Báo cáo đề dẫn Văn hóa đọc với sự phát triển con người và xã hội

Vụ Thư viện
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong phần mở đầu Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện công cộng (năm 1994) có nhấn mạnh: Tự do, phồn vinh và phát triển xã hội và cá nhân là những giá trị cơ bản của con người. Nhưng những giá trị đó chỉ đạt được với điều kiện là các công dân được thông tin tốt mới có khả năng sử dụng các quyền dân chủ của mình và đóng vai trò tích cực trong xã hội.
Việc tham gia có tính chất xây dựng và phát triển nền dân chủ phụ thuộc vào trình độ học vấn đầy đủ, sự tiếp cận tự do và không hạn chế tới tri thức, tư tưởng, văn hóa và thông tin.

Để người dân có trình độ học vấn đầy đủ và có khả năng tiếp cận tri thức, tư tưởng, văn hóa và thông tin, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến phát triển giáo dục, phát triển văn hóa, các chính sách về con người…

Theo các nhà nghiên cứu, những kiến thức được trang bị trong nhà trường chỉ chiếm 25% tổng kiến thức con người cần sử dụng trong cuộc đời sống và làm việc của mình. Những kiến thức được trang bị trong nhà trường bị giới hạn theo chương trình và cấp học của từng người trong khi để thích ứng với môi trường xã hội không ngừng thay đổi, con người phải thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Để khắc phục được tình trạng trên, đọc là một phương cách quan trọng để mọi người có thể không ngừng mở rộng, tích lũy tri thức, thực hiện việc học suốt đời. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cùng các ngành, các cấp cũng đã đưa ra được một số chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ đang dừng lại ở những định hướng và giải pháp tình huống. Một số chủ trương chưa đi vào thực tiễn và đạt được hiệu quả như mong muốn. Trước thực tế đó, Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Nằm trong một chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược này, Bộ VHTT&DL tiến hành tổ chức 2 cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

1. Tính cấp thiết phải phát triển Văn hóa đọc

Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiếp tục phát triển và tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành xu hướng của mọi quốc gia. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải không ngừng nâng cao trình độ, có kiến thức và kỹ năng phù hợp với một môi trường làm việc không ngừng thay đổi và đảm bảo cho việc hội nhập thuận tiện hơn.

Mặt khác, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ web đã có sự phát triển vượt bậc cùng với sự gia tăng các tài liệu số và các nguồn thông tin điện tử giúp cho con người có thể tiếp cận thông tin và tri thức đa chiều hơn. Nhưng sự kiểm soát về chất lượng thông tin cũng trở nên khó khăn hơn, hiện tượng nhiễu tin và thông tin rác cũng đang trở thành một vấn nạn khó khắc phục.

Thêm vào đó, ở Việt Nam trong thời gian gần đây, việc đổi mới và đa dạng hóa các loại hình giáo dục: đào tạo theo tín chỉ, vừa học vừa làm, đào tạo từ xa đòi hỏi người học, học sinh, sinh viên phải không ngừng tự học, tự đọc, tự nghiên cứu.

Tất cả những vấn đề được đặt ra trong thực tế nêu trên đòi hỏi phải phát triển văn hóa đọc. 

Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người, thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin và tri thức. Đó là sự tích hợp của các yếu tố: Nhu cầu đọc, thói quen đọc và được biểu hiện qua hành vi, tập quán đọc của cá nhân và cộng đồng. Văn hóa đọc phát triển sẽ có tác động tích cực đến việc phát triển cá nhân và xã hội, góp phần đắc lực vào việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Đối với mỗi cá nhân, phát triển văn hóa đọc sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi giúp cho con người có thể không ngừng nâng cao hiểu biết, cập nhật kiến thức để học tập, nghiên cứu, làm việc và có thể mưu sinh một cách tốt hơn; Thông qua việc đọc sách, con người còn có thể hoàn thiện hơn về nhân cách, cách ứng xử Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, đọc sách góp phần xóa mù chữ và tái mù. Mặt khác, đọc sách còn giúp cho con người có thể giải trí, thư giãn sau những giờ lao động và học tập mệt mỏi, giúp người dân có thể sử dụng thời gian rỗi một cách lành mạnh và tích cực.

Ngày nay, với sự phát triển và ảnh hưởng của CNTT & Internet, người đọc có thể tiếp cận thông tin một cách đa chiều hơn. Ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận là người đọc có thể có được thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng, cập nhật, tiện lợi thì bên cạnh đó cũng đồng thời xuất hiện hiệu ứng “nhiễu thông tin”. Nhiều bài báo, sách và những thông tin dạng không chính thống và thiếu kiểm soát xuất hiện. Thông tin có chất lượng kém, sai lệch được tự do lưu hành, không kiểm soát được trong môi trường mạng. Vì vậy, không ít người đọc với trình độ dân trí còn hạn chế sẽ khó mà chọn được dòng thông tin thực sự có ích để sử dụng nhằm nâng cao hiểu biết hoặc áp dụng vào sản xuất. Do đó, phát triển văn hóa đọc là tạo điều kiện để người dân được tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin có chất lượng cao.

Trên bình diện xã hội, văn hóa đọc góp phần nâng cao dân trí; góp phần xây dựng xã hội học tập; góp phần xóa đói giảm nghèo… Trong các chính sách liên quan đến phát triển văn hóa, phát triển văn hóa đọc có một ý nghĩa quan trọng. Chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện được các mục tiêu Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Quan điểm định hướng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đọc

Chiến lược phát triển văn hóa đọc đã được xây dựng dựa trên cơ sở tiếp thu các quan điểm chỉ đạo của ba văn bản quan trọng:

- Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998 Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triến nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
- Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”
- Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ

Chiến lược phát triển văn hóa đọc đã đặc biệt chú trọng quan điểm: xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với nhiều đức tính, trong đó có “Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực” được đặt ra trong Nghị quyết TW 5 và quan điểm về xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân thiện mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh… được đặt ra trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

3. Mục tiêu phát triển văn hóa đọc đến năm 2020 được xác định trong Chiến lược

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, mục tiêu chủ yếu của phát triển văn hóa đọc cần phải đạt được:

Một là, mọi hoạt động của văn hóa đọc đều hướng tới việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: có lối sống lành mạnh, có tri thức và khả năng vận dụng tri thức vào công việc và cuộc sống, có ý thức cộng đồng, tuân thủ luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhân cách và ý thức không ngừng vươn tới chân thiện mỹ. Đặc biệt, chiến lược xác định: Lấy phát triển con người là mục tiêu trung tâm.

Hai là, xây dựng được môi trường đọc có văn hóa với các thư viện hiện đại có nguồn lực thông tin phong phú, các hình thức dịch vụ thân thiện có khả năng thỏa mãn nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, hình thành các tủ sách phục vụ cho các đối tượng.

Ba là, tạo điều kiện cho người dân ở mọi độ tuổi, ngành nghề, mọi địa bàn cư trú có điều kiện tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại và dân tộc thông qua sử dụng sách, báo, tài liệu, thông tin có chất lượng một cách thuận lợi.
4. Những vấn đề trọng tâm cần bàn luận

Trong quá trình soạn thảo chiến lược phát triển văn hóa đọc và chuẩn bị cho việc tổ chức hội thảo, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo quản lý, giới trí thức, các nhà khoa học, giáo dục, các doanh nhân và đông đảo bạn đọc. Những ý kiến đóng góp được đưa ra trên nhiều bình diện khác nhau. Tất cả đều thể hiện sự tâm huyết của mọi người đối với việc phát triển văn hóa đọc. Để cuộc hội thảo này đạt được hiệu quả thiết thực phục vụ cho mục đích xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, chúng tôi đề nghị các tham luận và ý kiến tập trung vào ba nội dung lớn:

- Đánh giá thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam
- Đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa đọc, xác định những biện pháp mang tính chiến lược, các giải pháp tình huống, giải pháp lâu dài và những biện pháp cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đọc một cách có hiệu quả
- Góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Trên đây là một số nét khái quát liên quan đến việc văn hóa đọc và việc sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Thông qua cuộc hội thảo này, chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp đầy nhiệt huyết từ các quý vị đại biểu để chúng ta cùng góp phần hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển văn hóa đọc của Chính phủ phục vụ thiết thực cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội./.