TS. Phạm Văn Rính
Dẫn nhập
Sách là nội hàm tri thức được tích hợp từ những kiến thức của nhân
loại với sự sáng tạo thêm vào của cá nhân các tác giả làm cho sách luôi tươi
mới, sống động, phù hợp với sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Vì vậy có
thể nói rằng sách là nền tảng của tri thức và nó luôn gắn với sự nghiệp văn
hóa, giáo dục trong lịch sử phát triển của các quốc gia dân tộc. Tùy thuộc vào
chiều hướng của sự phát triển mà sách luôn đổi mới cả về hình thức và nội dung
để mang đến cho bạn đọc không chỉ kiến thức mà cả nguồn cảm hứng đọc sách. Từ
những nhận thức đó chúng tôi cho rằng để sách trở thành nền tảng phát triển văn
hóa giáo dục thì cần xem xét đến điều kiện cần và đủ để nó thực sự giữ được vai
trò tối quan trọng trong đời sống của chúng ta. Thứ nhất, điều kiện cần là có nhiều sách hay từ các tác giả, dịch vụ cung cấp sách của các nhà sách
thuận tiện và dịch vụ phục vụ bạn đọc ở các thư viện dễ dàng và tiện
nghi.
Thứ hai, điều kiện đủ là làm
cho người đọc ham mê đọc sách, từ sự nhận
thức sâu sắc về vai trò của sách đối với việc nâng cao tri thức và chất
lượng sống của con người và từ đó xây dựng thói quen đọc sách như một phần cuộc
sống của mình. Đối với chúng ta, một nước đang phát triển nhanh với kỳ vọng sẽ
căn bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XI đề ra thì chủ đề “Sách và chấn hưng văn hóa - giáo dục” trở thành
một định hướng quan trọng để sự phát triển bền vững xác lập không chỉ cho hôm
nay mà cho cả chặng đường phát triển sau này của đất nước. Ở nước ta, mục tiêu của chiến lược đã được Đảng và
nhà nước xác định rất rõ vai trò của văn hóa - giáo dục là động lực để
phát triển bền vững. Sách báo là nguồn cung
cấp thông tin và tri thức tham góp vào sự hình thành nên sự nhận thức để đất nước, cộng đồng, xã hội và mỗi con người
có thể phát triển toàn diện. Các nhà văn hóa và giáo dục thế giới đã thống nhất
rằng các yếu tố thông tin - kiến thức -
văn hóa là nền tảng đảm bảo cho một quốc gia có thể phát triển bền vững.
Đây là một nguyên lý chung đối với mọi quốc gia, không phụ thuộc vào đất nước
đó thuộc thể chế chính trị nào. Sách là nền tảng thông tin gắn với hợp phần
thông tin, giáo dục mang nội hàm kiến thức từ sách và văn hóa là đặc thù chất
lượng sống của các dân tộc. Sự đặc thù ấy tạo ra bản sắc của các nền văn minh
trên thế giới.
Làm thế nào để có sách hay
Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc vào tháng 7 năm 1948, Hồ
Chủ tịch đã viết: “Chúng ta cần có một nền
giáo dục kháng chiến và kiến quốc… Muốn như thế, chúng ta phải có sách
kháng chiến và kiến quốc cho các trường”.
Từ lời dạy này của Bác, chúng ta thực sự thấm thía: muốn đẩy mạnh
công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất
nước, muốn xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và chấn
hưng giáo dục, chúng ta cần có sách. Đây là một yếu tố quan trọng và là điều
kiện cần đầu tiên để sách có thể tham góp vào sự phát triển của văn hóa, giáo
dục.
Để có sách hay, trước hết phụ thuộc vào các tác giả, dịch giả.
Sách hay vừa là mục tiêu của người viết sách, vừa là mong đợi của bạn đọc.
Những cuốn sách hay thường ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt, được gọi là
sự phát tiết của tác giả để ghi dấu sự tâm huyết, tình yêu cuộc sống, lao động
sáng tạo của người viết. Đây là kết quả của
lao động trí tuệ đặc biệt, vô giá và không thể tính bằng tiền. Vì vậy, chế độ thù lao cho những sản phẩm đặc biệt này đã
được các nước đưa ra giải pháp “Luật
bản quyền” không chỉ để đảm bảo sự tôn trọng nguyên tác của tác giả mà còn chống nạn đạo văn. Thù lao cho tác giả tùy
thuộc vào số bản sách xuất bản và số
lần tái bản. Đối với nhóm sách khoa học và công nghệ thì việc sử dụng phát minh của tác giả trong chế tác kỹ thuật và
công nghệ, nhà sản xuất phải trả tiền tác quyền của phát minh. Chính nhờ
giải pháp đó mà sách hay của các nước ngày càng
nhiều và đóng góp không nhỏ cho văn minh nhân loại đặc biệt là cho khoa học
và công nghệ. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta thì giải pháp nào đây để luật
bản quyền được tôn trọng và thực thi?. Vấn
đề thứ hai, khi có sách hay nhưng trong một số trường hợp lại không được
xuất bản nhiều vì ít bạn đọc. Điều này liên quan tới cách tiếp cận của tác giả
với nhu cầu bạn đọc chưa được thông suốt. Cũng là một chủ đề hay, nhưng viết
với tính khái quát cao siêu đối với sách báo văn
hóa hay viết quá hàn lâm, ít tính ứng dụng đối với sách khoa học kỹ thuật đều
có ít bạn đọc. Dường như việc dựa vào trình độ dân trí và đặc thù văn hóa giáo dục mà người viết sách cần có sự điều chỉnh
thích hợp. Vấn đề thứ ba, Một số
tác giả lần đầu viết sách đã ấp ủ có khi cả cuộc đời cho viết một cuốn sách
hay, nhưng không biết làm thế nào để ký kết
hợp đồng viết sách. Nhiều khi họ tự ti vì chưa một lần có tên tuổi trong
làng sách. Và tất cả những ý tưởng hay, những kiến thức quý giá mang tính sáng
tạo ấy để rơi vào quên lãng. Vấn đề cuối
cùng, liên quan tới các vấn đề trên là nhiều tác giả có khả năng viết sách
hay nhưng không muốn viết vì thù lao thấp, sợ
nạn đạo văn và sợ mất những điều quý giá mà họ đã dày công nghiên cứu,
tích lũy. Những người làm công tác quản lý về văn
hóa, giáo dục cần thực hiện biện pháp, giải pháp làm thế nào có nhiều cuốn sách hay ra đời phục vụ bạn đọc, phục vụ sự
nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục.
Làm thế nào để có được môi trường tiếp cận
với sách tốt nhất có thể
Có sách hay từ các tác giả là điều mong đợi của bạn đọc. Sách được
in ấn chuẩn, trình bày đẹp sẽ làm cho tác
phẩm đến với bạn đọc giàu xúc cảm hơn. Đến thư viện tìm sách, đọc sách được phục vụ tận tình, người đọc
hẳn sẽ mãn nguyện và ham đọc sách hơn.
Môi trường đọc sách lý tưởng chỉ có thể hình thành khi có sự tham
góp tích cực của các nhà xuất bản, nhà sách và thư viện. Theo con số thống kê
của ngành thông tin, truyền thông và ngành
văn hóa, số lượng sách xuất bản tăng lên hàng năm, số lượng các thư viện cũng phát triển không ngừng
từ sau năm 1954 đến nay. Nhà nước cũng thực hiện nhiều chương trình để
nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông qua việc đọc sách cho người dân. Môi
trường đọc sách đã được cải thiện. Nhưng có
thể nói, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một môi trường đọc sách lý tưởng. Nhiều sách hay vẫn không đến được
với người đọc vì giá thành cao, không đến được với các thư viện vì những lý do
“tế nhị”.
Có được sách hay là điều kiện cần, nhưng làm
thế nào để sách đến được với đông đảo người đọc cũng là vấn đề cần
đặt ra. Sách được xuất bản nếu không có sự tuyên truyền, hướng dẫn của
các cơ quan văn hóa và giáo dục thì chính sách báo tự thân nó cũng khó phát huy vai trò trong xã hội. Sách thiếu nhi và
sách cho giới trẻ, bộ phận non nớt và nhạy cảm trong xã hội cần được các
nhà trường và toàn xã hội đặc biệt quan tâm trong hướng dẫn đọc sách, tìm sách.
Sự thiếu tri thức nhiều khi không phải là thiếu sách mà là chọn sai sách, đọc
sách không đúng đối tượng. Học cách tìm sách, học cách chọn sách đúng chủ đề
quan tâm để đọc cũng là cách diệt dốt trong thời đại bùng nổ thông tin ngày
nay.
Làm thế nào để mọi người ham
mê đọc sách
Ham đọc sách là một quá trình tự thân. Với
sự hỗ trợ của giáo dục sẽ thúc đẩy quá trình
này sớm phát triển và đó là chiến lược mà nhiều nước đang áp dụng. Để
quá trình này có hướng đi đúng, thì ngay từ những ngày đầu học chữ, người ta
dạy cho trẻ “đọc hình”. Nói đúng hơn là học chữ thông qua nhận biết hình ảnh để
thu hút trẻ thơ đến với sách. Khi tư duy của con người đã phát triển thì người
ta chú trọng đến phát triển ngôn ngữ theo
các chiều hướng khác nhau tùy vào sở trường của từng con người. Khi đã
học đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc, thì người ta tiếp tục giáo dục con
người đọc sách để nhìn nhận thế giới quan sống đầy đủ hơn. Tất cả đều phục vụ
cho việc nâng cao chất lượng sống của con người.
Như vậy có thể nói để
có nhiều người ham đọc sách phụ thuộc vào kết quả rèn luyện giáo dục trong nhà trường, sự động viên tạo điều
kiện cho con em của các gia đình, sự hướng dẫn của các thư viện, cũng
như sự quan tâm, làm gương của người lớn và những hoạt động tạo ra môi trường
đọc sách tốt của nhà nước và toàn xã hội. Việc chúng ta có thể làm được trong
điều kiện hiện nay là thay đổi phương pháp giáo
dục đào tạo của học sinh sinh viên. Lấy người học làm trung tâm phải dựa vào
nâng cao kỹ năng đọc sách và sử dụng sách
đúng cách. Làm thế nào để họ dành nhiều thời gian đọc sách. Tại nhiều
quốc gia phát triển trên thế giới, “kiến thức thông tin” với hạt nhân là phương
pháp đọc sách và tìm kiếm, sử dụng thông tin đã được các nhà trường và thư viện
quan tâm trang bị cho người học, người đọc. Sự
kết hợp giữa các thầy cô giáo và các cán bộ thư viện sẽ giúp cho học sinh, sinh
viên hình thành kỹ năng, phương pháp và thói quen đọc sách. Thói quen
ham đọc sách sẽ được hình thành từ thay đổi căn bản phương pháp đào tạo.
Lời kết
Từ nhận thức về vai trò quan trọng của sách đối với văn hóa và
giáo dục mới chỉ là bước đi khởi đầu. Từ
nhận thức đúng đến thay đổi thái độ của độc giả về đọc sách là vô cùng khó khăn cần có được sự phối hợp hành
động đồng bộ của các ban ngành quản lý văn hóa - giáo dục, các nhà xuất
bản, các tác giả sách và đặc biệt là các thầy
cô giáo. Mỗi chúng ta hãy làm gương là một người đọc sách chuyên cần, các
tác giả hãy viết nhiều cuốn sách hay cho xã hội, mỗi nhà xuất bản hãy đầu tư và có kế hoạch quảng cáo sách sinh động hơn nữa.
Các thư viện làm thế nào đều trở thành những thư viện thân thiện… Tất cả
sẽ tham góp vào quá trình chuyển từ thay đổi
thái độ tìm sách, đọc sách sang hành động đọc sách thường xuyên của mọi người với đúng nghĩa lấy sách báo để nâng
tầm văn hóa và nâng cao kiến thức
của mình trong nghề nghiệp và các khía cạnh khác mà sách mang lại./.
Hà Nội, 03/2012
P.V.R.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét