Văn hóa đọc sách và chấn hưng giáo dục ngày nay

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống

Tóm tắt

Sinh viên chắc chắn phải đọc sách nhiều hơn học sinh trung học. Sinh viên chỉ từ bỏ cách học thuộc giáo trình để đọc hiểu nhiều sách tham khảo khi giảng viên có phương pháp giảng dạy sáng tạo nhằm khuyến khích việc khám phá hơn là thụ động chấp nhận việc nhồi nhét kiến thức.

Tầm quan trọng ngày càng gia tăng của kiến thức, cùng với sự kiện hầu hết các nước đang phát triển bị tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khả năng tạo ra kiến thức, tiếp thu, biến cải và sử dụng chúng, sẽ còn làm cho khoảng cách thu nhập giữa các nước phát triển giàu có và các nước đang phát triển nghèo nàn ngày càng gia tăng nếu khoảng cách trí thức tương ứng và sự chênh lệch khả năng tiếp cận kiến thức không được giải quyết thành công bằng biện pháp chấn hưng giáo dục mà đặc biệt là ở bậc đại học.

Một biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục là rèn luyện thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh viên nhằm giúp họ có văn hóa đọc sách để tiếp tục học hỏi suốt đời để tiếp nhận kiến thức mới và thích nghi với tình hình liên tục đổi mới.

1. Trọng tâm của chấn hưng giáo dục Việt Nam là cải cách giáo dục đại học

Trong thời đại ngày nay, việc tạo ra giá trị kinh tế càng ngày càng ít tùy thuộc vào nhà máy, đất đai và thiết bị, trong khi kiến thức, kỹ năng, mà sự khôn ngoan của con người càng ngày càng trở nên vô cùng quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Các tiến bộ của công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ sinh học, tự động hóa… làm tăng lượng kiến thức lên rất nhanh và cùng với Internet càng ngày càng nhiều kiến thức được luân chuyển và tiếp cận dễ dàng. Những ai có kỹ năng sử dụng Internet có thể tiếp cận một tài nguyên vô tận và vô giá về thông tin.

Các quốc gia cần đào tạo nhiều hơn nữa các công dân trẻ của mình đến trình độ đại học hay cao hơn - vì một trình độ đại học là đòi hỏi cơ bản cần có cho những công việc kỹ năng cao. Chất lượng và số lượng nhân lực trình độ cao mà các đại học của một nước có thể cung cấp cho các lĩnh vực rộng rãi của nền kinh tế càng ngày càng trở nên quan trọng cho sức cạnh tranh của nước đó trên thị trường quốc tế. Vốn nhân lực chất lượng cao được phát triển từ các hệ thống giáo dục chất lượng cao, mà giáo dục đại học cung cấp những người có kỹ năng cao nhất để lãnh đạo quản lý và lãnh đạo sản xuất thời đại ngày nay.[1]

Giáo dục nói chung, và đặc biệt là giáo dục đại học đã trở thành một thành phần chủ yếu của chiến lược đầu tư phát triển kinh tế quốc gia. Trong môi trường kinh tế toàn cầu hóa mang tính cạnh tranh mãnh liệt, đầu tư cho giáo dục đại học để có được một lực lượng lao động kỹ năng cao và năng suất cao là một thành phần chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tương lai. Nếu không có sự đầu tư và coi trọng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học trong các nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, sức cạnh tranh của một quốc gia sẽ suy thoái rất đáng kể trong những năm tới.[2]

Tầm quan trọng ngày càng gia tăng của kiến thức, cùng với sự kiện hầu hết các nước đang phát triển bị tụt hậu xa so với các nước phát triển trong khả năng tạo ra kiến thức, tiếp thu, biến cải và sử dụng chúng, sẽ còn làm cho khoảng cách thu nhập giữa các nước phát triển giàu có và các nước đang phát triển nghèo nàn ngày càng gia tăng nếu khoảng cách trí thức tương ứng và sự chênh lệch khả năng tiếp cận kiến thức không được giải quyết thành công bằng biện pháp cải cách giáo dục đại học.

2. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập  

Ở nhiều nước, giáo dục trung học phát triển nhanh chóng đến mức khiến cho trình độ giáo dục phổ cập đã lên đến hết bậc trung học, vì thế áp lực về nhu cầu học lên một mức độ nào đó của bậc đại học là rất lớn. Từ “đại chúng hóa” (massification) được dùng để nói lên sự gia tăng nhanh chóng số lượng sinh viên đại học. Trong tương lai không xa, tất cả mọi sinh viên ở các nước phát triển đều có cơ hội học lên dưới một dạng nào đó ở một mức nào đó của bậc đại học. Giáo dục đại học ngày càng trở thành đại chúng hóa và trình độ giáo dục phổ cập ở một số nước là năm thứ 2 bậc đại học.

Sự bùng nổ giáo dục đại học gây nên nhiều hậu quả khác nhau. Nhiều đại học tăng qui mô vượt bậc, có trường hợp trở thành quá khổng lồ. Sự bùng nổ về số lượng làm cho chất lượng trung bình bị giảm sút vì nguồn lực bị phân tán mỏng. Một đáp ứng sáng tạo cho nhu cầu của xã hội là sự phân hóa giáo dục đại học, một quá trình phát triển những loại đại học mới bao gồm các đại học công, các đại học tư, các đại học chuyên nghiệp, các đại học cộng đồng, các trường cao đẳng và dạy nghề, các đại học mở, các đại học đào tạo từ xa, và đại học ảo qua mạng internet

Đại học mở, đại học hàm thụ, đại học ảo… với các loại chương trình đào tạo từ xa càng ngày càng trở nên quan trọng do khả năng cung cấp giáo dục đại học cho sinh viên vùng nông thôn xa xôi và cho người lớn.

Một đội ngũ giảng viên chất lượng và nhiệt tình là yếu tố quyết định nhất về chất lượng giáo dục đại học. Rủi thay, đa số giảng viên nước ta chỉ ở trình độ cử nhân và chưa hề được đào tạo cao hơn. Việc này hạn chế trình độ kiến thức truyền thụ cho sinh viên và hạn chế khả năng sinh viên tiếp cận kiến thức hiện hữu cũng như phát triển ý kiến mới. Phương pháp giảng dạy cũng lạc hậu, chủ yếu là dạy học thuộc lòng. Sinh viên nào nhai lại được một phần đáng kể của nội dung phải học thuộc lòng đó sẽ thành công trong thi cử (giả thiết không có gian lận). Phương pháp giảng dạy thụ động rất tai hại trong thế giới ngày nay và tương lai khi mà sáng tạo và linh hoạt là có giá trị cao nhất. Một phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn là rất cần thiết nhằm thúc đẩy sinh viên tham dự tích cực toàn tâm toàn trí và khuyến khích việc tự học bằng cách đọc nhiều sách hơn là thụ động chấp nhận việc nhồi nhét kiến thức gói gọn trong một giáo trình. 

Một nhược điểm lớn của tổ chức quản lý giáo dục ở nước ta là sự phân tán của quá nhiều trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với chương trình đào tạo quá nhiều tiểu chuyên ngành rất hẹp. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết cho khả năng tự học suốt đời.[3]

3. Đổi mới mục tiêu giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế trí thức 

Nền kinh tế trí thức đòi hỏi ở người lao động một loạt những kỹ năng mới. Họ cần phải có trình độ học vấn cao hơn, có khả năng suy nghĩ độc lập và linh hoạt hơn, và nhất là có khả năng tiếp tục học hỏi suốt đời để tiếp nhận và thích nghi với tình hình liên tục đổi mới.

Thực tế mới của cuộc cách mạng trí thức không dẫn đến việc thay thế những mục tiêu truyền thống của giáo dục đại học, mà tạo ra một sự phát triển đổi mới những mục tiêu đó với ưu tiên mới.

Xã hội “hậu công nghiệp” hay xã hội “tri thức” có những thay đổi gì?[4]

Xã hội công nghiệp
Xã hội hậu công nghiệp
Bổ nhiệm theo trình độ đã được đào tạo 
Bổ nhiệm theo nhu cầu và học tập khi cần
Làm việc bằng giấy tờ văn bản hành chánh
Làm việc bằng giao tiếp, điện thoại, email 
Sử dụng những kỹ năng chuyên biệt 
Sử dụng những kỹ năng đa ngành
Gắn bó một công việc lâu dài
Thay đổi nhiều loại công việc khác nhau
Công việc phù hợp với đào tạo
Công việc khác biệt nhiều với đào tạo
Khả năng lập kế hoạch và thực hiện
Khả năng thiết kế và cải tiến
Khả năng chấp hành theo tổ chức
Khả năng tự học tiếp tục, tự quản lý   

Trong thế giới hiện đại, tầm quan trọng của giáo dục chuyên môn được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên giáo dục tổng quát cũng rất quan trọng trong việc giúp thực hiện các mục đích lâu dài về kinh tế xã hội của các nước đang phát triển, kể cả Việt Nam.

Một hệ thống giáo dục đại học cần đạt được những mục tiêu khác nhau, bao gồm:

- thỏa mãn nhu cầu giáo dục đại học ngày càng tinh vi và đa dạng của sinh viên;
- đào tạo những người điều hành và phát triển xã hội tương lai;
- xây dựng một diễn đàn để xã hội có thể xem xét các vấn đề và tìm những lời giải thích hợp;
- tạo một môi trường mà văn hóa và giá trị xã hội có thể được nghiên cứu và phát triển.

Khi chuyên môn hóa càng ngày càng trở nên quan trọng thì giáo dục đại học cần đào tạo chuyên sâu một cách căn bản, nhưng đồng thời cũng phải cung cấp một nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết cho việc học suốt đời và việc chuyên môn hóa về sau. Giáo dục đại học cần bảo đảm việc cung cấp một nền tảng giáo dục tổng quát đủ sâu rộng để chuẩn bị cho lực lượng trí thức tiên tiến nhất một khả năng đáp ứng cao với môi trường làm việc thay đổi không ngừng trong tương lai. Với kiến thức gia tăng nhanh chóng chưa từng có, giáo dục đại học phải trang bị cho sinh viên khả năng thu thập, xử lý và sử dụng thông tin. Những ai có kỹ năng sử dụng Internet có thể tiếp cận một tài nguyên vô tận và vô giá về thông tin, đặc biệt là các sách điện tử.  

4. Kết luận

Mục tiêu giáo dục đại học như thế chuyển từ chủ yếu là đào tạo về kiến thức và kỹ năng sang chủ yếu là đào tạo về năng lực tự phát triển kiến thức. Sinh viên phải học không chỉ những kiến thức đã biết được hôm nay mà còn học cách để cập nhật kiến thức tương lai. Người ta không chỉ học khi còn đi học mà học khi đi làm và học suốt đời trong xã hội học tập. Chương trình đào tạo phải được thiết kế theo mục tiêu giáo dục đại học là đào tạo năng lực tự học. Đọc sách là cách tự học tốt nhất.

Một biện pháp để năng cao chất lượng giáo dục là rèn luyện thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh viên nhằm giúp họ có văn hóa đọc sách để tiếp tục học hỏi suốt đời để tiếp nhận kiến thức mới và thích nghi với tình hình liên tục đổi mới./.

TP. Hồ Chí Minh, 03/2012

N.T.T.


Tài liệu tham khảo:
1. The Task Force on Higher Education and Society, “Higher Education in Developing Countries, Peril and Promise”, World Bank, 2000.
2. Marshall, R., The Global Job Crisis. Foreign Policy: The U.N. in Crisis. Washington, DC: The Carnegie Endowment for International Peace. 1995.
3. Nguyễn Thiện Tống, Giải pháp chiến lược cho giáo dục đại học, Sài Gòn Giải Phóng 02/01/2009.
4. Kai-ming Chen, Workplace and Learning. What should Shape our Universities? Presentation at Hoa Sen University, Oct 19, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét