Nghĩ về cuộc vận động "Tết đọc sách"


Quách Thu Nguyệt 
Nguyên GĐ - TBT NXB Trẻ

Còn nhớ cách đây hai năm, tại Hội sách thành phố lần thứ V - 2008, trong cuộc Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”, SachHay.com đã đưa ra ý tưởng nhằm cổ súy cho văn hóa đọc bằng cuộc vận động “Một ngày toàn dân đọc sách”, hay còn gọi “Tết đọc sách”.
Lúc bấy giờ đã có ý kiến đề xuất chọn ngày 23/4, ngày “Đọc sách và bản quyền thế giới”, hoặc chọn một tuần trước ngày khai giảng năm học mới (ngày 30/08). Năm nay trở lại với ý tưởng “Tết đọc sách, tại sao không?”, tôi xin trao đổi những nội dung liên quan như sau: Chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các nơi trong ngày đọc sách thế giới; Chọn ngày nào?; Đối tượng nào để vận động? và Làm cách nào để kiến nghị được chấp thuận.

1. Chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của thế giới:

Từ rất lâu, ngạn ngữ xưa từng “bình chọn” ba sản phẩm sau đây là những nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống của con người: Bánh mì, hoa hồng và sách. Và cũng từ rất sớm, thông qua UNESCO, năm 1872 được chọn là năm Sách Quốc tế. Đến năm 1995, nhân loại đã có một ngày để vinh danh sản phẩm tri thức được bảo lưu và truyền từ đời này sang đời khác bằng một ngày “Đọc sách và bản quyền thế giới” được tổ chức hàng năm vào ngày 23/4.


Ngày đọc sách có xuất xứ từ một phong tục truyền thống tốt đẹp của xứ Catalan (Tây Ban Nha). Vào ngày 23/4 (ngày lễ Thánh George) tại Catalonia,  nhiều lễ hội sách trên các đường phố được tổ chức và mỗi khách hàng đều được tặng một đóa hoa hồng kèm theo mỗi cuốn sách họ mua. Quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Đọc sách và bản quyền thế giới”, UNESCO mong muốn khuyến khích mọi người, đặc biệt giới trẻ khám phá niềm vui đọc sách. Ý nghĩa của ngày đọc sách thế giới là đẩy mạnh việc đọc sách, thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua bản quyền. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp của ngày Hội này mà cho đến nay trên thế giới có hơn một trăm quốc gia hưởng ứng. Hàng năm vào ngày này nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn được diễn ra khắp nơi, trở thành ngày Hội thật sự của những người yêu sách, khát khao tiếp nhận và lan tỏa tri thức. Từ nhiều năm nay, tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi các hoạt động quảng bá cho ngày đọc sách được trình diễn khắp nơi trên đường phố, trên các phương tiện giao thông cộng cộng, trong giảng đường, thư viện, các hoạt động mua bán sách trên đường phố, các hoạt động tặng sách cho cư dân nghèo, bệnh viện, nhà tù, các cuộc thi vận động sáng tác thơ văn, bình chọn sách hay, giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm, tổ chức các buổi đọc và trình diễn sách, các cuộc mạn đàm, hội thảo trao đổi về tác giả tác phẩm về những khuynh hướng sáng tác về bản quyền… Tại Việt Nam vài năm gần đây thông qua các kênh thông tin báo chí và nhất là từ khi có những hoạt động Hội sách được tổ chức với qui mô ngày càng chuyên nghiệp hơn thu hút sự quan tâm của tác giả và bạn đọc trong cả nước thì việc cổ vũ cho văn hóa đọc ngày càng tạo được sự chú ý và đồng tình của dư luận xã hội và công chúng yêu sách. Với những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành đã có một ngày riêng cho ngành, nghề của mình, ngày Truyền thống ngành Xuất bản ngày 10 tháng 10, song vào ngày 23 tháng 4 hàng năm, một vài đơn vị hoạt động trong ngành cũng nhân ngày này có những hoạt động mang tính chất cục bộ, nhỏ lẻ nhằm PR sản phẩm mới, quảng bá thương hiệu cho đơn vị mình. Có lẽ cần nêu một điểm son trong hoạt động này là Hội đồng Anh, đơn vị đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến tổ chức hàng năm các hoạt động tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để nhắc nhở mọi người hướng đến ngày này. Và hầu như năm nào các hoạt động của Hội đồng Anh cho ngày đọc sách thế giới đều được tổ chức với nhiều ý tưởng mới mẻ và đầy sáng tạo, do vậy mà đã tạo được những hiệu ứng tích cực trong việc gây men tình yêu sách nơi giới trẻ.

2. Chọn ngày nào?

Từ đề xuất cần có một ngày Hội riêng chung tay lan tỏa tri thức, để tác giả, bạn đọc, những người hoạt động trong ngành Xuất bản có dịp gặp gỡ, chia sẻ tình yêu và niềm say mê tác phẩm, trân quí tác giả và những người làm nghề… nhiều ý kiến đề xuất chọn một ngày cụ thể trong năm làm ngày “Tết đọc sách”. Tựu trung có những ý kiến như sau:

Ngày 23/4, với lý do hiện nay chúng ta đã giao lưu và hội nhập sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực, vả lại đã có những ngày Hội được tổ chức trên khắp các nước trở thành quen thuộc với người Việt như ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Tình yêu (Valentine day), ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày của Cha, ngày của Mẹ…Thế thì tại sao ta không chọn ngày này để có những hoạt động nhiều màu sắc hòa chung với tình yêu sách của mọi công dân trên khắp hành tinh này?

Chọn một ngày trong tuần lễ trước khi vào ngày khai giảng năm học mới, và có thể đó là ngày 30 tháng 8 hàng năm. Đây là ý tưởng được đề xuất trước đây nhân cuộc Hội thảo “Người Việt có mê sách?”. Lý do được nêu cho việc chọn ngày này vì đối tượng trung tâm cho việc vận động niềm say mê đối với sách chính là thanh thiếu niên, tuổi trẻ học đường,  giường cột của nước nhà.

Chọn một ngày trong những ngày diễn ra Lễ Hội sách cấp quốc gia được tổ chức hàng năm. Cho đến nay xét về qui mô, tính chuyên nghiệp, Hội sách thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức hai năm một lần xứng tầm đại diện cho hoạt động mang đẳng cấp quốc gia. Kể từ năm 2000 với mục tiêu biến những ngày Hội sách trở thành điểm hẹn, nơi gặp gỡ những người yêu sách, nơi trao đổi bản quyền tác giả, hoạt động Hội sách trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân thành phố. Qua 6 kỳ tổ chức, Hội sách thành phố Hồ Chí Minh đã thành công và đạt được những yêu cầu của chính quyền Thành phố, thỏa được niềm mong mỏi, kỳ vọng về một không gian văn hóa nuôi dưỡng tình yêu sách của người dân thành phố và bạn đọc trong cả nước. Tuy nhiên với tư cách là thành viên BTC các lần Hội sách đã qua, theo tôi từ Hội sách thành phố lần tới nên tổ chức định kỳ mỗi năm, thay vì hai năm một lần và bên cạnh các hoạt động mua bán của chợ sách giảm giá cần tạo thêm không gian và điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các cuộc tiếp xúc giữa các nhà xuất bản, các công ty kinh doanh sách với tác giả, với đại diện bản quyền trong và ngoài nước. Cần đầu tư nhiều hơn cho các buổi gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm, tạo các diễn đàn, các cuộc thi sáng tác ý tưởng mới, trình diễn, giới thiệu tác phẩm mới. Tổ chức bình chọn và trao giải tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, đơn vị làm sách, nhà phát hành sách… của năm. Thêm vào đó chọn một ngày làm điểm nhấn và là hoạt động đỉnh cao của tuần lễ Hội sách - ngày “Tết đọc sách”. Lý tưởng nhất là chọn thời điểm định kỳ Hội sách vào tuần cuối tháng 4 của năm và ngày “Tết đọc sách” sẽ chính là ngày “Đọc sách và bản quyền thế giới”, 23 tháng 4. Như vậy cùng với một không gian cố định trong Hội sách thành phố, ngày “Tết đọc sách” sẽ có những hoạt động đồng thời và lan tỏa đến khắp các tỉnh thành trong cả nước, liên kết và tạo thành chuỗi hiệu ứng hòa cùng các cộng động cư dân trên khắp các châu lục… Và cứ “đến hẹn lại lên”, ngày Tết đọc sách hàng năm sẽ tràn ngập “hoa hồng và sách”, một không gian lan tỏa tri thức đến với mọi người, mọi nhà, mọi đường phố, mọi nơi…

3. Làm thế nào để kiến nghị thành hiện thực?

Để những đúc kết từ Hội thảo không chỉ là những phát biểu bằng lời, để, “lời nói gió bay”, hoặc chỉ là những kiến nghị trên mặt giấy, theo tôi cần xác định các đối tượng cụ thể cần vận động và các bước tiến hành nhằm đạt được kết quả cụ thể.

a. Mở một đợt vận động trưng cầu ý kiến bạn đọc về việc chọn một ngày trong năm làm ngày “Tết đọc sách” (cũng có thể tại cuộc Hội thảo này BTC có thể thống nhất và kết luận một ngày cụ thể, chẳng hạn như ngày 23/4). Để làm việc này trước hết cần huy động các nhà xuất bản, các doanh nghiệp kinh doanh sách, các tác giả, các nhà hoạt động văn hóa xã hội, các trí thức, văn nghệ sĩ hưởng ứng bằng việc ký tên ủng hộ cuộc vận động này. Cần tổ chức thành một chuỗi hoạt động trong suốt tháng 4 bao gồm việc phát phiếu lấy ý kiến, ký tên, tổ chức các chương trình văn nghệ quần chúng trên các đường phố, tổ chức đi bộ, các hoạt động ngày chủ nhật thiện nguyện… Ở các địa điểm tập trung như trường học, công sở, bệnh viện, các tụ điểm vui chơi giải trí, các thư viện, nhà sách…

b. Vận động và phối hợp các cơ quan truyền thông, báo, đài, các trang web giới thiệu sách, các trang web bán sách trên mạng, các trang mạng xã hội… lấy chữ ký ủng hộ của công dân. Phối hợp với các tờ báo cho giới trẻ như Tuổi trẻ, Thanh niên, Sinh viên, Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên Tiền Phong, Khăn quàng đỏ, tạp chí VTM… lập góc bạn đọc lấy ý kiến và chữ ký đồng tình ủng hộ cho cuộc vận động ngày “Tết đọc sách”.

c. Phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên, các doanh nghiệp (với tư cách đơn vị tài trợ), Hội xuất bản Việt Nam lập kế hoạch cho việc tổ chức một mô hình mẫu cho ngày “Tết đọc sách” hàng năm, bắt đầu từ ngày 23/4/2011.