“Thư trung…”


Đỗ Hồng Ngọc 
Bác sĩ

Sách không chỉ để đọc mà còn để nhìn, để ngắm, để ngửi, để sờ, để nghe…

Thời còn in typo, xếp chữ chì, mỗi khi bước vào nhà in nghe mùi mực, mùi chì, riết rồi ghiền. Nhìn những người thợ xếp chữ ở trần trùng trục, hai tay thoăn thoắt bắt chữ, xong vỗ một cái cộp lên giấy, ta có ngay một bản vỗ còn ướt mực, nóng hổi, “vừa thổi vừa đọc”!
Rồi nhìn ông thầy “cò” (correcteur) ốm nhom, râu lỏm chỏm như nhiều ngày quên cạo, chăm chú móc từng chữ sai trong bản vỗ (morasse), hí hoáy lòng vòng như vẽ bùa - chỉ có những người thợ xếp chữ mới biết ông ta muốn gì - để sau đó, ta có bản vỗ thứ hai rồi thứ ba, cho đến lúc sạch trơn không còn sai một lỗi nhỏ. Thật là kỳ công mà cũng thật là… thú vị! Hiện nay, trên một vài phố nhỏ ở Paris, người ta còn thấy trưng bày trong tủ kính những trang bản thảo do chính những nhà văn nổi tiếng tự sửa morasse cho mình. Ta như có dịp thấy Victor Hugo, Lamartine, Marcel Proust… ngồi trước mặt mình, chăm chú, hí hoáy... móc từng dòng từng dòng, xóa, xóa, thêm, thêm…


Có một thời mỗi loại sách có kiểu giấy riêng. Thơ được in trang trọng nhất trên giấy có hoa văn, mùi thơm thoang thoảng, khổ to, chữ bự, cứ như một bức tranh. Tiểu thuyết, sách nghiên cứu… dùng những loại giấy khác nhau. Mỗi nhà xuất bản thường “chơi” một loại giấy riêng, cách đóng riêng, trình bày riêng. Nhìn qua là biết ngay của nhà xuất bản nào. Có “nhà” không dùng giấy trắng láng mà in trên giấy dày, xù xì, màu gỗ như gạo lứt, thô ráp, rờ đủ sướng. Sách lại không xén sẵn mà để nguyên từng “cahier” cho người đọc được cái thú tự rọc lấy. Khi rọc - bằng một con dao không bén - chẳng những được nghe tiếng soàn soạt, lít rít, mà còn được thấy giấy vụn bươm ra, tung tóe như cánh bướm, được ngửi mùi gỗ thơm vương vít trong bụi giấy… Tóm lại, ngửi, nghe, nhìn, sờ… đủ kiểu trước khi sách được đọc. Mà vẫn chưa đọc ngay đâu. Hẳn coi cái cách người ta trình bày bìa, trình bày sách, kiểu chữ, dàn trang ra sao cái đã. Hẳn coi những dòng ghi ở cuối sách, cho biết in lần thứ mấy, bao nhiêu cuốn, có bao nhiêu cuốn đặc biệt được đánh dấu riêng, dành cho tác giả… để tặng bạn bè, người thân cái đã. Rồi mới đọc. Đọc nhâm nhi hay đọc ngấu nghiến. Đọc ngồi hay đọc nằm, đọc đứng, đọc đi, tùy. Nhưng khi đọc, thường có cây viết chì cùn, dắt ở mép tai, thỉnh thoảng đánh dấu chỗ này chỗ nọ, ghi chú điều này điều khác. Tóm lại, người mê sách đã biến cuốn sách đâu đâu thành thân quen, gần gũi, riêng tư của mình… Vài chục năm sau, một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa, nét cũ… không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi!

Sách còn một chức năng khác: Một ông bạn kể chuyện ông mê cô hàng xóm xinh đẹp, không dám nói, một hôm gởi tặng nàng cuốn “Hình như là tình yêu” của Hoàng Ngọc Tuấn (ông chưa hề đọc) rồi hồi hộp chờ đợi. Khá lâu sau, nàng gởi tặng lại ông cuốn “Tâm tình hiến dâng”, bản dịch thơ Tagore (cũng chưa hề đọc). Thế rồi hai người cùng đọc với nhau tới bây giờ… chưa biết chán!

Người mê sách còn phải luôn cảnh giác vì người xưa có câu: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, trong sách có cô gái đẹp như… ngọc. Nên phải hết sức cẩn thận. Không khéo có hôm nàng hiện ra, “hỏi không đáp… bèn giao hoan” như trong Liêu trai chí dị thì nguy!