Hà Tùng Sơn
Nhà báo, Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định
Nhà báo, Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định
Từ
xa xưa, khi kĩ nghệ làm giấy chưa ra đời, loài người đã biết dùng tre
làm thẻ để viết sách, mặc dù sách viết trên thẻ tre vô cùng phiền toái
và phức tạp. Điều đó nói lên vai trò không thể thiếu của sách và đọc
sách trong lịch sử tiến hoá của xã hội loài người. Trong một xã hội
phát triển, không thể thiếu sự đồng hành của sách và đọc sách. Nói cách
khác, đọc sách là biểu tượng của văn hoá và văn minh.
Trên
thực tế cuộc sống, có một bộ phận người không cần đọc sách, ngoài những
cuốn sách giáo khoa mà họ buộc phải đọc khi đi học. Và họ vẫn sống bình
thường, vẫn đi lại bình thường, có khi vẫn giàu có, sang trọng. Nhưng
chắc chắn họ không phải là những người thực sự có văn hoá, ít nhất là
với văn hoá đọc. Trong trường hợp này, văn hoá đọc với những người này
là một thứ vô nghĩa.
Nói
như vậy cũng là để nói rằng, muốn xây dựng một xã hội văn minh, trước
hết con người sống trong xã hội đó phải có văn hoá, có tri thức. Một xã
hội không thể trở nên văn minh khi trong xã hội đó, văn hoá và tri thức
của nhân loại có hằng hà sa số trong những cuốn sách bị coi rẻ. Con
người muốn có văn hoá để trở thành người văn minh trong một xã hội văn
minh không thể không đọc sách. Vì thế mà nói sách là công cụ, là phương
tiện và cũng là biểu tượng của một xã hội văn minh.
Trong
sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin điện tử ngày nay,
các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, báo điện tử, mạng internet
với lượng thông tin vô cùng phong phú và đa dạng đã và đang ngày càng
trở thành nỗi đam mê của số đông người dân Việt Nam, tưởng có lúc và
sẽ đến lúc sách và thú đọc sách sẽ bị ném ra rìa cuộc sống. Nhưng thực
tế, sách đã trở thành một thị trường văn hoá đầy tiềm năng và ngày
càng có chỗ đứng vững vàng trong một xã hội đang phát triển. Theo đó số
người đọc sách ở nước ta vẫn chiếm số đông. Có được thực tế đáng mừng
đó là do lượng người có học ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất
lượng. Muốn tăng được học vấn thì phải không ngừng bổ sung tri thức với
một trong những con đường có hiệu quả nhanh nhất và kinh tế nhất là đọc
sách.
Từ
rất lâu, những ai đã đến với thú đọc sách đều nhận ra rằng, sách là
người bạn tri âm, là người thầy dễ chịu nhất. Từ những trang sách,
người đọc sẽ đến với một thế giới muôn màu muôn vẻ, có đủ tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội. Sách bổ trợ cho chúng ta những kiến thức
cần thiết trong cuộc sống, dạy cho chúng ta những bài học ứng xử mang
đậm tính nhân văn và văn hoá để chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, văn
minh hơn.
Từ
những cuốn sách ngỡ như vô tri vô giác, người đọc sách dù ở trình độ
học vấn nào, cũng có thể tìm thấy cho mình một chân trời mới của kiến
thức và nhất là những bài học bổ ích cho cuộc sống; thậm chí đã có
không ít những cuốn sách có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời người đọc
theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Chẳng hạn đó là những cuốn sách trong Tủ
sách hạt giống tâm hồn. Những cuốn sách như thế đã làm thay đổi cả
những quan niệm, quan điểm sống tưởng như đã trở thành cố hữu trong tâm
trí người đọc. Trong lúc đó, để thay đổi được cả một quan điểm sống là
điều không dễ chút nào. Vậy mà sách đã làm được. Đó chính là sức mạnh
tiềm tàng của sách và hiệu quả vô cùng to lớn từ việc đọc sách.
Vì
thế mà nói, đọc sách là biểu tượng của con người có văn hoá và văn
minh. Một xã hội chưa trọng thị sách là một xã hội chưa văn minh; một
con người chưa có thú đọc sách thì con người đó đã khuyết đi một mảng
lớn về văn hoá. Việt Nam ta đang hướng đến việc xây dựng một xã hội văn
minh, có một Tết đọc sách hàng năm để tôn vinh sách và việc đọc sách là
đúng lắm rồi.