao con người cùng rất nhiều dân tộc đã đổi đời
dưới ảnh hưởng các tư tưởng vượt không gian, vượt thời gian của những cuốn sách
hay mà họ may mắn được đọc. Vì lẽ đó, nói về
đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam thì không thể không nói đến đổi mới sách dành cho học sinh, sinh
viên - thế hệ sẽ làm chủ đất nước này.
Sách dành cho học sinh sinh viên (HSSV) có thể được phân thành 2 loại: sách giáo khoa và sách chưa phải giáo khoa. Loại thứ nhất - sách giáo khoa - là loại sách đúc kết các “chân lý” đã được thử nghiệm trong lich sử đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội và đấu tranh với bản thân của con người, đã đứng vững qua thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, của thời gian, được các thế hệ học giả sàng lọc, bổ sung, sửa đổi lại từ đời này qua đời khác. (“Chân lý” đây xin đừng hiểu là chân lý vĩnh cửu, bất biến, không vận động). Loại thứ hai là loại sách “tham khảo”, loại này nêu những ý tưởng mới, cách nhìn nhận mới của một nhóm người hay cá nhân nào đó về một vài khía cạnh nào đó trong đời sống thuộc quá khứ, hiện tại và thậm chí tương lai. Những ý tưởng này, cách nhìn nhận này dễ gặp phải sự hưởng ứng hoặc sự chống đối của dư luận ở các mức độ khác nhau, hoặc nhiều khi rơi tõm mất tăm như đá ném xuống “ao bèo” dư luận. Và đôi khi phải mất không ít thời gian, một số tác phẩm từng bị chê bai hoặc đã tưởng chìm mất tăm kia mới lại được “vớt” lên và lôi kéo sự chú ý của độc giả, thậm chí có nội dung được trân trọng đưa vào sách giáo khoa, nhận các giải thưởng cao quý.
Hai loại sách giáo khoa và tham khảo nói trên có vai trò bổ
sung cho nhau và rất quan trọng trong đời sống tinh thần của HSSV. Sách giáo
khoa hiện chiếm vai trò gần như độc tôn
trong nhà trường phổ thông ở bậc thấp nhưng càng lên cao, vị thế này
càng yếu dần vì loại sách tham khảo bắt đầu đứng chân vững vàng hơn do tính
sống động, mới mẻ, linh hoạt và đa dạng hơn của nó. Khi ra trường, người học hầu như chỉ còn đọc loại thứ hai này mà thôi. Vì
vậy loại sách chưa phải giáo khoa này cần rất nhiều sách hay và sách hay
cần được quảng bá đến tận trường học bằng nhiều cách khác nhau.
Song nói đến sách hay, trước hết phải
nói đến bộ SGK hay cho học sinh phổ
thông. Cho đến nay, điểm
lại các sách giáo khoa mà Việt Nam xuất bản cho học sinh phổ thông trong thế kỷ
20 đến nay, có thể nói chưa có cuốn sách giáo khoa nào vượt được bộ sách Quốc
văn giáo khoa thư được
giảng dạy ở các trường tiểu học ở Việt Nam thời Pháp thuộc.
Tác giả bộ sách (các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc,
Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận) viết sách này nhằm góp phần bồi dưỡng vốn kiến thức
rất cơ bản, rất thiết thực, loại đầu đời cho
mọi trẻ em đến trường: từ vấn đề bao quát như đạo làm con, làm công dân đến những vấn đề nhỏ bé như
cách ăn mặc, viết thư, giữ vệ sinh
thường thức hàng ngày. Hình thức phong phú và rất phù hợp với tâm lý trẻ tiểu học: cạnh chuyện thời nay là chuyện thời
xưa; chuyện trong lịch sử dân tộc có mà chuyện trong lịch sử nước ngoài
cũng có; xen truyện nói về con người là truyện ngụ ngôn với các con vật gần gũi
với trẻ em; cùng với các bài văn xuôi là văn vần, thơ, ca dao…
Viết cho trẻ em, Quốc văn giáo khoa thư
đã ý thức rất rõ tác dụng của ba môi trường gần gũi nhất của đối tượng này là gia
đình, nhà trường, xã hội. Ở trong gia đình, sách khuyên trẻ
làm đứa con có hiếu với ông bà, cha mẹ, thuận thảo với anh chị em; ở
trường học - làm người học trò nghiêm túc, chăm ngoan, biết kính yêu thầy, biết
giúp đỡ bạn; ngoài xã hội làm một công dân giàu lòng tự trọng, luôn giữ phẩm hạnh của mình, biết tự hào về cội
nguồn dân tộc, biết trân trọng vẻ đẹp quê
hương, thương yêu đồng bào, đồng loại như yêu chính mình. Cùng với trách nhiệm
bảo vệ môi trường xã hội, là sự giữ gìn đạo lý, thượng tôn pháp luật, là ý thức
bảo vệ môi trường thiên nhiên…
Nội dung thiết thực, lại thêm cách viết rất dung dị, dễ hiểu,
dễ thuộc, dễ nhớ nên đi thẳng vào lòng trẻ
và nhờ đó mà phát huy tác dụng suốt cả đời người. Đây mới là điều quan trọng nhất mà mọi tác giả sách giáo khoa
đều ao ước mà hiếm ai đạt được. Quốc văn giáo khoa thư đã để lại dấu ấn
tốt đẹp suốt đời cho những ai từng học tiểu học thời Pháp thuộc và là một cuốn
sách đáng để người viết sách ngày nay học theo, đặc biệt là khi chúng ta đang
đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện sách giáo khoa.
Sách giáo khoa hiện dùng trong nhà trường bị phê phán đủ điều
nhưng tập trung nhiều ở 4 điều sau đây:
1. Nội dung ôm đồm, dư nhiều kiến thức chưa thiết thực (thậm chí xa rời nhu cầu thực
tế), nhưng thiếu nhiều kiến thức rất cần cho cuộc sống hiện tại (và tương lai).
2. Thiếu
tính tích hợp các kiến thức.
3. Hình
thức chưa thu hút người học, sau khi học xong không đọng lại gì trong lòng.
4. Xu hướng muốn chiếm vị trí độc tôn suốt mọi bậc học. Tất nhiên, xu
hướng này mạnh hay yếu
còn tùy thuộc vào ý thức của người dạy (đặc biệt là dạy các môn khoa học xã
hội).
Trong 4 điều phê phán trên đây thì tính cấp bách phải sửa đổi
là khác nhau ở các bậc học như trong bảng trình bày dưới đây.
Tiểu học
|
THCS
|
THPT
|
Ghi chú
|
|
Điều 1
|
xxx
|
xxx
|
xxx
|
x: cấp bách
xx: rất cấp bách
xxx: vô cùng cấp bách
|
Điều 2
|
xx
|
xx
|
||
Điều 3
|
xxx
|
xx
|
x
|
|
Điều 4
|
x
|
Nhìn tổng quát thì việc sửa đổi nội dung
học sao cho thiết thực là vô cùng cấp bách cho cả 3 bậc học. Nhà nước ta nếu thực sự muốn đổi mới căn bản
và toàn diện nền giáo dục - nghĩa là đổi mới tận gốc rễ, đổi mới tất cả các mặt
- thì nên chọn đây là điểm đột phá khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Lựa chọn một “Tổng Công trình sư” chỉ huy
việc này, tập hợp đội ngũ viết sách, thống nhất với nhau về triết lý giáo dục trước rồi hình
thành nội dung chương trình khung, sau đó phân chia nội dung cho những chuyên
gia giáo dục có kinh nghiệm thực tế trong việc dạy từng bậc học viết, xin nhấn
mạnh yêu cầu có kinh nghiệm thực tế trong
dạy bậc học đó. Xin đừng chỉ định tiến sĩ này tiến sĩ kia chưa hay ít dạy một bậc học nào đó đi viết sách cho học sinh bậc
học ấy chỉ vì người đó “đỗ đạt cao” hay quen lớn. Nên động viên cả những
bậc tu hành, các nhà kinh doanh tham gia góp ý nội dung chương trình hay viết
sách. Cần mở một trang web công bố chương trình khung và động viên nhiều người
tham gia ý kiến hay gởi bài dùng cho cuốn sách giáo khoa đang hình thành. Việc
phân chia nội dung phải thật khớp giữa các
lớp, các môn. Có thể mua luôn chương trình một số môn khoa học tự nhiên của một số nước. Việc làm bộ SGK này phải tiến
hành không chậm trễ. Không chỉ viết
một bộ SGK mà viết nhiều bộ để lựa chọn. Bản thảo có rồi thì đưa ra một hội đồng khoa học thẩm định, chọn bộ tốt nhất. Tác
giả có sách được chọn sẽ được vinh danh và trọng thưởng.
Viết sách tất nhiên phải tốn tiền. Cứ cho
là viết sách giáo khoa cho học sinh từng bậc học phổ thông, mỗi môn học tốn 300
tỷ đồng[[1]]
thì chi phí viết SGK cho
khoảng 25 môn học của cả tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ tiêu
tốn khoảng 7500 tỷ đồng. Số tiền này lớn hay nhỏ? Xin thưa, số tiền này không vượt chi phí làm một con đường cao tốc dài…
30 km vì đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km với 4 làn
đường thì cứ mỗi km cần đến 12,7
triệu đô la, tương đương 254 tỷ đồng[[2]]
cho mỗi km hay 7620 tỷ đồng cho 30 km. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
dài 105,5 km cũng được dự kiến tốn khoảng 35.000 tỷ đồng[[3]],
còn cao gấp hơn 4 lần tiền làm bộ SGK mới cho học sinh phổ thông.
Đáng đồng tiền lắm việc chi làm con “đường cao tốc 30 km” này
vì như vậy trên hành trình dân trí của Việt Nam sẽ xuất hiện một con đường cao
tốc cho trí tuệ Việt Nam, đường cao tốc mang tên CHẤN
HƯNG GIÁO DỤC./.
TP. Hồ Chí Minh,
03/2012
H.T.H.
[1] 250 tỷ đồng để hội họp, hội
thảo, chấm giải, sửa chữa; 50 tỷ đồng thưởng cho tác giả (hay nhóm tác giả) có
sách được chọn.
[2] Vnexpress 21/10/2011:
Làm đường ở Việt Nam đắt gấp 3 lần ở Mỹ.
Tổng vốn (đường cao tốc TP. HCM - Long thành
- Dầu Giây) lên tới hơn 930 triệu USD cho 55 km với 4 làn đường, suất đầu tư
của dự án này là 18 triệu USD mỗi km… Nếu loại trừ các chi phí xây cầu dẫn, đền
bù giải phóng mặt bằng, suất đầu tư riêng cho việc xây đường đã là 12,7
triệu USD một km. Trong khi đó, chi phí bình quân để xây một km đường cao tốc ở
Mỹ chỉ là 1,4 triệu USD, tức 5,6 triệu USD cho 4 làn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét