Tóm tắt phát biểu


Nguyễn Khắc Thuần
Trưởng khoa Việt Nam học - ĐH Bình Dương

1. Văn hóa đọc quả đúng là… văn hóa. Sở dĩ nói như vậy vì bản thân tôi thấy hai chữ văn hóa đã và đang bị lạm dụng, bị tùy tiện gắn cho đủ thứ, kể cả những thứ rất xa lạ với bản chất của văn hóa và thậm chí là phản văn hóa (anti-culture).


2. Từ rất nhiều thế kỷ nay, văn hóa đọc là một bộ phận cấu thành rất đáng quý của văn hóa Việt Nam. Học vấn cao đồng nghĩa với đọc nhiều. Sức thuyết phục của mỗi một con người được xác định là nói có sách, mách có chứng. Đọc sách không chỉ đơn giản là tìm thú vui tao nhã mà thực sự là để nâng cao học vấn và nhận thức của mình.

3. Nho gia nói (thư trung hữu khách) nghĩa là trong sách có khách. Đọc sách là để trò chuyện với những vị khách vô hình nhưng rất đáng yêu. Trò chuyện để gắng học những điều hay, để tránh những điều cần tránh và có thể tránh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cổ nhân khẳng định rằng sách là (vạn thế chi sư) nghĩa là thầy của muôn đời.

4. Tổ tiên ta từng dạy: ai nhẫn tâm đạp lên giấy là vô đạo. Ai vô tình hay cố ý viết những lời khiếm nhã lên giấy cũng là vô đạo. Lời nghiêm huấn ấy đáng suy nghĩ lắm. Văn hóa đọc chỉ thực sự phát triển chừng nào mọi ấn phẩm đều góp phần chuyển tải đến người đọc những giá trị văn hóa. Ngòi bút trong tay là phương tiện văn hóa rất thiêng liêng. Xa rời nhận thức về trách nhiệm nặng nề đó, không một tác giả nào có thể tồn tại được.

5. Là một người cầm bút, đã có trên 300 đầu sách được xuất bản và nhiều lần tái bản, tôi rất quan tâm tới thị trường sách - nền tảng của văn hóa đọc. Vì quan tâm nên tôi nhận thấy hiện nay có một số loại ấn phẩm rất cần được chấn chỉnh:

- Nhân danh liên kết, có nhà xuất bản tỏ ra thiếu trách nhiệm với bạn đọc
- Nhiều tác giả không hiểu được nên cũng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội
- Không ít ấn phẩm tỏ rõ kiến thức của người viết thiếu vững vàng
- Số ấn phẩm thể hiện lối tư duy dễ dãi chiếm tỷ lệ hơi cao
- Xu hướng dung tục đang có xu hướng dần dần trở nên phổ biến

6. Tính khích lệ của các phương tiện thông tin đại chúng chưa được như mong đợi. Những thông tin về sách mới và sách hay quá ít trong lúc những thông tin vô bổ, thậm chí là rất nhảm nhí lại được trang trọng đăng tải trên các trang văn hóa. Ngoài một số bài tranh luận giữa cá nhân với cá nhân, hoạt động lý luận phê bình chân chính gần như đã hoàn toàn bị tê liệt. Trách nhiệm định hướng nhận thức cho bạn đọc đang bị bỏ ngỏ.
7. Tuy không nhiều nhưng có vào thư viện mới hay, một số sách đã bị phá hoại bởi những mục đích rất thiển cận và thiếu ý thức của một số người đọc. Đây là điều xa lạ với văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng.

8. Tóm lại, truyền thống ham mê đọc sách tuy vẫn còn mạnh mẽ nhưng muốn thực sự có được một văn hóa đọc, có lẽ chúng ta phải cần đến cả một hệ thống những giải pháp tích cực và tương thích với xã hội hiện nay./.