Tết đọc sách của người Việt?

Trịnh Lữ
 
Trước hết, tôi xin cảm ơn tất cả các anh chị em đã góp sức làm cho SachHay.com trở thành một cộng đồng đọc sách tốt đẹp sâu rộng như hiện nay, và xin có lời nhiệt liệt hưởng ứng ý tưởng của cuộc vận động này – một sáng kiến rất đẹp.
Với lòng tin rằng cuộc hội thảo là cơ hội để chúng ta bàn cách làm sao cho cuộc vận động đạt được những mục tiêu thiết thực, đúng với mong đợi của chúng ta, chứ không phải chỉ là một lễ lạt nhằm trình diễn một dự tính đã được quyết định đâu đấy cả rồi như vẫn thường thấy bấy lâu nay, tôi xin có vài lời đóng góp chân thành dưới dạng tự vấn. Rất có thể những băn khoăn này chỉ là của một người không sâu sát thực tế. Dù sao, thực tế nào cũng có những phiên bản cá nhân, và nếu đã vô tư vào việc – bất kì là việc gì – thì cân nhắc đến chúng sẽ là điều cần thiết. Vậy nên xin được bộc bạch như sau:


Thứ nhất, ta có nên gọi cái ngày đặc biệt ấy là “Tết đọc sách” hay không? Những gì liên quan đến cái gọi là Tết như tôi vẫn biết hình như chả dính gì đến việc đọc sách, nhất là đọc sách để học, để “chấn dân khí, khai dân trí”. Đành rằng Khổng Tử có nói đến cái vui thích và khoái lạc của việc học (Học nhi thì tập chi, bất diệc duyệt hồ! Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!); nhưng cái vui cái sướng ấy không như cái vui mà thiên hạ vẫn chờ và tận hưởng ở Tết. Chúng ta có nói đến Tết vật chất, Tết tinh thần, Tết tâm linh, và muốn coi ngày này là một cái Tết trí tuệ, để trong ngày ấy “mỗi người dân Việt Nam sẽ được sống trong bầu không khí ngập tràn của tri thức”. Có thực là chúng ta tin và mong như vậy không? Mô tả cái mà chúng ta muốn có, hoặc nói cách khác là xác định mục tiêu như vậy có thiết thực không? Hay chúng ta đang quá mơ mộng? Tôi vẫn thấy khái niệm Tết gắn liền với khái niệm lễ hội. Mà không phải việc gì cũng có thể và cũng nên “lễ hội hóa”. Lễ hội thì nhiều trình diễn lắm, nhất là trong thời buổi này, khi từ trên đến dưới mọi người đang vô ý (hy vọng là thế) đua nhau dựng lại những lễ lạt đã mất hết tính đích thực của chúng. Mà tôi thì tin rằng không nên để tâm lí trình diễn lây lan vào nỗ lực “chấn dân khí, khai dân trí”. Một ngày để nhắc nhở mọi người nhớ và nghĩ đến giá trị của sách và việc đọc sách thì dứt khoát là cần quá rồi, hay quá rồi. Nhưng có lẽ cứ gọi nó là “Ngày đọc sách”, hoặc có thể hay hơn là “Ngày của Sách” hoặc ”Ngày Sách” chăng? Thế giới muốn nhắc nhở nhau nghĩ và nhớ đến cái gì thì vẫn hay đặt ra những ngày ấy, như Father’s Day, Mother’s Day, Secretary’s Day... Chưa thấy Something’s New Year Festival nào ở đâu cả. Vậy thì Day of Books – Ngày của Sách/Ngày Sách, có lẽ là tên gọi chân thật của cái ta muốn có chăng? Có lẽ mục tiêu của chúng ta chỉ là có một ngày để nhắc nhở nhau nghĩ và nhớ đến giá trị thiết thực và tầm quan trọng của Sách trong cuộc đời của chính chúng ta? Như thế mới chính danh chăng? Hơn nữa, với mục tiêu ấy và với tên gọi “Ngày của Sách/”Ngày Sách” thì còn nghĩ ra được nhiều việc thiết thực để khích lệ việc đọc sách ở tất cả mọi người, chứ “Ngày Đọc Sách” để ai cũng được tràn ngập trong bầu không khí tri thức thì có vẻ như đến hôm ấy ai cũng phải ngồi đọc thì mới phải, và những ai tự thấy mình chả bao giờ thành trí thức thì sao? Nghe đã thấy ngại rồi!

Thứ hai, ta có nên thêm ba chữ “của người Việt” vào tên gọi cuộc vận động của chúng ta nữa không? Tại sao dạo này dân mình làm cái gì với nhau thôi mà vẫn cứ phải khẳng định đó là của “người Việt”? Đình làng thì treo cờ phướn có hai chữ “Làng Việt” viết bằng quốc ngữ mà lại nguệch ngoạc cho giống với chữ tầu. Truyền hình của mình, chương trình cho chính mình, mà ngày 8/3 cũng cứ “Chúc người phụ nữ Việt”. Cảm giác như cả nước đang thành một màn diễn du lịch, làm cái gì cũng với ý thức diễn cho người ngoại quốc xem, nên mới luôn nhắc cái này là của người Việt chúng tôi đấy. Tệ hơn nữa, cảm giác như mình đang ở xứ nào khác, và mọi người đều là Việt kiều hoặc tây tầu cả rồi. Lạ hơn nữa, có vẻ chả mấy ai lấy thế làm lạ. Cuộc vận động này không phải là vận động thế giới công nhận một ngày đọc sách của dân Việt Nam, mà là muốn mọi người chúng ta cùng đặt ra một ngày như thế cho chính mình cơ mà!

Vậy thì có lẽ chỉ cần có một “Ngày của Sách/”Ngày Sách”. Nhưng trong ngày ấy ta sẽ làm gì? Cụ thể hơn: những Ai sẽ làm những Gì, ở đâu, như thế nào, để đạt được những gì? Rồi chuẩn bị cho những việc ấy ra sao, cần những gì, lấy đâu ra? Chắc rằng hội thảo sẽ có nhiều ý kiến cụ thể về chuyện này. Riêng tôi thì cứ băn khoăn rằng làm gì thì làm, điều quan trọng nhất là đừng để những việc làm ấy nhiễm thái độ trình diễn. Nếu Đọc và Học mà nhiễm thái độ ấy thì chả còn hy vọng gì nữa. Thử tưởng tượng nếu giới thức giả chỉ tranh nhau tỏ ra mình đọc nhiều sách hơn đồng nghiệp, phô toàn những trích dẫn, nhắc lại toàn lời người khác chứ chả có ý gì riêng của mình; giới trưởng giả thì tranh nhau bày tủ sách thật diện ở phòng khách (như trong thư viện của Gatsby toàn những sách chưa dọc trang nào); đám sỹ tử thì đua nhau lên mặt bằng cách làm ra bộ mình đọc nhiều hơn bạn, tranh luận thì chỉ tầm chương trích cú, thì tình trạng dân khí và dân trí sẽ đi đến đâu! Nếu không thận trọng, nếu để nỗ lực của chúng ta đi theo hướng lễ hội hóa, tôi sợ rằng chúng ta có thể sẽ góp phần tạo ra tình trạng ấy. Tôi mới chỉ nghĩ ra được thế này: nếu làm sao để đến Ngày của Sách/Ngày Sách, ai cũng muốn mua tặng người thân yêu nhất của mình ít nhất là một cuốn sách, tất cả các nhà sách đều nhất loạt giảm giá và chọn ra những cuốn sách có giá trị nổi bật trong mọi lĩnh vực để giới thiệu với người mua, giới làm sách thì điểm lại những việc đã làm được trong năm vừa qua bằng những câu chuyện thú vị xung quanh việc ra đời của những cuốn sách thành công hoặc thất bại của mình, tác giả dịch giả thì kể chuyện của họ, và quan trọng không kém là làm sao để người đọc được kể chuyện mình, người chưa đọc cũng có cơ hội bộc bạch những vấn đề và mong ước của họ, còn giới phê bình thì lên tiếng về giá trị, về cách viết và cách đọc, về những hệ lụy cần lưu ý trong tác động của cả viết sách, dịch sách và đọc sách trong hoàn cảnh cụ thể của nước mình... Tất cả đều trở thành “tin tức” và những câu chuyện sinh động thú vị trên mọi kênh truyền thông đại chúng, từ các trang mạng đến những chuyên mục được ưu tiên phát sóng vào những giờ mà quảng cáo phải trả nhiều tiền nhất trong ngày. Cũng có thể các giải thưởng về sách, từ văn chương cho đến học thuật, cũng được công bố hoặc trao tặng vào ngày ấy. Rồi tuyệt hơn nữa là cứ đến ngày ấy lại có một thư viện công cộng, dù nhỏ dù to, được khai trương ở một vài làng quê, một vài khu phố. Đại để là ai làm gì liên quan đến sách cũng lấy đó làm ngày góp lời góp mặt của mình, chân thực, thẳng thắn, không có cái gì là “nhạy cảm” phải né tránh. Và có lẽ việc cần làm của ban vận động và thực hiện Ngày của Sách/Ngày Sách là tập hợp lưu giữ tất cả những câu chuyện ấy thành kỉ yếu hàng năm, đúc kết chúng thành những nhận định và khuyến nghị cụ thể, cả khả thi lẫn mơ mộng, làm thành một tài liệu vận động đẹp đẽ gửi đến mọi giới hữu trách, cố tác động thay đổi ý thức và hành vi trong quản lí nhà nước liên quan đến mọi mặt của Sách ở nước ta, khiến cho Sách có được vị trí đúng đắn trong nỗ lực “chấn dân khí, khai dân trí”. Làm được vậy thì dần dà rồi mọi người sẽ để ý thực sự đến Sách, thấy nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình, của gia đình mình, cộng đồng và cả dân tộc mình. Tôi nghĩ chắc mục tiêu thật sự của chúng ta là như vậy.

Ngày của Sách/Ngày Sách sẽ cần đến rất nhiều nỗ lực thầm lặng và kiên trì, với sự góp sức của rất nhiều người. Tôi tin rằng ai tham dự hội thảo này cũng có những ý tưởng và sáng kiến cụ thể từ trong lĩnh vực hoạt động của mình. Rất mong được lắng nghe, học hỏi và trao đổi.

Xin chân thành chúc hội thảo thành công thiết thực.