Mê đọc sách: Để làm gì và như thế nào?

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN

1. Sách, đương nhiên là một thứ "báu vật của đời". Thậm chí, phải coi đó là thứ báu vật ở đẳng cấp cao nhất. Đơn giản vì sách chứa đựng thứ ánh sáng riêng của con người và chỉ dành cho con người. Vì nhờ có thứ ánh sáng đó mà con người trở thành động vật văn minh ("động vật xã hội"), trở thành "chúa trùm" của muôn loài. Càng đọc sách, con người càng khẳng định mình là con người theo nghĩa đích thực.


Sách, với tư cách là "vật mang ánh sáng", là phương tiện xã hội hóa tri thức hữu hiệu hàng đầu, chính là thứ công cụ phát triển quan trọng bậc nhất của con người.

Theo nghĩa như vậy, nhu cầu đọc sách, xét trong bản chất người (tính loài), vừa là nhu cầu tự thân, tất yếu, vừa là sự bắt buộc mang tính xã hội.


2. Đọc sách nghĩa là gì?

Câu hỏi dường như quá đơn giản, để cho bất cứ ai có chút ít học hành đều có thể đưa ngay ra một câu trả lời, cũng rất đơn giản. Câu hỏi đơn giản đến mức dễ bị coi là tầm thường. Nhưng nghĩ cho kỹ, sau khi đã đọc hàng ngàn cuốn sách, tôi lại thấy câu trả lời thật không dễ dàng. Ít nhất, cũng không dễ dàng như thoạt nghĩ.

Câu trả lời "đọc là gì" có quan hệ với hai vấn đề lớn. Một là đọc cái gì; hai là đọc để làm gì.

Biết chữ, đương nhiên, là có thể đọc được mọi cuốn sách (tất nhiên, không biết tiếng Anh thì không thể đọc sách tiếng Anh). Nhưng đó đã gọi là đọc sách chưa, hay mới chỉ là đọc chữ?

Chúng ta đều biết, sách có vô vàn loại, bao gồm đủ "thập bát ban võ nghệ". Có sách vật lý, có sách triết học, có sách toán, lại có sách văn học, sách kiếm hiệp, sách dạy nuôi mèo, sách dạy giết rận, v.v. Trong mỗi loại sách, lại có vô vàn tầng bậc tri thức - sơ cấp, trung cấp, cao cấp; có sách chuyên khảo, lại có Bách khoa toàn thư, v.v.

Đối diện trước biển sách đó, thế nào là đọc sách?

Khi tôi là nông dân, sách vật lý cao siêu đối với tôi chẳng khác gì một cục sắt, hay một thứ để trưng bày trên bàn thờ. Thậm chí, cả sách về nguyên lý cấu trúc gen và di truyền, đối với ông nông dân - tôi đó, có thể còn ít giá trị hơn cuốn sách dạy buộc nút dây thừng. 

Như vậy, khái niệm đọc sách, trong tính hiện thực của nó, được định nghĩa theo đối tượng - chủ thể, theo nhu cầu. Đọc cái gì gắn với ai. Nếu không, chỉ là đọc chữ, là "đọc ngược". Đọc "hầm bà làng", có gì đọc nấy, đọc có chọn lựa, - cũng là đọc cả, nhưng ở những tầng bậc khác nhau của cái gọi là "văn hóa đọc".

Quan hệ giữa những loại đọc này thế nào cũng là vấn đề đáng bàn. Bởi vì sách là thứ công cụ vạn năng, nhu cầu đọc là vô tận. Không định vị đúng quan hệ này, dễ lệch lạc trong định hướng và lựa chọn. Thời gian thì ít, năng lực cá nhân thì hữu hạn, tri thức thì vô tận, đọc "bách khoa" đến mức nào là đủ? Lúc nào thì đọc chuyên sâu? Sâu đến đâu là vừa? Phối hợp ""thâm" - "bác" trong việc đọc như thế nào để việc đọc mang lại lợi ích lớn nhất?

Để trả lời những câu hỏi này, phải làm rõ một vấn đề khác, cũng rất "đơn giản": đọc để làm gì?

3. Đọc để làm gì?

Đa phần là đọc để biết, tức là để làm giàu sự hiểu biết của mình. Có lẽ đọc là cách thức đơn giản nhất để mỗi người tự làm giàu mình lên, một sự giàu lên bản chất người, sự giàu lên của nhân cách. Hòa vào động cơ đọc thông thường, phổ biến và đơn giản này là động cơ đọc vì tò mò, vì hiếu sự, vì sĩ diện, không muốn thua chị kém em về "trí tuệ". "Thấp" hơn một chút là đọc để "giết thời giờ một cách hữu ích" thay vì ngồi không ngáp vặt.

Nói chung, đây là sự đọc với động cơ thụ động, tính mục đích "yếu", không có sự chọn lựa rõ ràng. Ở cấp độ này, báo hấp dẫn hơn sách. Chuyện "giật gân", "ly kỳ, rùng rợn" lôi cuốn hơn những công trình luận bàn lý sự. Tri thức sách vở, khi đó, tự nó là mục đích.

Cấp độ đọc cao hơn là đọc để khám phá, để tìm chân lý. Đọc không còn chỉ là "để biết", để thừa nhận và tiếp nhận tri thức thiên hạ mà đã là đọc để phát hiện, để chứng minh chân lý. Khi đó, con người định hướng đến sách, đến các bộ sách, đến các công trình lớn, đến các lý luận và học thuyết. Sự đọc này ngầm định sự giao tiếp và tranh luận.

Nâng cao hơn một chút là việc đọc để có công cụ hành động, để thúc đẩy phát triển. Đọc như Bác Hồ đọc Luận cương Tháng Tư của Leenin, sau đó, Người òa khóc vì "đã tìm thấy công cụ giải phóng dân tộc". Đó là đọc nhằm tìm kiếm tri thức, để rồi biến nó thành "sức mạnh thực tiễn cải tạo thế giới".

Đối với sự đọc này, sách là vật chuyển tải, tri thức chỉ là mục tiêu trung gian, là phương tiện dẫn dắt, hỗ trợ cho mục tiêu chân lý và mục đích cải biến thế giới.

Vậy là nội hàm khái niệm "đọc" tùy thuộc quyết định vào mục tiêu, động cơ của việc đọc. Mục tiêu, động cơ đó lại gắn chặt với ai đọc, trong đó, "ai" là một chủ thể lịch sử - cụ thể, mà năng lực và nhu cầu "đọc" bị quy định bởi trình độ phát triển, đặc điểm văn hóa, xã hội không chỉ của cá nhân anh ta mà còn cả của dân tộc và cộng đồng anh ta sống.

Trong xã hội nông nghiệp - nông thôn cổ truyền, mọi nhu cầu và năng lực chỉ giới hạn trong mảnh ruộng, trong phạm vi làng xã, theo phương thức tự cấp, tự túc, không có cạnh tranh, chỉ có sinh tồn, thì cả nhu cầu và năng lực chỉ cần và chỉ là đi bộ - người tự đi bộ bằng đôi chân của mình hay thi thoảng dựa vào chân bò, chân ngựa. Đọc để có tri thức trong xã hội đó cũng tương tự vậy thôi.

Nhưng sang xã hội thị trường - công nghiệp, với sự phát triển của cạnh tranh, kỹ nghệ, của phân công lao động xã hội và trao đổi ngày càng mở rộng, khi nhu cầu giao tiếp tăng lên, bức tranh khác hẳn. Nguyên lý vận động không thể là đi bộ. Công nghiệp cho phép con người đi lại không chỉ bằng xe đạp mà phải là ô tô. Ô tô là nguyên lý vận động của công nghiệp. Đọc sách cũng vậy. Dưới áp lực của cạnh tranh, nhờ có năng lực mới do thị trường và công nghiệp mang lại, đọc là để khám phá, chinh phục; đọc có phân tích, đọc để tạo ra những công cụ mới để thắng trong cạnh tranh. Sách trở thành công cụ xã hội hóa tri thức, giúp cho sự phát triển nhân cách người theo kịp đòi hỏi của cạnh tranh và công nghiệp.

 4. Người Việt có mê đọc sách?

Người Việt ham học, thích hiểu biết, chịu khó tìm tòi. Người Việt coi "dốt", với biểu hiện cụ thể là mù chữ, là "giặc" trong ba thứ giặc. Ai bảo người Việt không ham đọc sách, e chừng xúc phạm dân tộc.

Ham đọc sách nhưng tại sao người Việt lại có câu răn đầy tính dè chừng: "đa thư loạn mục"? Sự khôn ngoan hay là tình trạng không đủ năng lực đọc rộng, đọc nhiều? Tại sao lại có chuyện tiếu lâm - ngụ ngôn "trường cổ tắc đại thanh", "phi nhân đả, tắc thiên đả" giễu cợt sự biết chữ (đúng hơn là sự biết chữ "suông") của một anh có học, không bằng một anh nông dân dốt chữ mà thiết thực?

Câu trả lời cho vấn đề này gồm ba ý: chủ thể đọc (ai đọc) đối tượng đọc (đọc cái gì) và năng lực đọc (đọc như thế nào). Ẩn sau ba ý này là động cơ đọc và kết quả thực tiễn của sự đọc.


Trước hết, phải trả lời cho rõ ràng: Người Việt đọc sách - họ là ai? Họ đọc với động cơ nào (để làm gì), bằng năng lực gì?

Rõ ràng, người Việt không chỉ là nhóm 5-7% dân số bao gồm số tri thức chăm đọc sách và số công chức văn phòng thích đọc báo và hay lên mạng. Số người Việt cơ bản là 70% nông dân, có trình độ tiểu nông, manh mún. Câu hỏi: người nông dân Việt Nam hiện nay đọc cái gì, để làm gì và họ đọc như thế nào - là câu hỏi không khó trả lời. Đa số họ biết chữ nhưng rất ít đọc. Thiếu cái để đọc và thiếu cả động cơ để đọc.

Số người Việt đọc sách chủ yếu theo đúng nghĩa là lực lượng đã từng là học sinh, nay là công chức nhà nước và làm việc phi nông nghiệp. Cộng thêm vào đó là số học sinh, sinh viên đang trên ghế nhà trường. Lực lượng này, do điều kiện và "địa vị" xã hội khác nên đọc nhiều hơn, biết đọc hơn 70% nông dân. Song đó vẫn chỉ là cái hơn kém của tình trạng "trong nhà nhất mẹ nhì con". Nguồn gốc kinh tế - xã hội của lực lượng này, nền tảng văn hóa lịch sử của họ mới là yếu tố quyết định họ là ai với tư cách là người đọc.

Xin lưu ý thêm tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường kéo dài trường kỳ hàng chục năm, với sản phẩm là vô số người trong chúng ta, là chính chúng ta đây. Không nghi ngờ gì rằng sự nhầm lẫn đó nói lên rất nhiều điều đích thực về cái gọi là năng lực đọc và động cơ đọc của nhóm người này và của cả xã hội.

Điểm qua lực lượng đọc như vậy, có cơ sở để mạnh dạn nói rằng một cách thực tiễn, người Việt ta, người Việt cho đến nay và chính lớp người Việt chúng ta hiện nay, không phải là người mê đọc sách lắm.

Người Việt hiện đại là sản phẩm của lịch sử mấy nghìn năm. Nhưng khác với nhiều dân tộc khác, đó là mấy nghìn năm đất nước gần như bất động về phương thức phát triển. Người Việt hiện đại xuất thân từ một nền kinh tế nông dân, có lịch sử sinh tồn dựa chủ yếu vào tự cấp tự túc và khép kín. Căn gốc lịch sử đó tổ hợp với hệ thống kế hoạch hóa tập trung bao cấp, là hệ thống mà nhà nước bao cấp đến cả tư duy, lo cho dân đến mức không để cho dân phải chủ động suy nghĩ. Hệ thống đó không vận hành theo cơ chế cạnh tranh, hầu như không tạo nên tinh thần cạnh tranh - đua tranh giữa các cá nhân, thậm chí còn cố loại bỏ nó. Đến như nhà khoa học, về cơ bản, cũng tồn tại và hoạt động nghiên cứu với tư cách của một anh công chức được bao cấp đủ sống nhưng thiếu nhiều thứ để sáng tạo. Anh ta đọc sách theo tinh thần bao cấp, với động lực bao cấp.

Đó là chưa kể đến một trạng thái xã hội của một đất nước, vì phải đi qua nhiều cuộc chiến tranh nên trong đời sống, thiếu sự công khai mà thừa sự bí mật, luôn triệt để đi theo một dòng tư tưởng, hạn chế mở cửa với bên ngoài, cả trong phương diện tri thức.

Trạng thái xã hội đó, con người đó quy định năng lực đọc của anh ta.

Người Việt cho đến nay đọc cái gì? Có thể nói gần đây, nhất là sau đổi mới, phạm vi đọc của người Việt được mở rộng ra nhiều. Điều này có thể thấy qua sự bùng nổ báo chí và sách vở in ấn. Đủ loại ấn phẩm, rất phong phú về thể loại. Sự kiêng dè, cấm kỵ cũng giảm đi. Sự đọc tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu coi đọc như là một sản phẩm văn hóa, được định nghĩa bằng "văn hóa đọc", phổ biến cho cả xã hội và dân tộc thì trình độ "đọc cái gì" cho đến nay của ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trình độ đó vẫn là sản phẩm trực tiếp của một thời thiếu thốn sách vở, cả về khối lượng lẫn cơ cấu và chủng loại. "Có gì đọc nấy" chính là mệnh đề phản ánh tình trạng khan hiếm sách vở ("khan hiếm tri thức") ở một dân tộc ham đọc và ham học. Sách là hàng hiếm, lại "đơn tuyến". Học sinh mê đọc chủ yếu "cày đi xới lại" mấy cuốn sách giáo khoa. Trước 1975, ở một số thành phố lớn của miền Nam, có sự phong phú nhất định về sách vở. Nhưng cũng chủ yếu giới hạn ở vài thành phố mà thôi. Nhìn chung, cả nước, toàn dân "bận" chiến tranh, ít có thời giờ dành cho việc đọc, hầu như không có lúc nào được đọc trong sự tĩnh tâm, nghiềm ngẫm chân lý và suy tư sáng tạo. Ít cả ánh sáng để đọc sách ban đêm vì không có điện, vì dầu lửa quá khan hiếm, và đặc biệt, vì ít được thắp đèn ban đêm để đọc (để tránh bị ném bom).

Tình trạng đọc và năng lực đọc như vậy còn có cơ sở lịch sử - văn hóa sâu xa. Xin dẫn một đoạn văn của cố Giáo sư Trần Đình Hượu, tuy không trực tiếp bàn về việc đọc, nhưng lại giúp làm rõ hơn nhiều thực chất "đọc" - như là một phần nhân cách Việt - của người Việt hiện nay.

"Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số dân tộc, hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội hoạ, ... phát triển rất cao, có ảnh hưởng phổ biến và lâu dài đến toàn bộ văn hoá, thành đặc sắc văn hoá của dân tộc đó. Ở ta, thần thoại không phong phú - hay là có nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu truyền? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lý kiền thành, cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng. Ít ai quan tâm đến giáo lý. Không có một ngành khoa học, kỹ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kỹ. Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì lại không có. Xã hội có trọng văn chương nhưng cũng chưa bao giờ tôn ai làm thi bá, và bản thân các nhà thơ cũng không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thi ca. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hoá.

Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín. Họ tin có linh hồn, có ma quỷ, thần phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cháu hơn là lo cho linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn ngườiCon người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩaKhông chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Đâu đâu cũng có đền thờ những người có công đức - chủ yếu là có công chống ngoại xâm - nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Trong tâm trí nhân dân, thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước đi sau, là thủ lễ, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng; chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình".

"Tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hoà. Không có khát vọng để hướng tới những sáng tạo mới mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ cái khó khăn để tìm được sự bình ổn. Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng sự hợp tình, hợp lý. áo quần trang sức, món ăn đều không chuộng sợ cầu kỳ. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải.

... Trong nền văn hoá cũ, sức sáng tạo của ta không khỏi có khuynh hướng tiểu kỹ, ứng dụng, thiếu những sáng tạo mới. Đó là con đẻ của tinh thần thiết thực. Trong tương lai, đó là một nhược điểm. Đổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải là dễ dàng.

Cũng khó mà kế hoạch hoá được việc sáng tạo. Ta chỉ có thể chờ đợi điều đó ở những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, và ở nền sản xuất, tổ chức xã hội có khả năng sản sinh ra họ.

Trong lịch sử học thuật của ta không có những nhà kinh học để cả cuộc đời tra cứu, biện bác, làm sáng tỏ nghĩa kinh điển mà cũng không có những nhà tư tưởng nhìn tổng quát cả học thuật quá khứ để phê phán, đề xuất kiến giải riêng. Những người lỗi lạc, có tinh thần tự hào dân tộc đều muốn phát triển tư văn ở Việt Nam bằng cách đi theo và tiến kịp không thua Trung Quốc chứ không phải phê phán nó để tìm cái của mình.

Chúng ta đào tạo đội ngũ khoa học, kỹ thuật đông đảo. Nhưng trong điều kiện kinh tế phát triển còn thấp, không có đủ cơ sở để sử dụng thì kỹ sư không phải là người hành nghề mà thành cán bộ, sống bằng bằng cấp, danh vị... Thanh niên và các bậc phụ huynh lại toan tính con đường chắc chắn: học cho có bằng cấp, vào biên chế sống dựa vào nhà nước kiếm lộc, kiếm bổng. Chuẩn bị vào đời bằng trau dồi "tư cách" (đánh giá về mặt đạo đức, vốn hoạt động chính trị) và bằng cấp chứ không phải bằng nghề nghiệp tự lập".

(Trích Về đặc sắc văn hóa Việt Nam
Trần Đình Hượu// Tia sáng, tháng 4+5/2002)

Cơ sở kinh tế - xã hội - văn hóa - lịch sử như vậy tạo nên cơ sở thực tiễn để xác định năng lực, nhu cầu đọc đích thực của đa số người Việt: thiếu cơ sở để đọc nhiều, đọc rộng; động lực đọc dừng lại chủ yếu nhu cầu thỏa trí tò mò, là sự ham hiểu biết thụ động, ngắn hạn và không hệ thống.

Chúng ta ít đọc vì mục tiêu đi tìm chân lý. Là vì chân lý đã được khẳng định sẵn, là vì động cơ cạnh tranh quá yếu ớt. Chúng ta càng ít đọc vì nỗ lực đua tranh thực tiễn, vì tiền lương cao, vì sự đánh giá trí tuệ của xã hội. Tuy là một dân tộc mang nặng tính "thiết thực nông dân", song trong đa số trường hợp, người Việt đọc vì sự sĩ diện, vì "con gà tức nhau tiếng gáy".

5. Công cuộc chuyển đổi hệ thống diễn ra trong vài chục năm trở lại đây đã tạo ra một sự khởi động mới căn bản cho đời sống xã hội. Việc đọc sách cũng đang khởi sắc mạnh mẽ. Giờ đây, chúng ta có nhiều sách hơn để đọc; có nhiều dòng tri thức hơn để tiếp cận, đối chiếu và sản sinh cảm hứng tranh luận và đổi mới. Nhưng như vậy vẫn còn rất chưa đủ cho một cuộc lột xác toàn diện và triệt để.

Rất mừng là cơ chế thị trường với động lực cạnh tranh ngày càng hoàn thiện. Quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế được đẩy mạnh đang tạo ra cả cơ hội, thời cơ và các điều kiện thực tiễn để cải thiện sự "mê đọc sách" của người Việt, đưa nó lên một tầm cao mới, trong quỹ đạo giống loài người.

Trong môi trường đó, đọc sách đang ngày càng trở thành một yêu cầu, một nhu cầu sinh tử. Đọc trở thành công cụ tạo lợi thế trong cuộc đua tranh, để vượt lên sánh kịp thế giới trong thời đại tri thức và công nghệ hiện nay.

Từ đó, xin được nêu mấy điều cụ thể. Đối với Việt Nam hiện nay, cần phải đọc với tinh thần cạnh tranh quốc tế, để tận dụng thời cơ lớn (không bỏ lỡ thời cơ) do hội nhập mang lại; đọc để chuyển sang kinh tế tri thức, để vươn kịp thời đại, để khỏi tụt hậu muôn đời. 

Vì thế, phải đọc đa dạng, đọc trong thế mở cửa, không đơn tuyến, cấm kỵ vô lối, đọc với thái độ phê phán nhưng không thiên kiến.

Cần nhận thức đối với nước ta, "đi sau" là một lợi thế tuyệt đối. Nó cho phép tiếp thu tinh hoa thế giới với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất. Mà sách chính là vật dẫn truyền tinh hoa thuộc loại  phổ thông hiệu quả nhất. Lợi thế đi sau có, cộng hưởng với áp lực cạnh tranh quốc tế đang đè lên nhân cách người Việt, lên số phận dân tộc chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu sẽ tạo ra hợp lực sức mạnh và sự đồng thuận trong khát vọng vươn tới tri thức.

Để tận dụng lợi thế đó, cần đến hai tuyến lộ trình "đọc sách":

+ Đọc để học hỏi tri thức, để "bắt chước" thế giới nhanh và hiệu quả nhất (là quan trọng hàng đầu)

+ Đọc để bắt kịp tri thức thế giới, tạo lập nền tảng tri thức mới cho Việt Nam, trên cơ sở đó mà hình thành nền văn hóa và khoa học hiện đại (nghiên cứu phát minh) (riêng) của Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải lưu ý đến sự khác biệt giữa đọc sách và đọc báo. Đó là sự khác biệt bởi tri thức chứa đựng trong mỗi thứ. Vì thế chúng bổ sung cho nhau nhưng không thay thế được nhau. Vì giữa chúng, sự khác biệt là rất cơ bản - khác biệt ở tính hệ thống, dẫn tới sự khác biệt trong sản phẩm đọc - khác biệt trong tầm nhìn, trong tư duy và năng lực hành động.

Cuối cùng, cần phải tạo ra hai động lực xã hội mạnh của việc đọc: tự do cạnh tranh phát triển và tự do tranh luận, công khai. Cần có những diễn dàn rộng rãi hơn để truyền bá, phổ biến tri thức và tranh luận học thuật. Những diễn đàn đó, không khí học thuật đó sẽ thổi lửa thêm vào tiềm năng hiếu học và thích đọc của người Việt chúng ta.