Tâm Hiếu
Ban Biên Tập, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc
Ban Biên Tập, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc
Đã
nhiều bài báo, công trình nghiên cứu của thế giới nói về âm nhạc phát
huy trí tuệ cho trẻ em từ trong bụng mẹ cũng như những năm tháng đầu
đời. Điều đó chắc đúng. Với người Việt, âm nhạc bác học còn khá xa lạ.
Nhiều bậc bố mẹ cũng chưa thưởng thức được, nên định hướng âm nhạc cho
trẻ nhỏ là việc khó. Nhưng những lời ru, những điều tâm tình truyền từ
đời bà sang đời mẹ đến đời con mang tâm hồn Việt với ý nghĩa giáo dục
to lớn là điều không ai phủ nhận. Lời ru của bà, của mẹ theo bé trong
nôi, khi bế bồng. Rồi bé lớn lên, khi đã hiểu ngôn từ, truyện cổ tích
nuôi dưỡng tâm hồn bé.
Nhớ
lại ngày tôi còn thơ bé, truyện cổ tích nằm trong những trang sách đen
sì cũ kỹ, chỉ hoàn toàn chữ thôi. Ngày chưa biết đọc, tôi cứ ngó vào mà
nghe người lớn kể. Có thể câu truyện đó người lớn đã ngày ngày đọc hết
lứa trẻ này đến lứa trẻ khác, đã thuộc lòng rồi, nhưng quyển truyện vẫn
được mang ra để trẻ em háo hức xem hôm nay sẽ được nghe truyện nào? Và
trẻ em thì cứ ngó vào và lòng tự hỏi, trong trang sách đen dầy đặc chữ
kia sắp hiện ra điều gì? Và bé sống cùng những hoàng tử, những công
chúa, những người hiền lành trong cuộc sống đau khổ, nhưng với bản tính
tốt bụng kết thúc truyện bao giờ cũng chiến thắng, như Thạch Sanh thắng
Lý Thông, Thằng Nhà con Gạo sẽ gặp được mẹ… Kết thúc của câu truyện cổ
tích nào cũng là điều thiện thắng điều ác, ở hiền gặp lành. Truyện cổ
tích đã mang đến cho tuổi thơ những ước mơ trong sáng, hướng thiện.
Truyện cổ tích chứa nhiều điển tích văn học, nhờ vậy, những em đọc
nhiều truyện cổ tích hiểu văn học hơn, nhờ đó học văn tốt hơn. Những em
đam mê truyện cổ tích thường có tâm hồn phong phú, mềm mại.
Để
trẻ em đam mê truyện cổ tích, ngay từ ngày nhỏ, cha mẹ đã cần kể, đọc
truyện cổ tích cho các em. Đến khi biết đọc, các em sẽ đọc lại gặp nhân
vật quen thuộc, các em như được gặp các bạn thân của mình trong từng
câu truyện.
Nhưng
để phát triển tư duy tưởng tượng hướng thiện cũng cần lựa chọn đúng
những tập truyện cổ tích được làm bởi những nhà văn hóa có uy tín.
Ngày chúng tôi còn nhỏ, việc này không khó, vì không nhiễu loạn như
ngày nay, những truyện chính của thời đó là: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Truyện cổ Grim, Truyện cổ Andecxen, Thần thoại Hy Lạp…và sau này là truyện cổ tích Nga.
Truyện
cổ tích Việt Nam thì hầu như các bà, các mẹ nào cũng biết, đã được
truyền khẩu qua nhiều thế hệ, thời trước sách hiếm lắm. Nhưng dù ở thôn
quê, không biết chữ thì các bà các mẹ vẫn thuộc vô vàn truyện cổ tích.
Ngày nay, chỉ cần ra hiệu sách là vô số truyện cổ tích các loại bày
bán. Nhưng để chọn được bản tuyển chọn, dịch mang hồn văn học không
phải dễ trong thời buổi loạn sách này.
Phương
thức truyền khẩu cổ tích, nay cũng đã mai một dần. Nhiều bà, mẹ không
còn đêm đêm kể truyện cổ tích cho bé nghe, đưa bé vào giấc ngủ thần
tiên nữa. Nhưng truyện cổ tích bán tràn lan các cửa hiệu sách, với
tranh ảnh minh họa phong phú. Cùng một cốt truyện đã được nhiều nhà
sách với nhiều nhà biên soạn khác nhau gây rối loạn cho việc chọn lựa.
Vàng và thau lẫn lộn. Nhiều truyện cổ tích đã bị các tranh minh họa làm
lệch lạc nội dung, nhưng với màu sắc bắt mắt làm cho các bậc phụ huynh
chọn lầm. Việc truyện cổ tích có nhiều tranh minh họa, theo tôi chưa
chắc đã là điều hay, vì các bé xem tranh làm giảm trí tưởng tượng độc
lập. Do nhiều dịch giả làm sách chưa đạt, nên hỏng văn phong. Đọc những
truyện cổ tích mà không còn mang văn phong cổ tích thì quả thật thất
vọng vô cùng.
Với
Kho tàng Truyện Cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, các truyện cổ
tích được các dịch giả Phan Quang, Hữu Ngọc…đã cho chúng ta hưởng đúng
thi vị của cổ tích.
Chúng
ta sẽ sống ra sao khi thiếu những ước mơ? Mà phần lớn ước mơ được xây
dựng từ những miền cổ tích. Hương vị ngày Tết nhờ có bánh chưng xanh.
Với tôi, truyện cổ tích như chiếc bánh chưng trong ngày Tết sách vậy.
Những mong trẻ em được nuôi dưỡng tâm hồn bằng ước mơ cổ tích thần tiên
trong sáng.
Chúng
ta có nhiều lễ hội cho đời sống rồi, còn với trí tuệ thì sao? Trí tuệ
chi phối toàn bộ đời sống vậy mà một ngày Lễ cho trí tuệ chưa có. Ngày
đọc sách, ngày Tết của trí tuệ quả thật rất cần trở thành lễ hội cho
toàn dân, và tôi mong ước sớm có ngày đó, như tuổi thơ mơ về miền cổ
tích.