Một câu hỏi lớn cần lời đáp…

Thanh Thảo
Nhà thơ

Bây giờ mà đặt ra câu hỏi: “Người Việt có mê đọc sách?” thì quả là khó trả lời. Bởi đã từng có thời, trong chiến tranh, bom đạn, giữa cái sống và cái chết, trên những nẻo đường rừng heo hút, trong đêm tối chỉ có ngọn đèn dầu lom đom, mà người Việt vẫn miệt mài đọc sách. Dẫu ngày đó sách là của hiếm, của quí, và cũng không dễ dàng gì để sở hữu một quyển sách mà mình yêu thích.
Tôi nhớ đến tủ sách trong chiến khu R-tủ sách do ông Nguyễn Văn Linh chỉ đạo lập ra. Rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ và nhà báo trong chiến khu hồi ấy đã được hưởng lợi rất lớn từ tủ sách này. Vì giữa rừng già mà chúng tôi vẫn có thể đọc những tác phẩm kinh điển của Dostoievski, J.P.Sartre, Albert Camus, Faulkner, St Exupery… Tôi vẫn nhớ chính ở trong rừng hồi ấy mà tôi gặp được Camus, nhất là gặp St Exupery qua những trang sách tuyệt vời của họ, những trang sách đẹp như những trang thơ, và đã giúp một người làm thơ trẻ như tôi rất nhiều. Và xin nói, không phải những người đã qua đại học hồi ấy mới mê đọc sách, mà bất cứ một học sinh nào, nhất là những học sinh từ miền Bắc đi bộ đội vào chiến trường, trình độ học vấn chỉ từ lớp 7 tới lớp 10 (hệ 10 năm) cũng đều mê sách. Nhiều người trong số họ chưa có người yêu khi lên đường ra trận, nên không thể ví họ “mê sách như mê người yêu” được, nhưng thực sự là họ đã có một tình yêu đối với sách, một thiết tha muốn đọc sách và mong có sách để đọc. Rất nhiều cuốn sổ tay của bộ đội hồi ấy chép đặc kín những trang thơ, cả những đoạn văn xuôi hay của nhiều nhà thơ nhà văn, cả trong nước và thế giới. Nhiều người lính trẻ đã thuộc lòng từng đoạn văn xuôi không dễ thuộc của những nhà văn mà họ yêu thích. Nhiều trung đội, đại đội chính qui hồi chiến tranh đã có tủ sách riêng của đơn vị mình, và chiến sĩ mang trên lưng ngoài lương thực, đạn dược còn có những quyển sách. Khi người ta đã yêu sách, mê sách tới như vậy thì câu hỏi: “Người Việt có mê đọc sách?” tỏ ra không thích hợp.

Thế nhưng, trong điều kiện hòa bình và hết sức thuận lợi cho môi trường sách và đọc sách bây giờ, thì câu hỏi ấy tự nhiên lại thích hợp một cách đáng buồn. Vì có một thực tế khá phổ biến là bây giờ người Việt mình hơi bị ít đọc sách, nhất là trong giới trẻ, kể cả giới trẻ có học. Hay vì bây giờ nhiều sách quá, dễ tiếp cận với sách quá mà người ta đâm có cảm giác “no xôi chán chè” đối với sách? Hay vì bây giờ có nhiều phương tiện thông tin, giải trí ngoài sách và hấp dẫn hơn sách nên khiến người ta, nhất là giới trẻ trở nên lãnh đạm với sách? Những lý do ấy đều đúng cả, nhưng theo tôi, chưa phải là lý do chính. Lý do chính nằm trong cách dạy và học ở các trường phổ thông và cả cao đẳng, đại học bây giờ, cái cách mà nền giáo dục của ta cư xử với sách. Trong trường bây giờ, học sinh và cả sinh viên, chủ yếu là nghe và… chép bài giảng, chép giáo trình của thầy cô. Chính cái cách cách dạy và học với quá ít sách, chứ không phải nhiều sách tham khảo tới mức “bội thực”, đã khiến học sinh và sinh viên, từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác dần dần trở nên chai lì, ỷ lại, và tiến tới “thiểu năng sách”, thậm chí “lấy làm đủ” với những kiến thức quá ít ỏi và rất xơ cứng từ giáo án, giáo trình và từ sách giáo khoa. Một khi chỉ cần “nhai lại” bấy nhiêu kiến thức là đủ vượt qua các kỳ thi, kể cả những kỳ thi tuyển công chức, thì sách sẽ không còn chỗ cho sự quan tâm, và dần dà sẽ tự “ngoài vùng phủ sóng”. Cũng có nhiều người trẻ có học chỉ đọc những loại sách thuộc chuyên môn hẹp của mình, mà không biết “của kho vô tận” của kiến thức nhân loại còn nằm trong rất nhiều “kênh sách” khác, và càng đọc được những loại sách xa chuyên môn hẹp của mình bao nhiêu, thì càng khiến mình có khả năng tiếp cận chuyên môn hẹp ấy sâu sắc bấy nhiêu. Vì sách luôn “kết nối” với sách, và chính Albert Einstein vĩ đại đã nhận rằng chính tiểu thuyết Dostoievski và nhạc Beethoven đã giúp ông rất nhiều trong phát kiến thuyết tương đối. Còn bây giờ ở ta lại có thực tế là một số nhà khoa bảng, thậm chí có cả “nhà nghiên cứu” lại chỉ đọc sách người khác để “thuổng” vài “nhát” cần thiết cho luận văn hay sách nghiên cứu của mình. Cách đọc và dùng sách kiểu đó đã giết niềm đam mê đọc sách hồn nhiên, vô vị lợi. Trong khi chính cách đọc sách vô tư, chỉ vì yêu thích sách mới mang lại cho người đọc sách những cái lợi không thể tính ra, không thể “qui đổi” ra được. 

Chừng nào mà giáo dục, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ta còn hời hợt, lười biếng và giáo điều như hiện tại thì không mong gì chúng ta có được một “xã hội đọc sách”. Trong khi chúng ta cứ hô hào về việc xây dựng một “xã hội học tập”. Học tập mà không mê sách, mà không đọc sách thì học vào đâu, và sự học ấy đi tới đâu?