Tết đọc sách, tại sao không?

Crimson Mai

Nhìn vào những hoạt động của Hội sách TP. HCM mấy ngày vừa qua, dễ có cảm tưởng chúng ta đang có những ngày sống với sách. Đông đảo người tham gia nhiều loại hình hoạt động phong phú trong khuôn khổ Hội sách, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin, nhiều đầu sách được giới thiệu đến với độc giả... nếu chỉ dựa vào những con số thống kê, rất có thể những người yêu thích việc đọc sách đã yên tâm rằng sách đang tự khẳng định lại vai trò của mình hay văn hóa đọc đang khởi sắc trở lại.
Thế nhưng, liệu có bi quan quá chăng khi ta băn khoăn, có phải rồi sau một thời gian thì mọi chuyện lại yên ắng, lại đâu về đấy, cũng sẽ thành một dạng đá ném ao bèo? Ngành xuất bản có phát triển hơn chăng, số lượng đầu sách tử tế đến tay bạn đọc có gia tăng, và người mua sách có thực sự đọc chúng, có thực sự thưởng thức việc đọc chăng? Và rồi những người tâm huyết với sách có lại thi thoảng kêu gào, hãy cứu lấy, hãy chấn hưng văn hóa đọc trước cuộc xâm lăng ồ ạt của văn hóa nghe nhìn?

Tôi nhận được thư mời tham dự Hội thảo “Tết đọc sách, tại sao không?” từ phía SachHay.com, và những vấn đề đặt ra của hội thảo thực sự cũng phù hợp với những suy nghĩ của tôi về thói quen đọc sách của người Việt hiện nay, thế nên tôi mong chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của mình, bắt đầu bằng một câu hỏi khác: tại sao phải có một ngày Tết đọc sách?

Nếu hỏi “tại sao không?” thì lý do muôn thuở để lắc đầu với một Ngày đọc sách, cũng như Ngày Abc Xyz nào đó là “một năm ngày nào chẳng là ngày đọc sách, nhẽ đâu chỉ có một ngày để đọc? Bày vẽ chỉ thêm phần hình thức, tốn kém, và chẳng mấy lâu lại trở thành hô hào sáo rỗng.”

Thế nhưng, cá nhân tôi vẫn ủng hộ có một Ngày đọc sách cho người Việt. Để nói về một ngày không như mọi ngày, tôi xin liên hệ đôi chút đến hình ảnh đóa hoa hồng cài trên ngực áo tôi và hàng triệu người Việt ta vào ngày rằm tháng Bảy.

Người Việt mình dù có theo đạo Phật hay không thì hình như đều biết đến “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân” và lễ Vu Lan báo hiếu. Nói đúng ra thì cả năm 365 hay 366 ngày đều nên là ngày để thể hiện tình cảm dành cho song thân, nhưng với những gì quá bình dị, quá đời thường, quá thân thuộc như vậy - thường nằm trong ngạch “cảm nhiều hơn hiểu”, và để trong lòng nhiều hơn biểu lộ - thì khi có một dịp để thể hiện tình cảm của mình cũng là một điều hay. Không phải chạy theo phong trào, nhưng mỗi năm có một ngày sinh nhật để ta thêm yêu tuổi đời, có một dịp Tết cổ truyền để cả nhà sum họp, có một ngày Valentine cho cánh sinh viên bán hoa hồng vừa héo vừa đắt đỏ cho các đôi tình nhân, hay một ngày Vu Lan để làm đượm hơn tình cảm giữa hai thế hệ trong gia đình đều rất đáng quý. Nó làm cho ngày trở nên khác với ngày thường. Đôi khi ta cần lắm một ngày như thế.

Và vì vậy, ta cũng cần một ngày dành riêng cho Sách, chẳng những để nhắc nhở nhau cùng gìn giữ và lan tỏa thói quen đẹp đẽ này, mà còn là một ngày để tôn vinh Sách, tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ và những giá trị bền vững.

Tất nhiên, những người phản đối hoặc không quan tâm sẽ càng có lý do để phản đối hoặc thờ ơ, nếu chúng ta chỉ hô hào, chỉ trăn trở và liên tục hỏi “Tại sao không?” hoặc “Tại sao phải...?”. Những Hội thảo, tọa đàm, những tâm huyết, những chia sẻ sẽ trở nên lãng phí và thành ra lý thuyết suông nếu chúng không mang lại kết quả gì cụ thể. Nhiều năm qua, chúng ta đã kêu đủ rồi, đã than, đã thảo luận, đã báo động đủ rồi. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không hỏi nữa, mà bắt tay vào việc thực thi ý tưởng này.

Và chúng ta có nên đợi 10.000 chữ ký ủng hộ chăng? Tôi thực tình đặt câu hỏi về việc ủng hộ, hoặc bày tỏ sự ủng hộ qua chữ ký. Cụ thể chúng ta sẽ ủng hộ Ngày đọc sách về mặt nào? Về ý tưởng, về nhân lực, về tài chính, về phương hướng, hay mang ý nghĩa động viên? Và nếu bạn cần, trong 10.000 người click chuột ủng hộ kia sẽ có bao nhiêu người cùng góp một bàn tay thực sự để gây dựng điều chúng ta đang hướng đến?

Thế nên, cá nhân tôi vẫn cho rằng chúng ta đợi đủ rồi, và chúng ta nên có những hành động thiết thực hơn để thúc đẩy nhanh chóng hơn tiến trình mà vẫn đảm bảo đó là một hoạt động bài bản và dài hơi, với những con người cụ thể, đóng góp cụ thể về tâm huyết, trí tuệ và công sức vì một ngày Tết đọc sách đúng với tên gọi, được đông đảo người yêu sách công nhận, ủng hộ và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng.

Trong phạm vi thời gian của Hội thảo, tôi khó mà trình bày tường tận những góp ý của mình, chỉ là, với tư cách một con người thực, tôi không chỉ góp vào ý tưởng xây dựng Tết đọc sách của người Việt mà SachHay.com đưa ra một cú click chuột, tôi cam kết đóng góp thời gian, suy nghĩ, công sức hoặc bất cứ gì cụ thể trong khả năng một cách nghiêm túc và lâu dài để đồng hành cùng chương trình và mong rằng chúng ta sẽ đến đúng cái đích mà mọi người cùng hướng tới. Góp ý cụ thể duy nhất của tôi cho Hội thảo, chính là hãy nhân dịp chúng ta đang gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ với nhau tình yêu và trách nhiệm đối với Sách, với văn hóa đọc, cũng là trách nhiệm với cộng đồng, nên chăng Ban tổ chức hãy tập hợp những thông tin cụ thể, có thực và có thể tin cậy được về những bàn tay đang sẵn sàng và đầy mong muốn góp những viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho việc tiến hành những bước cần thiết. Từ những đốm lửa nhỏ ta san sẻ cho nhau trong Hội thảo này, ta sẽ giữ nhiệt huyết, và góp tay lan tỏa ngọn lửa ấy trong cộng đồng. Xin chúc cho những ai quyết định ủng hộ ý tưởng này bền gan vững chí thực hiện đến cùng, và thành công tốt đẹp, và mong một ngày tôi có thể cùng các bạn vui sướng nhìn trí tuệ Việt tỏa sáng không chỉ trong một ngày, và trong ánh sáng đó tôi nhìn thấy những đốm lửa nhiệt huyết tôi thấy được từ mọi người hôm nay.