Vài ý kiến đóng góp cho Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”

Đinh Bá Anh 
Dịch giả, Viện Goethe Hà Nội

1.
Người Việt Nam, vốn là một dân tộc vừa thực dụng vừa ham vui, chẳng có lý do gì mà không mê đọc sách nếu việc đọc ấy đem lại lợi ích hay sự vui thích cho họ.
Vì vậy, những lời than phiền gần đây về việc người Việt Nam không ham đọc sách (căn cứ vào số lượng sách được tiêu thụ trên thị trường, vào số lượng người sử dụng thư viện, vào thực tế rất ít người đọc sách trên tàu xe hoặc những nơi công cộng), chỉ có thể được giải thích rằng: họ thấy việc đọc sách ấy không đem lại ích lợi gì hoặc chẳng gây cho họ sự thích thú nào hết.

Nhưng không đọc sách thì có sao không? Thực ra, chẳng sao cả. Một khi không đọc sách vẫn có thể thi đỗ, vẫn có thể làm giàu, vẫn có thể thăng quan tiến chức thì việc đọc sách là thừa. Nghĩa là, một khi xã hội chỉ hướng người ta tới những tham vọng “ngắn hạn và thực dụng” như thế (bằng cấp, tiền bạc, quyền chức), thì người ta chỉ tập trung vào làm những gì để đạt tới những tham vọng ấy một cách nhanh nhất. Mà ở Việt Nam hiện nay, để đạt được những tham vọng ấy thì đọc sách không phải là việc được ưu tiên hàng đầu. (Hiển nhiên là có những con đường khác để đi đến thành công nhanh hơn, chắc chắn hơn, ít phiêu lưu mạo hiểm hơn.)

Một dân tộc không ham đọc sách vẫn luôn sản sinh ra những nhà triệu phú (xã hội nào mà chẳng có ai đó giàu hơn những người khác!), và một dân tộc không ham đọc sách thì vẫn có những vị lãnh đạo (xã hội nào mà chẳng có ai đó làm thủ tướng!), nhưng dân tộc đó rất khó có thể sản sinh ra những nhà khoa học hoặc những nghệ sĩ xuất chúng với những đóng góp lớn cho nhân loại. Thậm chí, nói thẳng ra, dân tộc ấy cũng khó mà sản sinh ra những chính khách hoặc những nhà doanh nghiệp có tầm vóc lớn, có ảnh hưởng về tư tưởng trên phạm vi quốc tế. Quá lắm dân tộc ấy cũng chỉ sản sinh ra những chính khách tầm tầm và những trọc phú tầm tầm mà thôi.

2.
Tình trạng không ham đọc sách của người Việt Nam hôm nay phải tìm nguyên nhân đầu tiên từ hệ thống giáo dục. Giáo dục không dạy cho học sinh từ bé thói quen đọc sách, thói quen chủ động ghi chép, thói quen tóm tắt các ý tưởng trong sách. Giáo dục không dạy cho học sinh tư duy độc lập, tư duy phê phán, thói quen đặt ra các câu hỏi. Giáo dục chỉ thiên về áp đặt chân lý, luân lý, không khuyến khích học sinh nghi vấn, tìm hiểu, phiêu lưu, sáng tạo. Là sản phẩm của một hệ thống giáo dục như thế, người ta khó mà có mà niềm vui trong việc đọc sách, bởi đọc sách là để được tự do thả mình theo các ý tưởng, để tìm hiểu, để tiếp nhận tri thức, nhưng cũng còn là để tranh luận, phản biện với sách. Đọc sách mà bị gò bó, không được khuyến khích nói ra quan điểm của mình, việc đọc ấy không thể đem lại cảm hứng được.

Nhiều nhà trí thức, nhà nghiên cứu giáo dục hàng đầu (như GS. Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc…) đã nói nhiều về cải cách giáo dục Việt Nam, nhưng tình hình có vẻ vẫn chưa thay đổi căn bản. Vấn đề hẳn là phức tạp, và tôi không muốn nói tới ở đây. Chỉ xin nhấn mạnh rằng: người ta không ham đọc sách là có nguyên nhân hàng đầu ở hệ thống giáo dục. Giáo dục sai.

Tiếp theo là những yếu tố ngoại cảnh. Người Việt Nam hiện nay đang phải sống trong một môi trường khá bất lợi cho việc đọc sách. Ở các nước phát triển, nhiều người đọc sách khi đi trên xe điện hoặc họ đọc sách vào những kỳ nghỉ. Ở Việt Nam, đa phần đi xe máy và cả năm hầu như không có kỳ nghỉ nào đủ dài. Cứ tính ra thời gian đi lại mỗi ngày 30 phút, một năm 180 giờ, cộng thêm 30 ngày nghỉ (mỗi ngày có thể dành 2 giờ cho việc đọc sách), công dân ở các nước phát triển đã có hàng năm nhiều hơn người Việt Nam tới… 240 giờ đọc sách rồi. Quý vị cứ thử tưởng tượng xem, với 240 giờ, ta có thể đọc những gì? Một người có tốc độ đọc chậm cũng có thể đọc 10 trang sách / 1giờ, như vậy với 240 giờ, anh ta có thể đọc… 2.400 trang sách!

Bên cạnh giao thông bất tiện, ít ngày nghỉ dài, điều kiện sống của người Việt Nam hiện nay cũng rất bất tiện cho việc đọc sách: ồn ào, chật chội. Người nào không có phòng riêng để đọc sách (phần lớn người Việt Nam hiện nay), sẽ phải ngồi đọc sách giữa tiếng tivi, tiếng nói chuyện của những người xung quanh. Đọc sách như thế, khó mà thấy hứng khởi được.

Rồi còn phải nói đến thói quen ăn uống, sinh hoạt của người Việt Nam: rất dềnh dàng, rườm rà, mất nhiều thời gian.

Vậy là, vừa không được hệ thống giáo dục khuyến khích, hướng dẫn, tập cho thói quen đọc sách, vừa bị các yếu tố ngoại cảnh và thói quen sinh hoạt chi phối, người Việt Nam hiện nay đang bị rơi vào một hoàn cảnh rất bất lợi cho việc đọc sách.

Tuy nhiên, trên đây là những nguyên nhân mà tôi xếp vào loại: chưa thể thay đổi ngay được. Thôi thì, cứ đành chấp nhận hệ thống giáo dục hiện thời như thế (sai từ gốc), chấp nhận hệ thống giao thông (hỗn loạn), chấp nhận thói quen sinh hoạt của người Việt Nam (không thay đổi được), câu hỏi đặt ra là: vậy thì chúng ta còn có thể làm gì để khuyến khích người Việt đọc sách?

3.
Tôi thử tìm câu trả lời ở các cơ quan xuất bản, báo chí, các hội trí thức. Tôi sẽ không phân tích dài dòng, mà muốn đưa ra một số giải pháp cụ thể, những giải pháp mà tôi nghĩ người ta có thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo tôi, để khuyến khích việc đọc sách, có thể tiến hành các biện pháp sau:

a) Tạo ra một “Tủ sách tri thức siêu rẻ”

Sách hiện nay quá đắt. Giả sử tôi là một sinh viên văn khoa, cần trang bị một tủ sách khoảng 300 cuốn (150 cuốn sách văn học nước ngoài, 100 cuốn văn học Việt Nam và 50 cuốn sách nghiên cứu) tôi cần phải trả trung bình khoảng 40.000 đ/cuốn (sách đã giảm giá), tổng cộng tôi cần 12 triệu VND. Đó là một số tiền lớn, vượt quá khả năng của rất nhiều sinh viên hiện nay.

Xét về tâm lý người đi mua sách, nếu thấy cuốn sách giá 10-20.000 đ, họ sẵn sàng mua, nhưng nếu giá lên đến 50 – 100.000 đ, họ bắt đầu ngại, nhất là sinh viên.

Ở Đức có một nhà xuất bản gọi là Reclam (http://www.reclam.de). Nhà xuất bản này có một tủ sách gọi là tủ sách sinh viên (Unviversität-Bibliothek). Đó là những cuốn sách bìa đen, giấy xấu, in chữ nhỏ, giá trung bình chỉ khoảng 2-5 Euro/cuốn, nghĩa là rẻ hơn những cuốn sách khác khoảng 5 lần. Tôi nhớ đã mua cuốn “Phê phán lý tính thuần túy” của Kant với giá 5 Euro, trong khi cũng cuốn sách như thế của Kant ở chỗ khác giá lên tới 28 Euro. Hiện nay cuốn Phê phán lý tính thuần túy của Kant ở Việt Nam giá là 150.000 đ. Nếu in theo lối của Reclam, tôi tin rằng giá sẽ giảm xuống còn 15.000 đ. Bất kì sinh viên nào cũng có thể mua được.

Vì vậy tôi cho rằng, một đơn vị nào đó của Việt Nam với khả năng phát hành mạnh nên lập ra một Tủ sách sinh viên như thế. “Tủ sách sinh viên” này sẽ bao gồm những cuốn sách tạm gọi là “xóa đói tri thức” trong tất cả các lĩnh vực: khoa học xã hội, triết học, văn chương, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa. Tất cả đều được in theo lối giản tiện nhất: bìa đen, giấy xấu, chữ nhỏ, miễn là biên tập tốt và đóng gáy chắc. Mỗi cuốn giá trung bình 10-15.000 đ.

Như vậy, một sinh viên nghèo vẫn có thể mua sách. Anh ta vẫn có thể sở hữu một tủ sách 300 cuốn sách tốt, trang bị được tri thức cho mình mà chỉ phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng.

Tủ sách giá rẻ này đã được Nxb Reclam lập ra năm 1867, cho đến nay đã được 141 năm. Năm ngoái, nhân kỉ niệm 140 năm “Tủ sách giá rẻ”, hay còn gọi là “tủ sách cho toàn dân”, Nxb có mời đến những trí thức lớn của Đức đến dự và phát biểu. Hóa ra hầu hết những đại diện lỗi lạc nhất trong giới học thuật và chính khách Đức thời sinh viên đều đã từng mua sách của Reclam, và họ đều nói rằng, nhờ Reclam mà họ có tủ sách riêng. Hóa ra không phải những cuốn sách gáy cứng bìa đẹp mới nuôi dưỡng các vĩ nhân, mà là những cuốn sách bìa đen, giấy xấu.

Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ như người ta thích chạy theo những thứ hào nhoáng bề ngoài. Quá nhiều cái rởm rít, vớ vẩn. Theo tôi, để khai sáng cho dân tộc, đây là thời điểm mà người ta nên mạnh dạn vứt hết tất cả những thứ thừa thãi đi, chỉ tập trung vào cái gì thực chất thôi. Cần phải làm một cuộc đột phá về giá sách. Tạo ra một tủ sách tri thức “siêu rẻ”. Tủ sách này có thể bán ở tất cả các nhà sách ở các trường đại học.

Giá sách, theo tôi là một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay. Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ xem người ta xếp hàng mua sách ở phố Nguyễn Xí thì thấy. Lý do? Rất đơn giản: vì ở đó có treo biển “Giám giá từ 30-50%!”. Thế thôi, chẳng cần phải quảng cáo gì cho dài dòng.

Nếu ra được một tủ sách siêu rẻ, trong đó Những người khốn khổ, trọn bộ, giá 30.000 đ, hoặc Khế ước xã hội, giá 10.000 đ”, Bàn về tự do giá 10.000 đ”, “Truyện Kiều, giá 5.000 đ, Hồ Chí Minh 10 tập, giá 50.000 đ”, tôi tin rằng chúng ta sẽ kéo được vô sô sinh viên nghèo tới hiệu sách rồi. Chỉ cần nghiên cứu loại sách của Reclam, tôi tin rằng người ta sẽ làm được như vậy.

b) Lập ra một tạp chí “Đọc rẻ”

Cùng với “Tủ sách tri thức giá rẻ”, có lẽ nên lập ra một tạp chí, tạm gọi là “Đọc rẻ”. Tạp chí này theo tôi nên xuất bản khoảng 2 lần trong năm, in theo lối giản tiện nhất và phát miễn phí cho sinh viên hoặc gửi đến các thư viện. Nội dung của tạp chí “Đọc rẻ” rất đơn giản: Giới thiệu các đầu sách mới xuất bản trong “Tủ sách tri thức giá rẻ”. Tiền cho tạp chí này có thể lấy từ nguồn quảng cáo (thực ra là một hình thức quảng cáo cho tủ sách giá rẻ), hoặc từ các tài trợ.

c) Vai trò của “SachHay.com”

Hiện nay chúng ta đã có dự án “SachHay.com”. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng của dự án này. Tôi nghĩ rằng “Tủ sách tri thức siêu rẻ” + “Tạp chí Đọc rẻ” + “SachHay.com” có thể là một kết hợp tốt mà “SachHay.com” chính là nơi nên triển khai chiến lược này. “SachHay.com” tạo ra một sân chơi tri thức có tính tương tác mạnh, thu hút sự tham gia tự nguyện và chủ động của các thành viên. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của sân chơi đó chính là làm sao kích thích người dân Việt Nam (đặc biệt là sinh viên, học sinh) mua sách, đọc sách. Muốn thế, vẫn phải có sách hợp túi tiền được bán ở những nơi thuận tiện thì người ta mới mua được.

“SachHay.com” có thể tạo ra các phong trào “off-line”, tạo ra các đội tình nguyện ở từng địa phương, tổ chức những chuyến dã ngoại, chở những cuốn sách “tri thức siêu rẻ” (mà thực chất là những cuốn sách khai sáng cho dân tộc) đi khắp các tỉnh thành của đất nước, tạo ra một phong trào mua sách, đọc sách rộng khắp. Điều đó chỉ có thể làm được một khi người ta tìm được sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: tri thức + quảng bá + giá.

Tri thức: chúng ta đã và đang có những cuốn sách tốt.

Quảng bá: Chúng ta có diễn đàn SachHay.com + tạp chí “Đọc rẻ”

Vấn đề cuối cùng: Hãy tìm ra một cái giá hợp lý và một kênh phát hành năng động.

Xin chúc Hội thảo thành công!

Hà Nội, 12.3.2008