Một ngày tôn vinh để gìn giữ và phát triển văn hóa đọc

Võ Hoàng Anh
Sinh viên chuyên ngành Sinh học Động Vật - khoa Sinh Học
Đại Học Khoa Học Tự Nhiên - Đại Học Quốc Gia T.P Hồ Chí Minh

Học bằng cách đọc là một điều thú vị nhất. Nếu việc đọc làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy, thì việc không đọc sẽ khiến ta trống rỗng khủng khiếp. 


Walt Disney đã từng viết về điều đó trong lời mở đầu của bộ sách Tri thức thế giới (The book of knowledge, NXB Grolier Incorporated). Quả thực những trang sách hay dạy một con người không chỉ thành công mà còn thành nhân. Bởi lẽ “Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu - Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không” (câu đối của Nguyễn Hiến Lê). Để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc và thế giới, tôi thiết nghĩ văn hóa đầu tiên cần phải nghĩ đến đó là văn hóa đọc. Chỉ có văn hóa đọc mới có sức ảnh hưởng, bao trùm, tác động đến nhận thức, tầm hiểu biết và hành động của con người khi đến với các văn hóa khác, kể cả những văn hóa thuộc về nghe – nhìn.

Vậy tại sao người Việt chưa có ngày tôn vinh văn hóa đọc?

Sách lưu trữ những kiến thức tự ngàn xưa cho đến thời nay. Toàn bộ cuộc sống của loài người đều được phản ánh trong sách. Không chỉ là kho lưu trữ kiến thức, sách còn là người thầy mở tư duy, dạy cách đón nhận, cư xử và sống đúng. Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, chúng ta đã đổ lỗi cho quá khứ chiến tranh. Nhưng cần xem lại cách sống, cách học và đường lối hiện nay đã thực sự nỗ lực đưa đất nước đi lên hay chưa? Chúng ta đã bỏ quên quá nhiều điều tự bản thân chúng ta có thể làm được, nhưng lại không tự khai thác bản thân, học hỏi và cầu tiến. Một phần đa trong giới trẻ, những thú vui và nhu cầu giải trí, học hỏi được tìm đến lại là những “thức ăn liền” như phim ảnh, game online,…và thụ động hơn khi đến với sách. Điểm lại những sự xuống cấp về đạo đức sống, đạo đức kinh doanh trong thời gian vừa qua, như những sản phẩm không an toàn được tung ra thị trường bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, như chuyện bẻ hoa trong lễ hội hoa, như những clip học sinh đánh nhau một cách côn đồ và thờ ơ nhìn người khác bị nạn,… Những điều đó quả thực đáng báo động và xót xa cho sự xuống cấp về đạo đức. Nguyên nhân sâu xa do đâu?


Nếu như mỗi người đều có ý thức về văn hóa đọc hơn, nếu như những trang sách được trân trọng hơn,… thì người với người biết sống hơn. Tôi nhớ những trang sách tôi đọc từ thuở bé, như “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis, như “Tốt tô chan – cô bé bên cửa sổ” của Tetsuko Kuroyanagi,… hay những câu chuyện cổ tích Việt Nam,… Đó là những người thầy dạy đạo đức đầu tiên cho tôi. Những cuốn sách dạy chúng ta làm người, những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ, có thể chưa hứa hẹn về một tương lai thành công, nhưng dám sống đúng, sống thành nhân, biết cho và biết nhận, biết giá trị cốt lõi của Chân – Thiện – Mỹ.

Ngày Tết đọc sách, để gìn giữ và phát triển văn hóa đọc, từ đó chúng ta quan tâm, thấy được giá trị và trân trọng những trang sách hay hơn. Đất nước có một ngày lễ như vậy là một điều đáng mừng, khẳng định vai trò của sách, của văn hóa đọc, của trí tuệ và nhân tâm. Ngày Tết đọc sách, tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc cũng như trí tuệ, tinh hoa dân tộc và nhân loại. Hướng chúng ta phải nghĩ về và có trách nhiệm hơn với sách… Đầu tiên là những người làm sách và những người mê đọc sách, những người quan tâm sách nhất. Những người làm sách xuất bản được những cuốn sách thực sự có giá trị, đúng và chất lượng, không sai lệch thông tin và sai lệch văn hóa, đạo đức. Còn những người đọc thì biết tìm đến những tác phẩm hay, dù tự nhiên hay xã hội, khoa học hay nghệ thuật, tác phẩm hay và đúng đắn luôn có tác động tốt đối với đời sống và đạo đức con người. Đọc có lựa chọn vì giá trị thực của sách chứ không vì trào lưu, vì đối phó hay tệ hơn là không đọc sách. Từ những trang sách hay, con người bước ra đời sẽ biết tư duy, cư xử đúng hơn, biết tôn trọng những cái đẹp trong cuộc sống hơn… Cái đẹp trong cuộc sống, đơn giản là những hành động đẹp đời thường, đơn giản là một sản phẩm tốt có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, là sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển không dẫm đạp vào lợi ích của người khác…

Ngày 23/4 hàng năm là Ngày Sách Thế Giới và Bản Quyền, cũng là ngày mất của ba vị đại văn hào thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega vào năm 1616. Ở một số nước cũng lấy ngày này làm ngày lễ sách truyền thống, được coi như một sự kiện văn hóa có tính chất dân tộc. Nhưng ở Việt Nam, ngày này còn ít người biết đến. Bởi người Việt chưa thực sự thấy được giá trị của việc đọc và tự học, cũng một phần do xã hội đã giáo dục và làm nên tư tưởng của người Việt như thế. Thay đổi cả một hệ thống là việc quá khó, nhưng thay đổi dần dần về việc nhận thức để tự thay đổi bản thân mình bằng việc tự học, có lẽ bất cứ ai cũng có thể. Những trang sách giúp chúng ta có được kiến thức, hiểu biết để áp dụng, có được ước mơ để hành động. Từ đó mà đất nước ta khởi sắc hơn. Tựa như ngày lễ Valentine có lệ tặng hoa hồng và chocolate, những “tục lệ” truyền thống trong lễ Tết này, sẽ là tặng những người thân yêu của mình cuốn sách hay, gia đình, bạn bè được ngồi lại bên nhau và đàm đạo về những cuốn sách hay đã đọc được trong những ngày còn lại… Chúng ta thực sự chờ mong một ngày Tết đọc sách đến cho người Việt, để tất cả được hòa chung niềm đam mê với sách, thắp sáng và lan tỏa niềm đam mê ấy đến rộng khắp với người dân. Đó là điều mừng cho nền giáo dục và xã hội Việt Nam.