Người Pháp đọc sách

Đặng Tiến 
Nhà phê bình

Đọc sách là nhu cầu chung của loài người, dù có chênh lệch tùy theo hoàn cảnh xã hội và trình độ phát triển văn hóa, tùy nơi và tùy thời.


Nói về việc đọc sách ở Pháp, vì tôi định cư lâu năm và dạy học tại Pháp, có dịp quan sát thực tế, thêm tư liệu chính xác, những con số thăm dò dư luận trong địa hạt này. Người Pháp đặc biệt quan tâm đến việc đọc sách, đọc báo của dân chúng, nhất là của con em.

Vài ba mươi năm trở lại đây, các phương tiện truyền thông thính thị phát triển rầm rộ, như kỹ thuật truyền hình, lại thêm tin học, các mạng lưới cung cấp thông tin, kiến thức, trò chơi; dư luận đã lo ngại cho nhu cầu, hành động đọc sách, báo. Nhưng cuối cùng hiện nay, những điều tra cho thấy, nói chung sinh hoạt đọc không giảm sút, công nghiệp sách, việc phổ biến sách vẫn phát triển, thậm chí tiến triển. Dò hỏi giới bán sách, quản thủ thư viện, họ xác nhận điều này.

Cuốn sách, tờ báo đứng vững là nhờ vào điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội, cùng với quyết tâm của phụ huynh và đặc biệt ảnh hưởng của nhà trường. Công lao của giáo giới cấp tiểu học, trung học là lớn lao trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đọc.

Nhật báo La Croix (Thánh Giá), ngày 12.3.2009, đã công bố cuộc điều tra do cơ quan thăm dò Sofres thực hiện, cho biết trong mười năm qua số độc giả đọc sách có phần gia tăng từ 66 lên 69 trên 100 người; số người không bao giờ đọc sách giảm từ 33 xuống 30. Số người ít đọc, dưới 5 cuốn mỗi năm, nay đọc nhiều hơn: số độc giả này gia tăng từ 24 lên 34, xem như 10%, là nhiều. Ngược lại, số “độc giả lớn” (đọc trên 20 cuốn mỗi năm) thì giảm xuống, từ 14 xuống 10.

Lời bàn: đây là tín hiệu tốt. Nhiệm vụ văn hóa của một xã hội là giúp kẻ không bao giờ cầm đến cuốn sách, nay đọc sách, dù chỉ là 3%, và nhất là giúp những người ít đọc nay đọc thêm. Còn số các vị đã đọc thiên kinh vạn quyển rồi, thì giảm bớt dăm ba người thật ra (là giảm đôi ba cuốn sách), cũng không thay đổi gì trong phong cảnh văn hóa.


Một vấn đề nhỏ hơn, nhưng then chốt: là thanh thiếu niên, học sinh trung học, đọc nhiều hay ít, đọc sách gì? Then chốt, vì là nền tảng của tương lai, trước lo âu của phụ huynh khi nhận xét con em mình ngày nay ham xem truyền hình, ham chơi điện tử, không mấy khi cầm đến cuốn sách, tờ báo.

Trung tâm quốc gia sách của Pháp có mở cuộc điều tra trên số học sinh tham quan hội sách Paris tháng 3/2007. Từ những con số chính xác, mà chúng tôi không kê khai ra đây vì rắc rối, cuộc điều tra đã đưa ra tổng kết:

-         Việc đọc sách giữ địa vị quan trọng trong sinh hoạt giải trí của học sinh.
-         Việc đọc sách đa dạng: phái nữ đọc nhiều hơn phái nam. Các em cũng khác sở thích.
-         Các trò chơi điện tử có ảnh hưởng: chơi nhiều thì đọc ít. Các phương tiện khác cũng cộng hưởng: những em có nhiều phương tiện giải trí văn hóa (xem triển lãm, đi nghe nhạc hợp xướng, v.v…) thường đọc sách nhiều hơn.
-         Ảnh hưởng của phụ huynh vẫn quan trọng. Bố mẹ đọc nhiều, thường thường thì con cái theo gương. Nhưng bố mẹ ít khi áp đặt trực tiếp việc đọc sách hay chọn sách, dù có khuyên bảo.
-         Về sở thích, các em chuộng sách thư giãn: tiểu thuyết bộ, giả tưởng, phiêu lưu. Ít chuộng thơ hay sách khoa học, lý luận. Phái nữ, và học sinh cấp ba, chọn sách kỹ hơn, và bàn luận về sách báo nhiều hơn.
-         Tiêu chuẩn chọn sách, theo thứ tự: đề tài, tên tác giả, lời khuyên từ người thân, bình luận trên các đài, trên báo chí, sách nổi tiếng, cách trình bày, quảng cáo, giá tiền, chỉ dẫn của người bán sách, sách được giải thưởng, sách ngắn, v.v…

Lời bàn: cuộc thăm dò loại trừ các sách do giáo trình nhà trường áp đặt. Đây là theo phương pháp thống kê. Trong tực tế, dù áp đặt, sách đọc theo giáo trình vẫn đóng vai trò quan trọng, có khi là quyết định, trong hoạt động đọc sách. Nói là áp đặt, thật ra là do giáo viên quyết định lựa chọn, theo sở thích, kiến thức của mình, và của học trò, chứ nhà nước không quy định cuốn sách, bài thơ, tác giả nào.

Tại các lớp trung học Cơ sở, tương đương từ lớp 6 lên lớp 9 Việt Nam, chương trình khuyến cáo các em đọc toàn văn 36 tác phẩm từ thời Thượng cổ như trường ca Homere, qua Trung cổ, đến ngày nay, thuộc đủ thể loại. Trung bình mỗi niên khóa, tiếp cận 9 tác phẩm toàn văn.

Lên đến Cấp ba, khi thi tú tài, thí sinh phải biết qua năm thế kỷ văn học, từ thế kỷ XVI đến nay, phải biết các thể loại chính: thơ, kịch, truyện. Khi vào vấn đáp, tùy ngành học, kỹ thuật hay văn chương, thí sinh phải trình bày từ ba đến mười tác phẩm đọc trọn vẹn. Dĩ nhiên là có học sinh lười, không đọc toàn văn, chỉ đọc sách luyện thi để biết tóm tắt cốt truyện. Nhưng nói chung, không ít thì nhiều, các em đều có đọc sách, dù đọc nhảy cóc.

Và đây là sách cơ bản có giá trị văn chương, xã hội, nhân bản, làm nền cho văn hóa cá nhân. Những tác phẩm này, là do giáo viên chọn lựa theo quan điểm sư phạm, không do nhà nước quy định, không theo đường lối chính trị nào. Tại Pháp, giáo giới, nhất là giới văn chương, thường đối lập với chính quyền đương thời, dù là lãnh lương nhà nước…

Việc thanh thiếu niên đọc sách, học tập thói quen đọc, theo chúng tôi, là công lao của nhà trường xây dựng trên tự do và bình đẳng.

Ngoài giới độc giả học sinh mà xã hội đặc biệt quan tâm, thì người Pháp vẫn có truyền thống đọc sách, dù rằng số người lớn không đọc sách lên đến non một phần ba.

Đài Quan Sát kinh tế sách (OEL, Observatoire Economique du Livre) thường xuyên theo dõi thị trường, cho biết trong 12 năm, 1995-2007, số sách mới đã gia tăng 50%. Lên xa hơn nữa, qua 37 năm (1970-2007) sách in tăng gấp ba.

Đã đành là số lượng sách in không phản ánh số người đọc, nhưng vẫn tạo tin cậy cho nền kinh tế sách, một phương diện quan trọng cho đời sống văn hóa.

Quần chúng không mấy ai biết tư liệu, rằng năm 2007 đã có 445 triệu ấn bản được ra đời, trung bình mỗi đầu sách in khoảng 8500 bản. Nhưng mọi người đều nhận thấy cuốn sách, tờ báo xuất hiện thường xuyên trong đời sống. Tại các nhà ga có nhiều hiệu sách, không những sách giải trí cho hành khách đọc để quên đường xa, mà có cả sách nghiên cứu, và những tiểu thuyết thời danh, khó đọc, giá đắt, nói chung là sách nổi tiếng, ví dụ mới được giải thưởng gì đó. Các siêu thị lớn thường mở thêm quầy sách báo, bày bán sách đủ loại, nhất là sách mới và thời thượng. Chưa kể những siêu thị sách, chuyên bán sách, đĩa nhạc, đĩa phim, xuất hiện gần đây. Và sách bán Chợ trời, giá rẻ mạt.

Các mạng điện tử, một mặt cạnh tranh với sách, mặt khác giúp phổ biến sách. Sách mua qua internet, từ khắp thế giới, kể cả sách cũ đã tuyệt bản, được gửi tới nhà, đôi khi với giá rẻ.

So với thời giá, thì giá sách không tăng bao nhiêu, không chiếm khoảng lớn trong ngân sách gia đình. Thị trường sách ổn định là yếu tố quan trọng trong đời sống văn hóa.

Người đọc sách không cần mua sách, là nhờ hệ thống thư viện rộng rãi: các thành phố lớn nhỏ, đôi khi phường khóm, đều có thư viện, có khi còn gọi là viện truyền thông (médiatheque) vì cho mượn sách và các phương tiện văn hóa khác: như đĩa nhạc, đĩa tư liệu, đĩa phim. Trường đại học có thư viện, trường trung học cũng có “trung tâm học liệu”. Các thư viện lớn dồi dào sách đủ thể loại, nếu thiếu cuốn nào thì có thể hỏi mượn các thư viện khác trên thế giới và cung cấp cho người đọc. Các làng mạc xa xôi, hẻo lánh, được xe thư viện lưu động (xe buýt), ghé qua để phục vụ người đọc theo định kỳ.

Nhìn chung, cuốn sách, phương tiện giải trí và học hỏi, tra cứu, là một quy chế xã hội. Đọc sách là một hành động tiêu thụ và hưởng thụ cô đơn, nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác là một hoạt động xã hội, là tham dự vào đời sống văn hóa của xă hội, đồng thuận, thỏa hiệp, hay phản kháng.

Việc đọc sách tại nước Pháp, có lẽ cũng na ná như tại các nước Âu Tây.

Tham khảo sinh hoạt đọc sách tại nước ngoài, là để so sánh, suy nghĩ thêm về tình hình trong nước: kỹ nghệ xuất bản, thị trường sách, tập quán đọc sách của quần chúng, đặc biệt của thanh thiểu niên Việt Nam.

Đọc sách là một hành động cá nhân, nhưng cũng là thao tác văn hóa. Mà nói văn hóa, là nói đến xã hội, nghĩa là một trách nhiệm chung.

Đọc sách, có thì giờ đọc, nơi để đọc, có sách để đọc, là một quyền của công dân, trong một xã hội dân chủ và tiến bộ.

Orléans, 16/3/3/2010