Đọc sách: từ người đọc vô thức đến người đọc hữu thức

Dịch giả Phạm Anh Tuấn

Ngày nay, họa hoằn lắm mới có người nuôi một suy nghĩ tiêu cực nào đó, khoan hãy nói tới phủ nhận, về vai trò của sách đối với mỗi con người và đồng thời đối với toàn xã hội. Song, sự thừa nhận một vai trò như vậy đối với sách mới chỉ nói lên được một mặt của vấn đề. Mặt kia là, tại sao sách lại cần thiết như vậy, thậm chí là có tính tất yếu đến vậy đối với sự sống của con người đúng nghĩa là con người.

Để tiếp cận vấn đề theo cách phân tích như vậy, chúng ta hãy thử nhìn lại quá trình phát triển của con người như là một loài biết suy nghĩ, đứng tách ra khỏi muôn loài động vật khác.

Loài vật, xét trên phương diện bản năng, tỏ ra có ưu thế hơn hẳn con người. Chúng không cần “học” cũng có thể sống được hoặc sống sót được. Con gà nở từ quả trứng sau vài giờ đồng hồ là nó có thể tự dùng mỏ để ăn, để uống nước mà không cần bất kỳ sự chỉ bảo nào. Sau vài ngày là nó có thể tự đi lại và từ sau đó trở đi nó có thể tự mình tồn tại, bất chấp những con gà khác trong đàn hoặc những con gà khác, nói chung, là thế nào. Tức là, con gà có thể tồn tại độc lập mà không cần đến sự tương tác hay hòa nhập với một cộng đồng nào đó.

Song, xét trên phương diện tiến hóa thì chính đó lại là sự bất lợi cho các loài động vật so với con người. Loài vật bị giới hạn vào những bản năng tự nhiên của chúng. Con người, trái lại, khi sinh ra chắc chắn không thể tự mình sống sót, tự mình tồn tại mà không có sự giúp đỡ của người khác. Giả sử, một em bé sinh ra bị bỏ rơi hoặc bị lạc trong rừng và em phải sống cùng các loài động vật khác (trường hợp như vậy, như là một tai nạn, đã xảy ra rất nhiều trên thế giới), thì em bé đó nếu có sống sót được cũng chắc chắn không thể nói được tiếng người, không thể sử dụng các dụng cụ, phương tiện của con người theo đúng cách của con người (theo cách được xã hội con người chấp nhận) - tức là, nó sẽ chỉ tồn tại như bao loài vật khác.

Sự kiện nói trên cho thấy là học và giáo dục là một sự tất yếu cho sự tồn tại của con người và học hoặc giáo dục chỉ có thể diễn ra ở trong cộng đồng hoặc với yếu tố cộng đồng. Nhưng phân tích kỹ hơn sẽ thấy, sự học tập và giáo dục của con người không thể diễn ra nếu không có một thứ khác nữa là cái phân biệt dứt khoát con người với muôn loài động vật khác: khả năng tạo ra các hệ thống biểu trưng và khả năng hiểu được các hệ thống biểu trưng (symbol systems).

Thật vậy, loài vật không cần đến các hệ thống biểu trưng bởi mọi mối tiếp xúc giữa chúng với môi trường xung quanh và phản ứng của chúng đều là mang tính trực tiếp. Mọi sự đều chỉ đơn giản là thỏa mãn tức khắc các bản năng của chúng hoặc liên quan đến cơ chế tự vệ diễn ra tức khắc của cơ thể.
Con người, trái lại, bởi vì nó phải học thì mới có thể tồn tại đúng như là con người, cho nên nó cần có phương tiện để học, và phương tiện đồng thời cũng là mục đích của học chính là các hệ thống biểu trưng. Con người học tức là học các hệ thống biểu trưng, mở rộng các hệ thống biểu trưng, làm cho các hệ thống biểu trưng ngày càng tinh vi hơn đồng thời không ngừng bổ sung các hệ thống biểu trưng mới mẻ.

Ở hình thức giáo dục được gọi là mang tính chất không chính thức (informal), tức chưa có trường học xét như là một thiết chế riêng biệt, là học bằng quan sát và bắt chước thì người học cũng buộc phải làm việc với các hệ thống biểu trưng, trong đó có sự ghi nhớ các động tác của người làm mẫu (chủ yếu là cha mẹ và những người lớn tuổi khác trong gia đình, bộ lạc).

Ở nhà trường cổ truyền, khi trường học được tách ra như là một thiết chế riêng biệt (do sự đòi hỏi tất yếu phải truyền đạt cho các thế hệ đến sau các thông tin - tức chính là các hệ thống biểu trưng, chúng ngày càng nhiều lên, càng phức tạp, phong phú lên) với “nhân sự” phụ trách chuyên biệt (thầy giáo), thì học chủ yếu không phải là bằng quan sát trực tiếp và bắt chước mà bằng sự giảng giải của người thầy. Đến đây ta bắt đầu thấy nổi lên vai trò của một hệ thống biểu trưng ra đời “tự nhiên” song có giữ tầm quan trọng vĩnh viễn là số một và bất khả thay thế, đó là ngôn ngữ lời nói của con người. Ngôn ngữ vừa là công cụ lại đồng thời là bản thân một môn học (môn Tiếng Việt, chẳng hạn, đối với trẻ em Việt Nam). Song, trong lịch sử nhân loại (thậm chí ngay cả ngày nay nữa), điểm phân biệt trình độ giữa các dân tộc, cộng đồng chính là chữ viết. Vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), nơi được coi là cái nôi của văn minh nhân loại, là nơi một bộ lạc sống ở miền nam vùng này (tên là Sumer) đã phát minh ra chữ viết đầu tiên của nhân loại. Nhưng ngay cả có chữ viết cũng chưa phải là điều đảm bảo cho sự tồn vong và phát triển của một dân tộc hoặc một bộ lạc. Ở ngay thời hiện đại này (vào đầu những năm 1980), các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một tộc người tên là Vai ở Liberia (người theo đạo Hồi ở châu Phi). Điểm đặc biệt của tộc người này là một bộ phận thì biết nói tiếng Anh, một bộ phận nói tiếng Ả-Rập còn khoảng 20% thì nói một thổ ngữ (và có chữ viết hẳn hoi). Song, tộc người này lại rất lạc hậu, hiểu theo nghĩa trình độ, năng lực tư duy của họ kém xa hoặc tụt hậu xa so với trình độ văn minh đương thời của nhân loại. Các nhà khoa học đã rút ra một kết luận là, vấn đề không phải là bản thân sự biết chữ mà vấn đề là việc biết chữ đó phải là sản phẩm của học ở trường, tức là phải do nền giáo dục đem lại hẳn hoi (theo Cơ cấu trí khôn của Howard Gardner, bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn xuất bản năm 1997, tái bản năm 1998 và tái bản năm 2012). Tại sao? Tại vì trí thông minh của con người phải được đặt trong những bối cảnh xã hội rộng lớn có ý nghĩa, tức là phải trao cho nó những vai trò để nó thể hiện cho mục đích xã hội - nói bằng thuật ngữ khoa học tức là phải xã hội hóa trí thông minh. Và chỉ có nhà trường mới làm được điều này.

Như vậy, ngôn ngữ và chữ viết xét như là điều kiện tối cần thiết và nhà trường xét như là điều kiện bổ sung tuyệt đối cần thiết, là điều duy trì sự sống của con người như là loài động vật khác hẳn với muôn loài khác. Vào thế kỷ thứ 15, sự phát minh ra máy in và các con chữ bằng chì dùng để in đã làm thay đổi hoàn toàn nền văn minh của con người. Trước đó, việc nhân bản, Kinh thánh chẳng hạn, đều do các thầy tu phải chép tay lên những tấm da dê hoặc da cừu hoặc được in theo cách khắc chữ lên gỗ (giống như cách in tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam).

Song, cách nào đó, sự phát minh ra máy in không làm thay đổi bao nhiêu bản chất của bản thân chữ viết. Nó chỉ làm phong phú thêm bản chất của chữ viết và làm tăng tốc độ và sự thuận tiện của sự truyền bá những gì chữ viết chuyên chở.

Ngay cả ngày nay khi chúng ta dường như ưa thích đọc thông tin trên Internet hoặc ưa đọc sách điện tử hơn sách in giấy, thì điều này không tất nhiên có nghĩa là “sách” đã chết! Chỉ đơn giản là khái niệm sách đã được mở rộng, đã được làm cho tinh vi, phong phú lên. Giống như khái niệm “ngôn ngữ” hoặc biết chữ (literacy) giờ đây cũng đã được mở rộng. Chúng ta có, chẳng hạn, “ngôn ngữ” lập trình máy tính (với đầy đủ những cú pháp, nguyên tắc chứ không hẳn là cách gọi tên đơn thuần bề ngoài).

Như vậy, SÁCH không bao giờ chết, mà chính là nó đang liên tục phát triển. Giống như mọi sự phát triển khác, kỳ cùng đó là sự phát triển, mở rộng những hệ thống biểu trưng của chính nó cùng vô vàn những hệ thống biểu trưng mà nó chứa đựng, chuyên chở (tiểu thuyết, sách nghiên cứu, tranh ảnh, nhạc, họa, thông tin...). Và điều khiến SÁCH là bất tử bởi nó là điều tất yếu phải có nếu con người muốn có giáo dục. Và giáo dục là sự tất yếu đối với sự tồn tại của sự sống con người. SÁCH còn tồn tại chừng nào con người còn tồn tại.

Sự sợ hãi sách in bị mất dần ưu thế trong thời đại thông tin số hóa hoặc sự bi quan trước thực trạng suy giảm sự ham đọc sách không phải là thái độ đúng đắn của xã hội và đặc biệt là nhà trường. Sự đổi thay là tất yếu và những đổi thay sẽ tạo ra những sự ảnh hưởng thoạt đầu khó nhận ra để tác động lên các cá nhân. Tức là, xét cho cùng, mọi sự ảnh hưởng đều tác động lên các cá nhân theo con đường vô thức. Song, nhà trường không thể được coi là một thiết chế đặc biệt ấy là giáo dục những thế hệ đến sau và nhà trường không thể được coi là hoàn thành sứ mệnh này nếu như nó bao giờ cũng chỉ giữ thế bị động, bao giờ nó cũng chạy theo cuộc sống để thắng lợi thì hân hoan mà thất bại thì bi quan!

Bởi vì sự giáo dục đạo đức, hiểu theo nghĩa toàn bộ đời sống tình cảm, tình yêu, niềm tin của một con người, không thể diễn ra theo con đường truyền đạt trực tiếp, cho nên toàn bộ những gì nhà trường phải làm là chủ động cung cấp những điều kiện để các cá nhân được khuyến khích sống có đạo đức.

Trong phạm vi liên quan đến sách, tình yêu dành cho sách hoặc sự ham đọc sách hoàn toàn không thể đến từ mệnh lệnh, hô hào hoặc thậm chí sự “bảo ban” đơn thuần từ người lớn. Mọi người đọc khởi thủy đều là người đọc vô thức. Tức là, tình yêu dành cho sách và lòng ham đọc sách đến một cách tự nhiên trong một môi trường cung cấp những điều kiện như thế nào đấy để làm nảy sinh tình yêu này. Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã thấy vô số ví dụ về những con người thành đạt, dù có khi là tự học, được may mắn sinh ra trong một gia đình có “không khí của sách vở”. Chính là việc thuở ấu thơ hằng ngày nhìn thấy, cảm nhận được thái độ một người thân trong gia đình đọc sách hoặc tình cờ bắt gặp một cuốn sách hay là điều đôi khi nuôi dưỡng tình yêu dành cho sách trong nhiều năm tháng sau này khi người đó trưởng thành lên.

Bản thân người viết bài này, thuở bé thường leo lên chiếc bàn làm việc của cha và có thể ngồi hàng giờ ngắm những cuốn sách. “Tiếng Pháp” đối với thằng nhóc là tôi lúc đó được phân biệt ở việc có những chữ “la” và “le” (hai mạo từ của tiếng Pháp) còn “tiếng Anh” thì là chữ “the” (mạo từ của tiếng Anh). Cảm xúc gắn liền với sự kiện này cứ đeo đẳng trong tôi mãi, kể cả khi đã trưởng thành. Và, thú thực, hay là tôi thích đọc sách là bởi vì những chữ le, la, the thuở đó chăng? Cuộc sống không phải là một tờ giấy trắng trên đó ghi mạch lạc rõ ràng những thông tin, những sự kiện. Cuộc sống là một mớ chằng chịt, chồng chéo, đan xen những mối liên tưởng, liên hệ của những ý nghĩa. Như vậy, nhà trường thay vì ra lệnh hãy tạo ra một không khí của sách, và bằng cách ấy nhà trường nuôi dưỡng những người đọc sách tiềm năng đồng thời tạo ra những người đọc sách và thông qua đó cũng là góp phần vào sự chấn hưng nền giáo dục. Bởi, mọi người đọc, như tôi thấy, trước khi là một người đọc hữu thức, bao giờ cũng là một người đọc vô thức./.

Hà Nội, 03/2012

P.A.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét