Góp phần cải thiện nền giáo dục nước nhà thông qua đọc sách về giáo dục so sánh

PGS.TS. Phạm Lan Hương

Trong tình hình còn nhiều bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhiều phụ huynh cũng như những nhà giáo dục (sau đây gọi tắt là GD) tâm huyết đang mong muốn tìm những tấm gương để góp phần học tập, cải thiện nền GD nước nhà. Nhìn ra năm châu, bốn biển, ông bà ta thường có câu “Biết mình, biết người trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Có lẽ đọc và nghiên cứu các sách về giáo dục so sánh (sau đây gọi tắt là GDSS) có thể giúp chúng ta phần nào đó thỏa mãn yêu cầu. Vậy GDSS là gì? Tại sao lại phải nghiên cứu GDSS? Trong nội dung hạn hẹp của bài viết ngắn này chúng tôi xin giới thiệu sơ qua vài nét về GDSS.

Ta đều biết là GD đã có từ rất lâu đời. Cuộc sống lao động phát triển đã đưa con người xích lại gần nhau. Đến ngày nay GD đã trở thành kho kiến thức và kinh nghiệm khổng lồ. Mỗi dân tộc, mỗi nhà GD đều tự hỏi, nền GD nước mình đã tốt chưa, còn những nền GD khác ra sao. Lòng khao khát hiểu biết, khao khát vươn lên khiến con người tìm đến nhau học hỏi rút kinh nghiệm và dần dần những kiến thức đó được hệ thống hóa, phân loại, so sánh. Nó trở thành một khoa học. Nó tìm ra những điểm giống nhau, khác nhau, những điểm mạnh, điểm yếu, giúp mọi người phân tích chọn lọc và ứng dụng cho nền GD của nước mình. Trong quá trình phát triển, GDSS được nhiều nhà GD nghiên cứu. Lúc đầu chỉ mới là những tác phẩm giới thiệu các nền GD của các nước khác nhau nhằm tăng cường hiểu biết và cộng tác cùng nhau. Dần dần GDSS đã tiến tới thống kê các dữ liệu, giải thích nó theo những yếu tố tự thân và ảnh hưởng khác nhau, tìm nguyên nhân rồi phân loại, chọn lựa và so sánh. Từ đó đánh giá và rút ra những bài học bổ ích. Trên cơ sở các nghiên cứu này, các nhà lãnh đạo GD thế giới đã lập ra những hiệp hội, tổ chức GD quốc tế (UNESCO), các tiêu chuẩn GD quốc tế. Nghiên cứu GDSS đã tạo nên ngọn đuốc soi đường cho các nền GD trên thế giới nhất là ở những nước còn đang phát triển.

Mục đích chung của các tác phẩm nghiên cứu về GDSS là gì?

-   Mở rộng tầm hiểu biết về các nền GD khác trên thế giới, đồng thời biết được những xu hướng GD toàn cầu hiện nay.
-    Phát triển kiến thức, các lý thuyết và nguyên tắc về GD nói chung và mối quan hệ giữa GD với Xã hội.
-    Hiểu biết về hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề GD cùng các vấn đề khác liên quan mang tính quốc tế.
-     Tham gia vào công tác cải tiến hoặc cải cách GD trong và ngoài nước.

Ở Việt Nam, nghiên cứu GDSS để làm gì?

1. Đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

Việt Nam ngày nay đã gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký hiệp định GATS coi GD là một trong 12 dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa. Hội nhập quốc tế đã mở cho Việt Nam vô vàn cơ hội và thách thức. Để đạt được điều này, cải cách GD đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Trên các phương tiện truyền thông cũng như nhiều cuộc hội thảo khác nhau, nhiều cuộc tranh luận đang nổ ra với rất nhiều câu hỏi nhưng các đáp án dường như vẫn còn lơ lửng. Nền GD của chúng ta đang ở đâu, chúng ta nên đi theo mô hình GD nào. Các vấn đề đặt ra khiến các nhà quản lý GD bối rối. Nhiều đoàn tham quan khảo nghiệm về đã đưa ra nhiều tấm gương điển hình và những kinh nghiệm quý giá. Một số người cũng thường nêu ý kiến: ở nước ngoài người ta làm thế này hay thế kia. Nhưng đôi khi chưa giải thích rõ nước ngoài đó là nước nào, các điều kiện văn hóa, lịch sử kinh tế, chính trị có tương đồng với nước ta không. Liệu áp dụng những kinh nghiệm của họ có phát huy hiệu quả ở Việt Nam hay không. Vậy là trước khi hoạch định những phương án mới cho GD, trước khi đề ra một chính sách, các nhà GD không thể chỉ lắng nghe một vài ý kiến mà phải nghiên cứu thực sự các nền GD trên thế giới trong những biến động thăng trầm, có gắn với các điều kiện ngoại biên, các điều kiện xã hội cụ thể để trước hết hiểu rõ người ta và chọn một mô hình nào đó hoặc cải tiến nó, khả dĩ thích hợp cho nền GD nước nhà.

2. Góp phần đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy và học tập

Dường như cả thế giới đang thay đổi phương pháp GD. Các tiến bộ của xã hội đòi hỏi con người phải có các khả năng mới như học để giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm đặc biệt là khả năng ứng xử tình huống trong một xã hội thay đổi. Nhiều vấn đề mà hệ thống GD cổ điển không đáp ứng được, đòi hỏi việc tổ hợp của những tri thức mới, những kỹ năng mới và cả thái độ. Tiến bộ xã hội gây sức ép buộc hệ thống GD phải thay đổi để có thể cung cấp những con người phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại. Mục đích GD, yêu cầu đối với GD và cách đánh giá GD cũng thay đổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù xã hội đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với những thay đổi vùn vụt, nhưng nền GD dường như vẫn chưa tương thích. Các tổng kết cho thấy nền GD của chúng ta vẫn đang phát triển, nhưng thách thức và trông đợi của xã hội thì lớn hơn rất nhiều. Ba mươi năm chiến tranh và cơ chế kiểu cũ để lại nhiều dị biệt với thế giới mà chúng ta cần san bằng. Nghiên cứu GDSS, chúng ta nhận thức được cần thay đổi phương pháp GD. Nói cách khác là chúng ta so sánh với các nền GD khác để làm sáng tỏ những điều cần học tập, để không bao giờ bảo thủ. Soi sáng các nền GD khác để tìm ra những bước đi cụ thể trong muôn vàn lúng túng hiện nay.

3. Trang bị thêm tri thức và kỹ năng cho giáo viên, sinh viên

Nhà trường sẽ đào tạo những sinh viên như thế nào để đáp ứng với nhu cầu của xã hội, một xã hội đang biến động từng ngày theo cùng bước với nền kinh tế thị trường. Suy tư về GD cần tập trung chủ yếu vào mục đích và cứu cánh của nó. Edgar Morin từng chia sẻ về mục đích cuối cùng của GD là “đào tạo những con người đủ năng lực tổ chức các tri thức, chứ không phải tích lũy các hiểu biết theo kiểu chất đầy vào kho”. Thế giới ngày nay đầy biến động và ngày càng phức tạp hơn cho nên việc học không chỉ là thường xuyên tích lũy tri thức mà cần biết kết hợp giữa phân tích với hệ thống hóa, cho phép liên kết các tri thức trong một bộ khung quy chiếu rộng lớn hơn, tạo điều kiện cho thao tác, phân tích và logíc. Điều đó không phù hợp với nhận thức và thực tại đa chiều và các vấn đề toàn cầu, siêu quốc gia.

Trên thế giới đang có nhiều ý kiến đề xuất về việc “tiến hành một cuộc cách mạng trong việc tổ chức tri thức”. Nội dung của cuộc cải cách này chính là thay thế phương thức tư duy cổ điển mang nặng tính cơ giới bằng tư duy hệ thống, tư duy phức hợp (Jacques Ardoino). Điều này càng khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu GDSS trong ngành GD, nhất là ở trường đại học. Giáo sư Serge Gruzinsky chuyên nghiên cứu về xã hội châu Mỹ còn nhắc nhở: “Khi nghiên cứu so sánh cần chú ý đến các sự kiện, sự rẽ nhánh, các sự cố và ngẫu nhiên trong lịch sử phát triển, vượt ra những cách lý giải quen thuộc mang tính tất định”.

Một vài khía cạnh về thực tiễn ứng dụng GDSS ở Việt Nam hiện nay

Thực ra, GDSS dù chưa phải là một bộ môn chính thức được tuyên truyền nhiều ở Việt Nam, nhưng ít nhiều cũng đã len lỏi vào cuộc sống và tác nghiệp của các nhà GD. Nhờ chính sách mở cửa của Đảng và nhà nước, cánh cửa GD cũng đã dần hé mở ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Chỉ nhìn ra nước ngoài, các nhà lãnh đạo GD Việt Nam mới thấy hết được chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu rất cận kề. Càng ngày sự thay đổi nhận thức càng trở nên rõ nét. Sau rất nhiều lần hội thảo về đổi mới GD, so sánh với các nền GD bạn, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt trong ngành GD đại học. Đó chính là nội dung các giáo trình ngày càng hiện đại hơn. Dù còn loay hoay nhưng một bộ phận các thầy đang tìm cách hướng dẫn SV áp lý thuyết vào thực tế cuộc sống. Phương pháp giảng dạy ngày càng đa dạng, tin học hóa ngày càng phổ biến. Nhiều giáo viên tìm cách thay đổi phương pháp theo hướng lấy người học làm trung tâm. Cách đánh giá chất lượng cũng đang từng bước thay đổi, tiêu chuẩn chất lượng bước đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết lập và đang có nhiều hy vọng áp dụng đại trà trong những niên khóa tới. Nhờ học tập kinh nghiệm bạn bè mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị được Quốc hội thông qua việc giảm thiểu tiến tới xóa bỏ nhiều kỳ thi hao tiền, tốn của và gây nhiều căng thẳng cho xã hội. Về quản lý GD, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ sở cũng có những chuyển biến bước đầu. Dù còn ít ỏi so với thế giới nhưng những kết quả ban đầu cũng là những tín hiệu đáng mừng.

Khi so sánh các phương pháp quản lý GD, có nước theo kiểu trung ương tập quyền, có nước lại theo kiểu phân quyền tùy thuộc điều kiện kinh tế, điạ lý, chính trị của từng nước. Tuy nhiên phương pháp quản lý nào thì cũng phải đạt được mục tiêu đào tạo ra những con người vừa có đạo đức, vừa có kiến thức. Đất nước ta với một dải dài hình chữ S hình thành nên những vùng đất khác nhau, với 54 dân tộc khác nhau, trình độ hiểu biết khác nhau. Cơ sở hạ tầng như vậy không thể cùng lúc tạo nên những con người giống nhau. Với một chính sách, một chương trình thống nhất toàn quốc đã gây khó khăn cho rất nhiều vùng miền, đồng thời lại hạn chế năng lực của một nhóm người khác, của một vùng khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc ép, hình thành bệnh thành tích hay thực chất là giả dối tại không ít đơn vị GD. Nếu nghiên cứu kỹ các nền GD tiên tiến như ở Anh, Mỹ, Đức với một phổ rộng của những vùng địa lý khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau, chúng ta sẽ học được nhiều điều thú vị về các cách quản lý này.

Một trường hợp khác được coi là vô cùng quan trọng trong nghề giáo đó là đội ngũ giáo viên. Cha ông ta từng đưa ra chân lý “không thầy đố mày làm nên”, nhưng phải làm sao để có một đội ngũ giáo viên đạt chất lượng cao thì vẫn còn là vấn đề. Soi lại với nhiều nền GD bạn bè, ta mới thấy cách làm của ta còn quá phiến diện. Ví dụ ở ta chỉ cần có bằng đại học sư phạm hay cao đẳng thậm chí thấp hơn là có thể bước chân vào đội ngũ giáo viên của một trường nào đó nhưng ở Đức, tốt nghiệp đại học vẫn chưa phải là giáo viên. Họ cần có thêm 2 năm thực tập tại trường phổ thông theo một chương trình cụ thể vừa dạy, vừa học, vừa nghiên cứu, có thầy hướng dẫn và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Trung tâm quản lý giáo sinh. Sau đó giáo sinh lại phải viết báo cáo, tham gia một kỳ thi vấn đáp ở trường và một kỳ thi quốc gia nữa mới đuợc công nhận là giáo viên. Hầu hết các nước đều coi giáo viên là một nghề phải đi học suốt đời, yêu cầu chất lượng rất khắt khe nhưng được nhà nước, nhân dân quan tâm và đãi ngộ hợp lý. Đội ngũ giáo viên giỏi và yêu nghề là động lực thúc đẩy ngành sư phạm phát triển.

Hiện nay sách về GDSS tiếng Việt còn rất hiếm hoi (Phạm Lan Hương, 2006, Giáo dục quốc tế - Tư liệu và so sánh, NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM;  Nguyễn Tiến Đạt, 2007, Giáo dục so sánh, NXB Giáo dục), các bạn quan tâm có thể tìm hiểu 1 số sách về GDSS của nước ngoài đang có ở Việt Nam như:

-   Philip Altbach (1998), Comparative Higher Education: Knowledge, the University and Development, Comparative Education Research Center of the University of Hong Kong.
-   Patricia K. Kubow and Paul R. Fossum(2003), Comparative Education: Exploring Issues in International Context, Upper Saddle River, New Jersey Columbus, Ohio.
-    Y.K.Sharma (2004), Comparative Education: Acomparative study of Education Systems, Kanishka Publishers, distributors, New Delhi 110002.
-    Karen Mundy, Kathy Bickmore, Ruth Hayhoe, Meggan Madden, Katherine Madjidi (2008) Comparative and International Education, CSPI Canadian Scholars’ Press Inc. Toronto.

Hy vọng trong tương lai chúng ta có thể biên dịch hoặc xuất bản thêm nhiều sách GDSS bằng tiếng Việt để đông đảo bạn đọc có thể tham khảo, nghiên cứu.

Thế giới đã trải qua những bước đi dài trong quá trình phát triển của GDSS. Việt Nam chúng ta mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên nếu chú tâm học tập, thừa kế tri thức của những người đi trước, chúng ta sẽ không cần đi lại từng bước hay từ những bước đầu tiên mà có thể bước ngay vào giai đọan hiện đại nhất của lĩnh vực khoa học này. Nói cách khác chúng ta có thể “đứng trên đôi chân của những người khổng lồ” bằng chính trái tim và khát vọng đổi mới GD của người Việt Nam./.

TP. Hồ Chí Minh, 03/2012

P.L.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét