Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books
Là người đam mê sách từ nhỏ và thậm chí ít nhất đã để cháy nhà 2 lần chỉ vì mãi đọc sách, sau này lại có may mắn được học đại học và sau đó là nghiên cứu sinh tại Liên Xô tôi có cơ hội thỏa mãn khát khao của mình - mua và đọc rất nhiều sách.
Đến ngày hôm nay, khi có điều kiện được đi học, công tác, làm việc, tham quan du lịch qua nhiều quốc gia tôi thật sự có thêm nhiều cơ hội để tích lũy cho thư viện sách của mình và luôn đau đáu nghĩ về văn hóa đọc của Việt Nam. Chính những quan sát của mình làm tôi canh cánh suốt nhiều năm qua về sách và văn hóa đọc.
Đến ngày hôm nay, khi có điều kiện được đi học, công tác, làm việc, tham quan du lịch qua nhiều quốc gia tôi thật sự có thêm nhiều cơ hội để tích lũy cho thư viện sách của mình và luôn đau đáu nghĩ về văn hóa đọc của Việt Nam. Chính những quan sát của mình làm tôi canh cánh suốt nhiều năm qua về sách và văn hóa đọc.
Cách đây 3 năm tôi đã từng dành trọn ngày 23/3 để lang thang khắp thủ đô Hà Nội. Ròng rã cả một ngày trời tôi đếm được 31 người đang đọc tại tất cả các bến xe buýt của Hà Nội. Trong số 31 người đang đọc chỉ có 7 người đang đọc sách, 19 người đọc báo và 5 người đang đọc tờ quảng cáo. Kết quả quan sát làm tôi ngỡ ngàng!
Năm 2008, trong một chuyến bay vào TP. Hồ Chí Minh ngày 9/3, tại sân bay Nội Bài tôi đã đếm được 15 người đang đọc sách. Trong đó có 14 người là người nước ngoài. Ngày 14/3 khi bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tại sân bay Tân Sơn Nhất tôi ghi nhận được 24 người đang đọc sách, trong đó có 22 người là người nước ngoài (tôi không đếm những người đang đọc báo). Kết quả này càng làm tôi buồn và lo lắng thêm - ngay cả những người đi máy bay, có trình độ và tri thức cao hơn, kinh tế tốt hơn cũng không chăm đọc sách!
Cũng năm 2008 này tôi đã làm một nghiên cứu về việc đọc sách của lãnh đạo. Kết quả chỉ ra rằng chỉ có 10,71% lãnh đạo ngày nào cũng đọc sách, nếu không quá bận. 53,57% mua sách ít nhất 1 tháng 1 lần. Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thời gian rảnh rỗi, các nhà lãnh đạo Việt Nam không ưu tiên để đọc sách. Vị trí của đọc sách trong thứ tự ưu tiên của doanh nhân Việt trong lúc có thời gian rỗi xếp thứ 14.
Cũng liên tục suốt 13 năm từ 1995 đến 2008, đến thăm các gia đình tại Việt Nam, nhất là nhà riêng các nhà lãnh đạo, doanh nhân tôi đều được chủ nhà khoe tủ rượu với bao nhiêu loại rượu quý, rượu hiếm, các loại chai to, chai nhỏ. Nhìn khuôn mặt họ tôi biết rằng họ rất tự hào về tủ rượu của mình. Tuyệt nhiên không ai khoe tủ sách!
Đã có những lúc tôi tự nhủ, chắc mơ ước của mình về “tủ sách gia đình” và “tủ sách doanh nghiệp” sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Sau khi Thái Hà Books ra đời được 1 năm, chúng tôi quyết định tổ chức Tết sách lần đầu tiên tại Việt Nam - 23/4/2009. Tết Sách thu hút được khoảng hơn 1 ngàn lượt người đến dự tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã “mừng tuổi” sách cho bất cứ ai đến dự Tết sách. Kết quả cuối cùng: với hơn 1000 cuốn sánh được “lì xì” trong Tết sách 23/4/2009 làm bất ngờ ngay cả tôi, người đưa ra ý tưởng và triển khai vào thực tế khát khao của cả chục năm trời nay. Nhiều doanh nhân, nhà văn, nhà thơ đã đến dự, chia vui và ủng hộ. Hàng trăm chữ ký ủng hộ Tết sách đã được ký. Niềm vui thật lớn!
Cũng từ năm 2009, tháng 4 hàng năm được chúng tôi tôn vinh là Tháng đọc sách.
Tết Canh Dần 2010 vừa qua tôi đến chúc tết bạn bè của mình. Tôi vô cùng vui mừng khi có kết quả bất ngờ: 15 gia đình doanh nhân đã có tủ sách kê trang trọng tại phòng khách. Có đến 9 doanh nhân chủ động “khoe” tủ sách của mình.
Cũng trước thềm Tết Canh Dần, một người bạn thân thiết của chúng tôi, một người cũng rất đam mê với sách và văn hóa đọc - anh Nguyễn Quang Thạch đã xuất phát từ Văn Miếu Quốc Tử Giám với chuyến hành trình xuyên Việt kêu gọi việc đưa sách về nông thôn để xây dựng những “tủ sách dòng họ”. Đến nay, đã có trên 50 “tủ sách dòng họ” hình thành, con số này đang tăng dần theo ngày tháng.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng văn hóa đọc sẽ phát triển mạnh mẽ. Nếu mỗi nhà xuất bản, mỗi công ty sách đều xuất bản những cuốn sách hay, có giá trị, mang tính giáo dục cao; nếu kỹ năng đọc sách nhanh được đưa vào trường học; nếu các bậc cha mẹ và lãnh đạo làm gương trong việc đọc sách; nếu sách và văn hóa đọc được tuyên truyền và cổ vũ hơn nữa, tôi không nghi ngờ gì rằng ở Việt Nam chúng ta sẽ có nền văn hóa đọc lớn mạnh.
Mỗi chúng ta hãy cùng nhau góp phần vào việc nâng cao tri thức, tuyên truyền cho sách và văn hóa đọc.