Bắt đầu từ sách giáo khoa


Ngô Thị Kim Cúc
Nhà văn

* Đọc sách và yêu thích sách, suy từ bản thân tôi thuở bé, là một chuyện hết sức tự nhiên. Bởi vì, thế hệ tôi đã may mắn được học từ nhà trường những áng văn giản dị mà gần gũi, dễ dàng làm nảy sinh mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với văn chương.
Không có chút giả tạo nào trong đó, sự cưỡng cầu ép uổng lại càng không. Chúng tôi không phải học thuộc lòng các khẩu hiệu, các khái niệm khô cứng, các lý thuyết suông nhức đầu xa lạ, mà chỉ toàn là những bài văn bài thơ nói những điều tự nhiên nhất trong cuộc sống hằng ngày. Dạy trẻ con yêu quý giúp đỡ nhau, một bài tập đọc rất ngắn, rất thực mà tôi vẫn còn nhớ đến giờ: Chị ngã em nâng. Chiều qua trời mưa to, đường làng trơn như mỡ. Chị Dương vô ý trượt chân ngã. Chị loay hoay mãi không ngồi lên được. Em Trang thấy vậy vội chạy đến. Em đưa hai tay ra nâng chị dậy. Trang vừa phủi áo cho chị vừa hỏi: “Chị có đau lắm không?”. “May quá, không việc gì em ạ”. Bên cạnh bài văn xuôi là hai câu văn vần: “Chị ngã thì em phải nâng/ Chớ đừng chị ngã em bưng miệng cười”.

Trẻ con vừa cắp sách đến trường, những bài học đầu tiên ấy là những điều khai tâm, khai trí, không bao giờ có thể quên được, làm khác đi được. Lớn lên ít nữa, có ai trong chúng tôi không thuộc nằm lòng bài văn đẹp đẽ, phong phú hình ảnh và tràn đầy cảm xúc, âm điệu của nhà văn Thanh Tịnh: Tôi đi học. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Không ai bảo chúng tôi phải yêu gia đình, yêu ngôi trường mình học, yêu những con đường, cánh đồng quê hương, và rộng ra là yêu đất nước mình. Thế nhưng tình yêu ấy như một phép cộng, cứ đến và lớn lên một cách tự nhiên, tràn ngập trong những trái tim non trẻ, nên khi cần, lớp lớp những thế hệ thanh niên cứ thế lên đường, không cho phép bất cứ kẻ thù nào được xâm phạm đến những gì mình yêu quý.

Văn chương phải Người, phải đẹp và phải thực. Đó là Chân Thiện Mỹ nhập môn dành cho tuổi vỡ lòng. Cái đẹp ấy đến từ cảm xúc tự nhiên, từ nhu cầu của trái tim, đầy thân thiết gắn bó chứ không phải từ sự áp đặt khô khan, thực dụng. Hãy cho đọc hay chép 1.000 lần câu “Chị em phải giúp đỡ nhau” xem có tác dụng gì cho các cháu bé sáu tuổi so với bài văn xuôi ngắn gọn mà tôi vừa trích dẫn. Nếu văn chương học đường chỉ nhăm nhăm “ra lệnh” cho những trái tim non nớt của học trò, chỉ cố áp đặt điều mình muốn chứ không phải điều tuổi nhỏ đang cần thì, trách sao được sự hững hờ ngán ngẩm của các em, nếu không phải là sự đối phó, ghét bỏ đối với môn văn.

Tôi đã thử đọc một số bài ngữ pháp lớp 9, và kinh hoàng nhận ra để nói về những điều rất đơn giản của câu chữ tiếng Việt, người ta lại dùng những cụm từ và cách diễn đạt hết sức rối rắm, mù mịt, tối nghĩa để hành hạ đầu óc những đứa trẻ 14 tuổi vốn chỉ thích chạy nhảy và kích chuột hơn là đánh vật với cái môn mà chắc chúng không hiểu trời sinh ra để làm gì, qua những bài học kiểu ấy. Là người viết văn viết báo mà tôi không cách gì tiêu hóa nổi những khái niệm tối mù ấy, thì làm sao buộc những đứa trẻ hiếu động có thể ghi chúng vào trong đầu để mà trả bài, lấy điểm!

Quả là chương trình học và sách giáo khoa đã rất thành công trong việc khiến cho thanh thiếu niên sợ hãi, căm ghét môn tiếng Việt, dẫn đến việc xa rời văn chương, sợ đọc sách.

* Yêu sách và thích đọc sách, có lẽ còn là một cơ duyên.

Nếu bạn may mắn được đọc những quyển sách hay ngay từ bé, chắc chắn bạn sẽ tự tìm sách để đọc, chẳng cần ai khuyến khích. Nhưng để có được quyển sách hay ban đầu ấy, đòi hỏi phải có được sự quan tâm của người lớn, ngay từ buổi đầu.

Có lẽ tôi là người may mắn. Quyển sách đầu tiên tôi đọc là bản dịch Robinson Crusoe, sách phần thưởng của chị cả tôi. Và vì thế, suốt thời niên thiếu, cho dù luôn kinh sợ những bộ lạc ăn thịt người được kể trong sách, tôi vẫn luôn ưa thích được phiêu lưu, ngay cả có phải dạt lên đảo hoang, gặp bao nhiêu thử thách như Robinson. Bởi vì trên đảo hoang, rốt cuộc Robinson cũng đã gặp Thứ Sáu để làm bạn và sau đó đã mang Thứ Sáu về sống ở châu Âu. Tôi cũng nhớ ấn tượng mạnh mẽ mà quyển sách Bảnh và Thuận của cô Hợp Phố đã để lại trong mình. Bảnh và Thuận (là bản phóng tác Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Carích và Valia của Yan Lary) kể về cuộc phiêu lưu của hai anh em Bảnh và Thuận sau khi uống nhầm một hóa chất khiến người bị thu nhỏ và trở thành mồi săn của bao nhiêu thứ côn trùng xoàng xĩnh mà thường ngày chỉ cần vung tay là hai anh em đã tóm gọn. Và chính sự kỳ diệu đầy hấp dẫn của hóa học và sinh học trong câu chuyện lý thú ấy đã khiến tôi chọn ngành sinh hóa để học ở đại học sau này…

Kể lại những chuyện này, tôi muốn nói rằng, thú vui đọc sách của thanh thiếu niên, phải được khai mở một cách lôi cuốn tự nhiên ngay từ bậc tiểu học, bằng chính chương trình dạy môn Văn ở nhà trường: hãy cho các em thấy được cái đẹp và chất nhân văn của cuộc sống, qua những tác phẩm văn chương cao cấp nhất đồng thời với những bài giáo khoa dễ hiểu dễ nhớ nhất. Tâm hồn con người thuở bé vốn trong veo, luôn sẵn sàng nhận lấy những hạt mầm tốt đẹp. Đừng làm các em xa lánh sách, xa lánh văn chương bằng những giáo điều cứng đờ vô cảm, đừng tra tấn các em bằng những kiểu đánh đố áp đặt trong thời gian các em cắp sách đến trường.

Muốn thanh thiếu niên yêu sách và yêu văn chương, trước hết, hãy viết sách giáo khoa môn văn cho thật hay, thật gần gũi và hấp dẫn đối với những trái tim thơ dại luôn khao khát những điều hay - lẽ phải./.