Thư viện ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với việc phục vụ người đọc



Trần Thị Tuyết Nga

Trong các yếu tố cấu thành nên một trường đại học, thư viện là một bộ phận quan trọng. Đó là một yếu tố không thể thiếu để đảm bảo cho việc dạy và học đạt hiệu quả, góp phần thực sự đổi mới giáo dục đại học. Thông qua việc phục vụ các giảng viên, cán bộ nghiên cứu, học viên, sinh viên và nghiên cứu sinh, thư viện tham góp vào toàn bộ quá trình đào tạo và nghiên cứu của trường đại học.
Và đó cũng là những tiền đề để người học có thể có được những kỹ năng cần thiết thực hiện việc tự nghiên cứu và hoàn thiện sau này. Trong việc phát triển văn hóa đọc, vấn đề đọc sách của giảng viên, sinh viên cần phải đặt vào thứ tự ưu tiên số một. Đặc biệt là trong các trường sư phạm, nơi đào tạo ra các kỹ sư tâm hồn cho đất nước.

Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 14 trường đại học trọng điểm quốc gia, một trong hai trường đào tạo cán bộ giáo viên lớn nhất cả nước. Trường hiện có 22 khoa với tổng số cán bộ giảng viên, nhân viên của trường là trên 800, số sinh viên của trường đã lên tới 26.000. Để phục vụ cho một số lượng người đọc lớn như vậy, Thư viện Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã phải hết sức nỗ lực về mọi mặt.

Trước hết, thư viện đã dành sự quan tâm cho việc xây dựng, phát triển vốn tài liệu, nguồn lực thông tin. Hiện nay, thư viện có 61.818 bản sách; 294 loại báo, tạp chí, 258 báo cáo kết quả nghiên cứu, 344 công trình nghiên cứu khoa học, 3.043 luận văn luận án, 1.354 đĩa CD-ROM...

Là một trường sư phạm có đa lĩnh vực đào tạo, nhu cầu về sách của bạn đọc tại thư viện rất đa dạng và phong phú, hầu như sách của tất cả các môn loại tri thức đều được bạn đọc mượn, đọc. Sách được yêu cầu nhiều là văn học, lịch sử, chính trị, kinh tế, sách tham khảo cho sinh viên, sách nghiên cứu, sách phục vụ cho học tập, nghiên cứu.

Qua trực tiếp quản lý, theo dõi công tác phục vụ bạn đọc chúng tôi thấy nhu cầu đọc của sinh viên, học viên ngày càng phong phú. Lượng người đọc đến thư viện ngày một đông, đặc biệt là vào các kỳ thi. Điều đó cho thấy: Đọc sách và khai thác thông tin luôn là một vấn đề được sinh viên hết sức quan tâm, đó là dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc vẫn đang tiếp tục được phát triển trong nhà trường, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện đào tạo theo tín chỉ.

Để thu hút bạn đọc đến với thư viện, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức xây dựng các cơ sở dữ liệu, thư viện còn tiến hành biên soạn các loại thư mục khác nhau. Thư mục giới thiệu sách mới và thư mục báo tạp chí được biên soạn hàng tháng đã giới thiệu kịp thời tới đông đảo các giáo viên và học sinh các tài liệu mới nhập vào thư viện và những bài được đăng trong các tạp chí để mọi người có thể dễ dàng khai thác, sử dụng. Thư viện thực hiện việc cung cấp thông tin theo yêu cầu. Đây là một dịch vụ giúp cho người đọc có thể được đáp ứng một cách tối đa các nhu cầu sử dụng thông tin phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Thư viện còn hỗ trợ các giảng viên trong việc xây dựng các bài giảng giáo án điện tử.

Từ thực tế hoạt động của một thư viện trường đại học, chúng tôi thấy việc quan tâm đầu tư cho các thư viện đại học là một vấn đề cần đặc biệt được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban giám hiệu của các trường quan tâm. Để các thư viện có thể đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đọc của giảng viên, sinh viên chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất: Cần phải tăng cường thêm ngân sách để bổ sung tài liệu phù hợp với nhu cầu bạn đọc

Công tác bổ sung có lựa chọn nhằm xây dựng được một vốn sách báo thư viện phù hợp với đặc điểm của các ngành đào tạo và thỏa mãn được nhu cầu đông đảo của giảng viên, sinh viên, gắn với đặc thù đào tạo của nhà trường. Đặc biệt cần xây dựng được kho sách, tài liệu giáo trình, tài liệu tra cứu, tham khảo đầy đủ, phong phú, thỏa mãn được nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên, sinh viên. Bên cạnh đó, cán bộ bổ sung phải thường xuyên nắm được nhu cầu đọc của bạn đọc; luôn trao đổi với các thủ thư, với bạn đọc ở phòng phục vụ để biết bạn đọc đang thích đọc loại sách nào, đang có yêu cầu về cuốn sách nào là nhiều nhất để kịp thời và tìm cách bổ sung được sách theo yêu cầu một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất, cuốn hút được người đọc đến với thư viện. Cán bộ bổ sung cũng cần phải theo dõi các chuyên mục giới thiệu sách hay trên đài báo, trao đổi thông tin với các chuyên gia trong từng lĩnh vực có liên quan đến thông tin sách báo để bổ sung kịp thời các sách mà bạn đọc đang quan tâm muốn đọc.

Vốn sách phong phú và có chất lượng sẽ cuốn hút được bạn đọc, đồng thời góp phần nâng cao được ý thức đọc sách người đọc, đặc biệt là sinh viên qua việc thỏa mãn nhu cầu đọc, sẽ làm cho họ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu, đọc được, mở rộng kiến thức về mọi mặt.

Thứ hai: Cần đổi mới và nâng cao chất lượng của công tác phục vụ

Thư viện phải luôn mở rộng các loại hình dịch vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng của công tác phục vụ bạn đọc. Ngoài vốn sách phong phú, cần thiết phải xây dựng tổ chức được các loại kho sách để kích thích cuốn hút từng loại đối tượng và làm thỏa mãn nhu cầu của họ. Ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác phục vụ bạn đọc, tạo điều kiện cho bạn đọc tra cứu thông tin tốt nhất, thuận lợi nhất. Cần xác định được các nhóm bạn đọc và đối tượng bạn đọc tích cực để có chính sách ưu tiên phục vụ, làm cho họ ngày càng gắn bó với thư viện, yêu quý sách báo và trở thành người tích cực tuyên truyền sách báo thư viện và thu hút thêm người đọc đến với thư viện. Cán bộ phục vụ luôn tận tụy với bạn đọc, nắm bắt tốt nội dung kho sách để thỏa mãn nhu cầu tra cứu thông tin, tìm sách của bạn đọc; góp phần định hướng nhu cầu đọc cho họ và cùng họ trao đổi giải quyết những khúc mắc cần thiết liên quan đến sách báo, thư viện... Công tác phục vụ có chất lượng, thủ thư có lòng yêu nghề, ham học hỏi, nắm kỹ nội dung kho sách và vốn sách quý, sách hay, thường xuyên gần gũi giúp đỡ bạn đọc, giúp họ thỏa mãn nhu cầu tìm sách và đọc sẽ góp phần quan trọng nâng cao được ý thức đọc sách của người đọc.

Thứ ba: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu sách

Để cuốn hút các đối tượng bạn đọc đến với sách, báo, ngoài các các hình thức trưng bày, triển lãm sách; thư viện đại học cần chú ý tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề; sinh hoạt câu lạc bộ; tọa đàm khoa học.

Thư viện cần biên soạn các loại thư mục giới thiệu sách mới, sách chuyên đề, thư mục các nhân vật... để giúp bạn đọc nắm bắt kịp thời các tài liệu mới, qua đó giúp họ nắm được nội dung sách cần tìm, cần đọc dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Thứ tư: Cần đẩy mạnh công tác đào tạo người dùng tin

Đây là một nội dung rất quan trọng đối với các trường đại học. Để có thể biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, cần chú ý đến việc trang bị cho người dùng tin, người đọc các kiến thức và kỹ năng khai thác và sử dụng thư viện, phương pháp đọc. Ngoài việc giới thiệu về thư viện, nguồn lực thông tin, bộ máy tra cứu và các tra tìm, các thư viện đã dạy cho sinh viên tiếp cận với nguồn thông tin trên Internet và các kỹ năng tra cứu nâng cao, phương pháp trích dẫn...

Về phía các trường đại học, ngoài những vấn đề liên quan trực tiếp đến thư viện, để khuyến khích và tạo động lực cho mọi người đọc sách, cần thường xuyên tổ chức các hội nghị khoa học một cách nghiêm túc và yêu cầu tất cả giảng viên nhất thiết phải tham gia. Việc tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng phải được tổ chức thường xuyên tại cấp khoa, cấp trường. Có thể đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể về nghiên cứu khoa học để đánh giá cán bộ và sinh viên: Những người đã có học vị và chức danh khoa học cao (TS, GS, PGS) cần yêu cầu tuân thủ một quy định cụ thể, chẳng hạn: hàng năm phải có ít nhất một bài báo khoa học, từ 5 đến 10 năm có một công trình nghiên cứu được xuất bản hoặc được nghiệm thu. Sinh viên muốn đạt các danh hiệu thi đua và xét học chuyển tiếp cao học, sinh viên cũng cần có công trình nghiên cứu khoa học. Để có những trang viết, công trình như thế, đương nhiên các giảng viên, sinh viên phải chú ý hơn đến việc đọc sách, tự nghiên cứu và tự học./.