TS. Quách Thu Nguyệt
Lại thêm một cuộc Hội thảo nữa về việc phát triển văn hóa đọc.
Mừng, vui, băn khoăn lẫn lộn. Mừng vì những năm gần đây, văn hóa đọc được cộng
đồng xã hội chăm lo nên đã có nhiều hoạt động cổ vũ, tôn vinh, vận động cho
việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Băn khoăn vì liệu các cuộc Hội thảo,
các cuộc vận động sẽ đi tới đâu khi mà sau đó mọi sự, mọi việc đều bị cuốn trôi
vì những mối bận tâm trước mắt bởi biến động vàng, đô la, giá cả tăng vọt, thị trường
chứng khoán lên xuống thất thường và nói chung có hàng tỉ lý do để một chiến
lược phát triển văn hóa đọc với mục tiêu nâng cao dân trí, xây dựng một xã hội
học tập suốt đời biến thành ưu tiên thứ yếu trước các chiến lược vĩ mô khác
mang tính cấp bách và thiết yếu với đời sống dân sinh hơn.
Báo cáo tổng kết năm 2009 của Cục Xuất bản, toàn ngành đã xuất bản
24.589 cuốn với 273.538 triệu bản, đạt 98% về cuốn, 98% về bản in so với năm
2008. Kết quả phát hành so với năm 2008, số sách phát hành tăng 7%, doanh thu
tăng 3%, tuy nhiên thị trường không có những cơn sốt sách nóng với số lượng in
vài chục ngàn như trước đây.
Nhìn nhận sự phát triển của văn hóa đọc không chỉ căn cứ trên số
lượng người đến với các Hội sách cùng các con số doanh thu làm nức lòng những
nhà làm sách và phát hành. Cũng không chỉ lạc quan vì con số bản in hàng năm mà
thống kê Cục Xuất bản công bố đã đạt được chỉ tiêu tương đương 4 bản sách/ đầu.
Cũng như không vì những đầu sách bestseller vượt lên ngưỡng hàng chục ngàn thậm
chí hàng trăm ngàn bản như Nhật ký Đặng
Thùy Trâm hay như Bộ sách Harry
Potter, Chạng vạng, Trăng non…
Văn hóa đọc chỉ phát triển khi người đọc xem sự đọc là một thói
quen, một sở thích, và đạt được một kỹ năng đọc sách hiệu quả, sao cho: “Đọc
là học và Sách là thầy”.
Đã có nhiều luận bàn về sự đọc. Đọc giải trí, đọc tiếp nhận thông
tin, đọc hiểu biết. Hay như đọc với nhiều cấp độ, đọc sơ cấp, đọc kiểm soát,
đọc phân tích, đọc đồng chủ đề, đọc tốt, đọc hiệu quả…
Đọc sách ngoài việc được xem là một thú tiêu khiển nhằm thỏa mãn
nhu cầu giải trí của người đọc, đọc sách còn là cách thức tiếp cận với thông
tin, cách thức dung nạp tri thức của nhân loại. Đọc sách chính là cách mà con
người có thể học tập suốt đời.
Trong lịch sử cũng như trong thời đại hiện nay biết bao bậc thức
giả, vĩ nhân, những người thành đạt đều xem sự đọc cũng là sự học để tích lũy
kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để vận dụng thành công trong cuộc sống cá nhân
và quan hệ cộng đồng. Nếu được hỏi, bất kỳ ai cũng đều có thể giới thiệu những
cuốn sách mà họ tâm đắc, sách gối đầu giường, thậm chí có cả những cuốn sách
“làm thay đổi cả cuộc đời tôi”. Câu chuyện tủ rượu, tủ sách, tủ thuốc vẫn là
những luận bàn quanh việc nhìn nhận đánh giá hành vi văn hóa và sự giàu sang
vật chất hoặc tinh thần của một cá nhân, một gia đình. Cũng vậy, góp phần vào
tiếng nói chung cho cộng đồng, nhiều nhà giáo dục đã có những lời khuyên dành
cho các bậc cha mẹ về lợi ích việc tập cho con trẻ yêu thích và biết cách đọc
sách từ bé hay những cảnh báo về tác hại và nguy cơ của việc lười đọc sách
trước những cám dỗ dễ dẫn đến những hành xử tiêu cực của giới trẻ từ internet,
game online, phim ảnh…
Như mọi người đều biết suốt 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học,
các bạn trẻ đọc sách cũng chỉ chủ yếu là đọc các sách giáo trình, thêm nữa là
sách giải bài tập, sách tham khảo bộ môn để mong có điểm tốt cho các kỳ thi
cuối cấp, thi tuyển đầu vào và thi tốt nghiệp… Còn biết bao điều thú vị, cả một
chân trời tri thức vô tận mà người học có thể tìm thấy từ những tập sách với
nội dung đề tài thật phong phú đa dạng. Tiếc rằng những điều quý giá này gần
như đã bị bỏ qua. Thế nên mới có những tiếng kêu người trẻ ngày nay không say
mê với sách, không thích đọc sách.
Vậy phải làm sao cho mọi người có thói quen và niềm đam mê thật sự
với sách và ý thức được giá trị, lợi ích của việc đọc sách. Sách là những cánh
cửa mở vào kho báu tri thức, là những người thầy vĩ đại nếu như ai đó biết chạm
vào và biết tận dụng nó.
Trong điều kiện mức sống và thu nhập trên đầu người khá thấp ở một
quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc đầu tư, chi tiêu cho chuyện học
hành, các nhu cầu văn hóa tinh thần là một thách thức lớn đối với mọi người.
Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội, sự đầu tư và các giải pháp từ nhà
nước và cộng đồng nhằm chăm lo, đáp ứng các nhu cầu học tập, trang bị tri thức
cho mọi công dân là việc làm cần thiết phục vụ mục tiêu “dân mạnh, nước cường”
trên đường hội nhập. Xin được gợi ý một số giải pháp sau đây:
1. Đầu tư cho công tác thư viện
Hiện nay cả nước hiện có 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện,
10.000 thư viện và tủ sách cơ sở, hệ thống các thư viện trường học phổ thông,
đại học… Nhìn vào lượt người đến với thư viện văn hóa, khảo sát cơ sở vật chất,
thống kê số đầu sách và lượng sách phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người đọc, các
hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, các hoạt động phong trào như trưng bày sách
chuyên đề, giới thiệu sách mới, tổ chức các hoạt động ngày hội đọc sách, kích
thích, thu hút, hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho người đọc… chúng ta sẽ dễ chạnh
lòng vì hiệu quả hoạt động không xứng với niềm kỳ vọng của mọi người, kể cả
những người đang trực tiếp điều hành và quản lý hoạt động thư viện. Cần phải
đầu tư nhiều hơn nữa để thư viện thực sự trở thành thánh đường, môi trường giúp
nhân dân học tập suốt đời.
Thời gian còn làm công tác quản lý ở NXB Trẻ, có dịp tiếp xúc với
khá nhiều giám đốc thư viện chúng tôi thường được nghe những lời than thở, băn
khoăn vì nguồn kinh phí duyệt cấp hàng năm khá eo hẹp, khó khăn cho việc bổ
sung nguồn sách mới, cho các hoạt động nghiệp vụ và phong trào của thư viện.
Không chỉ vì nguồn kinh phí eo hẹp mà ngay trong nhận thức, nhiều lãnh đạo địa
phương chưa thực sự xem trọng vai trò và ý nghĩa của hoạt động thư viện. Do vậy
mà nhiều thư viện văn hóa quận, huyện, phường xã hoặc hoạt động lèo tèo, hoặc
cầm chừng hay tệ hại hơn bị thu hẹp diện tích, hoán đổi mục đích sử dụng, hoặc
thậm chí ngưng hoạt động nhường chỗ cho hoạt động khác mà theo quan điểm của
lãnh đạo địa phương nó thiết thân và ích lợi hơn.
Hoạt động thư viện trong các trường phổ thông, đại học có khá hơn.
Ở các trường phổ thông do những quy định ràng buộc vể tiêu chuẩn chấm điểm,
phân loại trường nên cơ sở vật chất, hoạt động cũng được quan tâm có mức độ,
tuy tập trung nhiều vẫn là ở những trường tại các tỉnh thành, thị xã. Các trường
ở nông thôn vùng sâu, vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn. Thư viện các trường đại
học, tùy theo sự quan tâm và mối quan hệ của Ban Giám hiệu và nhà trường mà cơ
sở vật chất, nguồn sách, hoạt động có những hiệu quả khác nhau.
Nhìn chung, thực trạng hoạt động thư viện trường học nếu so với
các nước trong khu vực quả thật đáng buồn lòng. Nếu xem “Thư viện là trái tim
của nhà trường” như đồng chí giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí
Minh đã từng phát biểu chỉ đạo cho hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn
thành phố trong một cuộc Hội nghị về công tác thư viện tổ chức vào tháng 6 vừa
qua thì ngành giáo dục còn cần nhiều động thái tích cực và quyết tâm hơn nữa.
Trước hết cần phải thay đổi nhận thức từ cấp lãnh đạo trung ương,
thành phố, Ban lãnh đạo ngành giáo dục, các phòng ban, Ban giám hiệu, thầy và
trò các trường về vị trí vai trò của thư viện trong trường học, về ý nghĩa, giá
trị của sách và việc đọc sách. Cần làm cho mọi người xem sách chính là thầy
dạy, những người thầy không biên giới, những người thầy vô hình nhưng tận tụy
với người học ở bất cứ mọi nơi, bất cứ lúc nào. Và đọc sách chính là việc học
ngoài lớp học, ngoài giảng đường, học suốt đời.
Muốn vậy, cần nâng cấp và tổ chức lại hoạt động của thư viện trường
học. Cùng với cơ ngơi khang trang của nhà trường, phải dành ưu tiên vị trí đắc
địa nhất, đẹp nhất, phù hợp chuẩn cho thư viện trường học. Biên chế cán bộ thư
viện phải được đào tạo chuyên môn. Nguồn kinh phí bổ sung cơ số sách mới và cho
hoạt động phải được đầu tư tương thích.
Thư viện nhà trường không phải là kho chứa sách, lưu trữ sách mà phải là nơi
thu hút thầy trò tìm đến để đọc sách, để tra cứu, tham khảo, học hỏi từ sách.
Thư viện ngoài mở cửa phục vụ cho người đọc còn thường xuyên tổ chức các hoạt
động đọc sách dưới cờ vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Thư viện phải là nơi tổ
chức các hoạt động chuyên đề giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm, các hoạt
động trao đổi sách, các buổi tọa đàm, diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu về sách…
Thư viện phải là trung tâm văn hóa, là sức sống, là bộ phận trọng yếu của nhà
trường. Nhà trường thiếu thư viện hoặc thư viện hoạt động không hiệu quả thì
như một cơ thể người không có trái tim hoặc trái tim ấy đang bệnh hoạn.
2. Nhà nước đầu tư tổ chức, biên soạn, xuất bản những công trình
sách giá trị về lịch sử, tư tưởng, văn học, văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Tài
trợ mua bản quyền dịch thuật, xuất bản các công trình khoa học, các tác phẩm
kinh điển, tinh hoa văn hóa nghệ thuật các nước… Tất cả các sách giá trị này phải
được phân bổ, trang bị hoặc vận động các mạnh thường quân biếu tặng các thư
viện văn hóa, thư viện trường học. Làm sao các thư viện và đặc biệt là thư viện
trường học phải được cung cấp những đầu sách giá trị, sách kinh điển, sách hay.
Nguồn sách thư viện trường học không thể chỉ gồm dăm ba đầu sách giáo trình,
sách tham khảo tầm tầm hoặc thậm chí sách tồn kho được bổ sung không qua tuyển
chọn thận trọng…
3. Tổ chức phân loại, thẩm định, tuyển chọn và giới thiệu các đầu
sách hay trên từng lĩnh vực, theo thể loại, theo đối tượng người đọc. Tuyển
chọn và giới thiệu các sách chuyên môn, sách kinh điển, sách tham khảo dành cho
sinh viên và các chuyên gia chuyên ngành… Để làm việc này cần có một hội đồng
quốc gia quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa và hoạt động xã hội trên nhiều
lĩnh vực, để thẩm định, tuyển chọn, giới thiệu và công bố cho nhiều người tìm
đọc… Vừa qua dự án SachHay.com có tham vọng và triển khai bước đầu một số tủ
sách thông qua việc quy tụ một số chuyên gia tuyển chọn và giới thiệu 100 tựa sách
hay cho mỗi tủ sách chuyên ngành mà bạn đọc cần đọc.
4. Tổ chức bình chọn, trao giải các đầu sách hay của năm, tác giả
của năm. Những năm gần đây, Hội Xuất bản Việt Nam hàng năm đều có tổ chức Cuộc
thi sách hay, sách đẹp của năm. Tuy nhiên hoạt động vẫn mang tầm quy mô công
nhận của một tổ chức nghề nghiệp. Mong muốn có một giải thưởng mang tầm quốc
gia mà quy mô và cách thức tổ chức phải quy tụ không chỉ các chuyên gia với tư
cách thành viên ban giám khảo mà phải thu hút sự cộng hưởng đông đảo bạn đọc
thông qua đề cử, bỏ phiếu… Và điều quan trọng hơn các tác phẩm hay các tác giả
được trao giải phải được quảng bá và vinh danh xứng tầm.
5. Sự tham gia của các cơ quan truyền thông
Thống kê Cục Xuất bản, một ngày trung bình có gần trăm tựa sách
mới in ấn và phát hành và giữa rừng sách ấy, người đọc thật sự lúng túng chọn
lựa mua và đọc sách nào. Cơ chế thị trường cùng sự năng động của người làm
sách, sách nếu được quảng bá thì sẽ dễ bán, dễ tiếp cận với người đọc. Và cách
truyền thông nhanh nhất, tốt nhất vẫn là qua báo chí. Tuy nhiên “đất đai” cho
việc giới thiệu sách cũng rất hiếm hoi kể cả khi sách được giới thiệu mang
“mùi” quảng cáo thương mại hơn là dựa vào tiêu chí sách hay, sách giá trị. Bộ
Thông Tin và Truyền Thông cần chỉ đạo các báo đài dành đất đai, chuyên mục,
thời lượng cần thiết cho việc giới thiệu quảng bá sách mới, sách hay đến đông
đảo bạn đọc. Thời gian qua ngành xuất bản có trong tay hai công cụ lợi hại nhất
đó là tờ tạp chí của Bộ và tờ tạp chí của Hội Xuất bản. Hai tờ tạp chí này nếu
được tổ chức tốt và hiệu quả sẽ là nơi phản ảnh đời sống văn hóa đọc, giới
thiệu, cổ vũ người đọc tìm đến những đầu sách hay. Tiếc rằng hai tạp chí này
đều hoạt động kém hiệu quả!
6. Một ngày toàn dân đọc sách trong năm
Thế giới có ngày thế giới đọc sách 24/3, Việt Nam ngoài việc
hàng năm thư viện và những người hoạt động trong ngành xuất bản có những hoạt
động hướng đến ngày này nhưng quy mô chỉ gói gọn trong phạm vi những người hoạt
động cùng ngành và một bộ phận ít ỏi người quan tâm. Năm 2010, nhân Hội sách
Thành phố Hồ Chí Minh lần VI, đã có cuộc vận động lấy chữ ký từ dự án
SachHay.com cho Ngày đọc sách Việt Nam . Với mong muốn đây là một cuộc
vận động, một ngày hội mang tầm quốc gia để mỗi năm những người yêu quý sách có
dịp nhắc nhở nhau và cùng nhau hành động cho niềm đam mê sách, cho sự khao khát
tri thức được lan tỏa. Cuộc vận động rất cần thêm cú hích từ hai Bộ, Bộ Thông
tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Xuất bản Việt
Nam.
Trên đây chỉ là những ý kiến góp nhặt xin được chia sẻ. Mong lắm
một kết thúc tốt đẹp từ buổi Hội thảo này với nhiều ý tưởng, sáng kiến hay để
một chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được chính
thức khởi động./.