TS. Quách Thu Nguyệt
Việt Nam sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI năm 1986 cùng với
thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, mọi người đều
nhận ra rằng để tạo sự thành công cho mỗi quốc gia, để có thể phát triển bền
vững trong cuộc đua tranh toàn cầu cần
phải xây dựng một nền giáo dục năng động, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời
đại mới, một nền giáo dục hiện đại. Giáo dục vì vậy mà trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng
từ cá nhân, tổ chức, từ những người
hoạt động trong ngành, các nhà văn hóa, học giả, chuyên gia, đến các bậc
phụ huynh…
Đã có nhiều lời kêu gọi, những tiếng nói
từ cộng đồng, những hành động chung tay của những tổ chức xã hội nghề nghiệp, những cá nhân tâm
huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Làm
gì cho công cuộc chấn hưng giáo dục? SÁCH, một lần nữa trở thành một đề
tài được luận bàn.
Sách
nào cần cho chấn hưng giáo dục?
-
Sách giáo khoa:
Cải cách giáo dục bắt đầu từ SÁCH GIÁO KHOA. Chương trình
học, nội dung sách giáo khoa luôn là mối bận
tâm hàng đầu ở mỗi nhiệm kỳ Quốc Hội, Chính phủ. Chương trình quá tải,
nội dung nặng lý thuyết hơn thực hành, thiếu tính cập nhật, sử dụng một bộ hay nhiều bộ sách giáo khoa dùng
cho các cấp lớp? Hàng loạt vấn đề được
truy vấn trong nhiều năm xem chừng vẫn còn loay hoay với câu chuyện cải tiến,
cải lùi, hoặc chuyển động rất chậm từ phía
các cơ quan tham mưu hoặc chuyên trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đã có
một vài cá nhân, tổ chức sốt ruột khởi động vào
cuộc hoặc đang âm thầm chuẩn bị cho những kế hoạch tương lai. Trong số ấy,
trình làng sớm nhất những sản phẩm đầu tiên có thể kể đến nhóm CÁNH BUỒM với việc công bố Bộ sách giáo khoa dành cho cấp
tiểu học vào năm 2011. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau và còn quá sớm để
thuyết phục tính khả thi và hiệu quả của Bộ sách, song cũng cần ghi nhận nỗ lực
và tâm huyết của những người mở đường cho mục đích tốt đẹp - xây dựng một nền
giáo dục hiện đại. Nhóm đã triển khai một số
cuộc Hội thảo mang tính dọn dường, thăm dò trước khi ra mắt 13 cuốn sách
trong bộ sách giáo khoa cấp 1. Song song đó nhóm còn tổ chức thực hành giảng
dạy chương trình này ở một ngôi trường tại Hà Nội nhằm đo lường, thị phạm hiệu quả giảng dạy, học tập của thầy và trò từ
chương trình sách giáo khoa do nhóm biên soạn. Những nỗ lực miệt mài của
nhóm đang dần có sự quan tâm, tiếp sức, cổ
vũ từ những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm. Thời gian tới nhóm sẽ tiếp
tục bằng việc thực nghiệm kết quả giảng dạy chương trình này ở một số trường của địa phương khác trong cả nước, có
thể là Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục biên soạn các sách ở
những bộ môn và cấp lớp còn lại trong chương trình giáo dục cơ sở.
Từ bước khởi động của nhóm CÁNH BUỒM có
lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tư duy và cách làm thoáng sao cho khơi gợi nhiều nguồn lực
xã hội tham gia vào công cuộc đổi mới chương trình học, đổi mới cách làm sách
giáo khoa thay vì dành độc quyền biên soạn cho một nhóm người, một vài bộ phận
chuyên trách của ngành hoặc độc quyền sử
dụng bắt buộc một bộ sách dùng chung cho mọi lớp học, mọi đối tượng
người học, mọi vùng miền… Xã hội không thiếu những cá nhân, những tổ chức có tâm, có tầm, sẵn sàng cống hiến
một cách vô vị lợi cho sự nghiệp giáo dục.
Thay vì dựng lên hàng loạt rào cản của cơ chế, chính sách,
những cơ sở pháp lý đòi hỏi tính chính danh
của những cá nhân, tổ chức tự nguyện…, Đảng và nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân,
các tổ chức dân sự xã hội chung tay, góp sức vào công cuộc chấn hưng nền
giáo dục nước nhà bằng nhiều con đường đóng
góp khác nhau: trí lực của những
chuyên gia, học giả, các nhà văn hóa, các
thầy cô; tài lực của những mạnh
thường quân, doanh nghiệp, các quỹ phát triển giáo dục của các tổ chức phi chính phủ,… Chỉ khi khơi gợi sự đồng thuận,
đồng tâm, đồng lòng vì mục tiêu phát triển dưới sự giám sát của các cơ
quan chuyên trách nhà nước mà cụ thể là Bộ Giáo
dục và Đào tạo và vai trò phản biện của cộng đồng xã hội thì việc xây
dựng một nền giáo dục hiện đại sẽ không còn là những khẩu hiệu suông, là những
mong ước xa vời.
Và để có thể qui tụ, thu hút mọi nguồn
lực xã hội vào công cuộc canh tân giáo dục, tạo niềm tin rằng nhà nước có quyết tâm mạnh mẽ, sẵn sàng
bật đèn xanh cho mọi công dân tham gia vào việc đổi mới chương trình sách giáo
khoa thì việc trước tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạo điều kiện cho nhóm
CÁNH BUỒM hay bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào có những cuộc thử nghiệm để chứng
minh giá trị của sản phẩm, chứng minh bước đi và cách làm của họ trong một lộ
trình trước mắt và lâu dài. Bộ sẽ là đơn vị chủ động chủ trì tổ chức các cuộc
Hội thảo chuyên gia, Hội nghị giáo viên các trường, công bố công khai rộng rãi
qua các kênh truyền thông đề án, kế hoạch và
sản phẩm của các nhóm để lấy ý kiến phản biện trong cộng đồng cũng như có sự tiếp sức, hỗ trợ cần thiết nếu như dự án
được kết luận tiềm năng và khả thi
-
Sách phổ cập kiến thức:
Trong các cuộc vận động, cổ súy, phát
triển văn hóa đọc, nhiều ý kiến đã cho rằng muốn tạo thói quen đọc, niềm say mê yêu thích sách, cần phải
có những cuốn sách hay, giá trị, bổ ích. Hàng năm trung bình khoản hơn 20 nghìn
tựa sách mới với nhiều thể loại đa dạng được giới thiệu đến bạn đọc. Lượng sách
phổ thông cung cấp những kiến thức nền, thỏa mãn nhiều nhu cầu, gu thẩm mỹ khác
nhau của người đọc, kể cả nhu cầu đọc giải
trí, đọc để thư giãn. Toàn cầu hóa và sự
phát triển của công nghệ thông tin làm cho tri thức lan tỏa, cập nhật và nhanh
chóng được chia sẻ với mọi người, nguồn sách do vậy mà vô cùng phong
phú. Bước vào nhà sách hoặc trong không gian
rộng lớn của các kỳ Hội sách, người đọc không khỏi lúng túng giữa rừng sách khi không biết phải chọn
mua sách nào nếu như không có chủ đích tìm mua một tựa sách cụ thể hay
không được giới thiệu, PR qua các kênh
truyền thông, báo chí. Ngày nay tham gia khai thác, tổ chức và tìm cách đưa
sách đến với độc giả, cùng với các nhà xuất bản, hệ thống thư viện trong
cả nước còn có một đội quân hùng hậu của
những công ty phát hành, những doanh nghiệp sách tư nhân khá năng động, nhạy bén tiếp cận với thông tin, thị trường tri
thức toàn cầu. Công bằng mà nói đây
chính là lực lượng góp phần kích thích nhu cầu đọc của công chúng, góp phần nâng cao dân trí, tạo dựng nhu
cầu học tập suốt đời nơi mọi công dân.
Thế nhưng vị trí và tầm quan trọng của những thiết chế, các
tổ chức, các ngành hoạt động liên quan đến sách như Thư viện và xuất bản đã
không được coi trọng và đầu tư thích đáng.
Rất dễ dàng nhìn thấy những minh chứng nản lòng từ chính sách đầu tư cho
dân trí và giáo dục thông qua câu chuyện sách vở ở khắp mọi nơi.
Trước tiên hãy nhìn vào số lượng ấn bản trên từng đầu sách:
với một, hai hoặc ba nghìn bản in cho một
tựa sách mà phải tiêu thụ trầy trật so với con số hơn 80 triệu dân! Không nên vin vào cớ đời sống kinh tế và thu nhập
thấp để sách trở thành món hàng xa xỉ ở một bộ phận người dân và ở một
số vùng, miền. Sách không chỉ được mua bằng tiền túi của người dân vốn được
chắt bóp cho các nhu cầu cơ bản và thiết yếu khác, nhất là trong hình hình kinh
tế suy thoái hiện nay. Sách cần phải được cung
cấp đầy đủ vào trong các thư viện văn hóa, thư viện trường học để mọi người ai cũng
có thể tiếp cận với sách, tiếp cận với tri thức. Thực trạng hoạt động Thư viện
như từng được nêu trong cuộc Hội thảo bàn về
phát triển văn hóa đọc gần đây đã cho
thấy số lượng các thư viện công cộng, thư viện trường học, ngày càng teo tóp,
thu hẹp; ngân sách nhỏ giọt dành cho tổ chức
hoạt động thư viện, cho việc trang bị bổ sung sách mới hàng năm… đã
không đủ sức biến thư viện thành “trái tim của nhà trường” hay là một nơi yêu
thích lui tới thường xuyên, một trường học mở của nhân dân.
Hoạt động thư viện là vậy, giờ hãy nhìn
sang lĩnh vực xuất bản. Thực chất “Sức khỏe” ngành xuất bản với đội quân chủ lực là các nhà xuất
bản thì hiện nay ngoài khoản chưa đến con số
10 nhà xuất bản khỏe mạnh, số còn lại hơn 50 nhà xuất bản đều còi cọc,
suy dinh dưỡng nếu như soi chiếu qua cơ sở vật chất, nguồn vốn kinh doanh, nguồn vốn con người, sản lượng sách do nhà xuất bản
chủ động tổ chức, khai thác hàng năm,
năng lực thích nghi với cơ chế thị trường… Môi trường kinh doanh thiếu
lành mạnh của thị trường xuất bản với hiện trạng đánh cắp bản quyền, xâm phạm
quyền sử dụng tác phẩm, in lậu và kinh doanh sản
phẩm phạm pháp vẫn luôn là những trăn trở đe dọa những đơn vị chuyên nghiệp và
kinh doanh chân chính. Sự thiếu vắng các chính sách đầu tư, thu hút đội ngũ
sáng tác và viết sách để có những tác phẩm hay, tác phẩm đỉnh cao. Những dự án đầu tư cho các chương trình in ấn,
dịch thuật, xuất bản các sách giá trị, các
bộ sách quí hiếm, tinh hoa văn hóa của dân tộc và thế giới chưa được quảng bá
công khai minh bạch…
Nhìn vào sự phát triển của ngành thư viện và xuất bản sẽ thấy
mặt bằng dân trí của một quốc gia. Do vậy cần
tuyên dương cho những nỗ lực “chòi đạp”, sự năng động và tâm huyết của một số nhà xuất bản, các đơn vị phát hành,
các doanh nghiệp sách tư nhân, đội
ngũ những người làm công tác thư viện với những đóng góp thầm lặng. Chính
họ đã làm mọi cách trong giới hạn và khả năng của chính mình để có sách hay, sách bổ ích, để sách có thể đến
được với mọi nhà, mọi người, mọi lúc, mọi nơi, để tri thức được lan tỏa,
để dân trí ngày được cải thiện…
Đầu tư, phát triển ngành thư viện, xuất
bản cũng chính là tạo sức bật cho sự phát triển nền giáo dục quốc gia.
-
Sách kinh điển giáo dục, sách chuyên
môn sư phạm:
Dòng sách này cung cấp vốn năng lượng tri thức, tư duy khoa
học và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho đội
ngũ những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô tham gia giảng dạy. Và cả
những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. So với dòng sách giáo khoa và sách phổ cập kiến thức vốn có một thị
phần khá rộng, được nhiều tổ chức đơn vị, cá nhân khai thác đầu tư biên
soạn, dịch thuật, in ấn xuất bản, dòng sách chuyên
sâu về giáo dục, về chuyên môn sư phạm lại có một thị phần khá hẹp. Nhà xuất bản Giáo dục với chức năng và định hướng
hoạt động của một nhà xuất bản chuyên
ngành mà đơn vị chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì, ngoài sách giáo khoa,
việc xuất bản sách chuyên sâu về giáo dục và chuyên môn sư phạm là chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch kinh doanh hàng năm. Tuy
nhiên danh mục sách dùng cho cán bộ
quản lý, cho đội ngũ giảng dạy của Nhà xuất bản Giáo Dục thật sự không nhiều
so với nhu cầu của người dùng và cả so với danh mục sách tham khảo dày đặc, phong phú dùng cho học sinh nhất là các lớp cuối
cấp, các sách luyện thi, được nhiều
công ty con của nhà xuất bản in với một số lượng lớn, phát hành song song với sách giáo khoa thông qua các công ty
sách thiết bị trường học tỉnh thành trong cả nước.
Gần đây, một số đơn vị, tổ chức hoạt
động trong ngành giáo dục hoặc có quan tâm đến giáo dục nhận thức tầm
quan trọng của loại sách kinh điển giáo dục, sách công cụ dành cho cán
bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã kiếm tìm, khai thác và lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các sách, các tài
liệu liên quan đến giáo dục của nước ngoài như nhà xuất bản Tri thức,
Đại học Hoa Sen, Dự án Sách Hay, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED…
Riêng IRED, tuy mới thành lập không bao
lâu cũng đã nỗ lực tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Phát triển Giáo
dục với gần 20 đầu sách cho năm 2012. Như lời giới thiệu cho Tủ sách
này, IRED cho rằng việc tuyển chọn những tựa sách kinh điển, những lý thuyết giáo dục của những nhà tư tưởng,
những bậc thầy giáo dục thế giới, việc
giới thiệu những công trình nghiện cứu về tổ chức quản lý trường học, về tổ
chức lớp học, về nghệ thuật và phương pháp giảng dạy, về kinh nghiệm của
các nước trong tiến trình đổi mới nền giáo dục quốc gia... chính là bước hội
nhập trí thức bằng con đường nhanh nhất, tiết kiệm nhất và ích lợi nhất.
Trong khi chúng ta đang loay hoay với những tranh luận về một
triết lý giáo dục, về lộ trình và cách thức
tiến hành đổi mới giáo dục, về vị trí vai trò của thầy và trò trong môi trường sư phạm, trong lớp học.., thì các
cuốn sách tích lũy từ những lý thuyết
giáo dục của những bộ óc vĩ đại, những kết quả từ các công trình nghiên cứu
khoa học giáo dục, những tinh hoa tri thức
của nhân loại, những kinh nghiệm bè bạn… luôn là những bài học bổ ích và
giá trị đáng tham khảo và học hỏi.
Tóm lại, góp vào công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà, SÁCH
chính là người thầy dẫn dắt mọi công dân khai tâm trí tuệ, bồi dưỡng tri thức,
rèn luyện chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp nhằm đào tạo những công dân thích
ứng với yêu cầu phát triển xã hội trong thời đại mới. Tuy nhiên bằng cách nào
để có nhiều sách hay phục vụ những đối tượng
cụ thể, làm thế nào sách đến được với mọi nhà, làm thế nào để sách trở
thành người bạn tri âm của mọi người. Câu hỏi không chỉ đặt ra với chính phủ,
nhà nước mà chính chúng ta phải đi tìm lời đáp. Và như vậy con đường chấn hưng
nền giáo dục nước nhà đang ở phía trước, chúng ta cứ đi, rồi sẽ thành đường…/.
TP. Hồ Chí Minh,
03/2012
Q.T.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét