Con đường nào cho văn hóa đọc Việt Nam?


Nguyễn Lệ Chi
Dịch giả
Giám đốc Công ty sách Chibooks

Là một đơn vị xuất bản sách còn non trẻ, hình thành mới từ tháng 12/2008 đến nay với gần 30 đầu sách, phần lớn là sách văn học nước ngoài, Chibooks luôn mong mỏi được đóng góp một phần nhỏ bé nhằm làm phong phú thêm nền văn hóa đọc nước nhà. Nhưng thực tế văn hóa đọc nước ta đang ở tình trạng nào và làm sao để nâng cấp được nó vẫn là một câu hỏi nhức nhối không chỉ của riêng Chibooks và giới xuất bản.


Thực trạng mù mờ

Có lẽ chưa hề có một cuộc nghiên cứu chính thức nào ở nước ta về thực trạng văn hóa đọc nước nhà để định vị và xác định những tác động cùng tầm ảnh hưởng của nó với xã hội. Cũng không có những công bố công khai về các số liệu xuất bản hàng năm như: số lượng các đầu sách đã xuất bản, số lượng của từng thể loại sách xuất bản, tỷ lệ phần trăm tăng hay giảm của từng thể loại sách xuất bản so với cùng kỳ năm trước, hoặc thống kê số lượng độc giả mua sách theo thể loại vì yêu thích hay vì nhu cầu… để mà so sánh, phân tích và giúp các đơn vị xuất bản từ đó mà căn cứ phân tích chiến lược xuất bản của mình trong năm tới hoặc rút ra những kinh nghiệm xương máu cho thành công hay thất bại của mình trong năm vừa qua. Trên trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đưa ra những số liệu thống kê hết sức vắn tắt về tình hình xuất bản như:

(Mic.gov.vn) -
Nguồn: Cục Xuất bản
Về Xuất bản:
Theo thống kê lưu chiểu, đến ngày 30/11/2009 toàn ngành đã xuất bản được:
- Về sách: 20.601 cuốn với 196.325.141 bản, đạt 111% về cuốn, 76% về bản so với cùng kỳ năm 2008.
- Về văn hóa phẩm: 804 loại với 15.953.000 bản, trong đó có 320 mẫu lịch với 11.700.000 bản đạt 76,4% về bản so với năm 2008.

Với những con số quá khô khan và sơ lược như vậy, thật khó có thể cung cấp nhiều những hỗ trợ tham khảo thông tin cho cả độc giả lẫn các đơn vị xuất bản, đặc biệt là các đơn vị xuất bản tư nhân vốn là những nơi khan hiếm thông tin tổng kết chung trong ngành. Bên cạnh đó, báo chí truyền thông đăng tin bài về thực trạng của ngành xuất bản cũng không có số liệu chính xác và đầy đủ, chủ yếu là theo số liệu của một vài đơn vị trong ngành cung cấp và viết theo cảm nhận chủ quan hoặc dựa theo ý kiến của một số người làm trong ngành xuất bản, chưa có con mắt bao quát của toàn ngành và toàn thực trạng văn hóa đọc của xã hội.

Quay lại với câu hỏi thực trạng văn hóa đọc của nước ta hiện nay ra sao? Phát triển đa dạng trăm hoa đua nở với rất nhiều đầu sách và thể loại sách mới mỗi ngày. Đó là một điểm mừng và đáng ghi nhận, đánh dấu sự phát triển mỗi ngày của ngành xuất bản. Có cung mới có cầu, nếu người mua không quan tâm nhiều tới sách, ắt hẳn dòng sản phẩm này cũng không phát triển và sinh sôi đa dạng hàng ngày tới vậy. Ngày càng nhiều có các tác phẩm mới của nước ngoài được các đơn vị xuất bản trong nước mua bản quyền và chuyển thể sang tiếng Việt. Điều này giúp độc giả trong nước có điều kiện bước thêm trên cây cầu văn hóa và tri thức nối với các nước bạn. Ngày càng nhiều sách mới của các tác giả Việt Nam được ra mắt thị trường, được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đưa đi ra thị trường nước ngoài, đánh dấu sự sáng tạo cá nhân không ngừng tăng cùng sức lan tỏa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài qua sản phẩm sách. Tuy nhiên nếu hỏi thực trạng hiện nay đáng mừng hay đáng lo, xin thưa rất mù mờ để đánh giá và đưa ra những nhận xét đúng. Bởi nhìn chung nếu dạo quanh thị trường sách, tuy đa dạng nhưng không có số liệu thống kê cụ thể, người mua cứ mua một cách tự phát, người sản xuất cũng sản xuất tự phát theo hướng chủ quan mà mình tự cho là đúng. Không có công cụ đo lường thị hiếu và nhu cầu của độc giả ở những lứa tuổi khác nhau, không có “phao cứu trợ” từ phía số liệu phát hành để bám víu mà định lượng, đong đếm, để nhận xét về mức độ mừng hay lo về các con số tiêu thụ sách trên thị trường.

Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan nhìn nhận của riêng tôi, tôi nhận thấy tuy thị trường sách đa dạng và phong phú, người Việt Nam có dần thói quen đọc sách hơn cùng với điều kiện kinh tế ngày một cải thiện, song văn hóa đọc của nước ta chưa cao, thậm chí còn ở mức độ thấp, xét về mặt bằng chung trong xã hội. Rất nhiều đầu sách bán chạy thường chỉ có tính chất giải trí rất thông thường, không mang lại nhiều về các giá trị tinh thần hoặc kiến thức. Các sách có giá trị lớn, có giải thưởng lớn trên quốc tế lại thường bị xếp xó, tồn kho và bán giảm giá triệt để, khiến không ít đơn vị làm sách phải đau xót và dần dà phải chấp nhận chạy theo xuất bản dòng sách giải trí phục vụ nhu cầu của đông đảo độc giả nhằm đảm bảo độ an toàn trong kinh doanh. Điều này về lâu dài dễ tạo nên một nền văn hóa đọc giải trí và bình dân.

Giải pháp phải từ gốc rễ

Để nâng cao văn hóa đọc của nước nhà, trước hết cần tìm tới gốc rễ của nó để chăm chút, tưới tắm, giúp cho cái rễ đó chắc khỏe, trụ mãi với thời gian. Có như vậy rễ cây mới tiếp tục hút nhựa sống nuôi những cành lá sum suê bên trên. Nói một cách đơn giản rằng muốn nâng cao văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng văn hóa đọc và xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Việc xây dựng này xin đừng chỉ vứt riêng trách nhiệm cho những người làm xuất bản. Không phải cứ in ra nhiều sách là nâng cao được văn hóa đọc. Chúng tôi - những người làm sách - chỉ là một phần rất nhỏ cung cấp cho các bạn - người đọc - công cụ để tiếp cận và nâng cao văn hóa đọc của chính mình. Hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội, với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ, mỗi đơn vị cơ quan, mỗi chính quyền, mỗi thời đại. Con người khi mới sinh ra như một tờ giấy trắng, cũng giống như một cái rễ non yếu ớt. Nếu chúng ta hình thành được, xây dựng được văn hóa đọc ngay tại gia đình, bố mẹ chịu khó mua sách vở về đọc cho con cái nghe trước khi đi ngủ hàng ngày, dần dà tự tập cho con thói quen đọc sách thì đứa trẻ sẽ lớn dần cùng sở thích đọc sách được bồi dưỡng và phát triển theo năm tháng. Cái rễ non mới gặp điều kiện thuận lợi mới cắm sâu trong đất, hút lấy sức sống mà lớn dần. Song song với việc đó, nhà trường phải xây dựng và hướng dẫn cho trẻ tiếp cận với văn hóa đọc qua những biện pháp sau: tập cho chúng ý thức đọc hàng ngày qua việc đọc diễn cảm hoặc kể chuyện trên lớp; xác định và phân loại cho trẻ về mục đích đọc (theo nhu cầu, sở thích, hay phong trào, hay cần nâng cao kiến thức đi học, hoặc do tò mò muốn tìm kiểu thêm…)… Thầy cô nên khuyến khích cho các em đọc thêm các giáo trình, sách tham khảo mở rộng kiến thức tự nhiên cho trẻ. Nhà trường (từ cấp 1 tới đại học) cần mở rộng các thư viện miễn phí cho học sinh - sinh viên với nhiều đầu sách phong phú phù hợp với lứa tuổi, ngoài giáo trình học, để thư viện trở thành một sân chơi được yêu thích, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nơi hành xác lo chạy đua trước các kỳ thi. Các đơn vị cơ quan, đặc biệt là các cơ quan lớn như cấp Vụ, Cục, các tập đoàn lớn… nên dành quỹ xây dựng các thư viện nhỏ miễn phí cho cán bộ công nhân viên trong cơ quan, để việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn đối với cả những người không có điều kiện thuận lợi về kinh tế hoặc eo hẹp về thời gian đi lại mượn sách ở các thư viện lớn… Việc xây dựng các thư viện chuyên ngành này mang giá trị tích cực nhiều mặt: vừa cung cấp sách vở tài liệu chuyên ngành mà cơ quan đó đang làm, vừa cung cấp những kiến thức xã hội khác bổ sung thêm từ sách vở tham khảo. Những cán bộ công nhân viên được hưởng quyền lợi mượn sách từ thư viện của cơ quan mình sẽ cảm thấy gắn bó thiết tha và có tình cảm hơn với nơi công tác. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Từ đó mỗi người sẽ tự phân hóa, chọn lọc dòng sách mà mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ coi việc đọc như một nhu cầu tất yếu hàng ngày như việc ăn cơm, uống nước.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng của văn hóa đọc, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh cho văn hóa đọc phát triển. Trong đó, các nhà quản lý chuyên ngành cấp quốc gia phải nhanh chóng lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cả nước theo những chặng đường lớn 10-20-30 năm/lần, tuyệt đối không để phát triển tự phát hoặc theo những kế hoạch ngắn hạn một vài năm, thực thi theo kiểu đối phó và hài lòng với những con số nhỏ lẻ tuy tăng trưởng so với năm trước. Để từ đó các ban ngành mới thống nhất đường hướng phát triển, vạch ra những phương án tối ưu để nâng cao chất lượng sản xuất mà cụ thể ở đây là sản phẩm sách. Làm sao để sách đến với độc giả đa dạng hơn, phong phú hơn, luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất của nhân loại trên toàn thế giới? Làm sao để các đơn vị xuất bản sống được tự tin và đàng hoàng bằng nghề, chỉ chuyên tâm làm sách mà không phải lo ngại đối phó với nạn sách lậu, sách giả, sách không bản quyền, không phải đau xót hoặc tuyệt vọng khi thấy sản phẩm của mình bị đánh cắp trắng trợn? Chỉ khi mọi quyền lợi của người làm sách được đảm bảo như: đảm bảo kinh tế sản xuất, có vị thế xã hội, được tôn trọng và sánh ngang vị trí như các ngành nghề khác… thì họ mới chuyên tâm làm ra các sản phẩm hay, sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, nội dung chọn lọc. Chính phủ cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý những sai phạm phát hành dẫn đến hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị xuất bản như: cương quyết tịch thu và tiêu hủy sách giả, phạt nặng gấp 200% giá trị lô hàng lậu, hàng giả bị phát hiện, cương quyết tịch thu giấy phép kinh doanh của các đơn vị phát hành, các cửa hàng sách sau khi có chứng cứ kinh doanh hàng giả, hàng lậu từ lần phát hiện thứ 2, mạnh tay dẹp các chiếu sách vỉa hè, vừa mất mỹ quan đường phố vừa hạ giá trị sách, vừa là nơi dễ dàng tiêu thu sách giả, sách lậu khó kiểm soát… Đồng thời phải tích cực tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ sách thật, sách bản quyền, phân biệt được sách giả và sách thật, phải coi sách như một sản phẩm đầy đủ giá trị như các sản phẩm tiêu dùng khác và người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại nặng nếu sử dụng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Văn hóa đọc chỉ phát triển khi có môi trường phát triển và môi trường đó chỉ có khi con người có ý thức xây dựng nên và học cách bảo vệ nó dài lâu. Hãy xây dựng và bảo vệ văn hóa đọc từ bây giờ, đó chính là tương lai của cả một thế hệ con cháu bạn sau này./.

TP. Hồ Chí Minh, 09/09/2010