“Tìm kiếm, đánh giá và phát huy tài liệu quý hiếm trong hệ thống Thư viện và tủ sách gia đình”


Dương Thị Hoàng Thư
Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM

Đọc sách và yêu quý sách là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta, được lưu truyền qua nhiều thế. Việc phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội.
Nhiều biện pháp, phong trào từ quảng bá, giáo dục, tuyên truyền... đã và đang được thực hiện tích cực nhằm thúc đẩy việc đọc sách trước những tác động không mong muốn của sự phát triển nhanh chóng của xã hội thông tin, xã hội công nghệ.

Ông cha ta xem trọng giá trị của sách và việc đọc sách đến mức có thể nhịn đói mua sách và coi đó là tài sản để lại cho con cháu. Vì vậy, ngoài những mảng sách mà công chúng đang được định hướng, văn hóa đọc của dân tộc còn tồn tại ở một nhóm tài liệu rất quan trọng đó là các tài liệu cổ, quý hiếm còn đang được lưu giữ trong các tủ sách gia đình và một số ít các thư viện.

Tài liệu cổ mang giá trị nghiên cứu cao, đồng thời cũng mang giá trị văn hóa, lịch sử. Mỗi trang giấy đều mang dấu ấn xã hội, văn hóa, trí tuệ của đất nước ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Người đọc thông qua những cứ liệu được ghi chép từ thời xa xưa để xem xét những nghi vấn về lịch sử, phát hiện ra những giá trị mới trước đây chưa tìm thấy hoặc được xác lập một cách chủ quan, đính chính những sai lầm của việc tam sao thất bản. Văn hóa đọc mà tài liệu này mang lại không phải căn cứ vào số lượng người đọc hoặc số thời gian đọc mà là qua chất lượng đọc. Bên cạnh đó sách cổ được ghi chép, lưu giữ, sưu tầm một cách trân trọng trong các tủ sách gia đình hay thư viện thể hiện văn hóa đọc của xã hội, truyền thống đọc sách, yêu quý sách được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Từ năm 2009 đến nay Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành chương trình tìm kiếm, tiếp cận, khai thác nguồn tài liệu quý hiếm còn được lưu giữ trong các gia đình, tủ sách tư nhân, thư viện tại một số các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Huế, Thanh Hóa, Phú Yên, và một số tỉnh thành phía Nam.

Qua nhiều đợt sưu tầm, số hóa kết quả khảo sát cho thấy tài liệu quý hiếm vẫn đang còn tồn tại  trong các bộ sưu tập tư nhân rất nhiều và một số khác đang nằm ngủ yên trong kho sách của các thư viện. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, vốn di sản văn hóa dân tộc này đang dần dần mất đi từng ngày, từng giờ qua nhiều cách khác nhau.

Trước hết là sự hư hỏng về mặt vật lý do thiên tai dịch họa hoặc không được bảo quản, sử dụng đúng cách. Hầu hết nguồn tài liệu quý giá này viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, được nhiều gia đình xem như di vật thiêng liêng của cha ông, chỉ để thờ cúng hoặc cất giữ trong tủ từ đời này sang đời khác mà không hiểu rõ nội dung của tư liệu, cũng không biết cách bảo quản gìn giữ. Dưới tác động của thời gian, côn trùng, khí hậu tài liệu mất mát hoặc hư hỏng dần tới mức không còn đọc được. Hoặc theo chiều hướng ngược lai, tại nhiều gia đình chúng tôi hết sức buồn khi thấy sách vở, tư liệu mang những dấu ấn tinh hoa của một đời người bị con cháu dồn vào một xó nhà, ẩm mốc, mục nát...

Kế đến là sự mất mát cho cộng đồng khi vốn tài liệu này nhanh chóng thất thoát vào các bộ sưu tập cá nhân hoặc đi ra nước ngoài thông qua các nhà sưu tập tư nhân với mục đích thương mại, Việt kiều, các tủ sách thuộc các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo mà chắc chắn khả năng thu hồi lại rất khó khăn. Một điều cần thừa nhận rằng chính những nhà sưu tập cá nhân này là những người hiểu rõ được nguồn gốc lai lịch, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị độc bản... và giá cả để có thể mua được của từng cuốn sách hơn cả cán bộ thư viện, những người có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những báu vật quốc gia này. Bên cạnh việc thiếu am hiểu, các thư viện nhà nước còn luôn bị ràng buộc vào cơ chế nghiêm ngặt về tài chính nên không thể quyết định nhanh chóng trong việc chi trả vài triệu bạc để sở hữu ngay một cuốn sách khi có cơ hội. Khi chúng tôi đến một số thư viện tư nhân hoặc gia đình đều được biết các nhà sưu tập cá nhân đã đến trước đó, chọn lựa sách và ngã giá...

Một sự thất thoát khác đó chính là cách vốn tài liệu quý hiếm được xếp ngay ngắn trong các tủ sách quý của gia đình hoặc các thư viện năm này sang năm khác và hư nát qua thời gian mà không được xem xét giám định, công bố để phát huy giá trị. Cuối cùng mai một nhiều thế hệ số tài liệu sẽ mất đi bằng cách này hay cách khác.

Hiện nay Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ một số lớn tài liệu quý hiếm bằng nhiều ngôn ngữ, mang giá trị nghiên cứu văn hóa lịch sử cao, trong đó đặc biệt có các bộ sách quý đang đề nghị giám định để công nhận là bảo vật quốc gia như:

HOÀNG TRIỀU NGỌC ĐIỆP

Gồm 3 quyển được chép tay, độc bản, bìa bọc gấm, nhan đề thêu rồng ngũ sắc, lưu trữ ở bí các của nhà vua.

Quyển 1: ghi chép khá đầy đủ tiểu sử của 9 đời chúa Nguyễn (bắt đầu từ chúa Nguyễn Kim đến chúa Nguyễn Phúc Thuần).

Quyển 2: chép lại rõ từ chúa Nguyễn Phúc Luân (cha vua Gia Long) đến vua Hàm Nghi. Tiểu sử, sự nghiệp các vua được ghi chép rõ và kỹ. Nhiều chi tiết cần được công bố trong giới nghiên cứu. Quyển 1 và quyển 2 theo lạc khoản ở đầu sách được biên soạn vào ngày lành tháng 5 âm lịch năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) tại Đông Các.

Quyển 3: ghi chép tiểu sử của vua Đồng Khánh (1885 - 1888), có lẽ sách được chép trong đời vua này.

Đây là bộ sách rất cần cho ngành sử học vì có nhiều tài liệu chưa được công bố,  nhiều chữ có thể đính chính những sai lầm như tên chúa, tên vua bị phiên âm sai.

HOÀNG TRIỀU TÔN PHỔ TIỀN BIÊN

Gồm 2 quyển được chép tay, độc bản, bìa bọc bằng vóc, lưu trữ ở bí các.

Quyển 1: ghi chép tiểu sử tất cả con cháu chúa Nguyễn Kim (hệ thứ nhất).

Quyển 2: ghi chép tất cả con cháu chúa Nguyễn Hoàng. Có lẽ sách đã mất các quyển sau ghi chép con cháu những vị chúa còn lại. Nội dung sách tuy chép vắn tắt, cốt ghi ngày kỵ giỗ, phần mộ nhưng ngoài giá trị là sách của Hoàng gia, nó còn cần thiết để nghiên cứu về các tên Nôm đương thời, về nhân danh, địa danh… để tìm hiểu tự dạng chữ Nôm các thế kỷ trước đây (thế kỷ 16, 17, 18…).

HOÀNG TỬ PHỔ

Gồm 3 quyển được chép tay, độc bản, bìa bọc gấm, nhan đề thêu rồng ngũ sắc, lưu trữ ở bí các.

Quyển 1: chép tiểu sử 13 hoàng tử của vua Gia Long và 42 hoàng tử con vua Minh Mạng. Có lẽ được biên soạn vào đời vua Minh Mạng.

Quyển 2: chép kỹ lại, ghi đầy đủ hơn, chi tiết hơn quyển đầu. Phần cuối ghi đủ 78 hoàng tử con vua Minh Mạng. Có lẽ được biên soạn vào đời vua Thiệu Trị.

Quyển 3: chép tiểu sử 25 hoàng tử con vua Thiệu Trị. Sách có lẽ được hoàn thành vào đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847).

Đây là những quyển sách rất quý và cần thiết để tìm hiểu về Hoàng gia nhà Nguyễn vì hiện nay tài liệu gốc để nghiên cứu vấn đề này không còn nhiều.

HOÀNG NỮ PHỔ

Gồm 3 quyển được chép tay, độc bản, bìa bọc gấm, nhan đề thêu rồng ngũ sắc, lưu trữ ở bí các.

Nội dung: ghi tiểu sử tất cả các công chúa từ thời Chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn, cụ thể từ chúa Nguyễn Kim đến vua Đồng Khánh. Mỗi tiểu sử ghi con của chúa nào, vua nào, thứ tự, tên mẹ, chức vụ chồng, huy hiệu và phần mộ.

Đây là tài liệu rất cần thiết để nghiên cứu tiểu sử các công chúa có đóng góp công lao cho lịch sử dân tộc.
HOÀNG VIỆT LUẬT LỆ

Là bộ sách in gồm 22 quyển, do Nguyễn Văn Thành được vua Gia Long sai làm tổng tài, hợp cùng Vũ Trình và Trần Hữu biên soạn bộ luật cho nước ta dựa theo bộ luật nhà Thanh bên Trung Quốc. Sách in do Quốc sử quán ấn hành.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Hán Nôm và sách cổ, tất cả các bộ sách quý trên đều mang đầy đủ giá trị để được công nhận là Bảo vật quốc gia, giá trị lịch sử, giá trị độc bản, giá trị văn hóa... Tuy nhiên quy trình giám định, công nhận giá trị của chúng vẫn đang là chờ đợi, thư viện chờ đợi và cả các nhà nghiên cứu cũng đang chờ đợi. Chúng tôi hết sức hy vọng nhóm bảo vật quốc gia này cũng sẽ được các cấp có thẩm quyền quan tâm thẩm định và công nhận để thư viện sớm có chính sách bảo quản, gìn giữ, xử lý và đưa vào phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân.

Đúng như một số nhà chuyên môn đã nhận xét: chúng ta đã có rất nhiều, rất nhiều hoạt động nhằm tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh giá trị cao quý của tài liệu cổ, quý hiếm như: Lễ trao giải sách Việt Nam, Triển lãm sách cổ sách xưa, Cuộc thi Tủ sách gia đình... tuy nhiên, những hoạt động này hầu hết chỉ dừng lại ở tính chất lễ hội, phong trào mà chưa được đưa vào trong chính sách, chiến lược gìn giữ và phát triển văn hóa đọc của dân tộc.

Phát hiện, công nhận tài liệu quý hiếm còn tiềm ẩn trong các tủ sách gia đình, sưu tập cá nhân và một số các thư viện cần được tiến hành kịp thời, nhằm hạn chế những tác nhân gây hư hỏng, thất thoát vốn di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Ngoài ra, việc đưa ra ánh sáng những di sản văn hóa còn tồn tại trong cộng đồng, giám định và công nhận những bảo vật được gìn giữ bao đời cũng nhằm tôn vinh truyền thống yêu sách, gìn giữ sách của dân tộc ta, duy trì và phát triển truyền thống quý báu này trong cộng đồng, từng gia đình từng cá nhân. Để làm được như vậy, cần có sự phối hợp giữa các tổ chức nhà nước về văn hóa nhằm khơi dậy sự quan tâm của đông đảo người dân với sách cổ, quảng bá rộng rãi những di sản văn hóa dân tộc trong nhân dân, qua đó nâng cao văn hóa đọc cho các tầng lớp trong xã hội.

Những nhận xét chúng tôi đã nêu ở trên chỉ là một khía cạnh nhỏ trong việc tìm kiếm, đánh giá và phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc. Những gì Thư viện KHTH đã và đang tiến hành chỉ là những cố gắng mang tính riêng lẻ. Để chương trình đạt được ý nghĩa và hiệu quả sâu rộng trong cả nước và trở thành ý thức chung trong cộng đồng, việc nâng cao văn hóa đọc thông qua tìm kiếm, đánh giá và phát huy vốn tài liệu cổ trong các thư viện và tủ sách gia đình cần được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện theo chiến lược, kế hoạch cụ thể và đầu tư đúng mức./. �~ c h � @� ࠙ ên bổ sung hoàn thiện các thể chế quản lý, xây dựng môi trường pháp lý và xã hội thuận lợi phục vụ tốt nhất từ việc tổ chức giảng dạy, huấn luyện các kỹ năng đọc cho cá nhân trong trường học, khuyến khích sáng tác, nghiên cứu, sáng tạo trên mọi lĩnh vực cho đến việc xuất bản, hệ thống phát hành, hệ thống xuất nhập khẩu, kiểm soát các sản phẩm văn hóa ngoại nhập, hệ thống thư viện…

- Trên lĩnh vực giáo dục, Nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý xã hội, cần khắc phục ngay tại gốc khiếm khuyết về giảng dạy chính thống cho các em học sinh về văn hóa đọc mà trọng tâm là có thói quen đọc, có khả năng lựa chọn sách đọc và biết cách đọc.

- Đối với mỗi cá nhân, cần thông qua thực tiễn cuộc sống, công việc và các quan hệ xã hội mà tự thân, tự giác xây dựng cho mình có thói quen đọc, có khả năng lựa chọn sách đọc và biết cách đọc và làm cho văn hóa đọc trở thành người trợ thủ đắc lực cận kề, không thể thiếu trong mọi hoạt động hằng ngày, trở thành nhu cầu thiết thân của cuộc sống và không được quên góp phần thực thi trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội, giữ gìn đạo đức, tinh thần và giềng mối xã hội…./.