Xin hãy bắt đầu từ nhà trường

PGS-TS. Trần Hữu Tá 
Nhà nghiên cứu

1. Một cái nhìn chung:

Trong vòng non 8 tháng gần đây, về mặt văn hóa chúng ta liên tiếp đón nhận 2 tin vui: tháng 7/2009, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp quốc đã công nhận hệ thống mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới. Cách đây 10 ngày (9/3/2010), hệ thống bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam, được đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới của tổ chức văn hóa rất có uy tín này.


Hàng triệu người dân Việt đã viếng thăm với ý nghĩa “hành hương” về vùng “địa linh” Văn Miếu, đã xúc động tự hào trước một biểu tượng sống động của truyền thống văn hiến của dân tộc: 82 bia tiến sĩ, bất chấp sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai địch họa vẫn đường hoàng ngự trên lưng những con rùa đá uy nghi, trân trọng ghi lại thành quả tốt đẹp của 337 năm thi cử (1442 - 1779). 1307 sĩ tử thuộc hai triều đại Lê - Nguyễn đã được vinh danh học vị tiến sĩ (hầu hết là tiến sĩ thật chứ không phải tiến sĩ giấy) qua 82 kỳ thi đủ 3 cấp thi hương - thi hội - thi đình (hầu hết được tổ chức nghiêm túc đến mức khắc nghiệt).

Nhiều vị tiến sĩ đã trở thành hiền tài của quốc gia (chứ không như vài mươi năm gần đây, nhiều vị hiền tài đã và đang làm công tác quản lý của chúng ta mới đi thi lấy bằng tiến sĩ quá dễ dàng). Rất nhiều người là những nhà trí thức uyên bác, sức đọc bao quát “thiên kinh vạn quyển”. Chính những người con ưu tú của dân tộc ấy đã góp phần rất quan trọng xây dựng, bồi đắp truyền thống hiếu học của nhân dân ta - trong đó có truyền thống đọc sách.

Truyền thống tốt đẹp ấy tùy thuộc vào những biến cố lịch sử, có lúc phát triển, có khi trầm lắng. Và đến bây giờ chúng ta phải đối diện với một câu hỏi khắc khoải, không dễ trả lời: Tình hình đọc sách của nhân dân ta hiện nay ra sao? Hoặc cách hỏi khác đi: Nhân dân ta bây giờ có còn ham đọc sách? Câu hỏi này có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan mật thiết đến khả năng dân tộc ta sẽ phát triển nhanh chóng hay tiếp tục lẽo đẽo tụt hậu so với thế giới. Nói là “không dễ trả lời” vì có những chứng cứ hết sức mâu thuẫn: Sẽ có lời đáp đầy lạc quan nếu căn cứ vào sự đua nhau xin thành lập nhà xuất bản, đến hiện tượng các công ty văn hóa tư nhân “chạy” mua giấy phép ở các nhà xuất bản nhà nước; hoặc nếu có dịp tạt vào các siêu thị sách “hoành tráng” của các đại gia Fahasa, Phương Nam, Thành Nghĩa v.v… sẽ ngợp người trước tầng tầng lớp lớp sách cổ kim đông tây. Ngược lại, cũng sẽ rất băn khoăn trước những tín hiệu chẳng tốt lành gì: bình quân mỗi đầu người chỉ có hơn 2 cuốn sách trong năm 2009 (200 triệu bản sách cho non 90 triệu dân!). Hệ thống thư viện, nhà văn hóa ở các địa phương “chẳng là cái gì cả” so với rừng quán nhậu, nhà hàng, khách sạn. Thậm chí thư viện duy nhất của một thành phố ven sông Thao đã buộc phải đập bỏ để nhường chỗ xây dựng một trung tâm khách sạn thương mại. Mấy phút giới thiệu sách mới trên một đài truyền hình lớn giờ đây khiêm tốn lùi mãi giờ phát hình đến gần nửa đêm, chắc để khuyến khích bà con rèn đức tính thức khuya dậy sớm! Giữa 2 khả năng trên, rất nên có câu hỏi trả lời chính xác, thông qua việc điều tra khảo sát quy mô, khoa học của một cấp, một tổ chức có thẩm quyền.

Cá nhân tôi nghiêng về lời đáp thứ hai, căn cứ vào sự nhận biết có thể phiến diện của bản thân: có nhiều dịp về nông thôn - cả Nam lẫn Bắc - tôi ít khi gặp sách ở nhà bà con, kể cả số người nghèo lẫn người khá giả. Mà như ta biết, nông dân hiện nay vẫn chiếm hơn 70% dân số. Dăm bảy dịp hiếm hoi về nói chuyện với công nhân các xí nghiệp trong và ngoài quốc doanh, qua trao đổi với những vị có trách nhiệm của nhà máy cũng như trực tiếp với công nhân, lời đáp cũng rất đáng buồn: sách là xa xỉ phẩm, “xa lạ phẩm” đối với những người lao động thuộc giai cấp lãnh đạo. Đúng thế, làm sao có thể mua sách khi lương chỉ đủ 2 bữa rau mắm và chỉ để dành được khoản tiền quá ít ỏi gửi về cho gia đình ở quê. Làm sao có thì giờ đọc sách khi nhiều nơi làm đến 10, 12 giờ/ngày, và có nơi muốn ra nhà vệ sinh phải xin đủ 3 chữ ký cho phép từ tổ trưởng đến quản đốc.

2. Văn hóa đọc trong trường học: SOS!

Là nhà giáo, đã có 52 năm tự nguyện và hào hứng đứng trên bục giảng, tôi ngờ là tình hình đọc sách gần đây trong các cấp học, ở khắp các địa phương cũng không sáng sủa gì. Không thể phủ nhận, từ cấp Mầm non - Tiểu học đến bậc Đại học, có một số thầy cô đã nêu gương hiếu học hết sức cảm động. Các bạn đồng nghiệp ấy đã quyết tâm cập nhật sự hiểu biết của mình bằng công phu tự học, bằng tinh thần cần cù đọc sách, dù hoàn cảnh kinh tế cũng chẳng hơn ai. Thế nhưng, số người đáng phục này chiếm mấy phần trăm trong non một triệu thầy cô? E rằng tỉ lệ này khó đạt đến 2 chữ số!

Tình hình không mấy vui này thể hiện rất rõ trong số ưu tú của đội ngũ giáo viên trung học (THCS và THPT) được cử đi học sau đại học. Ở nhiều lớp Cao học chuyên ngành Văn tại TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ… mà tôi được tham gia giảng dạy, qua khảo sát tôi mới “vỡ” ra một sự thật: rất nhiều tác phẩm xuất sắc, thậm chí thuộc loại kiệt tác, của văn học Việt Nam và thế giới đã dịch và tái bản nhiều lần khắp trong Nam ngoài Bắc, nhiều anh chị học viên mới nghe tên, khá hơn một mức là loáng thoáng biết về nội dung chứ chưa từng đọc toàn văn. Những người sắp nhận bằng Thạc sĩ văn chương mà cứ kiên quyết “không biết, không nghe, không thấy” trước những tinh hoa văn chương của dân tộc và nhân loại, chỉ khuôn sự hiểu biết của mình trong bộ sách giáo khoa và sách giáo viên, thì làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy, làm sao truyền cho học sinh nhiệt hứng đến với sách?

Còn 25 triệu học sinh - sinh viên trong cả nước thì sao? Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để giải thích, nhưng thực trạng vẫn rất rõ ràng: tỉ lệ đọc sách - văn học, và rộng ra là văn hóa, khoa học - cũng không khả quan hơn. Hầu hết chỉ gắn bó với sách giáo khoa (các cấp học dưới) hoặc giáo trình (nếu là sinh viên đại học, cao đẳng). Nếu hỏi, bao nhiêu phần trăm học sinh lớp 10 trong cả nước đọc toàn văn Truyện Kiều - niềm tự hào của dân tộc? Còn lớp 11, mấy em đọc hết Số đỏđể hiểu trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia, và rộng ra để hiểu văn tài Vũ Trọng Phụng? Và lớp 12, sắp thành cô Tú cậu Tú, bao nhiêu em đọc hết một tuyển tập truyện ngắn Nam Cao - ngoài trích đoạn truyện ngắn Chí Phèo và truyện ngắn Đôi mắt? Tôi ngờ là kết quả khảo sát rất đáng báo động. Đấy là chưa nói đến bao loại, dạng sách khác rất cần cho lứa tuổi sắp trưởng thành.

Văn hóa đọc trong trường học: SOS! Nếu ta la to như thế liệu có cường điệu quá đáng không? Và nếu không khắc phục triệt để tình trạng yếu kém ấy, sự nguy hại sẽ nảy sinh đến mức độ nào?

3. Kiến nghị của chúng tôi:

Tình trạng yếu kém trên đây mang tính toàn quốc và ngày càng nặng nề trước sự lấn lướt của nhiều sinh hoạt tinh thần, văn hóa - hiện đại đấy nhưng không được quản lý chặt chẽ, nên lợi ít hại nhiều. Đối tượng nào cũng cần được cải thiện, nâng cấp văn hóa đọc, nhưng nên chăng, cần xác định đối tượng trọng điểm. Tôi đề nghị: xin hãy đặc biệt quan tâm đến việc đọc sách của cả thầy và trò trong trường học tất cả các cấp.

Với các thầy cô ở tiểu học và trung học, ngoài việc động viên, kích thích lòng tự trọng, ý thức phấn đấu tự nâng cấp trình độ văn hóa, Bộ GD-ĐT nên có những biện pháp mạnh. Có thể học nước bạn Malayxia, cứ sau 3 - 4 năm đứng lớp, giáo viên được đi bồi dưỡng văn hóa 1 năm. Chắc chắn đấy là thời gian được tập trung để đọc sách theo chương trình kế hoạch đã tính toán của Vụ Giáo viên. Còn trong sinh hoạt chuyên môn từng tháng, mỗi học kỳ và cả năm học, nên chăng ngoài kế hoạch lên lớp, mỗi tổ chuyên môn sẽ có chương trình bồi dưỡng mang tính đặc trưng bộ môn (có thuyết trình, có thảo luận, có thu hoạch). Mỗi trường phấn đấu có một tủ sách giáo viên và không ngừng làm nó phong phú bằng ngân sách nhà nước và bằng sự góp sách của các thầy cô.

Ở bậc đại học, cao đẳng, việc nâng cấp học vị phải trở thành nhiệm vụ mang tính pháp lệnh. Hằng năm, cần khôi phục lại hội nghị khoa học một cách nghiêm túc và tất cả giảng viên nhất thiết phải tham gia. Những người đã có học vị và chức danh khoa học cao (TS, GS, PGS) cần yêu cầu tuân thủ một quy định cụ thể, chẳng hạn từ 3 đến 5 năm có một bài báo khoa học, từ 5 đến 10 năm có một công trình nghiên cứu được xuất bản hoặc được nghiệm thu.

Để có những trang viết, những đứa con tinh thần như thế, đương nhiên các giảng viên phải tự khép mình vào kỷ luật đọc sách, tự học. Người nào thiếu ý chí phấn đấu, tụt hậu so với nhiệm vụ chuyên môn cần được dứt khoát điều chuyển sang môi trường thích hợp, để khỏi di hại đến chất lượng đào tào.

Với học sinh các cấp, cần có cuộc cách mạng thực sự về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp học. Lãnh đạo ngành Giáo dục kêu gọi giảm tải, trên thực tế chương trình và sách giáo khoa ngày càng quá tải. Thời khóa biểu dày đặc, nhưng tuyệt đối không thấy có giờ đọc sách, nghe giới thiệu hoặc phân công cho học sinh thuyết trình sau đó thảo luận, thu hoạch về những tác phẩm cổ điển cũng như hiện đại liên quan đến chương trình và thích hợp với từng lứa tuổi. Quy trình buồn tẻ thầy đọc - trò chép từ bao lâu nay vẫn đang lặp lại một cách lạnh lùng.

Thư viện nhà trường hiện nay nhìn chung nghèo nàn quá, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Đây chính là đối tượng đáng để các đoàn thể xã hội, các nhà xuất bản, các Mạnh Thường Quân chung tay góp sức.

Ở bậc đại học, chương trình học của mỗi chuyên ngành đều cần có sự điều chỉnh hợp lý. Quá trình đào tạo người trí thức trẻ phải được dành nhiều chục phần trăm thời gian cho quá trình tự đào tạo của từng người. Mặt khác cần có kế hoạch để sinh viên vượt thoát khỏi khung trời chuyên ngành hẹp, háo hức đến với thế giới sách rộng lớn. Những câu lạc bộ văn học và khoa học - nghệ thuật, những buổi tiếp xúc với văn nghệ sĩ, trí thức - tác giả của những tác phẩm, những công trình có giá trị - tiếp xúc và lắng nghe đông đảo, trân trọng như những năm chiến tranh chống Mỹ… Và nhiều hình thức phong phú, sinh động khác sẽ cho ta một mẫu hình trí thức trẻ mới, năng động sáng tạo hơn, nhân cách được hoàn thiện hơn và tình cảm chắc chắn sẽ trong sáng, hướng thiện, đậm chất nhân văn hơn.

Điểm nhấn mà chúng ta trăn trở bấy lâu nay là tổ chức có chiều sâu, thực sự tạo ấn tượng “Ngày đọc sách của người Việt” cho mọi đối tượng. Hãy để các địa phương, các cơ quan phát huy tính chủ động tích cực trong việc tổ chức. Thế nhưng đối tượng cần làm trước tiên, liên tục, để hình thành thói quen, nhu cầu đọc sách chính là nhà trường. Tổ chức Ngày đọc sách, Tết đọc sách ở nhà trường rõ ràng thuận lợi hơn ở bất cứ đâu. Điều kiện tiên quyết là phải có được sự đồng tình mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo giáo dục. Và nếu ngày khai giảng năm học vào đầu tháng 9 lại là Ngày đọc sách của thầy và trò thì hôm đó thực sự có không khí của một lễ hội. Thế còn tổ chức ra sao, như thế nào để tránh hình thức, tạo được hứng thú cho học sinh, sinh viên lại là công việc của những người có trách nhiệm.

Trước mắt chưa thể tổ chức đại trà, rộng khắp. Xin hãy làm thí điểm ở từng quận, từng huyện. Còn ở các trường đại học, với năng lực và trình độ cao có thể làm rộng khắp. Trên những kết quả ban đầu, ta có điều kiện nhân rộng ra để tiến tới một sinh hoạt văn hóa đẹp, thường niên định kỳ, “đến hẹn lại lên” vào dịp tựu trường của 25 triệu người học và non một triệu thầy cô, có nghĩa là của non 30% dân số cả nước. Cứ nghĩ đến ngày đó khi đã trở thành hiện thực, tự nhiên lòng dạ cứ thấy nôn nao.