Văn hóa đọc - Nhu cầu của cuộc sống


Lê Văn Duy
Phó Giám đốc Cơ quan Đại diện Văn phòng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng

Trong cuộc sống hằng ngày của xã hội hiện nay, đối với rất nhiều người, nhiều giai tầng trong xã hội, đọc đã trở thành một nhu cầu tinh thần thiết yếu và bình thường như ăn cơm, uống nước, ngủ, nghỉ ngơi… để duy trì sự tồn tại của bản thân.
Nói một cách khác, họ là những người thích đọc, ham muốn đọc và thậm chí là say mê đọc. Trong dòng chảy sinh hoạt thường nhật của họ, chắc cũng không mấy người dành thời gian suy nghĩ, phân tích khái quát hóa những hành vi, việc làm xung quanh sự đọc của chính mình để biết mình đang có mặt trên lĩnh vực văn hóa đọc hay mình đang hoạt động trong khuôn khổ văn hóa đọc. Cho nên có thể có một ai đó trong số họ sẽ giật mình khi nghe nói về sự đọc với khái niệm “văn hóa đọc”. Vậy văn hóa đọc là gì?

Văn hóa đọc là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hóa đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba yếu tố, hay chính xác hơn là ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. (Văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ở VN - Thư viện Quốc gia VN - 19/11/2009). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Thuật ngữ “văn hóa đọc” là khái niệm mới được dư luận xây dựng lên, chưa có định nghĩa cũng như khái niệm nào nói văn hóa đọc là gì và nó như thế nào? (Diễn đàn văn hóa học).

Là bạn đọc, chúng ta không đi sâu vào vấn đề học thuật, nghiên cứu các khái niệm nhưng xem ra với định nghĩa đơn giản: “Văn hóa đọc là đọc có văn hóa” có vẻ gần gũi hơn và thực tiễn hơn, giúp mỗi người đọc trong chúng ta thấy rõ hơn những vấn đề thực tiễn khi tự thân, tự giác tham gia vào lĩnh vực văn hóa đọc. Nhưng như thế nào là đọc có văn hóa? Trả lời cho câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải xem xét trên hai bình diện: Cá nhân và xã hội.

Đối với cá nhân, nếu để đọc thì mọi người ai biết chữ đều có thể đọc; nhưng đọc có văn hóa lại là vấn đề khác và không đơn giản. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói với hàm ý: Muốn tóm thâu thiên hạ phải thực hiện cho được ba điều: Đi nhiều, đọc nhiều và trao đổi nhiều. Tuy rằng ngài không nêu rõ nội dung của “Đọc nhiều” là đọc như thế nào và vai trò của “đọc nhiều” trong sự liên hệ với “Đi nhiều” và “ Trao đổi nhiều” nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hiểu đúng ý “Đọc nhiều” của ngài. Trong thực tiễn, điều hiển nhiên là mỗi người muốn “Đọc nhiều” thì trước hết phải có thói quen đọc, khả năng lựa chọn sách đọc và cách đọc. Không có thói quen đọc thì không thể “đọc nhiều”; không có khả năng lựa chọn sách hay, sách phù hợp với sở thích, nhu cầu tốt đẹp, phù hợp với khát khao tìm kiếm, khám phá hay chí ít đáp ứng yêu cầu công việc hàng ngày… thì dễ sinh chán nản, ngán đọc và từ đó bỏ dỡ, không thể “đọc nhiều”; không có cách đọc khoa học, không có ghi chép, phân tích tổng hợp thì cho dù có đọc nhiều cũng không cảm thụ, thu lượm, chuyển hóa được bao nhiêu các kiến thức, tri thức, các tư tưởng… từ “những điều chuyển tải sau con chữ” thành sản phẩm trí tuệ, sản phẩm tâm hồn của mình và như thế tự nó hình thành điều kiện đưa đến chán đọc, bỏ đọc và không thể đọc nhiều được. Đây là 3 yếu tố “hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc” (Giáo sư Chu Hảo - Trả lời phỏng vấn Báo Vietnamnet). Tự xây dựng và thực hiện 3 hành vi hay còn gọi là 3 ứng xử này chỉ mới nhằm thực hiện một điều “đọc nhiều” và muốn đạt mục đích “… tóm thâu thiên hạ” thì ngoài việc thực hiện đọc nhiều, còn phải thực hiện “đi nhiều” và “trao đổi nhiều”. Đi nhiều để am hiểu thực tế, làm giàu vốn sống cá nhân để qua đó kiểm nghiệm, kiểm chứng, khám phá những lý thuyết, những lý luận, những tư tưởng đã đọc được, phát hiện những điều chưa từng biết, loại bỏ những điều sai, bổ sung những điều còn thiếu và trao đổi nhiều để thu nhận những ý kiến đồng thuận hay ý kiến phản biện để qua đó nắm vững kiến thức, tư duy, thấu suốt chân lý. Như vậy, qua tư tưởng của nhà bác học Lê Quý Đôn, chúng ta có thể thấy được: Văn hóa đọc bắt nguồn từ mỗi cá nhân, hình thành và phát triển theo dòng chảy cuộc sống, bắt rể sâu trong cuộc sống và vì cuộc sống lan tỏa đến toàn xã hội.

Rõ ràng văn hóa đọc trước hết là nhu cầu của mỗi cá nhân - thành viên xã hội và đồng thời là một phần không thể tách rời của cuộc sống xã hội cho nên VĂN HÓA ĐỌC đòi hỏi xã hội phải thực thi trách nhiệm hết sức quan trọng trong việc cung cấp các điều kiện để văn hóa đọc hình thành, phát triển một cách bền vững nhằm thực thi sứ mệnh hỗ trợ bồi bổ kiến thức, làm dồi dào tri thức, xây dựng trình độ suy nghĩ, năng lực tư duy, tinh thần nhân văn, xây dựng nguyên tắc sống, nhân sinh quan, thế giới quan… cho mỗi thành viên trong xã hội để qua đó, đến lượt mỗi cá nhân - thành viên trong xã hội sẽ góp phần giữ gìn nền tảng đạo đức, tinh thần xã hội, nâng cao bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trên bình diện này, trong mối quan hệ trực tiếp giữa trách nhiệm xã hội với cá nhân, cho dù mỗi cá nhân có đủ 3 yếu tố cốt lõi: có thói quen đọc, khả năng chọn sách đọc và cách đọc nhưng xã hội không có nhiều tác phẩm hay, không có nhiều tác phẩm lôi cuốn lòng người, hấp dẫn, không có những ấn phẩm lưu giữ kiến thức, tri thức… vì những lý tưởng nhân văn cao cả, giải quyết, đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu tìm kiếm, khám phá của người đọc, cũng như các nhu cầu tốt đẹp khác của cuộc sống thì văn hóa đọc với tư cách nhu cầu đọc cá nhân cũng không có điều kiện phát triển. Đây là vấn đề rất lớn của xã hội, trực tiếp liên quan đến trách nhiệm Nhà nước, các cơ quan quản lý xã hội, từ việc tổ chức giảng dạy, huấn luyện các kỹ năng đọc cho cá nhân trong trường học, bảo đảm thể chế, khuyến khích sáng tác, nghiên cứu, sáng tạo trên mọi lĩnh vực cho đến việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tác, xuất bản, hệ thống phát hành, hệ thống xuất nhập khẩu, kiểm soát các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, hệ thống thư viện… Mặc dù vậy, đây chỉ mới là điều kiện cần và chưa phải là điều kiện đủ của trách nhiệm xã hội đối với văn hóa đọc - với tư cách nhu cầu tinh thần cá nhân. Thật vậy, nếu những điều kiện trên đây đã là CẦN và ĐỦ thì tại sao ở nước ta văn hóa đọc không những kém phát triển mà còn bị suy thoái nghiêm trọng, ngược lại, ở các nước phát triển thì văn hóa đọc ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng đối với tiến bộ xã hội và gìn giữ nền tảng văn hóa, đạo đức, tinh thần cho người dân. Làm rõ sự khác nhau này giữa nước ta với các nước phát triển, chúng ta sẽ có được câu trả lời đúng đắn nhất cho những điều kiện ĐỦ của trách nhiệm xã hội đối với Văn hóa đọc - với tư cách nhu cầu tinh thần cá nhân.

Văn hóa đọc - với tư cách nhu cầu tinh thần cá nhân, trong thực tế, thể hiện qua hành vi “thích đọc, ham muốn đọc và thậm chí là say mê đọc”.

Có gì cần thiết hay hấp dẫn trong sự đọc mà nhiều người thích đọc, ham muốn đọc và say mê đọc đến vậy? Câu trả lời chắc hẳn nhiều người biết, đằng sau những con chữ, dòng chữ là cuộc sống - cuộc sống đã được chắt lọc, tinh lọc qua nhiều thời đại, nhiều không gian, nhiều lăng kính của thiên thiên, vạn vạn con người, với nhiều tầm cao trí tuệ khác nhau, được lưu giữ, lưu truyền qua sách, báo, ấn phẩm, tư liệu, truyền khẩu... bồi bổ cho người đọc kiến thức, tri thức, tư duy, nuôi lớn tâm hồn, tinh thần, nhân cách, tính nhân văn và lớn hơn là nhân sinh quan, thế giới quan… Trên một khía cạnh khác, đó không gì khác hơn là quá trình tự học tập, tự rèn luyện của mỗi cá nhân trong xã hội, học lâu dài, học bền bỉ thậm chí suốt một đời người, ngoài học tập ở nhà trường hoặc sau học tập ở nhà trường. Sự học tập này là sự học tập tự thân, tự giác của mỗi cá nhân được hình thành và thúc đẩy bằng động lực do xã hội tạo nên. Sự học đó là thực tâm, chân thực, không mảy may giả dối hay hình thức. Thực tiễn các nước phát triển, cho chúng ta thấy rõ rằng: khi xã hội biết sử dụng và trân trọng trí thức, tôn vinh hiền tài thì sẽ kiến tạo được động lực cho mỗi cá nhân trong xã hội tự giác học tập, tự giác rèn luyện và như thế mặc nhiên văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ. Thực tiễn tại các nước này đã cho thấy đây là hành vi đúng đắn, tiến bộ và văn minh của xã hội nên việc tự giác học tập, tự giác rèn luyện của cá nhân còn được các nhà quản lý xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội ủng hộ, khuyến khích dưới nhiều hình thức và thực sự trở thành xu thế mạnh mẽ từ trong nhà trường đến ngoài xã hội.

Bằng cách đó, một khi xã hội có số đông người đọc thì xã hội sẽ tiến bộ và sẽ góp phần làm nên một xã hội học tập, làm nên đạo đức xã hội, các giềng mối xã hội được bình ổn, giữ vững... Nói một cách khái quát hơn: Văn hóa đọc tuy không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội, đạo đức xã hội và giềng mối xã hội… nhưng chắc chắn tiến bộ xã hội, đạo đức xã hội và giềng mối xã hội… có mối liên hệ khá trực tiếp với VĂN HÓA ĐỌC và qua đó, VĂN HÓA ĐỌC, trong giới hạn nhất định, có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với sự phát triển của tiến bộ xã hội, đạo đức xã hội và giềng mối xã hội… Ngược lại cũng vậy, văn hóa đọc suy thoái thì tiến bộ xã hội, đạo đức xã hội và giềng mối xã hội… cũng suy thoái, xuống cấp theo.

Trong khi làm rõ vai trò và tác dụng của văn hóa đọc thông qua hành động tự học tập, tự rèn luyện của mỗi cá nhân trong xã hội, chúng ta cũng khẳng định vai trò rất quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân các cấp, đào tạo, rèn luyện chính thống các thành viên xã hội. Về nguyên lý, chính nơi đây, tuyệt đại đa số thành viên xã hội được trang bị những vốn liếng ban đầu, từ kiến thức, tri thức đến kỹ năng, tri thức, phẩm chất, đạo đức… làm hành trang đi vào cuộc sống. Vì thế, khi hệ thống này có nhiều khiếm khuyết, yếu kém, cung cấp cho xã hội các thành viên vốn liếng ban đầu ít ỏi, nghèo nàn, không đủ sức tự học, tự rèn luyện, chưa nói đến bối cảnh xã hội chưa thật sự biết sử dụng và trân trọng trí thức, tôn vinh hiền tài thì văn hóa đọc mặc nhiên trực tiếp chịu những hệ lụy do tình trạng giáo dục đó gây ra và do đó, sẽ không đủ sức thực hiện sứ mệnh tạo ảnh hưởng tích cực đối với tiến bộ xã hội, đạo đức xã hội và giềng mối xã hội…

Thực trạng xã hội nước ta trong những năm gần đây đã phản ánh rõ nét điều đó. Những hiện tượng phản luân thường, đạo lý bằng những hành vi man rợ, không còn tính người mà chúng ta khó có thể kể ra đây, xuất hiện ngày càng nhiều và thường được gọi “đạo đức xã hội xuống cấp!”. Song hành cùng những hiện tượng đó là tình trạng văn hóa đọc suy thoái nghiêm trọng.

Hãy thử nghe một trích đoạn bài văn của một thí sinh trong kỳ thi Đại học năm 2010:

“Một TS tỏ ra bài bản khi dẫn câu thơ đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” và bình luận: “Cây đàn gắn với Thanh Thảo nên khi chết tiếc chôn theo luôn làm kỷ vật, đó là ước muốn không chỉ riêng gì Thanh Thảo mà của bất cứ ai có vật gì gắn với mình, nhưng đâu phải cái gì cũng chôn được, giả tỉ thầy cô đi dạy chết chỉ chôn cây viết, cục phấn chứ làm sao chôn tấm bảng theo được, chỗ đâu mà chôn?...”. Còn các thầy cô nói gì về tình trạng này: “Cần khẳng định ngay rằng đây là một bộ phận (mà là bộ phận đáng kể chứ không phải nhỏ) TS không biết viết chữ, không biết đặt câu chứ đừng nói chi đến dựng đoạn, làm văn; kiến thức thì trống rỗng… Tại sao lại có những “sản phẩm” kỳ quái ấy? Rõ ràng, những bài làm như trên không phải chỉ thể hiện trình độ non kém mà ở cả ý thức trách nhiệm đối với bộ môn, tinh thần thái độ học tập của mỗi TS. (Những bài văn ngô nghê trong kỳ thi Đại học 2010 - Báo Dân trí Điện tử)

Tuy đây chỉ nêu một trường hợp nhưng là trường hợp điển hình và các thầy cô giáo giám khảo đã khẳng định là “… có bộ phận đáng kể chứ không phải nhỏ” và nguyên nhân trực tiếp của nó “không phải chỉ thể hiện trình độ non kém mà ở cả ý thức trách nhiệm đối với bộ môn, tinh thần thái độ học tập của mỗi TS” (Những bài văn ngô nghê trong kỳ thi Đại học 2010 - Báo Dân trí Điện tử). Và nguyên nhân gián tiếp, như Giáo sư Chu Hảo đã nhận xét: “Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả cấp học, từ phổ thông cho đến Đại học người ta chưa nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách” (Giáo sư Chu Hảo - Trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet). Thực trạng và nguyên nhân trên đây không thể là gì khác hơn VĂN HÓA ĐỌC bị suy thoái nghiêm trọng tại vị trí gốc của xã hội.
Tóm lại, VĂN HÓA ĐỌC bắt nguồn từ mỗi cá nhân, hình thành và phát triển theo dòng chảy cuộc sống, bắt rể sâu trong cuộc sống, và vì cuộc sống lan tỏa đến toàn xã hội. Văn hóa đọc là một phần không thể tách rời của cuộc sống và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, góp phần giữ gìn nền tảng đạo đức, tinh thần xã hội, nâng cao bản sắc văn hóa của dân tộc. Để xây dựng được một nền văn hóa đọc phát triển, xứng đáng với vai trò, vị trí vốn có của nó đòi hỏi phải thực thi các giải pháp sau đây:

- Trước hết, ở tầm vĩ mô, cần thiết lập cơ chế, chính sách bảo đảm công khai, minh bạch và khuyến khích mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội sử dụng và trân trọng trí thức, tôn vinh hiền tài một cách thực thụ nhằm kiến tạo động lực cho mỗi cá nhân trong xã hội để họ tự giác học tập, tự giác rèn luyện và qua đó đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc phát triển.

Mặt khác, Nhà nước và các cơ quan quản lý xã hội, ngoài việc cần phải đầu tư đúng mức cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa đọc phục vụ cộng đồng, còn phải thường xuyên bổ sung hoàn thiện các thể chế quản lý, xây dựng môi trường pháp lý và xã hội thuận lợi phục vụ tốt nhất từ việc tổ chức giảng dạy, huấn luyện các kỹ năng đọc cho cá nhân trong trường học, khuyến khích sáng tác, nghiên cứu, sáng tạo trên mọi lĩnh vực cho đến việc xuất bản, hệ thống phát hành, hệ thống xuất nhập khẩu, kiểm soát các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, hệ thống thư viện…

- Trên lĩnh vực giáo dục, Nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý xã hội, cần khắc phục ngay tại gốc khiếm khuyết về giảng dạy chính thống cho các em học sinh về văn hóa đọc mà trọng tâm là có thói quen đọc, có khả năng lựa chọn sách đọc và biết cách đọc.

- Đối với mỗi cá nhân, cần thông qua thực tiễn cuộc sống, công việc và các quan hệ xã hội mà tự thân, tự giác xây dựng cho mình có thói quen đọc, có khả năng lựa chọn sách đọc và biết cách đọc và làm cho văn hóa đọc trở thành người trợ thủ đắc lực cận kề, không thể thiếu trong mọi hoạt động hằng ngày, trở thành nhu cầu thiết thân của cuộc sống và không được quên góp phần thực thi trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội, giữ gìn đạo đức, tinh thần và giềng mối xã hội…./.