Nguyên Ngọc
Trong những năm qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, chúng ta đã
cố gắng góp phần cải tiến tình hình đọc sách trong xã hội. Tình hình đã có khá
hơn, nhưng tôi nghĩ cần phải nói thẳng rằng cũng chưa thay đổi được nhiều.
Có
một dấu hiệu để đánh giá đáng tin cậy: số lượng sách in, chỉ trừ sách giáo khoa
là sách bắt buộc học sinh phải mua, vẫn còn quá ít. Một cuốn tiểu thuyết in
được một nghìn đến vài nghìn bản đã có thể coi là “hiện tượng”. Quả thật đó là
điều rất bất thường, rất đáng lo lắng trong một đất nước có hơn 80 triệu dân.
Không biết có con số so sánh nào không, nhưng cho đến nay có lẽ ta thuộc vào
những nước có số lượng sách in vào loại thấp nhất thế giới, ít ra là trong hàng
các nước đang phát triển. Lễ hội thì rất nhiều, chắc vào loại nhiều nhất thế
giới, mà sách thì ít nhất. Nếu ngành văn hóa không nhận ra và có lo lắng lớn,
và không chỉ ngành văn hóa mà cả lãnh đạo nói chung vẫn dửng dưng về điều này,
không thấy ở đây một dấu hiệu xấu có tính chất nguy cơ trước mắt và lâu dài…
thì đó cũng sẽ là một nguy cơ, không ồn ào nhưng hoàn toàn không thể coi
thường.
Những lần trước chúng ta đã nói nhiều và khá hùng hồn về ý nghĩa
của sách và của việc đọc sách, đối với con người, đối với xã hội. Điều đó là
cần thiết và chắc phải còn tiếp tục, lâu dài, kiên trì. Nhưng có lẽ lần này nên
cùng bàn với nhau cụ thể hơn về những biện pháp, làm cách gì đây để có thể
thiết thực cải thiện được tình hình một cách thật sự có hiệu quả. Làm thế nào
để dần dần có được một văn hóa đọc thật sự tốt hơn.
Lần trước chúng ta cũng đã bàn với nhau thế nào là văn hóa đọc? Có
người nói chẳng hạn một sinh viên đang học ngành vật lý mà sách về vật lý cũng
không đọc là không có văn hóa đọc. Tất nhiên người học ngành vật lý thì cần đọc
sách vật lý, vì lợi ích cho việc học của anh ta, nhưng theo tôi như vậy cũng
không thể coi người sinh viên đó là đã có văn hóa đọc. Anh ta đọc vì một mục
đích rất thực dụng, đọc để trả bài, để đi thi, và như thế thì không thể nói là
có văn hóa đọc, hay thậm chí nói chung, có văn hóa. Tôi xin nói điều này, có
thể còn cần được tranh luận, và cũng mong được tranh luận: bản chất của văn hóa là vô vị lợi. Tất nhiên văn hóa, các hoạt động
văn hóa có thể làm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền, có cả những ngành kinh doanh
văn hóa và việc đó là chính đáng, cần thiết nữa; văn hóa có thể là một ngành
kinh tế lớn của đất nước. Nhưng điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn gì với việc
bản chất của văn hóa là vô vị lợi. Văn hóa trước hết là nhu cầu sống thiết yếu
của con người, nói cho thật đúng, để phân biệt con người với con vật. Đó chính
là phần người trong con người; con vật trở thành con người khi nó bắt đầu có
văn hóa, có nhu cầu và hoạt động văn hóa. Sáng tác nhạc có thể đem lại tiền,
rất nhiều tiền cho người sáng tác, âm nhạc có thể là một ngành kinh doanh lớn,
nhưng đối với người sáng tác nhạc thì đó trước hết là một nhu cầu tự thân, thậm
chí chẳng có mục đich gì hết, không để làm gì hết, ngoài một thôi thúc hoàn
toàn vô tư từ bên trong nhất thiết phải tự bộc lộ, phải thổ lộ ra, không thổ lộ
ra được bằng cách ấy thì cũng giống hệt như người bị ngạt thở, sẽ không sống
được. Tất cả những hệ quả khác tự nó sẽ đến sau…
Đọc sách cũng chính là như vậy. Đọc sách trước hết không phải là
để “học” lấy một cái gì ở trong đó. Nếu vậy thì khi không có nhu cầu học một
cái gì đó, khi không cần học một cái gì đó nữa, anh sẽ không đọc hay không đọc
sách nữa. Đọc sách như vậy sẽ không bao giờ tạo được văn hóa đọc. Văn hóa đọc
chỉ có được khi người ta đọc sách hoàn toàn vô vị lợi; cái lợi có thể có khi
đọc một cuốn sách sẽ đến sau chứ không phải vì muốn tìm một cái lợi nào đó mà
người ta đọc sách. Văn hóa trước hết là thú vui có tính người của con người.
Đọc sách là thú vui người của con người có văn hóa. Đọc sách vì đó là việc rất
vui, hơn nữa rất cần một cách hết sức tự nhiên, không có sách thì như không
được thở vậy.
Có lẽ chúng ta chưa chuyển được tình hình văn hóa đọc dù đã rất cố
gắng, chính một phần - tôi nói điều này nghe có thể có vẻ nghịch lý - chính một
phần vì vừa qua chúng ta chỉ tập trung nói nhiều về những lợi ích của việc đọc
sách. Vậy nếu người ta không cần những lợi ích đó hay không còn cần những lợi
ích đó nữa thì sao? Cũng giống như khi ăn vậy, người ta ăn không phải vì nghĩ
rằng phải ăn để cho bổ cái này cái kia, người ta ăn chỉ vì… thấy đói, thế thôi.
Chuyện bổ gì là chuyện tự nó đến sau. Khi con người chưa thấy đói sách thì
không chịu được, khi đó mới thật sự có văn hóa đọc. Khi một ngày không đọc
sách, khi một ngày thiếu sách thì không chịu được, thậm chí đến như bị chết đi
về mặt tinh thẩn, thiếu, đói chất người, khi đó mới thật sự có văn hóa đọc.
Chúng ta đã từng có những thời kỳ có được điều tốt đẹp và quý giá đó, ít ra là
trong một bộ phận không nhỏ của xã hội, nhưng rồi chúng ta đã đánh mất nó đi.
Chúng ta đã sa vào, sa xuống một xã hội thực dụng, thậm chí chừng nào đó thực
dụng đến mức thô bỉ, và một xã hội như vậy không cần đến sách, đến văn hóa đọc
là điều tất nhiên. Vậy vấn đề bây giờ là làm thế nào để khôi phục lại nhu cầu
đọc tự nhiên, hồn nhiên, vô tư, vô vị lợi của con người. Trở lại với một đời
sống có văn hóa thật sự cho con người, cho xã hội?
Những nhu cầu tự nhiên, hồn nhiên, gần như có tính “bản năng” như
vậy, ngẫm lại mà xem, phải được hình thành từ bé. Vì vậy theo tôi trước hết là
phải hình thành từ trong tế bào cơ bản đầu tiên của con người là gia đình. Ở
Phần Lan, không biết có phải là nước giàu nhất hay không nhưng chắc chắn là một
nước văn minh và hạnh phúc nhất thế giới hiện nay, khi một đứa bé ra đời, thì
bạn bè, người thân của gia đình đem đến tặng nó không phải hoa hay bánh trái,
quần áo…, mà là một cái lẵng đẹp đựng đầy sách. Ở đất nước này, người ta không
thể quan niệm gia đình, không thể quan niệm con người mà không có sách. Gia
đình đối với đứa bé vừa ra đời là gồm có những con người, cha mẹ, anh chị em,
những người thân, cộng với sách. Sách là thành phần thiết yếu không thể thiếu
của gia đình. Đứa bé vừa ra đời đã được đưa vào một thế giới trong đó sách là
một thành phần khắng khít, thiết yếu. Sách là người thân trong gia đình… Chúng
ta có thể du nhập phong tục đẹp này vào xã hội ta không? Tôi nghĩ là hoàn toàn
có thể. Tôi nhớ hồi còn nhỏ tôi còn được thấy những cuốn sách chữ nho mà người
ta nhỡ tay để xuống chỗ vẫn đặt đít ngồi, liền được xuýt xoa nâng lên đặt trên
đầu. Thời ấy ở ta người ta từng coi con chữ, coi sách là thứ thiêng liêng như
vậy đấy. Đó là một trong những mỹ tục tuyệt
vời mà chúng ta đã đánh mất, và là một tổn thất văn hóa.
Hôm vừa rồi đây, ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy một
người đàn ông nước ngoài cầm một cuốn sách khổ to, chắc là sách viết cho trẻ
em, ân cần đọc cho một cậu bé chắc là con trai hay cháu ông nghe, hai cha con
hay hai ông cháu mê mẩn. Một hình ảnh tuyệt đẹp, và những người có dịp đi ra
nước ngoài đều biết có thể gặp những cảnh quen thuộc như vậy bất cứ ở đâu, ở
sân ga, sân bay, ngoài công viên, thậm chí một trạm chờ xe buýt…
Tôi cho rằng một trong những đối tượng vận động quan trọng hàng
đầu trong phong trào của chúng ta là gia đình. Không bắt đầu từ gia đình thì sẽ
rất khó có thói quen đọc sách cho con người suốt đời. Nên nghĩ cách đến với các
bậc cha mẹ, và hãy làm mọi cách để các bậc cha mẹ hiểu rằng gia sản lớn nhất họ
có thể để lại cho con cái là thói quen đó. Hãy vận động sao cho trong mỗi gia
đình, đọc sách là mục không thể thiếu trong hoạt động thường ngày, như ăn, như
uống, như tắm rửa vậy… Và bớt xem tivi đi, bớt cái tai họa của thời hiện đại ấy
đi! Hãy tạo dư luận coi những gia đình suốt
ngày cắm mũi vào tivi là những gia đình vô văn hóa!…
Anh Bùi Văn Nam Sơn đã có lần kể với chúng ta việc trong kháng
chiến chống Pháp, phải chạy tản cư hết sức vất vả nguy hiểm, vậy mà suốt 9 năm
lang thang, mất hết bao nhiêu của cải, cha anh vẫn làm được một kỳ công: đến
ngày trở về Hội An, ông vẫn còn giữ nguyên được cho các con toàn bộ tủ sách gia
đình; chính tủ sách ấy đã đưa anh vào con đường trở thành nhà nghiên cứu triết
học uyên bác như ngày nay… Tôi muốn nói rằng ba tôi cũng vậy, cũng tản cư vất
vả suốt 9 năm như vậy, và cũng giữ được cho anh chị em chúng tôi toàn bộ tủ
sách gia đình… Chúng ta đã từng có một thời kỳ rất anh hùng về văn hóa như vậy,
những người cha mẹ anh hùng về văn hóa như vậy. Tôi rất mong lần này chúng ta
bàn với nhau một cách thiết thực làm thế nào để khôi phục lại được nếp sống gia
đình tuyệt đẹp từng có đó. Có thể chẳng hạn tổ chức những cuộc bàn luận với các
bậc cha mẹ, các gia đình về điều này, xem có làm được không, khó khăn gì, giải
quyết cách nào, có thể cam kết cùng nhau không, và thường xuyên theo rõi, rút
kinh nghiệm…
Đối tượng vận động quan trọng thứ hai là nhà trường. Tất nhiên
không phải tất cả các sách đọc đều là văn học, chỉ cần đọc sách văn học; nhưng
sách gì cũng là chữ nghĩa. Mà với cách dạy văn trong nhà trường như hiện nay
trẻ em không ngán, không sợ văn chương, chữ nghĩa mới là lạ. Có thể nói không
quá đáng, hiện nay trong nhà trường không dạy văn, mà là dạy một cái gì đó
khác, có thể không phải là không có ích, nhưng dạy văn thì không phải. Có thể
nói thẳng, môn học bị chính trị hóa nặng nề nhất là môn văn. Học chính trị cũng
cần nhưng đó là một môn học khác. Môn văn có nội dung và mục đích hoàn toàn
khác. Một trong những mục đích đó là làm cho người ta yêu ngôn từ, hiểu sức
mạnh và vẻ đẹp không thể so sánh được của ngôn từ, mê ngôn từ. Không yêu ngôn
từ thì không thể yêu sách. Nhà trường, tiếp sau và cùng với gia đình, là nơi
đưa đứa bé, người học vào thế giới sách, thế
giới ngôn từ, để họ sẽ được hạnh phúc ở trong đó suốt đời.
Nhân đây tôi cũng xin nói một điều cụ thể này: tôi không thấy
trong chương trình của nhà trường hiện nay, kể cả trường đại học, có những cuốn
sách bắt buộc học sinh, sinh viên phải đọc toàn bộ, chỉ thấy dạy những đoạn
trích. Thế hệ chúng tôi khác, và tôi cho đó là điều may mắn lớn, chúng tôi phải
đọc ngay ở trường trọn vẹn một số tác phẩm được coi là tuyệt tác như Le petit
chose của Anatole France, Lettres de mon moulin và Contes du lundi của Anphonse
Daudet, La mare au diable của George Sand…, trên nữa là Les misérables của
Victor Hugo, Fleurs du mal của Beaudelaire… Gần đây tôi được thấy trong chương
trình của trường đại học nổi tiếng Boston College có hai cuốn sách bắt buộc
phải đọc trọn là cuốn Súng, Vi trùng và
Thép và Sụp đổ của J. Diamond
(đều đã được in ở Việt Nam tại nhà xuất bản Tri thức)… Những tác phẩm kinh điển
bắt buộc phải đọc trọn ấy tạo cho ta tình yêu và nhận thức sâu xa sẽ đi theo ta
suốt đời về tính chất thiêng liêng không gì thay thế được của sách.
Trong cải cách giáo dục mà xã hội đang cấp thiết đòi hỏi, cải cách
dạy văn ở trường là một trong những yêu cầu hàng đầu, nó liên quan trực tiếp
đến triết lý giáo dục nhất thiết phải thay đổi.
Tôi đề nghị nên có những cuộc bàn bạc chuyên đề và cụ thể về văn
hóa đọc với các trường, với một số trường, để từ đó dần dần loan rộng ra.