Huỳnh Công Minh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh
Đọc sách là một nhu cầu bức thiết của đời sống con người, nhất là trong thời đại ngày nay.
Sách cho ta tri thức và góp phần nâng cao giá trị nhân cách, nâng cao văn hóa dân tộc.
Văn hóa đọc đang có xu hướng phát triển ở nước ta, nhưng so với các nước tiên tiến thì sự phát triển ấy đang còn khiêm tốn!
Là người được phân công làm quản lý giáo dục và đào tạo, chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò của nhà trường trong việc hình thành cho học sinh - thế hệ trẻ tình cảm và thói quen đọc sách.
Nhà trường các nước tiên tiến đã xây dựng phong trào đọc sách đến mọi học sinh ngay từ lúc các em còn ở tiểu học với quan điểm “thư viện là trái tim của nhà trường”.
Thư viện được bố trí ở vị trí đẹp nhất, thuận tiện cho học sinh đọc sách và thường xuyên tổ chức các hoạt động để thu hút các em đến đọc sách như trình diễn các tiểu phẩm minh họa từ sách, thi hội họa từ sách, kể chuyện sách… kể cả tổ chức sinh nhật, tặng sách, giới thiệu sách cho các em tại thư viện nhà trường.
Giáo viên đứng lớp không đọc sách thay cho học sinh mà là người hướng dẫn, gợi mở, đặt vấn đề, giao việc cho học sinh tìm hướng giải quyết từ trong sách và khen tặng, động viên học sinh biết đọc sách. Chính vì thế mà người giáo viên phải đọc sách để mở rộng, nâng cao, cập nhật kiến thức và có điều kiện làm tốt thiên chức dạy học của mình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã từng là nhà giáo và đã có câu nói giá trị để đời “Người giáo viên giỏi là không chỉ dạy cho học sinh điều hay mà quan trọng hơn là phải biết hướng dẫn cho học sinh đọc những quyển sách tốt” là vậy.
Đó là chuyện trong nhà trường.
Còn chuyện trên đường phố, công viên và trong từng gia đình thì thế nào?
Có ý kiến cho rằng xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp, văn hóa “nhìn” đã thay thế một cách mạnh mẽ và đôi khi “thô bạo” đối với văn hóa “đọc”. Về lâu dài, tôi không tin lắm vào tình hình ấy vì “nhìn” rất cần và hấp dẫn nhưng thường chỉ trong chốc lát còn cái hấp dẫn của “đọc” thì dù diễn ra trầm lắng nhưng rất mênh mông.
Đi trên đường phố các nước tiên tiến, các nước phát triển công nghiệp trước ta, trên tàu điện, trong xe bus, ở trạm chờ - nhà ga… đâu đâu cũng đều thấy có người đọc sách, bất kể ở tuổi đã lớn hay là các em còn trẻ. Trong từng gia đình, dù rất tất bật bộn bề trong tác phong công nghiệp của cuộc sống nhưng họ vẫn có thời gian để đọc sách, trao đổi về những vấn đề được thể hiện trong sách với con, em.
Sách đúng là kho tàng tri thức của nhân loại, sách ngày nay không chỉ tồn tại dưới hình thức sách in mà còn phát triển ở máy tính, đĩa và truyền trên mạng.
Nhà trường hôm nay đọc sách để xã hội ngày mai đọc sách; xã hội đọc sách để phong trào đọc sách trong nhà trường phát triển nhẹ nhàng, tự nhiên, rộng khắp, chất lượng và bền vững hơn.
TP. Hồ Chí Minh, 03/2010