Một vài suy nghĩ về văn hóa đọc Và phát triển hoạt động đọc trong đối tượng thiếu nhi


Kim Thanh
Thư viện Tiền Giang

Có ý kiến cho rằng văn hóa đọc hiện nay đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe nhìn, nhưng xét cho cùng, văn hóa đọc vẫn đang tồn tại và phát triến. Chỉ có điều văn hóa đọc đã thay đổi hình thức đọc từ trên giấy in sang đọc trên mạng máy tính và nội dung đọc cũng đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này cần được nhận định khách quan để có cách giải quyết thỏa đáng.

Văn hóa đọc, trong bài viết này đề cập đến khía cạnh đọc sách báo, là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần đã xuất hiện đầu tiên, tồn tại trong thời gian rất dài, có ảnh hưởng lớn và sâu rộng đến quá trình phát triển tri thức của từng cá nhân, xã hội và nhân loại.

Để duy trì và phát triển văn hóa đọc song song với văn hóa nghe nhìn trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như giai đoạn hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ, những giải pháp trước mắt lẫn giải pháp mang tính chiến lược.

Tuy có nhận định đang bị lấn lướt bởi các hình thức nghe nhìn khác, nhưng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách báo vẫn không thay đổi.

Sự thay đổi phương thức giao tiếp trong xã hội là một trong những nguyên nhân làm thay đổi phương thức đọc. Tiến bộ của công nghệ thông tin đã hỗ trợ cho việc giao tiếp thuận tiện, nhanh chóng hơn, xóa được rào cản về không gian và thời gian; các hình thức học tập, đặc biệt là việc tự học, học từ xa, học trên mạng được tiện lợi hơn; các hình thức giải trí cũng được phát triển phong phú, hấp dẫn hơn.

Tiến bộ của kỹ thuật, nhất là hình thức thông tin trên mạng máy tính đã thay đổi thói quen đọc sách của các tầng lớp xã hội. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã ít tìm đến với sách, báo truyền thống hơn, ít đến thư viện hơn, vì mọi thông tin, mọi kiến thức, đều có thể được cung cấp, tra tìm nhanh chóng, thuận tiện hơn trên mạng máy tính.

Tuy vậy trong xã hội Việt Nam hiện nay, số đông người dân vẫn còn giữ thói quen đọc sách báo in trên giấy. Điều này được chứng minh bởi số lượng tên sách, báo in hiện nay phát triển khá nhiều so với những năm cuối thế kỷ XX.

Theo các bản Thư mục Quốc gia Việt Nam, số lượng sách báo xuất bản hàng năm đều tăng; Năm 1999 có 8859 tên sách và 587 xuất bản phẩm định kỳ được nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia; đến năm 2009 là 16.838 tên sách và 905 xuất bản phẩm (XBP) định kỳ. Như vậy, chỉ trong 10 năm, số lượng tên sách và XBP định kỳ đã tăng từ 35 đến 50%.
Để đáp ứng nhu cầu và thói quen đọc trên mạng máy tính, các hình thức báo điện tử, E-book cũng nhanh chóng phát triển, hàng trăm loại báo in của Việt Nam đều có ấn bản điện tử.

Chính vì thế, có thể nhận định nhu cầu đọc sách báo không giảm mà có phần phát triển hơn trước đây.

Điều kiện kinh tế - xã hội phát triển có thể làm giảm số lượng người đọc đến thư viện, số lượng sách báo được mua để đọc có tính cách cá nhân tăng cao và nhu cầu nâng cao trình độ học vấn, trình độ văn hóa lại luôn là một nhu cầu được quan tâm hàng đầu hiện nay. Các quán cà phê có nối mạng không dây trở nên quen thuộc và hình ảnh thanh niên, người trẻ làm việc, giải trí với laptop trong các quán cà phê là hình ảnh khá phổ biến, không chỉ ở các đô thị, các khu trung tâm, mà còn thấy ở những khu vực ngoại thành, khu vực bán nông thôn, bán thị tứ như các thị trấn. Cần thấy đây là một nguyên nhân để duy trì và phát triển thói quen đọc sách, báo của xã hội hiện nay.

Để hình thành, duy trì, phát triển văn hóa đọc đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phải có một chiến lược phát triển văn hóa đọc mang tính quốc gia và cần có sự phối hợp nhịp nhàng của toàn xã hội, của nhiều cơ quan, đoàn thể, chứ không thể chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan riêng biệt nào.

Xây dựng, hình thành chiến lược phát triển văn hóa đọc phải được xuất phát từ nền móng cơ bản, từ gốc chứ không phải từ ngọn. Nghĩa là cần xác định đối tượng nào là đối tượng tiềm năng, trọng yếu để từ đó những bước đi, biện pháp thích hợp cho nền văn hóa đọc phát triển ổn định, bền vững và sâu rộng trong toàn xã hội.

Đối tượng mà chiến lược phát triển văn hóa đọc nên chú ý đầu tiên và quan trọng nhất là trẻ em. Hình thành thói quen và nhu cầu đọc sách từ đối tượng này cũng chính là xây dựng và hình thành nên một xã hội có thói quen đọc sách, hay nói rộng hơn xây dựng và hình thành nền văn hóa đọc của một dân tộc, một quốc gia.

Các nhà tâm lý giáo dục học đều cho rằng giai đoạn mẫu giáo, tiểu học nhu cầu được nghe các câu chuyện từ sách, nhu cầu được đọc sách của trẻ em là một nhu cầu cần thiết như nhu cầu được ăn, được thở.

Hoạt động đọc chuyện từ sách đã được thực hiện, khai thác rất tốt và hiệu quả trong hệ thống giáo dục mẫu giáo hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động đọc từ sách ở cấp tiểu học đã không còn được quan tâm nhiều như giai đoạn mẫu giáo nữa. Vì chương trình học chính khóa lẫn các buổi học thêm, đã chiếm gần hết thời gian một ngày của các em. Thậm chí, các em không có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi đúng nghĩa, còn đâu thời gian đọc sách, thời gian giải trí. 

Chương trình học chính khóa quá nặng, quá nhiều môn. Việc đọc sách, đọc các câu chuyện giáo dục được gắn trong môn học tiếng Việt, nhưng thời lượng để thầy và trò cùng đọc, cùng hiểu, cùng khơi gợi, phát triển khả năng tưởng tượng, khả năng sáng tạo cho các em lại quá ít. Chính điều này dần dần đã biến các em thành các con vẹt nói lại theo khuôn mẫu được tạo ra. Lâu ngày làm mất đi sự thích thú vốn có và phải có của các em đối với việc đọc một câu chuyện, một quyển sách.

Ngành Giáo dục nên có một thời lượng, một số tiết tối thiểu trong chương trình giáo dục chính khóa dành cho việc dạy học sinh biết cách đọc sách, biết sử dụng sách báo và hiểu biết được tầm quan trọng của thư viện, của sách báo ngay từ những năm học đầu tiên của cấp 1 và 2. Từ đó, hình thành dần thói quen và hứng thú đọc sách và xem sách như một người bạn, một nhân tố giúp hình thành kiến thức và nhân cách của từng em.

Để tạo nên và duy trì thói quen cũng như niềm yêu thích đối với việc đọc của các em, các nhà xuất bản, các cơ quan phát hành sách cần chú ý hơn đến loại sách dành cho đối tượng thiếu nhi. Không chỉ chú ý đến hình thức trình bày, in ấn đẹp, màu sắc thu hút, mà cần thiết phải có nội dung phong phú, lành mạnh, phù hợp với tâm và sinh lý của từng lứa tuổi thiếu nhi và đặc biệt cần chú ý đến ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu trong các loại sách dành cho các em.

Các tác giả viết cho thiếu nhi, dù sáng tác hay biên soạn, đều cần phải cẩn thận, nghiêm túc về nội dung, lời văn. Không thể có những loại sách cổ tích cải biên lại làm mất đi cái hay, cái đẹp, cái hồn, cái gốc vốn có của các câu chuyện cổ tích. Những loại sách cải biên đã sáng tạo nội dung sai lệch với nguyên gốc hay ngôn ngữ trong chuyện cổ lại rất hiện đại… đã tạo nên những hạt sạn không nên có trong các quyển truyện dành cho thiếu nhi, như báo chí đã phản ảnh trong thời gian gần đây.  

Các tên sách như “Hồ Xuân Hương với thiếu nhi” hay “Nguyễn Công Trứ với thiếu nhi” được xuất bản dành cho thiếu nhi nhưng thực chất các bài thơ của tác giả này lại không dành cho các em, mà chỉ là những bài thơ được trích từ sự nghiệp và phong cách sáng tác của từng nhà thơ. Phải chăng các nhà xuất bản đã vô tình xuất bản những tác phẩm quá tầm hiểu biết và không phù hợp với tâm lý của các em, từ những tác phẩm bác học này có tạo cho các em nhu cầu và hứng thú đọc sách, báo nữa hay không?

Trong các quyển truyện lịch sử, truyện danh nhân lịch sử lại có rất nhiều sự sai sót về sự kiện, cốt chuyện, lời thoại thì khô khan, cộc lốc, đôi lúc còn sai lỗi chính tả… thì có thể hình thành được một nền văn hóa đọc phát triển trong toàn xã hội hay không?

Các nhà văn, các nhà sáng tác cho thiếu nhi nhưng lại vô tình giết chết niềm vui, sự thích thú khi đọc các tác phẩm dành cho các em.

Thực tế, khi được chứng kiến các em đọc sách báo với niềm say mê, thích thú, hào hứng và các em ghi lại những cảm nhận rất sâu sắc của chính mình, trong những Ngày hội đọc sách do thư viện chúng tôi tổ chức, mới thấy nhu cầu đọc của thiếu nhi vẫn rất lớn. Thiếu nhi vẫn đang rất cần những người bạn thân thiết và hữu ích là những quyển sách hấp dẫn và bổ ích.

Qua các lần tổ chức hoạt động đọc cho thiếu nhi, có thể khẳng định thêm lần nữa các em chính là đối tượng mà chiến lược xây dựng văn hóa đọc quốc gia phải đặc biệt quan tâm hướng tới.

Rất cần thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng của toàn xã hội, để cùng xây dựng một chiến lược phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng và cho cả dân tộc trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai./.