Đọc sách

Nguyễn Xuân Xanh 
Nhà nghiên cứu

Đọc sách là một hoạt động văn hóa sống còn cho một dân tộc, không phải chỉ để giải trí, mà quan trọng hơn hết: để sinh tồn và để mưu cầu một hạnh phúc về tinh thần. Văn hóa đọc có thể giúp cho từng con người có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Nhưng trước nhất nó đem lại cho dân tộc sức mạnh trí tuệ trong công cuộc xây dựng đất nước.


Nghèo nàn về vật chất là một gánh nặng của xã hội. Điều đó ai cũng biết. Nhưng nghèo nàn về tinh thần, về văn hóa, là một sự tha hóa, vong thân, và nguy hiểm hơn, có thể làm cho con người trở thành một “gánh nặng” cho xã hội, cho môi trường theo kiểu khác, và góp phần làm cho xã hội suy vong đạo đức.

Một dân tộc không muốn hay không có niềm đam mê đọc sách thế giới, thì cũng giống như một dân tộc “mù chữ” trước chữ nghĩa của thế giới. Dân tộc đó không biết thế giới nói gì, nghĩ gì, làm gì, vĩ đại ra sao trong cả hàng nghìn năm lịch sử phát triển của nhân loại. Mấy nghìn năm văn hiến của một dân tộc, dù có văn hiến đến đâu, nếu dân tộc đó không tiếp tục được truyền thống chăm sóc văn hóa, học hỏi tinh hoa, thì cũng chỉ là dĩ vãng, lịch sử sẽ bị đứt gãy đau đớn, con người cũng chỉ “mù mờ” trước thế giới.

Nếu chỉ có văn hóa mạng hay văn hóa nghe nhìn, mà không có văn hóa đọc, thì tuy chúng ta có thể biết “rộng” nhưng đó là hiểu biết nông, chỉ sâu có một inch. Văn hóa mạng chỉ có thể bổ túc cho văn hóa đọc, nhưng không thể thay thế nó được ở chiều sâu cho một con người hay một dân tộc.

Văn hóa đọc, khác với văn hóa nghe nhìn, hay văn hóa mạng, nó làm cho người đọc tích cực động não, sống hữu cơ với những điều mình đang đọc. Nó thể hiện lại tri thức nhân loại trước mắt ta, giúp mở tung bộ não, óc tưởng tượng và óc sáng tạo vốn bị đóng kín, nghèo nàn, hay đã bị chai mòn từ lâu trong một góc lịch sử bị bỏ quên.

Một người không có văn hóa đọc thì sẽ đơn điệu. Một dân tộc cũng thế. Làm sao mà kết bạn được với thế giới?


Sự nghèo nàn vật chất của dân tộc như đã từng thấy, xuất phát trước tiên từ sự nghèo nàn văn hóa so với tri thức của thế giới. Phan Chu Trinh đã hơn ai hết ý thức điều đó. Trong khi thế giới đã mạnh mẽ phát triển, đã khám phá trái đất và vũ trụ, khám phá những giá trị lớn lao còn tiềm ẩn của bản thân con người, ít nhất từ thời Phục Hưng trở đi, thì có những dân tộc hầu như vẫn còn đóng kín trong một số niềm tin cổ lỗ, cho dù những niềm tin đó không hẳn là xấu nếu đem triển lãm nó bên cạnh những niềm tin khác trong một viện bảo tàng, nhưng những niềm tin đó đã trở thành một thứ kinh viện tự mãn, không đủ chất sống, không cung cấp được tri thức mới để dân tộc có thể vùng dậy mưu sinh, để xây dựng và phát triển chính mình theo đà phát triển của thế giới.

Có những dân tộc không ngần ngại chút nào nhìn nhận ngay sự thâm thụt tri thức, nhìn nhận “cái dốt”, sự tụt hậu của mình, để sau đó làm những cuộc cách mạng đọc, cách mạng làm ra sách, cách mạng cháy bỏng của niềm đam mê hiểu biết thế giới, để vươn lên nắm lấy tất cả sức mạnh trí tuệ của thế giới một cách nhanh chóng, một cách hối hả, vì đó chính là sự tồn tại của bản thân họ, chậm trễ là tiêu vong, và rồi họ đã bứt đi nhanh chóng trước các dân tộc khác vẫn còn đang ngủ mê.

Không phải chỉ có những vùng trũng về kinh tế, mà còn có những vùng trũng về tinh thần và tri thức, vùng trũng văn hóa rất lớn đang ngự trị. Nghèo nàn về vật chất có thể dễ nhận ra (mà cũng chưa chắc đã nhận ra một cách triệt để). Nhưng nghèo nàn về tinh thần khó nhận ra hơn, đối với bản thân của mỗi con người, và của một dân tộc. Ai nhận thức được sớm, người đó, dân tộc đó sẽ nhanh chóng vươn lên làm chủ đời mình và lột xác, không những để mưu sinh, để mưu cầu hạnh phúc cao hơn, mà còn để được thế giới kính trọng.

Để trí tuệ Việt Nam thăng hoa, để nền văn hiến 4000 năm của dân tộc viết tiếp những trang sử vẻ vang và vinh quang, chứ không phải chỉ là niềm hãnh diện của quá khứ, chúng ta, con cháu Rồng Tiên hôm nay, phải là một dân tộc “bác học”: chúng ta phải học tất cả tinh hoa của thế giới, học với niềm đam mê vô bờ bến, học để sáng tạo, để tinh thần mở rộng ra trước thế giới, để hiểu thế giới, nói được các ngôn ngữ của thế giới, để có đủ sức mạnh chấn hưng đất nước, làm giàu và đẹp cho đất nước, và để dân tộc Việt Nam là dân tộc văn hóa toàn cầu theo nghĩa đích thực.

Chúng ta là một dân tộc thế nào, nếu khắp nơi trong thành phố, và tại tất cả các thành phố đều như thế, người ta chỉ thấy một “mạng lưới” ăn chơi nhậu nhẹt tràn lan mà không hề thấy một mạng lưới thư viện công chạy qua các cấp phường, cấp quận để khuyến học và tạo sự ham học trong nhân dân? Không thấy có hàng vạn hay hàng triệu tác phẩm hay của thế giới có mặt với ngôn ngữ Việt Nam? Sách vở đang xuất hiện vài năm nay chỉ là vài nốt nhạc dạo đầu quá khiêm tốn, bản thân chúng chưa đủ để tạo nên khúc dạo đầu hoành tráng thuyết phục. Đó chỉ là nỗ lực của một số ít cá nhân may mắn còn sót lại sau trận cuồng phong. Nhiệm vụ thôi thúc, nhưng tương lai vẫn chưa rõ nét.

Cũng chưa thấy những thư viện tư nhân do các nhà hảo tâm tài trợ và chăm sóc như ở phương Tây đã từng xảy ra. Con cháu của chúng ta sẽ ra sao? Chúng sẽ nhìn thế giới một cách ngây ngô và xa lạ? Thế hệ mai sau sẽ ra sao, nếu chúng ta không có các mạng lưới thư viện bao phủ đất nước, và không có hàng vạn cuốn sách hay để con người nắm bắt tri thức thế giới, nuôi dưỡng trí tuệ, nuôi dưỡng các giấc mơ, hoài bão, mà chỉ có ăn chơi phù phiếm như hôm nay?

Các công trình văn hóa khác ở đâu? Các nhà hát giao hưởng bề thế, các viện bảo tàng khoa học kỹ thuật ở đâu sao giờ này vẫn chưa thấy có mặt trong các quy hoạch thành phố? Chúng ta có thể “hiện đại hóa, công nghiệp hóa” bằng tay không chứ không bằng trí tuệ khoa học hay sao?

Các tổ chức bóng đá có thể trả cho HLV Calisto mỗi tháng 22.000 USD, tức gần nửa tỉ bạc, để hy vọng có được những chiến thắng trong bóng đá, đã trả cho cầu thủ Thái Lan Kiatisak hay cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn hàng chục ngàn đô la mỗi tháng để kích bóng đá địa phương lên. Những đầu tư tương tự cho chiến lược phát triển trí tuệ Việt Nam đâu sao không thấy? Phần chăm lo cái đầu đâu? Người Nhật đã từng thuê hàng ngàn chuyên gia tầm cỡ trong mọi lãnh vực để giúp họ thiết kế chiến lược phát triển đất nước. Họ không giấu diếm cái “dốt” của họ. Nhưng chính điều đó đã làm họ nhanh chóng khôn ra và bứt đi khỏi các dân tộc khác ở châu Á đang trong cơn mê tự mãn mấy ngàn năm chưa dứt.

Tri thức của một dân tộc là những viên đá lót đường vững chắc của nó trong sự phát triển mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc, như những viên đá trường kỳ của dân tộc La Mã đã lót những con đường đi chinh phục lục địa của họ hai nghìn năm trước. Tri thức đó chỉ có được từ một nền văn hóa đọc toàn diện và sâu sắc mà thôi.

Đọc sách là để tỉnh thức, không sa ngã, là thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của chính mình và của dân tộc. Đọc sách là để học thêm tài, trao dồi thêm đức. Một người không đọc sách sẽ bị xơ cứng trong tâm hồn và trí tuệ, hay bị hoang dã trong đạo đức sống.

Không có văn hóa đọc, con người dẫm chân tại chỗ trong sự phát triển. Xã hội cũng thế. Văn hóa đọc giúp xã hội tiến hóa từ thấp lên cao, gạn rửa những cái cũ, làm cho chúng đẹp hơn bên cạnh những sản phẩm mới của tiến hóa. Không có sáng tạo cái mới, lịch sử tự nó chỉ là một tiếng thở dài vô nghĩa. Muốn trở thành tinh hoa phải đọc tinh hoa. Muốn có tầm nhìn tương lai, phải đọc cả chiều dài lịch sử thế giới. Không có con đường nào khác, không có phép thuật nào khác, không có khẩu hiệu nào khác.

Nhà nước cũng không thể không có trách nhiệm lớn trong việc phát triển văn hóa đọc và văn hóa sách, không thể đứng ngoài cuộc phát triển có ý nghĩa sống còn này. Vì văn hóa đọc, văn hóa sách cũng chính là chiến lược để phát triển nhân lực của đất nước, phát triển dân trí của đất nước. Sự mở mang và giải phóng cái đầu sẽ đem lại sức mạnh không những tinh thần mà còn vật chất vô cùng lớn lao.

Năm 1810, sau khi thua tan tác trước quân đội tinh nhuệ và đang hừng hực lửa cách mạng của Napoleon hai ngày liên tiếp trong năm 1806, mất đi phân nửa đất đai, rơi vào sự lệ thuộc, sự tụt hậu của mình bộc lộ thanh thiên bạch nhật, Vua Phổ cho thành lập Đại học Berlin mà bây giờ gọi là Đại học Humboldt, tên của hai anh em Alexander và Wilhelm Humboldt, khẳng định “lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những tổn thất vật chất”.

Thực tế, sau một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử, Phổ đã trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp, cường quốc về khoa học và giáo dục ở châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Đại học Humboldt đã trở thành tấm gương sáng chói cho nền đại học thế giới và trở thành động lực phát triển cho xã hội, kinh tế, một vị trí được Steven Weinberg, một trong những nhà vật lý hàng đầu của Mỹ đương thời, đặc trưng khi ông nói, “nếu không có những đại học nghiên cứu lớn, chúng ta tại nước Mỹ sẽ phải tự sống bằng cách trồng đậu nành và giới thiệu Canyon cho khách du lịch đến từ Nhật Bản hay Đức”.

Hãy thấy, những ai làm ngơ hay xem thường: tri thức và tinh thần, khi được giải phóng và chăm bón phát triển tốt, đã biến thành sức mạnh vật chất vô biên cho xã hội.

Cái đầu hay không cái đầu, đọc sách hay không đọc sách, đó là tồn tại hay không tồn tại!

TP. Hồ Chí Minh, 13/03/2010