Tri thức nền tảng - Nhìn từ một vùng ngoại vi


Inrasara
Nhà thơ, Nhà nghiên cứu văn hóa

1. Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hay máy bay hoặc xe du lịch chất lượng cao, chú ý - dễ nhận thấy rằng, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện lặt vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại, dân Việt Nam.


Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử, trong khi người Việt Nam xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn tự trang bị vốn hiểu biết tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và chi tiết được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: Tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Sao sách viết thế này mà cô thuyết minh nói như thế kia? Vân vân… Trong các chuyến tàu ngầm ở Nhật, không gian yên tĩnh lạ thường, bởi non một nửa hành khách cắm cúi vào trang sách!

Xem phim Hàn Quốc, để ý - ta thấy đa phần phòng khách đều có tranh, tranh nguyên bản của họa sĩ nội địa có khi còn vô danh. Ngược lại phim Việt Nam, cũng treo bao nhiêu là tranh, nhưng là họa phẩm của các danh họa nước ngoài, mà là hàng nhái, hàng giả!

Không phải dân Hàn thưởng thức nghệ thuật lịch lãm hơn ta mà là, điều đó nói lên tinh thần dân tộc của người làm phim, họ muốn con em biết đến dân tộc trước khi ra ngoài thế giới. Đó là chiến lược phát triển rất nền tảng của Hàn Quốc. Nhưng không phải vì thế mà người Hàn Quốc cố chấp hẹp hòi, chỉ biết tổ quốc mình mà bất cần thiên hạ. Chính tại Hàn Quốc, đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tổng thống họ đã chủ trương thay thế chủ nghĩa dân tộc bằng chủ nghĩa dân tộc mở (open nationalism)(1): Mở ra với thế giới mênh mông, mà không phải đánh mất mình.

Quan sát vẻ ngoài một hiện tượng nào đó bất kỳ của xã hội luôn bị định kiến đánh lừa. Bởi đến hôm nay, chưa có thống kê đầy đủ rằng có bao nhiêu người Việt Nam thường xuyên đọc sách, đọc sách loại gì, đọc như thế nào... rồi lứa tuổi, thành phần xã hội, địa phương, vân vân... qua đối sánh với vài nước trong khu vực hay trên thế giới.

2. Dẫu sao ấn tượng ban đầu không phải không cần thiết cho gợi ý so sánh.

Hành khách tàu ngầm Nhật cũng như bao nhiêu khách Tây balô đi du lịch Việt Nam chắc chắn không là dân đặc tuyển. Họ thuộc đại chúng, nhưng qua cách hành xử với chữ nghĩa, họ khác ta rất nhiều - ít ra là trong thời điểm hiện tại. Ở đây, tôi thử chọn một đối tượng phổ thông mà tôi biết rõ: Người Chăm ở miền Trung Việt Nam. Cộng đồng này cư trú tại vùng đồng bằng xen cư/ cộng cư với người Kinh, không ở vùng sâu vùng xa như vài dân tộc khác cũng không phải tại các trung tâm văn hóa lớn. Họ là một dân tộc từng sở hữu nền văn hóa phong phú, trong cuộc sống hôm qua và hôm nay, được coi là cộng đồng có truyền thống học và đọc.

Trước 1975, theo chỗ tối biết, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có khoảng 20 gia đình sở hữu tủ sách trên dưới nửa ngàn cuốn, tiếng Việt và cả tiếng Pháp, trên dân số 25.000 người. Hiếu Lễ: 3, Mỹ Nghiệp: 3, Phước Nhơn: 2, Hữu Đức: 4, Như Ngọc: 1,... Tôi hân hạnh vài lần ghé thăm tủ sách các gia đình này. Hiện tượng đó hầu như không tồn tại trong xã hội tràn ngập thông tin của thời hiện đại.

Hiện nay, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có - nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn. Trong khi dân số người Chăm ở tỉnh này tăng gấp 5 lần, vào năm 2010. Chưa nói đến “trình độ học vấn” được nâng cao gần như là đại nhảy vọt(2).

Hơn nửa ngàn đầu báo, tạp chí đủ loại tràn ngập thị trường; ngoại lệ còn có các loại báo như Tuổi trẻ, Công an Thành phố, Bóng đá... được bày bán ngay đầu ngõ vào plây. Bà con nông dân, tầng lớp có học xem ti vi và đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện. Người Chăm trong xã hội Việt Nam vài chục năm qua, đã như thế. Ít thói quen đọc sách. Thói quen vào hiệu sách tìm mua thì càng hiếm hơn nữa. Có lẽ sau 1975, đất nước lâm cảnh nghèo khó kéo dài đã gây nên tình trạng đó, từ đó làm thành thói quen chung chăng?

Không hẳn vậy.

3. Tại sao?

Còn nhớ, thuở Trường Trung học Pô-Klong, Tủ sách Trường có khoảng 500 cuốn giá trị được đóng bìa dày khá đẹp. Hai năm liền làm thủ thư, thống kê cho tôi biết có khoảng 25% học sinh toàn trường đăng ký mượn sách, con số thường xuyên trên dưới 10%. Đầu sách được mượn nhiều nhất là Tề thiên đại thánh nhiều tập có tranh minh họa bên cạnh loại truyện trinh thám hay phiêu lưu đường rừng; sau đó là các tác phẩm Tự lực Văn đoàn và Thơ Mới, rồi sách văn học đương đại, sách trau dồi kiến thức về khoa học và kỹ thuật; sau cùng là các tác phẩm văn học kinh điển Tây phương. Chính nhờ tủ sách đó mà thế hệ học sinh Chăm được Pô-Klong đào tạo có vốn đọc kha khá khi vào đời sau tháng Tư 1975 và Trường bị giải thể.

Điều đáng chú ý là Tủ sách do một giáo sư Mỹ trang bị; còn gợi ý cho học sinh đọc là các “giáo sư” được đào tạo ở trường Pháp. Dù giá sách thời ấy khá đắt học sinh ít có khả năng mua, nhưng khi ở Trường thì đã có Tủ sách Trường; cuối tuần xuất trại “Ký túc xá” về quê, có tủ sách gia đình bạn để có thể mượn. Từ đó tạo thành thói quen đọc.
Sau 1975, tất cả thói quen đó bị cắt đứt.

Đất nước đói khát sau cuộc chiến đã làm đảo lộn tất cả. Từ khủng hoảng đời sống kinh tế lây lan sang khủng hoảng tinh thần, xảy ra cả với thành phần được cho là ưu tú.

Câu chuyện.

Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Caklaing thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của Heidegger, chợt nhăn nhó:

- Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi: Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không? 
- Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.
- Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?
- Thì đúng rồi!
- Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, và học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Karl Marx? Mà Marx là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…

Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con ngưi, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Pascal đấy, chắc thầy chưa quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.

Nhưng đó chỉ là một trong những nguyên nhân, lại là nguyên nhân rất thứ yếu.

Trước 1975, thế hệ cha ông chúng tôi không ai là không biết chữ, không ai là không đọc thông viết thạo chữ Chăm; biết để có thể thảo luận về phong tục tập quán, về lịch pháp và lịch sử, về văn chương, triết lý không phải là hiếm. “Trí thức” Chăm - phần đông là nông dân chưa được trang bị kiến thức Tây học - tranh luận và bàn cãi về các vấn đề tri thức trong môi trường văn hóa rất đặc trưng là các dịp lễ hội dân gian. Sau giải phóng, tất cả đều tắt ngúm. Giới có [Tây] học Chăm ngày càng xa lạ với chữ mẹ đẻ; còn việc đọc hiểu văn bản chép tay cổ thì ví như chuyện hái sao trên trời.

Với chữ nghĩa và văn hóa truyền thống dân tộc đã thế, tri thức về thế giới bên ngoài lại càng tệ hại hơn. Giải phóng - qua nhiều đợt càn quét “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy”, hầu hết sách báo ở nhà quê Chăm đều bị vét sạch sành sanh. Làng xóm khan sách, ngay cả thị xã Phan Rang cũng chỉ có mỗi “Hiệu sách nhân dân”, mà sách thì luôn là... “sách mẫu” không bán. Không bán cho đến mãi thời mở cửa. Mười lăm năm thiếu sách cũng đủ giết chết thói quen đọc sách cùng “khả tính tri thức” của một thế hệ chưa lấy gì làm vững vàng. Đứt mạch truyền thống, rồi khi truyền thống được nối lại thì giá sách thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ở trên trời, vượt tầm với của đại bộ phận người có học cư trú vùng nông thôn.

Thế hệ này không “dốt” mới lạ!

Dốt, họ vẫn tìm đọc. Đọc lúc này - qua giáo dục nhà trường hay tự học - đa phần là để thu thập kiến thức với mục đích duy nhất là chống giặc đói hay giật lấy tấm bằng. Giật lấy tấm bằng để tiếp tục “chống đói” ở bậc cao hơn. Nghĩa là sự học cũng có cấp tập, người đọc cũng tỏ vẻ ham hố, nhưng để phục vụ cho sự no ấm, ngon đẹp của tấm thân là chính.

Thực tế, môn triết học - được cho là môn học nền tảng của mọi nền tảng giúp con người suy nghiệm cuộc sống chiều sâu - đến hôm nay vẫn chưa có mặt nghiêm túc trong các Đại học Việt Nam. Không có truyền thống triết học, ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Trước 1975, chương trình Đại học còn có vài khởi động đặt nền tảng cho nó, Giải phóng - triết học như là triết học hoàn toàn bị triệt tiêu.

Chúng ta tự đánh mất đi thú vui đọc [và học], thú vui của một thiện tri thức.

Truyện cổ Chăm: “Đi tìm học bán vợ”

Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai mười hai tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bàlamôn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:

- Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.

Không chần chừ, người nông dân bảo:

- Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.
- Ta không có trâu để cày.
- Con có cặp trâu đã thuần.
- Ta cũng không có người chăn trâu.
- Con có đứa con trai khỏe mạnh, người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.
- Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.
- Con nguyện lo cho guru.
- Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.
- Nhà ngươi có vợ chứ? Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.

Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.

Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bàlamôn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.

Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bàlamôn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:

- Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lý Bàlamôn.

Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:

- Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.

Nửa năm sau, vị sư nói:

- Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.

Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:

- Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.
- Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.
- Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.

Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.

Truyện cổ cho ta biết, ngày xưa người học sẵn sàng trả giá đắt cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hy sinh, cả hy sinh điều không thể hy sinh. Học, không phải để mưu lợi mà là học để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức đúng nghĩa, tình yêu tri thức. Chỉ học như vậy, người học mới đạt đến minh triết thực sự. Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình, nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Và cuối cùng, khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi. Hãy đi một mình, và thầy phải đuổi đi, để trò dám và biết đi một mình. Như một Thiền sư: Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng!

Mục đích của nhà trường là đào tạo con người tiêu chuẩn, đâu cũng thế, không thể khác. Nên, không thể trách. Riêng Việt Nam, ta còn đẩy món chuẩn kia đi đến đầu mút của con người đóng hộp, bằng cơ chế và chính sách giáo dục Theo-ism. Theo-ism từ “thuật nhi bất tác”, “Tử viết” suốt ngàn năm, Theo-ism bám ta đến tận hôm nay. Sau giai đoạn “quét” là cấm đoán, cấm đoán cả khi đất nước đã mở cửa. Mở cửa, cơ chế Đại học ta cứ đóng. Mở cửa, văn học Việt Nam cứ he hé. Mở cửa, văn hóa Việt Nam cứ khép nép, run rẩy trước thâm nhập của các nền văn hóa khác, nhất là khi chúng xuất phát từ Tây phương.

Đóng, ta đánh mất cơ hội thưởng thức những độc đáo của các nền văn hóa, thưởng thức bao nhiêu kiệt tác văn chương nhân loại cùng các chuyển động của phong trào văn học nghệ thuật, hiểu biết các trào lưu tư tưởng lớn trên thế giới. Chủ nghĩa dân tộc mở nhận thức rằng “không cần sợ mất diện mục văn hóa của mình. Tốt hơn, họ nên sợ mất cơ hội thưởng thức văn hóa khác” (The Koreans need for fear losing their cultural identity. Rather, they should fear losing the chance of enjoying other cultures)(3).

Khi không được trang bị nền tảng hiểu biết ban đầu ở thế hệ trẻ, từ đó nhúm lên niềm vui của tìm “biết”, niềm vui thưởng thức các sáng tạo mới lạ của loài người thì việc đọc trở nên trì trệ. Càng trì trệ nó càng làm tê liệt để cuối cùng giết chết niềm vui kia.

Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hay các Trung tâm bồi dưỡng viết văn, các trào lưu văn chương đương đại trên thế giới hãy còn khá xa lạ với sinh viên. Tri thức cơ bản nhất về các hệ thẩm mỹ văn học nghệ thuật tiên tiến không được cập nhật, thế hệ nhà văn, nhà phê bình tương lai hiện đang ngồi ghế giảng đường còn không biết thiên hạ đang đi đến những đâu nữa.

Nhà trường là thế, còn xã hội ngoài kia? Chưa nói đến cộng đồng làng xã với văn hóa làng xã luôn dị ứng với cái mới, cái khác mình, sẵn sàng tư thế miệt thị, áp chế tư tưởng vượt qua tầm hiểu của mình; ngay một tổ chức xã hội đầy quyền năng chuyên môn như Hội Nhà văn Việt Nam, cũng chưa có cái nhìn thoáng mở, chưa thực sự dũng cảm ủng hộ cái trái ngược. Phần thưởng dành cho sự độc đáo càng hiếm hơn nữa.

Truyền thống gia đình Việt Nam [và đa phần, là Đông phương] luôn đặt nề nếp gia phong lên hàng đầu, đã từng trói buộc tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Nếu có gì thêm, thì chỉ như một tiếp nối nếp nhà, chứ không đi ngược lại hay phá hủy nó để làm ra cái mới lạ. Ông bà, cha mẹ dạy con cháu yêu quý nâng niu sự ổn định hơn là đam mê tinh thần mạo hiểm khai phá. Từ đó, cá thể trong cộng đồng hẹp kia sớm hài lòng với thành quả nhỏ bé đạt được hơn là theo đuổi mục đích to lớn tối hậu.

Cá nhân nào có thể vượt được cơ chế [và định kiến] từ gia đình, nhà trường đến xã hội kia?(4)

Không biết thiên hạ đi tới đâu, ta mất đi chất kích thích phấn đấu vươn vượt. Không khuyến khích sự ra đời của cái mới, kẻ sáng tạo mất đi nguồn động lực.

Thì còn đọc làm gì nữa?!

4. Làm gì?

Phải làm lại từ đầu. Sau khi Tủ sách INRA khai trương ở Nhà trưng bày văn hóa Chăm INRAHANI tại Caklaing năm 2007 với khởi đầu 2.000 đầu sách cùng ngàn bản tạp chí các loại, đã có một Tủ sách gia đình khác mọc lên cũng tại Mỹ Nghiệp với 300 bản cả sách lẫn tạp chí. Tất cả phục vụ miễn phí cho đồng bào. Đó là tín hiệu tốt. Nghĩa là người Chăm Mỹ Nghiệp và các làng lân cận đã CÓ SÁCH để đọc. Sách - cùng với sản phẩm văn hóa các loại - được mang đến tận tay bà con vùng miền dân tộc thiểu số được cho là ngoại vi. Anh nông dân sau buổi cày tranh thủ vài mươi phút ghé đọc chỉ để thỏa mãn tính tò mò, cô sinh viên nghỉ hè về quê vẫn có thể tạt vào tham khảo tài liệu cho khóa luận sắp tới, cậu bé chăn trâu buổi tối chạy qua ngốn cho hết cuốn truyện đọc dang dở... mà không phải đợi giờ hành chính của Bảo tàng hay Thư viện Tỉnh. Đó là cách thế giải trung tâm trong hành động theo tinh thần hậu hiện đại: Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương.

Nhưng như thế đã đủ chưa?

Vấn đề có SÁCH GÌ và ĐỌC NHƯ THẾ NÀO cần được đặt ra.

Ngoài các tác phẩm cùng tạp chí các loại thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và thực tiễn đời sống, “Kế hoạch 500 cuốn sách” của Ngô Tự Lập là rất đáng suy ngẫm(5).

Không ngại kiến thức chứa đựng trong 500 cuốn sách kia vượt tầm hiểu của cộng đồng. Không chịu đọc tác phẩm vượt tầm hiểu của mình, thì vẫn còn chưa biết ý nghĩa và thú vui của đọc.

Russell Ackoff phân loại năm cấp đọc:

Dữ liệu (data): Có thể tồn tại dưới mọi hình thức tự nhiên, tự thân không mang theo ý nghĩa. Thông tin (information): Các dữ liệu được liên kết với nhau để trả lời các câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, khi nào. Kiến thức (knowledge): Nâng cao thông tin lên một bậc để trả lời câu hỏi: như thế nào. Hiểu biết (understanding): Nâng cao kiến thức lên một bậc để có thể trả lời câu hỏi “tại sao”. Trí tuệ (wisdom): Bao gồm các hiểu biết đã được đánh giá và tổng hợp để có thể tự đặt ra các câu hỏi mà chưa có câu trả lời, để tự mỗi người định ranh giới đúng - sai hay xấu - tốt(6).

Tùy nhu cầu, thời gian và việc làm mà mỗi người đọc tự hạn định cho mình việc chọn sách và cách đọc. Hình thức nào đi nữa, đọc để dẫn đến sở hữu trí tuệ phải là tiêu đích cuối cùng.

Từ khi các phương tiện nghe nhìn đủ loại phát triển nhanh chóng lấn át văn hóa đọc, sách giấy ngày càng trở nên yếu thế, nếu không muốn nói nó đang lâm vào khủng hoảng, thì cuộc cách mạng khác được khởi động: Sách điện tử e-book. Ở đó sản phẩm Kindle của công ty Amazon ra đời năm 2007 đánh dấu mốc lớn. Sau đó là các công ty Sony, Fuji, Google, Apple cho ra các thế hệ e-reader hiện đại hơn, có trữ lượng lớn hơn, tiện dụng hơn và nhất là, ngày càng rẻ hơn. Vừa túi tiền với người đọc mới. Họ có thể dùng nó bất kỳ đâu, chọn lựa bất cứ loại sách nào mình thích. Trong đó có người đọc “phổ thông” ở vùng ngoại vi, như đã đề cập.

Nhưng dù chữ nghĩa hiện diện trên giấy hay màn hình vi tính, vấn đề thiết yếu cuối cùng cần nhấn: đâu là NƠI gợi hứng tốt nhất cho thú vui đọc? - Nhà trường, chứ không đâu khác. Chẳng những gợi hứng mà chính nhà trường còn là nơi gợi mở cho tìm tòi, sáng tạo. Tôi thử làm cuộc điều tra bỏ túi các sinh viên Khoa Sáng tác và Lý luận - phê bình văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội về Barthes, Foucault, Derrida, Kristeva… thì nhận được câu trả lời không chút ngại ngần rằng đó là các tên tuổi hoàn toàn còn xa lạ với họ. Riêng về thái độ đối với các loại báo của Hội Nhà văn Việt Nam, thì - rất ít người đọc. Nguyên do ư? - Không có gì để đọc cả! Sinh viên viết văn cần học/ đọc CÁI MỚI, nhưng chương trình Đại học và các loại báo chuyên văn học đã không cung cấp thông tin gì mới cho họ cả! Hỏi người trẻ yêu văn chương hôm nay biết gì về các trào lưu văn học đương đại như tân hiện thực, thơ tân hình thức, hậu hiện đại…? Câu trả lời thật lòng nhất là: mù. Mù, nên không biết đâu điểm xuất phát, từ đó hết còn hứng thú dấn vào sâu hơn trong hành trình tìm tòi khai phá, cuối cùng là chấm dứt luôn cảm hứng sáng tạo(7)./.

Sài Gòn, 25/08/2010
______

(1) The Korea Times, 25-2-2000, dẫn lại theo Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, NXB Văn nghệ, California, Hoa Kỳ, 2002, tr. 571.
(2) Chăm ở Ninh Thuận có 3 tiến sĩ, hơn 30 người trình độ thạc sĩ và sau Đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có năm người du học nước ngoài. Trình độ phổ thông khá cao. Hiện nay riêng tỉnh Ninh Thuận có non trăm kỹ sư đủ ngành nghề, 57 bác sĩ, 200 y sĩ, y tá đang làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong huyện Ninh Phước có 177 Y, Bác sĩ, Y tá và nữ hộ sinh đang công tác thì số lượng Y, Bác sĩ người Chăm chiếm tỷ lệ cao nhất 57% (101 người). Đội ngũ Đông y dân tộc Chăm là 254 người (Theo tư liệu nội bộ: “Tìm hiểu một số vấn đề về dân tộc và chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, 2008”).
(3) The Korea Times, 18-11-1999, dẫn lại theo Hoàng Ngọc-Tuấn, Sđd, tr. 573.
(4) Xem: Inrasara, “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008. 
(5) Ngô Tự Lập, “Kế hoạch 500 cuốn sách”, báo Tuổi trẻ, 07-3-2004.
(6) Bùi Văn, “Càng ít thời gian, càng cần đọc sách”, SachHay.com, 26-3-2008.
(7) Xem thêm: Inrasara, “Vẫn chưa sẵn sàng cho giao lưu”, tạp chí Tia sáng, 05-8-2010.