Vài suy nghĩ về văn hóa số, sách và giáo dục

TS. Nguyễn Khánh Trung
Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng số. Cuộc cách mạng này đang và sẽ làm thay đổi một cách căn cơ đời sống của xã hội, của từng con người, của các mối quan hệ giữa các cá nhân một cách nhanh chóng. Nó được Hervé Le Crosnier - Đại học Caen (Pháp) ví như một ngọn sóng cao, mà tất cả chúng ta ở trên đó, ngọn sóng này vừa mới nổi lên và sẽ đưa tất cả chúng ta đi rất xa. Cách mạng số tác động và làm thay đổi mọi lĩnh vực từ kinh tế, luật pháp, chính trị, truyền thông… và đương nhiên là có cả giáo dục và công tác in ấn xuất bản. Lối sống, lối ứng xử, phương cách làm việc mới được thiết lập, tạo ra những nét văn hóa mới gọi là “Văn hóa số”[[1]] (culture numerique hay cyberculture).

Cách mạng số tạo ra một xã hội thông tin, một xã hội tri thức[[2]] mà giáo dục đóng vai trò chính yếu trong « lối vào » (accès) xã hội này. Bài tham luận này xin chia sẻ một vài suy nghĩ liên quan đến vai trò của giáo dục, của sách (hay nói đúng hơn là các ấn phẩm) trong bối cảnh « văn hóa số » hiện nay. Liệu Việt Nam, một nước nghèo, có thể tận dụng cuộc cách mạng này trong công cuộc phát triển đất nước nói chung và chấn hưng giáo dục nói riêng không?

Văn hóa số và sách

Kỹ thuật số làm đảo lộn tất cả quy trình in ấn phát hành, cũng như làm thay đổi cách mà con người tạo ra kiến thức. Nếu trước đây mô hình của việc phát hành một cuốn sách thường là:

Tác giả => Nhà xuất bản => marketing/ họp báo giới thiệu/ liên hệ nhà sách => Phát hành => Phân phối/ nhà sách => người đọc.

Quy trình truyền thống này có nguy cơ bị phá vỡ, khuynh hướng ngày nay là con đường đi từ tác giả đến người đọc là trực tiếp. Với các phương tiện liên lạc hiện đại, với website, blog, các mạng xã hội, những ý tưởng của tác giả đến trực tiếp với người đọc có thể trong giây lát và nhận lại những phản hồi của bạn đọc cũng trong giây lát. Ví dụ, một nhà văn ngày nay có thể « xuất bản » một sáng tác mới trên blog hoặc website riêng, bài viết của tác giả ngay lập tức đến với hàng ngàn độc giả mà không cần phải thông qua các khâu xuất bản, phát hành có khi đến mấy năm mới có thể đến với độc giả. Đây đang là một thực tế đang diễn ra và có lẽ là khuynh hướng chính trong tương lai.

Ngày nay, nhiều loại kiến thức mới được hình thành, hoàn thiện thông qua những tương tác trao đổi qua lại trên các diễn đàn ảo. Một bài viết xuất bản, sau đó nhận được nhiều bình luận liên quan, các bình luận viên có thể góp phần phản biện cho các ý tưởng trong bài, bổ sung những thiếu sót, gợi mở những suy nghĩ mới, những giải pháp mới, những thông tin mới. Đây là một trong những phương cách tạo ra kiến thức mới một cách phong phú tiềm tàng mà trước đây chúng ta chỉ có thể có những tương tác này thông qua những hoạt động học thuật như hội thảo, bàn tròn rất tốn kém và giới hạn số người tham gia.

Thư viện - tra cứu

Dân gian ngày nay có câu « Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra gun gờ » (google), quả thật, google như một ông tiên, gỡ bí cho chúng ta nhiều chuyện từ cuộc sống thường ngày đến học thuật nếu ta biết hỏi nó. Dự án « google book » đã có hàng triệu đầu sách được số hóa gồm đủ chủng loại. Tôi đã thử đánh từ khóa « culture numérique » trên google book, kết quả sau 0,41 giây, cho ra 250 000 tài liệu liên quan; và từ khóa « cyberculture », cho ra 72 000 tài liệu sau 0,30 giây tìm kiếm. Đây đúng là một phép lạ mà cách đây vài chục năm, chúng ta không thể tượng tượng được. Cái mà tôi muốn nhấn mạnh, là google chẳng phân biệt quốc gia, giàu nghèo, vùng địa lý, ở đâu nối mạng là ở đó có thể tiếp cận được các tài liệu.

Tương tự như google book, Thư viện Quốc gia Pháp cũng đang có dự án số hóa hằng triệu cuốn sách để phục vụ cộng đồng, tất cả các loại thư viện, (thư viện quốc gia, thư viện địa phương, thư viện các trường đại học, các viện nghiên cứu) ở các nước phát triển đang trên đường số hóa các nguồn tài liệu của mình, các báo, tạp chí khoa học cũng đang chuyển dần qua phiên bản số… Như vậy, hiện tại và trong tương lai, chúng ta có thể ngồi bất kỳ ngõ ngách nào trên thế giới cũng có thể tiếp cận, mua hoặc mượn các tài liệu để phục vụ cho việc học hành, nghiên cứu của chúng ta. Ngày nay tôi có thể ngồi ở IRED nhưng vẫn mượn sách, tạp chí của Đại học Nantes - Pháp, tôi có thể bỏ hàng ngàn tài liệu trong túi của của mình với một USB. Đây là một cơ hội tốt cho các nước nghèo, một cơ hội mà trước đây có mơ cũng không mơ tới.

Trong Báo cáo của UNESCO năm 2005 có tựa đề « Vers les sociétés du savoir » đã viết: « … Xây dựng một hệ thống toàn cầu các xã hội tri thức, với ước vọng các xã hội này là nguồn lực phát triển cho tất cả, và nhất là các nước nghèo » (tr. 27). Tổ chức này của Liên Hiệp Quốc kêu gọi xem tri thức là « tài sản công », mà tất cả mọi cá nhân và xã hội đều có thể tiếp cận nhằm phục vụ một lý tưởng cao cả là phát triển các xã hội, nâng cao nhân phẩm, tạo ra sự công bằng, dân chủ và tính liên đới xã hội. UNESCO kêu gọi các nước nghèo tận dụng cuộc cách mạng số này để xây dựng cho mình xã hội tri thức, bởi tin rằng tri thức sẽ là nguồn lực phát triển các mặt còn lại.

Việt Nam là một nước nghèo, nghèo cả vật chất, cả văn hóa và các thành tựu khoa học, thế nhưng thời thế đã cho phép chúng ta kết nối với kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, tạo ra một cơ hội to lớn để chúng ta có thể « đi tắt đón đầu ». Với giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao, sách vở, chữ nghĩa, tri thức đóng vai trò sống còn, tựa như vai trò của lương thực đối với cơ thể của chúng ta. Một trường đại học tỏ ra bất cần, không chú trọng đến nghiên cứu, xuất bản, thư viện, thì cũng giống như nhà buôn tuyên bố không cần tiền bạc, vốn liếng gì. Một hình ảnh so sánh có thể khập khiễng, nhưng để nói lên vai trò tối quan trọng của sách và các ấn phẩm khoa học trong đời sống học thuật. Nếu như không có cuộc cách mạng số, chúng ta có cố gắng tới đâu cũng khó có thể theo kịp các nước phát triển với những kho tàng tri thức đang nằm trong những thư viện, trung tâm lưu trữ và nằm ngay trong từng công dân của đất nước họ.

Cuộc cách mạng số đang và sẽ xóa bớt khoảng cách giàu nghèo về mặt tri thức này. Các nước nghèo, các công dân của các nước nghèo nhờ cách mạng số có cơ hội tiếp cận kho tàng đồ sộ không những chỉ một nước mà cả thế giới. Nghĩa là ngày nay, chúng ta không còn lo đói về mặt tri thức, nhưng chỉ lo chúng ta không muốn, không được phép, không có khả năng (ngoại ngữ) hay không biết cách để khai thác. Làm thế nào để có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy sự phát triển? Chúng ta phải đào tạo mẫu người công dân nào trong thời đại văn hóa số này? Phải tạo ra một môi trường thế nào để xã hội tri thức có thể phát triển?

Văn hóa số và xu thế trong giáo dục

E. Durkheim đã nói, giáo dục là con đường đưa cá thể hội nhập vào xã hội. Ngày nay, chúng ta có thể nói một cách cụ thể, giáo dục là con đường đưa cá thể hội nhập vào xã hội với văn hóa số. Cách mạng số tác động trực tiếp lên mọi khâu của giáo dục từ triết lý, cách dạy, cách học, nội dung chương trình, đến cách thức tổ chức hành chính sư phạm trong hệ thống, trong từng trường học. Công cuộc « Chấn hưng giáo dục » mà chúng ta đặt ra hôm nay không thể nằm ngoài ngọn sóng của cách mạng số này. Dưới đây tôi xin phép nêu lên vài suy nghĩ sơ lược về một xu thế mới trong giáo dục trong bối cảnh văn hóa số hôm nay.

Cách dạy và học: Cuộc cách mạng số tạo ra một sự bùng nổ thông tin và kiến thức, khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên một cách nhanh chóng, và cũng có thể bị bỏ qua một cách chóng vách. Với một xã hội như vậy, nhà trường không thể là nơi truyền thụ kiến thức, nhưng phải là nơi chỉ cho học sinh làm thể nào để tiếp cận, chọn lựa và góp phần tạo ra kiến thức. Không những chỉ học một số năm ở nhà trường, nhưng chuẩn bị cho học sinh tinh thần và phương pháp tự học, tự đào tạo suốt đời. Nghĩa là nhà trường, nhất là trường đại học là nơi trang bị phương pháp chứ không thể là nơi dạy kiến thức. Nếu chúng ta chủ trương truyền thụ kiến thức, chúng ta sẽ chẳng biết truyền thụ gì, truyền thụ bao nhiêu giữa biển trời mênh mông thông tin vốn thay đổi rất nhanh. Nếu sinh viên phải học tập trong một khung chương trình và nội dung đào tạo được định sẵn và đóng kín nào đó, những kiến thức họ nhận được có nguy cơ bị lạc hậu ngay khi chưa ra trường. Cách đây mấy năm, tôi đã phỏng vấn một cựu sinh viên khoa triết, anh này tỏ ra thất vọng vì cho rằng, sau bốn năm học đại học ra trường, mình bị bạn bè không học đại học bỏ xa, không những về đời sống kinh tế mà cả về mặt tư duy và khối lượng kiến thức. Đơn giản vì trong bốn năm, anh này bị bó buộc học những lý thuyết sáo mòn chẳng liên quan gì đến một xã hội đang biến đổi từng ngày, trong khi các bạn anh lại được tự do cập nhật với những trợ giúp đắc lực của kỹ thuật số.

Toàn cầu hóa và nội dung giảng dạy: Cách mạng số đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình toàn cầu hóa, nơi đó biên giới quốc gia bị phai mờ. Mạng internet là toàn cầu, chúng ta nối mạng là chúng ta kết nối với toàn cầu. Thông tin lưu chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác khác chỉ tính bằng giây, vượt qua mọi thứ biên giới (mặc dầu vẫn còn tường lửa). Như vậy quốc tế hóa trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc cao là một khuynh hướng khách quan, không phụ thuộc vào việc chúng ta muốn hay không, mà là con đường đi chung của nhân loại. Trừ trường hợp chúng ta rút phích cắm ra khỏi thế giới như trường hợp Bắc Hàn, nhưng làm như vậy, chúng ta sẽ không thể phát triển, và cũng chẳng có thể tồn tại lâu dài. Từ đặc điểm này, mặc dầu không xem nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhưng chúng ta phải trang bị cho người học tinh thần và khả năng của những « công dân toàn cầu », để các em có thể dễ dàng thích ứng, hội nhập với thế giới lao động ngày càng không có biên giới và hay thay đổi ngày nay.

Thiết kế nội dung chương trình giảng dạy phải phù hợp với khuynh hướng toàn cầu hóa, Edgar Morin (1999), nhà triết học giáo dục hàng đầu của Pháp trong « Les sept savoirs nécessaires à l’éducation du futur » đã đề nghị bảy nội dung giảng dạy trong giáo dục tương lai, trong đó nhấn mạnh đến làm thế nào để người học nắm những nguyên lý tạo ra kiến thức, hiểu được những khiếm khuyết, sự thiếu chắc chắn của kiến thức, trang bị cho người học khả năng thấu hiểu người khác, tinh thần chấp nhận sự khác biệt, lối ứng xử, cách điều tiết giữa cá nhân và xã hội thông qua các nguyên tắc dân chủ, cách thức mà nhân loại đã sống chung với nhau thông qua lịch sử của mình, cũng như những khả năng để đối phó với những điều thiếu chắc chắn, bất ngờ có thể xảy ra.

Thị trường học đường[[3]], nhất là thị trường giáo dục đại học đang dần trở nên một thị trường toàn cầu, các quốc gia, các trường đại học nổi tiếng đang tung ra những chiến lược thu hút giáo sư và sinh viên trên toàn thế giới. Chính sách tuyển giáo sư và các nhà nghiên cứu hiện nay tại các nước phát triển đã không còn phân biệt quốc tịch. Một giáo sư Trung Quốc đang làm hiệu trưởng của một đại học Anh, các giáo sư và nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn có thể làm việc tại một nước nào đó trên thế giới ngày nay là chuyện bình thường.

Toàn cầu hóa tạo ra một sự di động dễ dàng, nơi nào có chính sách đãi ngộ hấp dẫn, có môi trường làm việc tốt, nơi đó sẽ thu hút chất xám. Tôi đang đọc cuốn sách có tựa đề « Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại » của Ben Wildavsky (2010), tác giả đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học trên thế giới, nơi đó đang diễn ra một cuộc cạnh tranh lớn về chất xám, các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc, các nước châu Âu, Ả Rập, Nhật, Trung Quốc, Singapore..., đang tung ra những chiến lược nhằm thu hút các nhà nghiên cứu tên tuổi, các giảng viên và sinh viên giỏi đến với mình. Điều này không những mang lại lợi nhuận cho các nước giàu mà còn mang lại hàm lượng chất xám hết sức có ý nghĩa trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay. Dòng chảy chất xám đang chảy mạnh từ Đông sang Tây, từ những nước nghèo sang những nước giàu. Việt Nam chúng ta đang là một thị trường của họ. Trào lưu du học mà có nhiều người miêu tả như là hiện tượng “tị nạn giáo dục” là biểu hiện của việc chảy máu chất xám này.

Thị trường học đường có lẽ đang là mô hình cải cách giáo dục trên thế giới ngày nay, khuynh hướng này đặt quyền chọn lựa trường lớp, chọn nội dung chương trình học tập, thậm chí chọn cả thầy của người học và phụ huynh làm trung tâm, làm đòn bẩy để tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường, và từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy, trong khi Nhà nước vẫn có thể đảm bảo tính công bằng cơ hội, quyền học hành của người dân thông các chính sách tài chính, điều tiết thuế má. hình này cũng buộc Nhà nước phải tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo, của các giáo viên. Quan hệ giữa các tác nhân chính như Nhà nước, nhà trường, người dạy và người học và phụ huynh là quan hệ bình đẳng thông qua cơ chế thương lượng và điều tiết dựa trên nhu cầu của xã hội, chứ không phải là những áp đặt. Đây là mô hình đã tồn tại tại các nước ảnh hưởng của lý thuyết kinh tế « tân tự do », nhưng cũng đang là khuynh hướng cải cách tại các nước châu Âu vốn có truyền thống đề cao vai trò của Nhà nước trong giáo dục.

Văn hóa số và dân chủ: Trong báo cáo của UNESCO đã dẫn ở trên xác định rõ, muốn xây dựng một xã hội tri thức làm nền tảng cho sự phát triển, cần phải có những điều kiện căn bản đó là tự do tiếp cận tri thức, thông tin và tự do thông tin. Chúng ta sẽ không bao giờ xây dựng được một xã hội tri thức khi sự lưu chuyển thông tin và tri thức bị ngăn cấm, khi tự do học thuật bị xâm phạm, khi quyền ngôn luận, quyền phát đi thông tin và tri thức của các cá nhân bị cản trở.
Liên quan đến giáo dục, mô hình thị trường học đường mà tôi vừa đề cập không những có thể kích thích sự cạnh tranh giữa các trường, tạo động lực phát triển, nhưng nó là một sự thể hiện của dân chủ hóa trong giáo dục. Một mô hình đặt người học làm trung tâm trong phương thức quản lý và trong các quan hệ sư phạm. Người học được xem là một tác nhân trung tâm, có thể chủ động phối hợp với giáo viên để xây dựng nội dung và chương trình học tập, đem ra những nguyên tắc, nội quy chung, chứ không phải là bên thụ động chịu sự nhồi nhét những thứ đã có sẵn bất chấp người học có muốn hay không như tại Việt Nam hiện nay.

Kết luận

Cách mạng số, văn hóa số là những đề tài hiện đại nhưng không còn quá mới. Những điều tôi vừa đề cập nếu cách đây 30 năm là chuyện viễn tưởng, nhưng ngày nay đã là những sự kiện có thật đang diễn ra và đang tác động lên tất cả chúng ta. Hình như chúng ta đang chạy theo trào lưu một cách bị động mà chưa có những nghiên cứu nghiêm túc về những tác động của cuộc cách mạng này lên đời sống xã hội nói chung và đời sống học thuật nói riêng. Bằng chứng là, khi tôi sử dụng từ tiếng Việt « văn hóa số » để tìm kiếm các công trình, bài viết liên quan thì hầu như tìm không ra, trong khi sử dụng từ này bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh thì lại rất nhiều như số liệu đã trích dẫn ở trên.

Hơn bất kỳ lĩnh vực nào, giáo dục và công tác phát hành xuất bản sách đang chịu tác động rất sâu sắc bởi cuộc cách mạng số. Văn hóa số không triệt tiêu « văn hóa giấy » vốn đã gắn liền với con người, bám sâu vào tập tính của chúng ta hằng nhiều thế kỷ nay, nhưng nó bổ sung một cách tích cực, làm phong phú và đặc biệt tạo cho những nước nghèo cơ hội vươn lên về mặt văn hóa, giáo dục./.

N.K.T.


[1] Văn hóa số ám chỉ phương cách mà con người sống, làm việc, ứng xử với nhau dưới sự tác động của kỹ thuật số, cũng như những biến đổi về mốt sống của từng cá nhân và xã hội dưới sự tác động của kỹ thuật này. Văn hóa số là tựa đề của hàng chục ngàn ấn phẩm, là tên gọi của nhiều công trình nghiên cứu, là tên của một môn học được giảng dạy tại bậc đại học mà chúng ta có thể xem bằng vidio tại địa chỉ: https://ensweb.users.info.unicaen.fr/syllabus/index_cult-num.php. Ở đây chúng tôi không đào sâu về mặt khái niệm văn hóa số theo nghĩa rộng, nhưng sẽ nói về nó theo nghĩa hẹp trong mối tương quan với chủ đề hội thảo « Sách và chấn hưng giáo dục ».  Nghĩa là nói về những tác động, những biến đổi, những khuynh hướng trong giáo dục hiện đại cũng như công tác xuất bản, phát hành dưới sự tác động của kỹ thuật số. 

[2] UNESCO khuyến cáo phân biệt hai khái niệm “xã hội thông tin” (société de l’information) và “xã hội tri thức” (société des savoirs). Trong xã hội thông tin, thông tin được xem như một thứ hàng hóa có một giá trị nào đó, mà người ta có thể trao đổi, mua bán, lưu trữ, vận chuyển,… trong khi khái niệm xã hội tri thức mang tính nhân bản hơn, nó phản ánh và nói lên những kỳ vọng của con người, tạo điều kiện cho sự công bằng, công lý, dân chủ và hòa bình. Trong ý nghĩa này chúng ta bàn về giáo dục (Xem Cornu Bernard. 2007. “Enseigner et apprendre dans la société du savoir: enjeux et questions...”. MathemaTICE, n. 5, mai - 2007)   
[3] Thị trường học đường (marché scolaire) là tên gọi của một lý thuyết trong nghiên cứu về giáo dục, nhưng cũng là tên gọi của một mô hình tổ chức và quản lý giáo dục, mà chúng tôi thấy đang ngày càng trở thành khuynh hướng cải cách giáo dục trên thế giới. Thị trường học đường không đồng nghĩa với “thương mại hóa giáo dục” vốn xem giáo dục như một loại hàng hóa có thể trao qua đổi lại trên thị trường như trong lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi đã có hai bài viết liên quan đến đề tài này, xin xem Nguyễn Khánh Trung. (2011). « Khái niệm thị trường giáo dục và vai trò các tác nhân ». Tia Sáng Oneline: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=4776. Lên mạng ngày 29-12-2011. và Nguyễn Khánh Trung. (2012). « Gia đình và thị trường giáo dục ». Tạp chí Tia Sáng, số 03 - 05-2-2012. Tr. 39 - 41.  
  
Tài liệu tham khảo

1.      Hervé Le Crosnier. (2010). Loạt bài giảng về Văn hóa số, có thể xem video tại địa chỉ: https://ensweb.users.info.unicaen.fr/syllabus/index_cult-num.php.
2.      Cornu Bernard. (2007). “Enseigner et apprendre dans la société du savoir: enjeux et questions...”. MathemaTICE, số. 5, tháng 5 - 2007.
3.      Rapport mondial de l‘UNESCO. « Vers les sociétés du savoir », 2005.
4.      Edgar Morin. (1999). « Les sept savoirs nécessaires à l’éducation du futur ». Paris: Le Seuil.
5.      Xem Georges Felouzis. (2011). « Les marchés scolaires et l’éducation comparée ». Éducation comparée. Revue de recherche internationale et comparative en education. Nouvelle série. Số 6/ 2011, tr. 10 - 11.
6.      Ben Wildavsky. (2010). « Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại » (dịch sang tiếng Việt bởi Tô Diệu Lan). Hà Nội: NXB. Trí thức và Đại học Hoa Sen. 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét