Hệ thống thư viện Quân đội và việc phát triển Văn hóa đọc trong toàn quốc


Lê Thị Thúy Hiền

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Để các chiến sĩ có thể cầm chắc tay súng, có trí tuệ, có niềm tin bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ Quốc, Đảng ta, quân đội ta luôn quan tâm đến công tác thư viện và hoạt động sách báo và coi thư viện là một thiết chế văn hóa, một bộ phận hợp thành của công tác tư tưởng văn hóa nhằm thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh vai trò quan trong của thư viện trong quân đội: “Thư viện là một công cụ cực kỳ quan trọng để truyền bá tư tưởng, đường lối cũng như khoa học quân sự trong đông đảo cán bộ và chiến sĩ của quân đội ta.

Hơn nửa thế kỷ xây dựng chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong chiến công oanh liệt đó có sự đóng góp quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị nói chung và hoạt động thư viện sách báo nói riêng.

Để phục vụ nhu cầu đọc của các quân nhân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, một hệ thống thư viện đã được hình thành, đứng đầu là Thư viện Quân đội.

Hệ thống thư viện trong quân đội là một bộ phận hợp thành mạng lưới thư viện công cộng của nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Hệ thống thư viện trong quân đội được tổ chức theo đơn vị hành chính của quân đội hình thành từ trung ương đến cơ sở gồm:

Thư viện khoa học tổng hợp và chuyên ngành bao gồm: Thư viện Quân đội, thư viện các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các tổng cục, các học viện, nhà trường quân đội, các cục, vụ và viện nghiên cứu và các đơn vị tương đương.

Thư viện phổ thông bao gồm: Thư viện (phòng đọc sách) các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, bộ chỉ huy quân sự và biên phòng tỉnh, thành phố và tương đương, tủ sách phòng Hồ Chí Minh ở tiểu đoàn, đại đội và các đơn vị tương đương.

Thư viện Quân đội là thư viện khoa học tổng hợp về quân sự, cơ quan nghiệp vụ đầu ngành về thư viện trong quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thành lập ngày 15/11/1957. Thư viện đã xây dựng được một vốn tài liệu khá phong phú với hơn 350.000 bản sách, 1.600 loại báo tạp chí, trong đó có trên 300 loại hiện đang được bổ sung hàng năm. Thư viện Quân đội thực hiện một số chức năng nhiệm vụ như sau:

·        Tham mưu giúp thủ trưởng TCCT về công tác thư viện và hoạt động sách báo trong quân đội.
·        Bổ sung, sưu tầm, thu thập, tàng trữ sách, báo, tài liệu về quân sự, quốc phòng ở trong và ngoài nước.
·        Tổ chức phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, cung cấp thông tin, định hướng đọc và xây dựng phong trào đọc sách trong quân đội.
·        Hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thư viện cho hệ thống thư viện toàn quân.
·        Bổ sung sách tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội.

Thực hiện chủ trường xã hội hóa hoạt động thư viện, đối tượng phục vụ của Thư viện Quân đội không chỉ dừng lại ở những người trong quân ngũ mà còn mở rộng ra với các thành phần cư dân trên địa bàn Hà Nội. Những đối tượng ngoài quân đội được phép sử dụng tài liệu trong thư viện tại chỗ. Chỉ các cán bộ quân đội công tác tại Hà Nội, cán bộ từ thiếu tá trở lên nghỉ hưu ở Hà Nội mới được mượn sách về nhà.

Hệ thống thư viện quân đội được tổ chức rộng khắp cả nước với nhiều cấp độ khác nhau: Thư viện quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các tổng cục là các thư viện tổng hợp, thư viện trung tâm của đơn vị, có nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí cho mọi đối tượng trong đơn vị.

Thư viện các học viện nhà trường quân đội là thư viện khoa học đa ngành hoặc chuyên ngành, có nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí trong học viện nhà trường. Theo Quyết định 553/QĐ - TM ngày 21/8/1998 của Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường quân đội chỉ tổ chức 1 thư viện và nằm trong phòng, ban Thông tin khoa học. Biên chế cán bộ, nhân viên thư viện của từng học viện, nhà trường có quy định riêng.

Thư viện (phòng đọc sách) sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự và biên phòng tỉnh, thành phố và tương đương là các thư viện phổ thông có nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí cho mọi đối tượng trong đơn vị.

Thư viện (phòng đọc sách) trung đoàn, lữ đoàn và tương đương là thư viện phổ thông có nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí cho mọi đối tượng trong đơn vị. Biên chế nhân viên thư viện kiêm nhiệm.

Tủ sách Phòng Hồ Chí Minh là một bộ phận nằm trong Phòng Hồ Chí Minh của đơn vị cơ sở cấp tiểu đoàn, đại đội, là thư viện thu nhỏ ở cấp cơ sở trong quân đội có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động sách, báo phục vụ nghiên cứu, học tập và giải trí cho mọi đối tượng trong đơn vị.
Với một hệ thống thư viện và phòng đọc sách được tổ chức như vây, các thư viện trong toàn quân đã tích cực phát triển văn hóa đọc trong các quân nhân chiến sĩ, thậm chí Thư viện Quân đội còn vươn tới ra ngoài xã hội. Từ những hoạt động thực tiễn của mình, hệ thống thư viện quân đội đã đạt được nhiều thành tưu đáng khích lệ. Các thành tựu đó được thể hiện về một số bình diện như sau:

·        Thông qua sách báo, các thư viện trong quân đội đã tích cực tham gia tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội góp phần xây dựng vững mạnh về chính trị, chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, chế độ và nhân dân.
·        Thư viện phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào lĩnh vực quân sự, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
·        Thư viện góp phần xây dựng môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh trong quân đội.
·         Thư viện góp phần bảo tồn di sản văn hóa và thực hiện xã hội hóa về văn hóa, tham gia phát triển kinh tế, xã hội.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, không thể không quan tâm đến cộng đồng những người trong quân ngũ. Có thể nói: Quá khứ, hiện tại và tương lai hệ thống Thư viện Quân đội đã đang và sẽ góp phần đắc lực trong việc phát triển văn hóa đọc. Vì thế, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho các thư viện trong quân đội./.