PGS-TS. Trần Hữu Tá
Nhà nghiên cứu
Tôi định nói đến câu hỏi, đồng thời là chủ đề của cuộc hội thảo được tổ chức tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh năm nay (14-3-2008): NGƯỜI VIỆT CÓ MÊ ĐỌC SÁCH?
Câu hỏi rất nghiêm túc này đáng được thảo luận sâu rộng cũng như đáng được mọi người - từ nhà lãnh đạo đến người dân bình thường - suy nghĩ và trả lời.
Để có sự giải đáp thỏa đáng, theo tôi, ta phải trả lời 5 câu hỏi cụ thể khác – những câu hỏi mang tính “móc xích”, liên hoàn.
Thứ nhất, tại sao lại đặt ra câu hỏi này?
Rất đơn giản, chỉ cần biết một dân tộc mê sách hay lạnh lùng xa lạ với sách, ta có thể đánh giá chính xác mặt bằng dân trí của dân tộc đó, phẩm giá nhân cách cao hay thấp của con người thuộc quốc gia đó, chỗ đứng hôm nay và triển vọng tương lai của đất nước đó trong cộng đồng nhân loại.
Thứ hai, đọc sách - nhưng là loại sách nào đây?
“Rừng sách” hiện nay trong các siêu thị sách, trên lề đường, ở bến xe nhà ga… dễ làm người đọc hoa mắt, lúng túng. Tất nhiên phải giúp đông đảo người đọc bình thường, vốn ít tiếp xúc với sách báo chú ý đến cả 2 phương diện chủng loại và chất lượng. Việc chọn sách cũng như chọn bạn, phải tùy thuộc lứa tuổi (trẻ thơ, đã thành niên hay cao tuổi) giới tính (nam hay nữ), đặc điểm thể trạng (bình thường hay khiếm thị), trình độ văn hóa và nghề nghiệp, mức thu nhập cá nhân…
Mỗi đối tượng đang đi học, đi làm cần sách chuyên biệt (sách công cụ, sách tham khảo chuyên môn) và bất cứ ai cũng nên đến với tác phẩm văn học, với những công trình nghiên cứu – từ phổ cập, đại chúng đến hàn lâm, uyên bác – về các ngành khoa học xã hội và tự nhiên phù hợp với bản thân. Điều cốt yếu là phải đảm bảo “cấm cửa” các loại sách rẻ tiền, viết cẩu thả, bôi bác, cũng như các sách có hại về nhận thức, tình cảm khiến con người bị tầm thường, bé mọn, méo nó đi về nhân cách và chỉ dành đất sống có những sản phẩm lành mạnh, tốt đẹp giúp người đọc giàu có hơn về sự hiểu biết – hiểu biết thiên nhiên, xã hội, con người, hướng mọi đối tượng tới cái trong sáng cao thượng, khiến mỗi cá thể người ngày càng “người” hơn.
Thứ ba, đối tượng người Việt nào cần sớm tạo thói quen đọc sách và tiến tới “mê” sách? Đương nhiên, vì ý nghĩa và tác dụng quan trọng của sách như đã nói ở trên, ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ gắn bó với sách.
Không gì lý tưởng hơn, nếu chúng ta phấn đấu có được nền văn hóa đọc sâu rộng trong toàn dân, ở mọi vùng và với mọi đối tượng. Thế nhưng, nếu cần xác định đối tượng chủ yếu để đột phá, tạo phong trào, hình thành nếp quen, thì không có gì tốt hơn là học trò các cấp – từ Mầm non, Tiểu học đến Đại học, Sau Đại học – thuộc tất cả các loại hình hoc (chính qui, chuyên tu, tại chức, bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo từ xa….)
Hơn 25 triệu người đi học trong tổng số non 90 triệu dân! Một con số vượt ngoài mơ ước, nếu họ thực sự gắn bó với sách (chứ không chỉ với sách giáo khoa hoặc giáo trình).
Thứ tư, thực trạng văn hóa của bà con ta hiện nay ra sao? Thú thật, tôi đã khá lúng túng khi đối diện với những hiện tượng hết sức mâu thuẫn. Những siêu thị đầy ắp sách làm tôi choáng ngợp. 15 triệu bản sách đưa đến Hội sách Tp. Hồ Chí Minh lần này khiến chúng ta lạc quan…. Thế nhưng, hàng loạt chứng cứ khác đã tô đậm một hình ảnh ngược lại, khẳng định tình trạng đọc sách hiện nay đang suy thoái, thậm chí có nơi khủng hoảng.
Tôi rất muốn các cơ quan có trách nhiệm, cuối mỗi năm có cuộc tổng kết và đưa ra những con số chính xác: mỗi người Việt có mấy cuốn sách/ năm? Những nơi nào tỉ lệ đọc sách cao nhất, thấp nhất? Tôi tin, những con số ấy trước mắt không làm ta phấn khởi. Tôi cũng muốn ngành giáo dục - từ trường đến quận - huyện, tỉnh - thành điều tra xã hội học hằng năm xem tỉ lệ đọc sách trong các em là bao nhiêu, trung bình mỗi em đọc được mấy cuốn/ năm và sách các em thường đọc là sách gì (tất nhiên không kể sách giáo khoa)?
Một mẩu chuyện nhỏ: mỗi năm tôi thường làm việc với mấy lớp Cao học chuyên ngành Ngữ văn. Người học đã có bằng cử nhân, đứng trên bục giảng hoặc làm công tác văn hóa một số năm (có người 10, 15 năm). Tôi hay có những kiểm tra vặt để biết năng lực, trình độ của các học viên, đại loại hỏi những ai đã đọc toàn văn Truyện Kiều? Hiện nay anh (chị) đang đọc cuốn sách gì? Tác phẩm nào mới xuất bản mà anh (chị) chú ý? Đã đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm chưa? Hãy tóm tắt tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí? Ai đã đọc đủ tứ đại kỳ thư của Trung Quốc?
Có người tỏ ra tự tin, vững vàng, chứng tỏ thuộc dạng “mọt sách”. Tiếc thay, số đó rất ít.
Có hàng loạt lý do khách quan để bào chữa cho học trò của tôi. Nhưng tôi đã nói với các anh chị ấy: chúng ta thiếu thời gian ư? Thiếu tiền bạc ư? Khó mượn sách ư? So với những năm chiến tranh, dù hoàn cảnh sống hiện nay chưa thật dễ chịu nhưng vẫn thuận hơn trước gấp nhiều lần. Lỗi là do chúng ta chưa đủ cố gắng, thiếu sự nỗ lực vượt khó cần thiết để tự bồi đắp cho mình những tri thức rất quí mà không một cấp học nào, một chương trình học qui mô nào cung cấp đầy đủ cho ta. Chỉ tự học mới hoàn thành tốt nhiệm vụ người thầy, để từ đó tự hoàn thiện bản thân.
Thế nhưng, từ thâm tâm, con người tiêu cực của tôi lại vỗ về an ủi tôi: đâu chỉ có ở Việt Nam, nước khổng lồ như Trung Quốc, tỉ lệ người dân đọc sách cũng chỉ có 5% như chính tạp chí Nhân dân Trung Quốc và Diễn đàn nhân dân đã báo động. (Trích Tuổi trẻ 22/7/2007).
Và tự nhiên tôi cứ đắm chìm trong ao ước: Bao giờ trở lại ngày xưa? Ngày đất nước chúng ta sống dưới pháo bầy và bom rải thảm từ B52, ngày mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau sợi tóc và cuộc sống thường nhật cực kỳ vất vả, triền miên cảnh hạt cơm cõng củ sắn, củ khoai. Chính những năm đó những truyện lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Trăng nước Chương Dương được coi là quà quí cha mẹ thưởng cho con cái cấp tiểu học. Ngày ấy sinh viên của chúng tôi đã tách Mẫn và tôi, Hòn Đất… làm 3,4 phần để chia nhau đọc, chấp nhận đọc kiểu “cóc nhảy” chứ không chờ nhau. Đây là lúc lên đường nhập ngũ, trong ba lô của những chàng tân binh thế nào cũng có một đôi cuốn sách: tuyển tập thơ trẻ mới ra lò, Truyện Kiều của Nguyễn Du hoặc Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận.
Số đầu sách lúc đó xuất bản có hạn chứ không đa dạng, phong phú như bây giờ, nhưng lượng in mỗi cuốn khiến các nhà xuất bản hiện nay hẳn rất thèm muốn: tối thiểu là 5 ngàn bản. Có những tác phẩm được tái bản liên tục. (Đất nước đứng lên, Dấu chân người lính, Người mẹ cầm súng). Kiệt tác của Lép Tôn xtôi – bộ Chiến tranh và hòa bình 2400 trang in tới 10 ngàn bản lần đầu!.
Có thể khẳng định: trong học giới (học sinh – sinh viên – giáo viên) và trong nhiều đối tượng khác (bộ đội, công nhân, cán bộ) đã có một thời hoàng kim của sách. Bao giờ trở lại ngày xưa? Xin nói lại cho thỏa đáng hơn: bao giờ gần gần được như ngày xưa? Vì tôi hiểu không nên ảo tưởng, cùng với sự khoa học kỹ thuật, văn hóa nghe nhìn - nhất là ti vi và laptop - ngày càng phát huy thế mạnh đặc biệt. Nhưng tất cả những thứ ấy làm sao thay thế được sách - người bạn hiền, người thầy giỏi đã có tự ngàn đời nay!
Câu hỏi thứ năm - câu cuối cùng - khiến tôi trăn trở: Phải làm gì để chúng ta lại có thể yên tâm và tự hào rằng người Việt hôm nay cũng rất mê đọc sách?
Toàn xã hội cùng góp sức mới trả lời được câu hỏi này! Suy cho cùng vẫn phải với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thôi.
Nhà nước cần tạo cơ chế thoáng (nhưng vẫn nghiêm về nguyên tắc bảo đảm chất lượng) cho việc xuất bản sách. Đã đến lúc cần xã hội hóa hoạt động xuất bản để có sự cạnh tranh lành mạnh và có thể giảm giá sách, vì không phải mất tiền lo lót “quản lý phí” rất vô duyên hiện nay.
Chúng ta đang chững lại, thậm chí thụt lùi trong việc phát triển hệ thống thư viện và tăng lượng sách tốt cho thư viện. Với học sinh và bà con nghèo, thư viện giúp họ khắc phục tình trạng bế tắc về vấn đề “đầu tiên” (tiền đâu?). Ai cũng hiểu như thế.
Cần có những phương thức hoạt động mới, năng động hơn, hấp dẫn hơn để lôi cuốn người đọc. Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM đã mạnh dạn tổ chức xe thư viện lưu động đem sách báo đến cho bạn đọc vùng sâu vùng xa là một việc làm đáng trân trọng (Tuổi trẻ 9/3/2008). Nhưng để phục vụ vài triệu bà con vùng ven mà chỉ có 2 xe thì quả là đáng buồn!.
Kinh nghiệm của Thái Lan trong việc tổ chức Công viên tri thức (TK Park) rất đáng tham khảo (Tuổi trẻ 3/3/2008).
“Nhà nước nhỏ” (tỉnh, huyện) nên chăng cũng cân nhắc kỹ lưỡng các khoản chi trong ngân sách eo hẹp của mình để đầu tư cho tương lai một cách đích đáng. Một tỉnh Miền Trung dự định chi mấy chục tỉ để xây tượng Mẹ Việt Nam anh hùng. Ý nghĩa tốt đẹp của dự kiến này không ai phủ nhận. Nhưng, như Giáo sư Huỳnh Như Phương đã viết trên báo Phụ Nữ Tp.HCM, giá như lãnh đạo tỉnh dùng số tiền đó để chu cấp cho các bà mẹ đang sống túng thiếu hoặc để xây dựng trường học, chắc các mẹ - đã khuất núi hay đang tại thế - hẳn sẽ vui lòng và toàn dân phấn khởi. Tôi xin thêm: Tại sao không trích từ khoản ngân sách ấy một phần tiền để xây thêm 1, 2 thư viện cấp huyện hoặc xã.
Với các nhà xuất bản, tôi trộm nghĩ: kinh doanh tất nhiên phải thu lợi, nhưng nên chăng có sự tự kiềm chế cần thiết, để đề cao trách nhiệm với người đọc, không đưa đến cho họ những cuốn sách choáng lộn về hình thức nhưng tầm thường, thậm chí rẻ tiền, sai trái về chất lượng. Mục tiêu “giảm giá sách” nên được đặt ra một cách nghiêm túc, sao cho hợp với túi tiền eo hẹp của đông đảo người đọc. Mỗi lần ra Hà Nội, tôi không thể không đến phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí - Tràng Tiền và đã bị các chủ quán sách moi tiền của tôi đến cạn túi. Sách ở đó không thiếu cuốn có giá trị mà giá lại quá “mềm”.
Những phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta hiện còn dành đất quá khiêm tốn cho việc giới thiệu sách. Khổ thay, xen vào những bài cô đọng, nghiêm túc lại có không ít bài “lăng xê” sách vô nguyên tắc. Vì cảm tình nể nang? Vì bao thư lót tay? Lý do nào cũng không thể chấp nhận.
Chính những bài giới thiệu sách có chất lượng trên ti vi cũng như trên báo và cách trích đăng feuilleton một số chương (Cánh đồng bất tận, Nhật ký Đặng Thùy Trâm…) có tác dụng định hướng, “mách nước” rất tốt cho người đọc, giúp họ tránh được tình trạng lúng túng giữa biển sách hiện nay.
Tôi nghĩ đến vai trò của bậc cha mẹ và các thầy cô giáo - những cố vấn đầy uy tín đối với đông đảo bạn đọc trẻ tuổi. Một buổi chiều chủ nhật đưa trẻ nhỏ đi nhà sách và dành một món tiền nhỏ trong khoản lương khiêm tốn của cha mẹ để mua sách cho con. Rồi một đôi lúc rảnh rỗi trong tuần trò chuyện với con về cái hay, cái lý thú của cuốn sách mới mua… Không thể coi thường những việc làm tưởng như vặt vãnh ấy. Thói quen, niềm vui đọc sách tốt nhất là được nhen nhóm và hình thành trong mỗi người ngay thuở ấu thơ.
Gần gũi trường học các cấp, tôi rất buồn khi trong thời khóa biểu dầy đặc hàng tuần của các em, giờ đọc sách không có chỗ. Và giả sử nếu có, thì sự nghèo nàn của thư viện trường cũng chẳng hấp dẫn được ai. Còn các thầy cô - không chỉ giáo viên Văn - liệu đã mấy ai quan tâm giới thiệu, có khi chỉ cần trong vài phút, cuốn sách mới nào đấy mà các em nên đọc. Được tham mưu, cố vấn như thế, tôi tin là không ít các em sẽ tìm đến sách. Có tiền thì mua, không có thì tìm cách đọc “cọp”. Vào các nhà sách, lòng tôi như ấm lại khi chứng kiến cảnh tranh thủ đọc sách như thế của các em.
“Hãy chỉ cho con em mình đường đến với sách” bà Astrid Lindgren – tác giả sách thiếu nhi nổi tiếng thế giới – đã có lời khuyên ngắn gọn và giá trị như thế!
Sẽ hạnh phúc biết mấy, nếu chúng ta chung tay góp sức gây dựng thành công nền văn hóa đọc sâu rộng, bền chắc. Sẽ thật đáng tự hào, nếu nước ta bên cạnh GDP tính bằng tiền ngày càng tăng, có sự tịnh tiến song hành của GDP đọc sách. Phải phấn đấu để việc tranh thủ đọc sách ở bến xe, nhà ga, trên ô tô, xe lửa cao tốc, máy bay… không chỉ là hình ảnh phổ biến ở Pháp, Nga, Đức, Nhật, mà sẽ là nếp sống quen thuộc bình thường ở nước ta. Ý nghĩa, tác dụng lớn lao nhiều mặt của việc hình thành thói quen “mê sách” thiết tưởng không cần nhắc lại. Vấn đề bây giờ là cùng chung tay xây dựng phong trào./.